Cần coi quyền sử dụng đất nông nghiệp như quyền tài sản

Ngày 24/6, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ NN-PTNT về công tác tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW và Nghị quyết 26-NQ/TW.

Diện tích đất lúa hiện vẫn ở mức 4,12 triệu ha
Ông Trần Tuấn Anh nêu rõ, Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới chính sách đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là những Nghị quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng, đóng vai trò nền tảng trong phát triển đất kinh tế, xã hội đất nước.

tran-tuan-anh-4-1921_20210624_256-203001.jpeg

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ NN-PTNT. Ảnh: Tùng Đinh.

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng Khóa XI nói chung và Luật Đất đai năm 2013 nói riêng đã mang lại những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội nói chung, đặc biệt là lĩnh vực phát triển nông nghiệp và nông thôn nói riêng.

Việc triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW cũng đã mang đến cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn một bộ mặt mới, sức sống mới, niềm tin lớn vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Chính vì vậy, buổi làm việc đã tập trung làm rõ những nội dung lớn, đặc biệt là những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, tổng kết hai Nghị quyết trên của Trung ương, nhìn rõ những mặt được và chưa được về chủ trương, những vấn đề liên quan đến quản lý và quản trị, sử dụng có hiệu quả đất đai phục vụ cho phát triển bền vững của đất nước.

Báo cáo của Ban Cán sự Đảng Bộ NN-PTNT thể hiện, trong gần 10 năm qua, Bộ NN-PTNT đã ban hành 32 văn bản có liên quan đến đất đai, trong đó có 6 Luật, 15 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng, 9 Thông tư và 1 Thông tư liên tịch để hướng dẫn, thể chế hóa Nghị quyết 19-NQ/TW.

Kết quả thực hiện, về quy hoạch sử dụng đất, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Bộ TN-MT điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2020 là 27,038 triệu ha, trong đó đất trồng lúa cần giữ và bảo vệ 3,76 triệu ha, trên thực tế diện tích đất lúa hiện vẫn ở mức 4,12 triệu ha.

Tổng hợp báo cáo từ 63 tỉnh, thành, trong giai đoạn 2017 - 2020, cả nước đã chuyển đổi hơn 682 ngàn ha gieo trồng lúa chủ yếu kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả và các loại hình có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Bộ NN-PTNT cũng đã ban hành Bộ tiêu chí rà soát diện tích đất, rừng phòng hộ đầu nguồn, ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất. Đến năm 2020 còn hơn 16,244 triệu ha đất lâm nghiệp, trong đó đất rừng phòng hộ hơn 4,6 triệu ha, đất rừng đặc dụng hơn 2,358 triệu ha, đất rừng sản xuất hơn 9,2 triệu ha. Toàn quốc còn hơn 14,677 triệu ha rừng...

Thời gian qua, Bộ NN-PTNT cũng đã rà soát, cắt giảm 7 thủ tục hành chính về giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng.

"Các chính sách về đất nông nghiệp vẫn còn bị bó hẹp"
Báo cáo của Ban Cán sự Đảng Bộ NN-PTNT đã đúc rút 6 tồn tại, hạn chế và nguyên nhân cần tiếp tục hoàn thiện để thúc đẩy phát triển bền vững thị trường quyền sử dụng đất, để người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận đất đai thuận lợi, khả thi hơn trong đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, các chính sách về đất nông nghiệp vẫn còn bị bó hẹp do chưa có cơ chế thúc đẩy hoạt động thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp theo cơ chế thị trường. Chưa có cơ chế pháp lý để doanh nghiệp thuê đất nông nghiệp dài hạn, sử dụng quyền thuê đất để thế chấp vay vốn ngân hàng.

Chưa có cơ chế pháp lý để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông nghiệp được chuyển đổi một phần diện tích xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ phục vụ cho hoạt động trước và sau sản xuất nông nghiệp hay cơ chế để Nhà nước tham gia vào thu hồi đất cho phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

can-coi-quyen-su-dung-dat-nong-nghiep-nhu-quyen-tai-san-1950_20210624_807-203003.jpeg

Nông dân Vĩnh Phúc bên thửa ruộng toàn sâu, bệnh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thứ hai, ruộng đất được phân chia cho hộ gia đình nên phân tán, manh mún đang cản trở việc ứng dụng cơ giới hóa, khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp.

Thứ ba, về căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất dựa trên quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên quy hoạch này thường được xây dựng cho 10 năm, do đó khi quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội thay đổi thường xuyên, quy hoạch sử dụng đất sẽ bị điều chỉnh, thay đổi theo gây xáo trộn, thiếu ổn định trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai. Việc tiếp cận đất nông nghiệp của doanh nghiệp còn gặp khó khăn do công tác công bố, công khai quỹ đất dành cho phát triển nông nghiệp trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên thực tế chưa tốt, chưa rõ ràng.

Thứ tư, chưa có chính sách ưu tiên quỹ đất cho việc sản xuất muối ở những vùng đất làm muối có năng suất, chất lượng cao, từng bước chuyển diện tích sản xuất thủ công, kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản; chính sách ưu tiên quỹ đất để xây dựng các khu chế biến thủy sản trong đó ưu tiên tập trung cho các làng nghề thủy sản; di dời các cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường; mở rộng, xây mới các cơ sở chế biến sản phẩm thủy sản mới, có giá trị gia tăng cao; chính sách đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công tư để xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp.

Thứ năm, việc quản lý, sử dụng đất tại các công ty nông, lâm nghiệp thực hiện sắp xếp, đổi mới theo Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI hiệu quả còn thấp, phức tạp. Tình trạng cho thuê, cho mượn, sử dụng đất không đúng đối tượng, tranh chấp, lấn chiếm đất đai sau sắp xếp vẫn tiếp tục xảy ra, chậm được xử lý dứt điểm nhất là đối với diện tích khoán ổn định lâu dài cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư. Việc xử lý đất giao khoán ở một số nơi thực hiện chưa tốt, làm phát sinh tranh chấp giữa người nhận khoán và công ty, giữa người nhận khoán với nhau.

Thứ sáu, việc phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, ngành, địa phương trong quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều nội dung chưa cụ thể, đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đất đai và các Luật chuyên ngành khác như Luật Lâm nghiệp, Luật Trồng trọt, Luật Nhà ở...

Thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đất đai nhất là các thủ tục liên quan đến chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư còn dài, ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Hình thành thị trường giao dịch quyền sử dụng đất nông nghiệp
Để giải quyết những tồn tại nêu trên, Bộ NN-PTNT kiến nghị, đề xuất tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và hoạt động của các đoàn thể trong thực hiện chính sách pháp luật về đất đai.

Đẩy mạnh thông tin truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về đất đai để người dân hưởng ứng, làm theo, nhất là chủ trương thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn.

tran-tuan-anh-22-1921_20210624_655-203005.jpeg

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương. Ảnh: Tùng Đinh. 

Thứ hai là tiếp tục rà soát, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 để tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai ở Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới.

Cụ thể, đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ nền nông nghiệp sản lượng cao sang nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững, từ chuỗi liên kết cung ứng nông sản sang chuỗi liên kết giá trị ngành hàng.

Coi quyền sử dụng đất nông nghiệp như quyền tài sản để người dân dễ dàng chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn, thế chấp trong một thị trường giao dịch thống nhất như tất cả các loại hàng hóa khác, trừ trường hợp liên quan đến chủ quyền và an ninh quốc gia được quy định rõ ràng trong luật.

Hình thành thị trường giao dịch quyền sử dụng đất nông nghiệp với điều kiện vận hành thuận nhất, chi phí giao dịch thấp nhất.

Phát huy vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ và tạo động lực cho các thành phần kinh tế khác đầu tư vào các loại đất nông nghiệp chưa đem lại hiệu quả kinh tế như đất trống, đồi núi trọc...

Phân bổ hợp lý, sử dụng đất đai đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả, bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chính sách, cơ chế về kinh tế, tài chính để phát huy nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đảm bảo ổn định chính trị; hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; điều kiện chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; những bất cập, không thống nhất giữa pháp luật đất đai với pháp luật chuyên ngành (Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản, Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi) bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ, giữ vững nguyên tắc pháp chế và tính nghiêm minh của pháp luật về đất đai.

can-coi-quyen-su-dung-dat-nong-nghiep-nhu-quyen-tai-san-213858_20210624_643.jpg

Người đàn ông đi thuyền trên thửa ruộng bỏ hoang, mọc toàn lúa chét ở tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thực hiện quản trị tốt về đất đai trong quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch theo mục đích sử dụng và quy hoạch theo không gian trong đó tập trung công khai, minh bạch các thông tin về quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo sự tham gia hiệu quả của tổ chức, công dân trong quá trình quy hoạch sử dụng đất, nâng cao chất lượng, bảo vệ đất chuyên trồng lúa nước, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giữ vững ổn định chính trị, xã hội và phát triển bền vững.

Tiếp tục thực hiện giao đất, cho thuê đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân có thời hạn nhưng có thể kéo dài hơn để khuyến khích nông dân gắn bó hơn với đồng ruộng và yên tâm đầu tư sản xuất. Đồng thời mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng, từng giai đoạn tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ, tập trung đất, từng bước hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp.

Tạo lập cơ chế, chính sách trong quá trình tập trung đất đai phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp phù hợp với quá trình chuyển dịch lao động nông nghiệp sang ngành, nghề khác; bổ sung chính sách để hình thành thị trường giao dịch quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Bổ sung các quy định để đảm bảo sử dụng linh hoạt đất nông nghiệp, trong đó có đất lúa.

Có cơ chế, chính sách cụ thể đối với việc góp vốn chuyển quyền sử dụng đất và góp vốn không chuyển quyền sử dụng đất. Xây dựng cơ chế pháp lý để doanh nghiệp nhận góp vốn thông qua nhận quyền sử dụng đất có thể thế chấp vay vốn ngân hàng.

Quy hoạch vùng chuyên canh, đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công tư để xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, thu hút đầu tư của doanh nghiệp. Đơn giản hóa thủ tục, đổi mới chính sách hỗ trợ hiện có để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào những vùng chuyên canh này.

Nhìn nhận lại vấn đề an ninh lương thực
Gắn bó sâu sát với người dân đồng bằng sông Cửu Long, tại buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương, ông Lê Minh Hoan - người từng giữ Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đã có một số ý kiến, góc nhìn mới mẻ về bảo vệ đất lúa, an ninh lương thực nhằm mục đích cùng nghiên cứu, thảo luận, đóng góp ý kiến để có những quyết sách phù hợp.

Về vấn đề đất lúa, ông Lê Minh Hoan kể câu chuyện đi thăm người nông dân viết thư cho Thủ tướng đề nghị hỗ trợ người trồng lúa để đảm bảo mức lợi nhuận 30%. Người nông dân đó nói với ông Lê Minh Hoan: Nếu người trồng lúa có lợi nhuận, nông dân sẵn sàng mang mùng, chiếu ra ngủ ruộng để đảm bảo an ninh lương thực, còn nếu lợi nhuận thấp thế này chúng tôi sẽ bỏ ruộng, để câu chuyện an ninh lương thực lại cho Chính phủ.

“Câu chuyện đó đáng để suy nghĩ về ý chí của chúng ta và thực tiễn đời sống xã hội”, ông Lê Minh Hoan nói.

can-coi-quyen-su-dung-dat-nong-nghiep-nhu-quyen-tai-san-1948_20210624_611-203006.jpeg

Vấn đề an ninh lương thực không chỉ là lúa gạo.

Thứ hai là an ninh lương thực, trước giờ đồng nhất là lúa gạo nhưng bây giờ thế giới đã định nghĩa rộng hơn, bao gồm cả thực phẩm, chất dinh dưỡng khác để thay thế chứ không riêng gì lúa gạo. Cho nên đảm bảo mục tiêu giữ đất lúa là một chuyện còn cây trồng ở trên đó như thế nào lại là một chuyện và cần phải thảo luận để định vị lại.

“Tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn mới không phải tăng diện tích này, giảm diện tích kia mà phải tổ chức chuyển đổi mô hình, tư duy để tăng giá trị gia tăng trong nông nghiệp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Ông Trần Tuấn Anh đánh giá cao những nỗ lực của Bộ NN-PTNT trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ Tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW và triển khai chuẩn bị tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW. Kết quả trao đổi, thảo luận tại cuộc làm việc này là những nội dung quan trọng ban đầu, cần tiếp tục được nghiên cứu thấu đáo để hoàn thiện nội dung tổng kết, hoàn thiện báo cáo tổng kết chung trình Ban Chấp hành Trung ương.

Ông Trần Tuấn Anh yêu cầu công tác tổ chức tổng kết phải được tiến hành khoa học, bám sát thực tiễn, đánh giá đúng tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết và đề ra định hướng, giải pháp phù hợp. Giúp Ban Chỉ đạo bổ sung những ý tưởng, nội dung quan trọng trong một số vấn đề xây dựng Nghị quyết mới về đất đai và Nghị quyết mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; gợi mở những chủ trương, định hướng, giải pháp trong thời kỳ mới, với mục tiêu đưa nguồn tài nguyên đất đai, đặc biệt là đất nông nghiệp trở thành nguồn lực và động lực mới thúc đẩy nông nghiệp, kinh tế, xã hội nông thôn nước ta phát triển nhanh và bền vững hơn.

Đối với việc tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW, thực tiễn từ lĩnh vực đất đai là rất đa dạng, nhiều vấn đề mới cần được xem xét, giải quyết, đòi hỏi phải có sự  tập trung chỉ đạo thống nhất, khoa học, khẩn trương, đặc biệt là trước yêu cầu về thời gian hoàn thành và trình Ban Chấp hành Trung ương vào đầu tháng 10 năm 2021, trong khi thời gian để hoàn thiện nội dung tổng kết không còn nhiều, lại chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 gây khó khăn rất lớn cho việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ Tổng kết Nghị quyết này.

Việc triển khai chuẩn bị tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng đòi hỏi phải hết sức khẩn trương, khoa học. Tình hình đó đòi hỏi Bộ NN-PTNT và các cơ quan liên quan cần nỗ lực với quyết tâm lớn để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng này.

Giải bài toán các nông, lâm trường 

Tại buổi làm việc Ban Kinh tế Trung ương, Ban Cán sự Đảng Bộ NN-PTNT cũng đã báo cáo tóm tắt chuyên đề về quản lý sử dụng đất đai tại nông lâm trường quốc doanh, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng.

Kết quả sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết số 30-NQTW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị, đến thời điểm hiện tại có 165/256 công ty nông, lâm nghiệp đã hoàn thành việc sắp xếp, chuyển sang hoạt động theo mô hình mới.

Trước khi sắp xếp, các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng hơn 2,2 triệu ha, gồm: đất nông nghiệp gần 2,2 triệu ha, đất phi nông nghiệp hơn 36 ngàn ha. Theo phương án sử dụng đất, các công ty tiếp tục quản lý, sử dụng trên 1,8 triệu ha, diện tích dự kiến bàn giao về địa phương khoảng 463 ngàn ha, đã thực hiện bàn giao về địa phương hơn 91 ngàn ha còn trên 370 ngàn ha. Có 234 công ty và chi nhánh hoàn thành đo đạc, lập bản đồ địa chính; cấp 2.611 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 57 công ty và chi nhánh tại 20 tỉnh.

Tuy nhiên, đối với nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW mặc dù đạt được một số kết quả nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Các nông, lâm trường quản lý diện tích đất đai khá lớn, song sử dụng đất kém hiệu quả, lãng phí; phần lớn các nông, lâm trường chưa chuyển sang thuê đất; các lâm trường được giao quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên còn để tình trạng rừng bị chặt phá, ngày càng nghèo kiệt; vẫn còn tình trạng để đất hoang hoá chưa sử dụng.

Việc rà soát hiện trạng sử dụng đất của các nông, lâm trường mới chủ yếu thực hiện trên sổ sách mà không được rà soát trên thực địa; còn nhiều nông, lâm trường chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đất đai.

Tại một số đơn vị sau khi cổ phần hóa, công tác quản lý đất đai tiếp tục lỏng lẻo, nhiều diện tích đã bị chuyển mục đích sử dụng, chuyển nhượng trái phép không thu hồi được; tình trạng khoán trắng đã gây khó khăn khi làm thủ tục chuyển sang giao đất hoặc thuê đất theo quy định của Luật Đất đai.

Ban Cán sự Đảng Bộ NN-PTNT đề xuất tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về quản lý đất đai, sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp, bảo đảm quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tài nguyên rừng, phù hợp với quy hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững và hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận số 82-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW các Bộ, ngành và các địa phương, đơn vị có căn cứ tổ chức thực hiện. Chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, ban quan lý rừng nhất là các quy định liên quan tới quản lý, sử dụng đất đai.

Nghiên cứu có cơ chế riêng về tài chính, đất đai đối với công ty nông, lâm nghiệp, chính sách khuyến khích sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. Các bộ, ngành khẩn trương, quyết liệt nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách về sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp và quản lý, sử dụng đất, rừng theo chỉ đạo, phân công…

 

 

Bình luận

Giải ''bài toán'' khó cho ngành chăn nuôi

Thời điểm hiện tại, giá các loại sản phẩm gia súc, gia cầm đã “nhúc nhích” tăng trở lại. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi vẫn liên tục tăng với tốc độ “phi mã” khiến cho chi phí “đầu vào” tăng theo, nên với người chăn nuôi, phía trước vẫn là thách thức.

Nắm chắc dữ liệu nông sản trước khi đưa ra thị trường

Qua khảo sát tại địa phương, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá nhiều nơi còn lơ là, chủ quan trong công tác dự tính, dự báo về tổ chức sản xuất.

Giá phân bón tăng phi mã, Bộ NN-PTNT kiến nghị sửa luật

Việc giá phân bón tăng cao làm cho chi phí sản xuất nông nghiệp tăng theo, nông dân sẽ là những đối tượng bị thiệt hại nặng nề nhất.

Biến đổi khí hậu là trở ngại lớn nhất với hệ thống lương thực ASEAN

Hơn một nửa những nhà hoạch định chính sách trong khu vực đã đồng ý rằng biến đổi khí hậu là trở ngại lớn nhất mà hệ thống lương thực ASEAN đang phải đối mặt.

Cần quy hoạch vùng trồng hoa xuất khẩu

Từ việc xây dựng thành công các vùng trồng hoa, cây cảnh chuyên canh, những năm gần đây, trên địa bàn Hà Nội đã có một số doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà vườn sản xuất hoa, cây cảnh theo quy trình công nghệ cao, tạo ra nhiều sản phẩm xuất khẩu.

Nhiều cơ chế ưu đãi cho mặt hàng nông sản chủ lực

Tại văn bản trả lời kiến nghị cử tri mới đây, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh việc phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được Chính phủ và ngành ngân hàng xác định là lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, mặt hàng nông sản chủ lực đang áp dụng nhiều cơ chế ưu đãi

Tạo cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản

Thu hút đầu tư vào chế biến nông sản là một trong những giải pháp trọng tâm để giải quyết bài toán "được mùa - mất giá", khủng hoảng thừa cho sản phẩm nông nghiệp.

Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại Long An

Sau hơn một năm Long An thực hiện "Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025" bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Hợp tác xã nông nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng

Tín dụng cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn quá ít so với nhu cầu, hợp tác xã, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp khó đáp ứng được các yêu cầu và điều kiện vay vốn của tổ chức tín dụng để tiếp cận được vốn vay.

Phê duyệt Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định phê duyệt Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản trên phạm vi cả nước định kỳ 5 năm đến năm 2030.