Các nhà khoa học nói gì về tương lai bèo hoa dâu ở Việt Nam?
Ông Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam vừa trở về từ Sierra Leone mang theo giống bèo hoa dâu Azolla pinnata, cành to gấp nhiều lần bèo nội.
Một va li chứa loài bèo ngoại nhập
Ông hào hứng kể: “Vừa qua tôi đi Sierra Leone trong chương trình hợp tác với FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc) để phát triển ngành hàng lúa gạo ở đó. Tôi được phía bạn tặng cho một ít giống bèo bản địa ở đây nên xin giấy kiểm dịch thực vật rồi bỏ vào va li mang về nước, giao cho Viện Thổ nhưỡng Nông hóa để nhân giống và đánh giá chất lượng xem khả năng cung cấp đạm ra sao. Viện Thổ nhưỡng Nông hóa ngày xưa có Trung tâm nghiên cứu bèo hoa dâu nay đã bị xóa bỏ, giờ chúng tôi cũng muốn phục hồi lại.
Ông Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam tham quan trồng lúa ở Sierra Leone. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Việt Nam đang thúc đẩy nền nông nghiệp sinh thái, trong đó một trong các giải pháp là thay thế đạm hóa học bằng đạm tự nhiên, có thể được tổng hợp nhờ bèo hoa dâu. Tuy nhiên việc phát triển bèo hoa dâu cho sản xuất lúa với khối lượng lớn (ước lượng cần 200kg bèo dâu/ha lúa) cần tìm lại các giống bèo hoa dâu tốt là một khó khăn thách thức vì các giống bèo ở nước ta do lâu ngày không được duy trì nên đã mất đi khá nhiều. Thêm vào đó, nhược điểm của giống bèo hoa dâu ở miền Bắc nước ta là không chịu được nắng nóng.
Sierra Leone là quốc gia châu Phi có điều kiện sinh thái gần giống miền Nam Việt Nam. Tổ chức phi chính phủ ở đây đang thúc đẩy việc sử dụng bèo dâu cho sản xuất lúa do họ gặp khó khăn về nhập khẩu phân bón hóa học, giá phân hóa học trên thị trường thế giới đang rất cao. Sierra Leone có giống bèo Azolla pinnata dạng hình lớn hơn cây bèo của Việt Nam nhiều lần, có thể có tốc độ nhân sinh khối nhanh hơn.
Trước hết chúng tôi sẽ đánh giá khả năng cố định đạm của giống bèo mới này, cũng như khả năng nhân nhanh để phổ biến trong sản xuất. Các nghiên cứu về khả năng chịu bệnh của giống bèo mới cũng sẽ được tiến hành. Những kết quả của các nghiên cứu này sẽ được phổ biến và chia sẻ với Sierra Leone vì khả năng nghiên cứu của họ còn yếu, trong khi nhu cầu mở rộng áp dụng trong sản xuất lúa khá cao”.
Thả bèo hoa dâu chuẩn bị cấy lúa ở Sierra Leone. Ảnh: Đào Thế Anh.
Còn ông Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam thì nhận định, xu thế nông nghiệp bây giờ phải có phân hữu cơ. Đã nhiều năm, nông dân bón phân hóa học bởi chúng cho hiệu quả trước mắt, tiện dụng, cộng thêm tình trạng thiếu lao động nên đã bỏ cách làm phân hữu cơ thành ra đất bị thoái hóa cả về hữu cơ lẫn dinh dưỡng. Nhà nước cũng như Bộ NN-PTNT phải quay trở lại khuyến cáo nông dân dùng phân hữu cơ. Tuy nhiên cũng không nên cực đoan hữu cơ, bởi chỉ riêng hữu cơ là không đủ dinh dưỡng để nuôi sống cây trồng cho năng suất đủ mà phải hài hòa. Tốt nhất là bón 70% dinh dưỡng từ vô cơ, 30% dinh dưỡng từ hữu cơ.
Ông Nguyễn Văn Bộ chia sẻ: “Tỷ lệ nông nghiệp hữu cơ của thế giới chưa được 1%, chỉ là thị trường ngách, dành cho người nhiều tiền, ưa chuộng đặc sản. Phân hữu cơ khi bón có hai vai trò chính, một là cấp dinh dưỡng, thứ hai là làm nền để phát huy hiệu quả yếu tố vô cơ. Ngoài ra chúng còn giúp cho việc cải tạo đất, nhất là hệ vi sinh vật trong đất, nâng cao chất lượng và độ phì nhiêu. Đất của Việt Nam quá trình khoáng hóa mạnh hơn là mùn hóa cho nên bị thoái hóa về hữu cơ, có thể hàm lượng hữu cơ cao nhưng chất lượng lại thấp, cây khó hấp thụ…
Trước kia khi chăn nuôi lợn nông dân hay tạo các hố ủ phân ngay trong chuồng rồi cho các phụ phẩm nông nghiệp vào ủ cùng. Giờ họ chăn nuôi lợn kiểu công nghiệp, dùng nước để xả phân đi, mỗi con lợn phải dùng 35 - 40 lít nước/ngày cho việc đó. Thay vì nguyên lý là phải cô đặc chất thải thì người ta đem hòa loãng rồi thải ra môi trường, vừa mất dinh dưỡng, vừa phải xử lý môi trường rất mệt mỏi, tốn kém tới mỗi m3 nước thải khoảng 10.000 đồng.
Ông Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Dương Đình Tường.
Bên cạnh bón phân chuồng, vấn đề thả bèo hoa dâu hiện nay phải nhìn nhận khác so với trước. Không nên phủ nhận bèo hoa dâu như là một yếu tố tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp nhưng mục đích sử dụng của nó nên đa dạng thay vì chỉ hướng đến như là một nguồn phân xanh phục vụ cho sản xuất. Ngày xưa rất khó để giữ được bèo hoa dâu quanh năm, thứ nữa là diện tích cần thả lớn, rất khó cơ giới hóa.
Giờ theo tôi có thể sử dụng bèo hoa dâu ở ba hướng. Thứ nhất là một số nước trong đó có Ấn Độ họ nuôi bèo hoa dâu kiểu công nghiệp trong bể xây hay các bể đất được lót bằng vải địa sinh học, lấy sinh khối, sấy làm thức ăn cho gia cầm, thủy sản, lợn là nguồn protein tốt. Thứ hai là chiết xuất để làm nguyên liệu đầu vào cho ngành dược. Trước đây có Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đã phối hợp với Học viện Quân y làm ra chế phẩm Phylamin chiết xuất từ bèo hoa dâu. Thứ ba là để làm phân bón hữu cơ chất lượng cao, nghĩa là không sử dụng ngay tại ruộng thả bèo mà nuôi công nghiệp, thu hoạch liên tục.
Có một vấn đề là nếu sản xuất phân bón thì bèo hoa dâu có tỷ lệ nước rất cao, làm sao để sấy khô nó được? Trước đây chúng ta chỉ nói thả bèo hoa dâu ở đồng bằng, cho ruộng lúa thôi, giờ với công nghệ nuôi hiện đại có thể đưa lên miền núi để phục vụ cho nhiều mục đích. Thêm vào đó, trong mùa khô ở miền núi có thể phơi được bèo tốt hơn ở đồng bằng. Cuối cùng là đưa bèo hoa dâu vào sản xuất lúa gạo hữu cơ để gia tăng giá trị cho hạt gạo”.
Cánh đồng bèo hoa dâu làm dược liệu ở Thái Bình. Ảnh: Dương Đình Tường.
Không nên sợ sâu bệnh trên bèo
Tôi đem câu chuyện phục hưng bèo hoa dâu của các nhà khoa học kể cho ông Đinh Vĩnh Thụy - Giám đốc Sở NN-PTNT Thái Bình, quê hương của loại bèo này, cũng là địa phương đang có trên 1.700 hộ đại điền có diện tích canh tác từ 2ha trở lên. Ông khẳng định, chuyện đó nếu quyết tâm cao sẽ khả thi. Phục hưng bèo hoa dâu đòi hỏi phải thay đổi thói quen, tập quán trong canh tác lúa mà thói quen, tập quán chỉ thay đổi khi chính nông dân tự nhận thấy hiệu quả.
“Sử dụng bèo hoa dâu là một trong những hướng để phát triển nền nông nghiệp sạch, hữu cơ bởi đó là nguồn phân xanh rất tốt. Để làm được như thế thì bài toán vẫn là hiệu quả. Nếu sản phẩm cuối cùng là hạt gạo làm ra trên ruộng có thả bèo hoa dâu bán được đắt hơn nhiều lần hạt gạo thường thì nông dân sẽ làm. Nhà nước và doanh nghiệp phải tác động vào quá trình đó. Phải làm các mô hình mẫu. Phải công nhận sản phẩm lúa gạo sao cho nông dân bán được giá cao hơn, từ đó họ thấy rằng làm theo sẽ được nhiều tiền hơn mới mở rộng. Bản chất là thế chứ không làm theo phong trào.
Ông Đinh Vĩnh Thụy - Giám đốc Sở NN-PTNT Thái Bình. Ảnh: Dương Đình Tường.
Còn chuyện e ngại bèo hoa dâu có nhiều sâu bệnh, mà giờ xử lý thuốc nhiều sẽ đi ngược lại với xu thế của nông nghiệp sạch thì theo tôi không đúng. Sâu bệnh trên bèo hoa dâu xưa các cụ có cách xử lý rất hay mà nhiều bạn trẻ ngày nay không biết, không hình dung ra. Khi bèo chớm bị sâu hay trước khi phân ra ruộng khác thì sẽ phải trải qua công đoạn ủ bèo. Người ta đào một hố ở góc ruộng, bỏ bèo xuống rồi dùng bùn trát kín lại. Khoảng hơn 1 ngày sau, tất cả những con sâu trong đó sẽ bị chết hết vì thiếu không khí và người ta lại lấy bèo ra thả xuống ruộng. Với quy trình như thế thì không cần thuốc sâu.
Tôi chính là người ngày xưa trực tiếp làm những việc đó nên biết rõ. Còn chăm sóc bèo hoa dâu chỉ đơn giản là lân với tro bếp rắc xuống, chúng phát triển rễ rất nhanh. Khi rễ ra nhiều thì lá bèo càng to, càng xanh, tổng hợp đạm càng mạnh. Đạm cung cấp cho ruộng chính là nhờ bộ lá của bèo hoa dâu, có thể vớt để ủ thành phân rồi rắc hay để cho chúng chết từ từ ngay trên mặt ruộng.
Mô hình cấy lúa thả bèo hoa dâu theo tôi nên làm nhưng phải diện tích lớn vì liên quan đến quá trình cày, bừa, làm đất, ải, đổ nước… Thái Bình đang có hàng ngàn đại điền, khi họ thấy hiệu quả sẽ tự áp dụng thả bèo hoa dâu vào ruộng. Chỉ khi động cơ làm giàu của nông dân thực hiện được thì người ta mới hào hứng để làm”, ông Đinh Vĩnh Thụy nói.
Bèo hoa dâu là một trong những loài thực vật phát triển nhanh nhất trên trái đất, chúng có thể tăng gấp đôi sinh khối chỉ trong 2 - 3 ngày, góp phần giúp cho trái đất thay đổi khí hậu cách đây 50 triệu năm, trở thành một hành tinh đáng sống.
|
Hành trình quả vải Lục Ngạn sang Trung Quốc: Cách một bước chân, giá gấp đôi
Vượt qua biên giới chỉ chục km vào chợ đầu mối hoa quả lớn nhất Quảng Tây, giá vải Lục Ngạn (Bắc Giang) tăng gấp đôi.
Phát hiện loài tỏi rừng mới tại thác Bảy Nàng Tiên, Phong Điền
Các nhân viên bảo vệ rừng Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền đã phát hiện loài tỏi rừng mới mọc ở vách đá đỉnh thác Bảy Nàng Tiên, gần khu vực Rào Trăng.
Sản xuất lúa các bon thấp, lợi nhuận tăng đáng kể
Mô hình sản xuất lúa các bon thấp cho thấy hiệu quả tăng lợi nhuận khoảng 20 - 30% so với sản xuất truyền thống, nông dân Cần Thơ phấn khởi tham gia.
Cấp 'thẻ căn cước' cho tôm giống
'Nhất giống, nhì môi, tam mồi, tứ kỹ', đây là kinh nghiệm được truyền tai nhau để khẳng định tầm quan trọng của con giống trong nuôi trồng thủy sản.
Nông sản Việt Nam chất lượng rất tốt, nhưng bán hàng còn kém
Nông sản Việt Nam có chất lượng rất tốt, nhưng bán hàng còn kém. Nếu cải thiện được khâu này, nông sản Việt Nam sẽ còn đi xa hơn nữa trên thị trường thế giới.
Gợi ý chiến lược tạo vị thế dẫn đầu cho nông nghiệp Việt Nam
Với những lợi thế sẵn có, Việt Nam sẵn sàng tâm thế áp dụng công nghệ mới, tiên tiến theo dòng Cách mạng Công nghiệp 5.0 phát triển nông nghiệp tuần hoàn, bền vững.
Phát triển kinh tế vùng trung du và miền núi Bắc bộ - Sức bật mới cho khu vực
Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển bền vững với nhiều loại tài nguyên, khoáng sản quý hiếm và diện tích đồi rừng rộng lớn. Phát triển vùng là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng...
'Tứ nông' - góc nhìn thực tiễn
Người không có đất nông nghiệp để sản xuất, người mất việc từ khu công nghiệp trở về nông thôn tìm kiếm việc làm - người ta gọi những người/hộ đó là 'tứ nông'.
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa X, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của người dân, diện mạo nông thôn đã có nhiều đổi thay
Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thuỷ sản
Từ đầu năm 2022 đến nay diện tích nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh khoảng 1.200 ha, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2021.
Bình luận