Hành trình quả vải Lục Ngạn sang Trung Quốc: Cách một bước chân, giá gấp đôi
Vượt qua biên giới chỉ chục km vào chợ đầu mối hoa quả lớn nhất Quảng Tây, giá vải Lục Ngạn (Bắc Giang) tăng gấp đôi.
Xe container Việt Nam và Trung Quốc tại Trung tâm Hoa quả Bằng Tường, chợ đầu mối hoa quả lớn bậc nhất Quảng Tây. Các xe sẽ sang tải tại đây, từ đó xe container Trung Quốc sẽ tiếp tục đi tới các thị trường nội địa nước này. Ảnh: Văn Việt.
Giá gấp đôi
Chiếc container từ từ bò qua barrier, sau khi đã hoàn thiện thủ tục khai báo với hải quan. Chốt biên phòng bấm nút, nhấc barrier, xe tiếp tục lăn bánh đến Km số 0. Toàn bộ quy trình chưa đến 30 giây.
Cách đó vài mét là cả chục chiếc cột phun khử khuẩn của phía Trung Quốc. Qua tiếp “cửa ải” này, là đến khu vực làm thủ tục nhập khẩu của nước bạn. Nếu không có sự cố bất thường, lái xe sẽ mất tối đa 15 phút để tiếp tục hành trình vào Trung tâm Hoa quả Bằng Tường, được đặt cái tên rất kêu: Thủy quả thành (thành phố hoa quả).
10km từ đường biên giới hai nước, xe container chở vải Lục Ngạn vào đến “Thủy quả thành”, giá quả vải lúc này đã là 60.000đ/kg trở lên, gấp đôi mức thu mua trung bình tại vườn.
Nếu từ cổng “Thủy quả thành” đi ra phố ẩm thực cách đó 7km, giá vải Lục Ngạn, hay được biết tới với tên “Việt Nam lệ chi”, lên mức 130.000đ/kg.
“Mua đi, mua vải đi. Vải Việt Nam đầu mùa bao ngọt. Vài tiếng nữa hết hàng, muốn ăn thì trưa mai mới có”, Mã Tiểu Hoa, bà chủ một sạp hoa quả tại phố ẩm thực, đon đả chào mời khi thấy chúng tôi dừng chân trước sạp.
Bà Mã nói lô vải này vừa được nhập từ Trung tâm Hoa quả Bằng Tường lúc sáng. Dãy hàng hoa quả dài hơn 200m tại phố ẩm thực Bằng Tường, cùng một mức giá 40 NDT (khoảng 130.000 đồng) cho 1 kg vải Việt Nam, không hơn không kém. Mức giá này thay đổi theo ngày, phụ thuộc vào nguồn cung từ Lục Ngạn và các địa phương khác ở Việt Nam. Tuần tới, vào chính vụ, giá vải có thể hạ đôi chút, song không thể dưới mức 30 NDT (khoảng 110.000đ) mỗi kg. Đó là kinh nghiệm 10 năm bán hàng của bà Mã.
Khách mua vải Việt Nam của bà Mã Tiểu Hoa, một chủ sạp hoa quả tại phố ẩm thực Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc. Ảnh: Văn Việt.
Ở một góc khác, Lôi Sơn, chủ một sạp hoa quả, hơi trầm tư so với xung quanh. Anh thường dán mắt vào điện thoại, song nụ cười tươi rói sẽ lập tức bung ra khi có khách hàng dừng lại. Không phải vì không bán được hàng, mà vì quê của Lôi ở Cáp Nhĩ Tân, cách Bằng Tường xấp xỉ 4.000km. Khác biệt về chất giọng, khẩu âm, khiến Lôi ít tiếp xúc với các chủ hàng xung quanh hơn. Sạp của Lôi bán cả vải Việt Nam lẫn vải Trung Quốc.
"Vỏ quả vải Trung Quốc thường có màu xanh. Nếu vỏ đỏ, thì màu sẽ nhạt hơn vải Việt Nam vốn đỏ sậm toàn bộ quả. Cách nữa là xem gai ngoài vỏ, gai vải Trung Quốc nhọn hơn, nhìn được bằng mắt, cảm nhận rõ bằng tay”, Lôi nói. Chất hào sảng của dân Đông Bắc bộc lộ rõ từ giọng nói vang rền, đến việc nhiệt tình giới thiệu, nhiệt tình bóc vải cho khách ăn thử miễn phí, dù thấy khách chỉ hỏi, không mua.
Lôi nói cuộc sống mưu sinh đưa anh từ vùng giáp Nga, xuống tận vùng nhiệt đới giáp Việt Nam. Nếu có điều ước, thì Lôi ước gì đường sá to hơn, rộng hơn, làm thế nào quả vải từ vườn ở Việt Nam về đến quê anh ở Cáp Nhĩ Tân chỉ mất tối đa 3 ngày.
“Xa xỉ phẩm đấy. Cáp Nhĩ Tân lạnh lắm, âm vài chục độ là bình thường. Ở đó mà bán được quả vải Việt Nam còn tươi thì giá phải gấp 3 lần tại Bằng Tường”, Lôi nói.
Trước mắt, điều đó là chưa thể. Nếu chỉ tính riêng thời gian đi xe cá nhân từ Bằng Tường đến Cáp Nhĩ Tân, đã là 40 tiếng, xe container thời gian phải gấp đôi. Chi phí chưa chắc bù được giá bán.
Rào cản chữ tín
“Nếu nói về năng lực thông quan, sự hỗ trợ, vào cuộc nhiệt tình của các lực lượng tại cửa khẩu, thì doanh nghiệp chúng tôi không phàn nàn gì. Cả phía Trung Quốc và Việt Nam đều rất nỗ lực. Vấn đề là ở cách làm của doanh nghiệp", ông Tô Vạn Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc tại Quảng Tây, đến từ Công ty TNHH đầu tư Công nghiệp Đông Đằng cho biết.
Ông Tô nói câu chuyện của chủ sạp hàng họ Lôi không phải là không thể. Quả vải Việt Nam hiện xuất hiện như một món ăn cao cấp tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất nằm ở chữ tín.
Ông Tô Vạn Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc tại Quảng Tây. Ảnh: Tùng Đinh.
“Người trong nghề đều biết hiện Việt Nam và Trung Quốc chưa có nghị định thư về nông sản, trong khi Thái Lan đã làm được từ nhiều năm nay. Hàng Thái Lan vào Trung Quốc thì kiểm tra rất ít, song với hàng Việt Nam, có lẽ là kiểm tra 100%”, ông Tô nói, và cho biết đây là quy định của giới chức Trung Quốc với toàn bộ hàng nhập khẩu đến từ các nước chưa có nghị định thư.
Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, sâu bệnh, bùn đất còn bám trên quả, là những vấn đề không ít gặp. Thậm chí, có thương lái còn nhét cả sỏi đá vào thùng hoa quả để tăng trọng lượng. Lấy dẫn chứng cụ thể về quả sầu riêng, ông Tô cho biết 100% xe sầu riêng Việt Nam vào thị trường Trung Quốc đều bị kiểm tra gắt gao.
“Thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam nhiều năm rồi, họ tới tận vườn để thu mua. Nhưng lạ là khi sầu riêng đến Lạng Sơn, nhà xe lại dừng tại một cây xăng ngay quốc lộ, bỏ hàng xuống, chải lại vỏ cho sạch sâu, bụi. Vì sao không làm tốt ngay tại khâu đóng gói, mà đến tận Lạng Sơn mới làm?”, ông Tô đặt vấn đề.
Thương nhân có 30 năm làm ăn với Việt Nam, nói “một sự bất tín, vạn sự bất tin”. Từng có những xe hàng sầu riêng Việt Nam bị trả lại, vì dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vì không đủ độ chín như cam kết giữa hai bên, thậm chí còn cả sâu bệnh.
Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc tại Quảng Tây, nói ông lấy câu chuyện sầu riêng để cho thấy “ngành hàng nọ ảnh hưởng ngành hàng kia”. Chính vì có những mặt hàng làm không tốt, dù chỉ bị 1 container, thì toàn bộ nông sản Việt Nam đều bị ảnh hưởng, bị kiểm tra kỹ. Thời gian kiểm tra từng container, từng giỏ hàng, khiến cho việc nhập khẩu nông sản kéo dài thêm rất nhiều thời giờ.
Chia sẻ quan điểm này, Trung tá Trịnh Quang Hưng, Đồn trưởng Đồn biên phòng Tân Thanh, Lạng Sơn, cho biết: “Lực lượng nhân viên kiểm dịch nước nào cũng có hạn. Thương lái Trung Quốc sang đây nhiều, có chuyện gì họ cũng biết cả. Lên đến tận Lạng Sơn mới bỏ ra chải sâu, ai tin nổi?”.
Đối với quả vải, chỉ huy Đồn biên phòng Tân Thanh cho biết thực tế nhiều năm qua, cho thấy một điều là nông sản Việt Nam chưa xây dựng được lòng tin với đối tác.
“Chỉ một xe có sâu trên quả vải, phía Trung Quốc lập tức siết chặt kiểm tra ngay. Cho nên ngay từ những cái nhỏ như lạt buộc vải, thùng xốp đựng vải, cho đến mã vùng trồng, mã đóng gói, chúng ta phải làm nghiêm ngặt, thì mới có lòng tin. Từ đó, mới giảm được thời gian thông quan”, Đồn trưởng Hưng cho biết.
Tại phố ẩm thực Bằng Tường, 1 kg vải Lục Ngạn có giá khoảng 130.000 đồng.
Theo vị chỉ huy này, từ trước vụ vải, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã lên biên giới, phối hợp với giới chức Lạng Sơn tìm hiểu năng lực thông quan. Thực tế việc thông quan nhanh hay chậm, nhiều hay ít, không phụ thuộc nhiều vào các lực lượng ở cửa khẩu, mà ở các thương lái hai bên.
Hiện tại, quả vải là mặt hàng được ưu tiên xuất khẩu do nhanh chín. Đó cũng là một trong các nỗ lực tăng nhanh lượng thông quan ở Lạng Sơn. Các lực lượng ở cửa khẩu, phối hợp với Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, thống nhất “công thức” ưu tiên thứ tự như sau: 40% xe nông sản nhanh chín, 30% xe chở hàng hóa khác, 30% xe container rỗng.
Cụ thể hơn, thiếu tá Dương Thanh Tiệp, Trạm trưởng Trạm biên phòng Tân Thanh, nói câu chuyện “thương lái ép giá” là có vấn đề từ bên bán, tức phía thương lái Việt Nam. “Nhiều khi một container hàng, nửa ngoài thì hàng đẹp, đúng cam kết. Nhưng nửa sau, lại là quả nhỏ, xấu, chưa chín. Nên khi sang Trung Quốc rồi, thương lái họ thấy bị lừa, yêu cầu giảm giá vì không đúng như ký kết. Không giảm thì họ làm đơn tố cáo, đề nghị cơ quan chức năng bên kia giữ xe. Chuyện có thế thôi chứ không có gì gọi là ép giá hay lừa đảo cả”.
Vải Lục Ngạn bị đánh tráo
Ngược về Lục Ngạn, nơi có thương hiệu vải thiều nổi tiếng, câu chuyện mã số vùng trồng chưa khi nào hết nhức nhối.
Ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, cho biết toàn huyện có hơn 17.000ha vải. Sản lượng dự kiến trên 98.000 tấn. Năm nay được dự báo là mùa vải được mùa và có nhiều thuận lợi về tiêu thụ hơn các năm trước.
“Đã có một số địa phương sử dụng mã số vùng trồng cũng như mã số đóng gói không đúng quy định, không phải của Lục Ngạn để xuất khẩu hoặc mang tiêu thụ tại thị trường khác. Do vậy, chúng tôi đã thành lập các tổ công tác thường xuyên kiểm tra, rà soát, cảnh báo đến các hộ dân, tiểu thương. Đồng thời, chúng tôi tuyên truyền bà con hiểu, cam kết giữ thương hiệu, uy tín của vải Lục Ngạn”, ông Thi cho biết.
Chuyển vải từ xe máy lên xe tải ở Lục Ngạn, Bắc Giang. Đây cũng là nơi cân vải, sau đó sơ chế, đóng hộp để xuất sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Văn Việt.
Lãnh đạo huyện Lục Ngạn khẳng định nếu không giữ được mã số, thương hiệu thì “thiệt hại rất lớn”. Không chỉ một hộ hay một thương lái, mà việc đánh tráo này sẽ gây thiệt hại nặng nề cho toàn bộ vùng trồng.
“Trường hợp phát hiện các địa phương sử dụng mã số vùng trồng, mã số đóng gói của Lục Ngạn thì chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý theo quy định. Chúng tôi cũng kiến nghị các địa phương khác xử lý mạnh tay, thậm chí xử lý hình sự với việc gian lận mã số vùng trồng, mã số đóng gói”.
Ông Thi nhấn mạnh việc ở đâu giữ được thương hiệu thì sẽ giữ được giá trị và phát triển bền vững. “Tôi có thể khẳng định là không vùng nào có sản lượng, chất lượng tốt như vải Lục Ngạn. Chúng ta cần có quy định nghiêm ngặt hơn như thu hồi, cắt các mã số. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền để doanh nghiệp biết đến, không dám sử dụng mã số của Lục Ngạn. Vừa qua, có một trường hợp bị thu hồi mã số do mã đóng gói ở Lục Ngạn nhưng mang lên Sơn La đóng gói”.
Dự báo trong thời gian tới lưu lượng phương tiện gia tăng khi vải thiều vào chính vụ. Do vậy, theo kế hoạch, nhiệm vụ của Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Tân Thanh, cán bộ chiến sĩ của trạm sẽ tổ chức tăng ca và điều tiết, hướng dẫn phân luồng phương tiện ngay từ xe đến khu vực cửa khẩu.
Lực lượng biên phòng tại trạm kiểm soát biên phòng Tân Thanh và các lực lượng chức năng tại cửa khẩu đã chuẩn bị phương án tiếp nhận, làm thủ tục cho 100 - 200 xe vải thiều/ngày lên cửa khẩu Tân Thanh, đảm bảo thông thương nhanh chóng, công khai, minh bạch, tránh ùn ứ nông sản. Trung bình các năm trước có khoảng 100 - 150 xe vải thiều xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh mỗi ngày vào chính vụ.
Bên cạnh đó, lực lượng biên phòng chủ trì với các lực lượng chức năng khác thống nhất với các doanh nghiệp họp bàn, thống nhất phương án để ưu tiên mặt hàng vải thiều xuất khẩu sớm, tránh thiệt hại kinh tế. (Thiếu tá Dương Thanh Tiệp - Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn).
Phát hiện loài tỏi rừng mới tại thác Bảy Nàng Tiên, Phong Điền
Các nhân viên bảo vệ rừng Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền đã phát hiện loài tỏi rừng mới mọc ở vách đá đỉnh thác Bảy Nàng Tiên, gần khu vực Rào Trăng.
Các nhà khoa học nói gì về tương lai bèo hoa dâu ở Việt Nam?
Ông Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam vừa trở về từ Sierra Leone mang theo giống bèo hoa dâu Azolla pinnata, cành to gấp nhiều lần bèo nội.
Sản xuất lúa các bon thấp, lợi nhuận tăng đáng kể
Mô hình sản xuất lúa các bon thấp cho thấy hiệu quả tăng lợi nhuận khoảng 20 - 30% so với sản xuất truyền thống, nông dân Cần Thơ phấn khởi tham gia.
Cấp 'thẻ căn cước' cho tôm giống
'Nhất giống, nhì môi, tam mồi, tứ kỹ', đây là kinh nghiệm được truyền tai nhau để khẳng định tầm quan trọng của con giống trong nuôi trồng thủy sản.
Nông sản Việt Nam chất lượng rất tốt, nhưng bán hàng còn kém
Nông sản Việt Nam có chất lượng rất tốt, nhưng bán hàng còn kém. Nếu cải thiện được khâu này, nông sản Việt Nam sẽ còn đi xa hơn nữa trên thị trường thế giới.
Gợi ý chiến lược tạo vị thế dẫn đầu cho nông nghiệp Việt Nam
Với những lợi thế sẵn có, Việt Nam sẵn sàng tâm thế áp dụng công nghệ mới, tiên tiến theo dòng Cách mạng Công nghiệp 5.0 phát triển nông nghiệp tuần hoàn, bền vững.
Phát triển kinh tế vùng trung du và miền núi Bắc bộ - Sức bật mới cho khu vực
Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển bền vững với nhiều loại tài nguyên, khoáng sản quý hiếm và diện tích đồi rừng rộng lớn. Phát triển vùng là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng...
'Tứ nông' - góc nhìn thực tiễn
Người không có đất nông nghiệp để sản xuất, người mất việc từ khu công nghiệp trở về nông thôn tìm kiếm việc làm - người ta gọi những người/hộ đó là 'tứ nông'.
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa X, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của người dân, diện mạo nông thôn đã có nhiều đổi thay
Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thuỷ sản
Từ đầu năm 2022 đến nay diện tích nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh khoảng 1.200 ha, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2021.
Bình luận