'Chia tay' với sự trì trệ nhờ liên kết sản xuất lúa giống

Hơn 10 năm qua, chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa giống với ThaiBinh Seed đã giúp hơn 500 hộ dân của HTX Nông nghiệp Nhơn Thọ 2 ăn nên làm ra…

Cán bộ vất vả, nông dân tăng thu nhập

Năm 2008, Công ty Cổ phần Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình (nay là Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed) vào đặt mối liên kết sản xuất, bao tiêu lúa giống tại xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn, Bình Định). Nghe ngóng, ông Phạm Văn Tân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nhơn Thọ 2 (thị xã An Nhơn) biết mối liên kết này mang lại lợi ích lớn cho nông dân nên đã chủ động liên hệ với ThaiBinh Seed đặt vấn đề đưa mối liên kết này về với HTX.

watermark_1-1135_20211207_161-162036.jpeg

Năng suất ruộng lúa giống của HTX Nông nghiệp Nhơn Thọ 2 đạt bình quân trên 70 tạ/ha. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Khảo sát thực tế, ThaiBinh Seed nhận thấy đồng ruộng của HTX Nhơn Thọ 2 đã được cải tạo bằng phẳng, liên vùng, lô thửa có diện tích lớn, bờ vùng bờ thửa rạch ròi, hệ thống kênh mương đảm bảo việc cung cấp nước tưới nên đã "gật đầu" làm đối tác sản xuất lúa giống tại đây. 

“Thời gian đầu, diện tích sản xuất giống của HTX rất ít, chỉ vài chục ha, mỗi năm cung ứng cho ThaiBinh Seed chỉ khoảng vài ba chục tấn lúa giống. Càng về sau, diện tích càng tăng dần lên hàng trăm ha. Đến năm 2021, ThaiBinh Seed hợp đồng với HTX sản xuất hơn 200 ha lúa giống (trong đó vụ đông xuân 2020 - 2021 gần 136 ha”, ông Phạm Văn Tân chia sẻ.

Để guồng máy sản xuất lúa giống hoạt động trơn tru, cán bộ HTX phải “chia tay” với tính chây ì và trở nên năng động mới có thể vận hành mối liên kết hoạt động suôn sẻ. Từ khi có mối liên kết sản xuất lúa giống, công việc của cán bộ HTX dày kín từ đầu vụ đến cuối vụ. Trước khi bước vào sản xuất, cán bộ HTX phối hợp với cán bộ kỹ thuật của ThaiBinh Seed đến từng hộ dân để cấp giống. Sau đó tổ chức diệt chuột, dẫn nước vào ruộng, bố trí làm đất. Tiếp đến là tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân kỹ thuật gieo sạ, chăm sóc lúa...

watermark_2-1135_20211207_216-162038.jpeg

Nông dân HTX Nhơn Thọ 2 khử lẫn ruộng lúa giống. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đến giai đoạn bón phân, HTX thông báo cụ thể bón phân lần 1 hàm lượng bao nhiêu, từng diện tích bón bao nhiêu ký phân loại gì được thông báo rất cụ thể. Trong quá trình lúa sinh trưởng, nếu cán bộ kỹ thuật phát hiện sâu bệnh, HTX và công ty sẽ phối hợp mang thuốc BVTV ra đồng ứng trước cho nông dân và trực tiếp hướng dẫn sử dụng.

Đến giai đoạn khử lẫn cho ruộng lúa giống, HTX đứng ra thuê nhân công và trực tiếp ra đồng điều hành, hướng dẫn việc khử lẫn. Mỗi vụ, việc khử lẫn được thực hiện 2 lần. Bận rộn nhất là giai đoạn thu hoạch. Kế hoạch thu hoạch cánh đồng lúa giống được HTX xây dựng trước, tính toán hợp đồng máy gặt đập, bố trí thu hoạch vùng nào trước, vùng nào sau, phân công cho cán bộ từng vùng trách nhiệm để điều hành việc thu hoạch.

Theo ông Tân, nông dân tham gia sản xuất lúa giống yên tâm về đầu vào, bởi được HTX ứng trước vật tư nông nghiệp như giống, phân bón, thuốc BVTV với giá rẻ và chất lượng; khi thu hoạch bán lúa giống mới thanh toán không tính lãi, nhờ đó nông dân được giảm áp lực về vốn đầu tư.

“Bình quân giá thu mua lúa giống cao hơn giá lúa thương phẩm từ 1.500 - 1.700 đồng/kg, nhờ đó lợi nhuận của nông dân tăng thêm từ 20 - 25% so với sản xuất thông thường. Tham gia sản xuất lúa giống, nông dân thay đổi được tập quán sản xuất, biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật, cơ giới vào sản xuất. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nông dân tham gia mô hình liên kết sản xuất được HTX bao tiêu sản phẩm với giá cao, tổ chức thu mua nhanh gọn”, ông Phạm Văn Tân chia sẻ.

watermark_3-1135_20211207_537-162041.jpeg

HTX Nông nghiệp Nhơn Thọ 2 thu hoạch ruộng lúa giống. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cũng theo ông Tân, tham gia mô hình liên kết, hoạt động của HTX thực hiện đúng bản chất của HTX kiểu mới; giải quyết việc làm ổn định và tăng thu nhập cho thành viên, doanh thu HTX tăng lên. Ngoài lợi nhuận mang lại trực tiếp cho thành viên, HTX còn tích luỹ lợi nhuận để tổ chức hoạt động, chia lãi theo vốn góp cho thành viên. Nhờ đó, HTX góp phần thực hiện hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Mối liên kết ngày càng được thắt chặt

Sau 12 năm liên kết sản xuất lúa giống với ThaiBinh Seed, HTX Nhơn Thọ 2 đã mang đến cho hơn 500 hộ nông dân hướng sản xuất bền vừng, thu nhập ổn định. Sản xuất lúa giống năng suất đạt cao, bình quân trên 70 tạ/ha, cá biệt có nhiều diện tích đạt đến 100 tạ/ha.

watermark_4-1135_20211207_746-162042.jpeg

Lúa giống thu hoạch xong được đưa về sân phơi của HTX Nông nghiệp Nhơn Thọ 2. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nhờ sản xuất có hiệu quả, nhiều nông dân ở HTX đã đi thuê ruộng của những hộ không có lao động để tham gia làm lúa giống. Hiện có hộ mỗi vụ bán cho doanh nghiệp đến 20 tấn lúa giống, ví như hộ ông Trương Thanh Vân và Nguyễn Văn Chín ở thôn Thọ Lộc 1. “Tôi thuê ruộng với giá 80 kg lúa/sào/vụ (500m2/sào) để sản xuất lúa giống. Mỗi sào ruộng mỗi vụ tôi làm được 350 kg lúa giống, khi bán giá lại cao hơn giá thị trường thêm 25%, sau khi trừ chi phí còn lãi rất khá”, nông dân Trương Thanh Vân cho hay.

Theo ông Tân, ngoài mang lại hiệu quả kinh tế, mô hình liên kết sản xuất còn mang đến cho nông dân nhiều kiến thức mới trong sản xuất lúa. Từ khi tham gia sản xuất lúa giống, nông dân ở đây đã biết ứng dụng quy trình kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI) vào canh tác. Bà con đã rành việc sử dụng phù hợp giống, phân bón, thuốc BVTV, nước tưới để giảm chi phí đầu vào nhưng năng suất lại tăng, sản phẩm được nâng cao chất lượng.

watermark_5-1135_20211207_567-162045.jpeg

Trước khi nhập lúa giống cho ThaiBinh Seed, nông dân rê lúa kỹ lưỡng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Trong vụ thu 2021 vừa qua, ThaiBinh Seed vét thu mua lúa giống của nông dân đến không còn 1 ký. Chia sẻ với nông dân, ThaiBinh Seed đã nới lỏng việc thu mua lúa giống. Cả những lô giống độ ẩm cao đến 20% mà doanh nghiệp vẫn thu mua về để sấy, trong khi theo quy định lúa giống phải đạt độ ẩm 13% thì doanh nghiệp mới thu mua. Trong dịch Covid-19, trong khi việc tiêu thụ nông sản gặp khó khăn thì nông dân sản xuất lúa giống không phải lo khâu tiêu thụ”, ông Phạm Văn Tân chia sẻ.

Tín hiệu vui cho nông dân HTX Nhơn Thọ 2 là mối liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa giống giữa HTX và ThaiBinh Seed không những ngày càng được thắt chặt mà sẽ còn mở rộng quy mô trong tương lai. Mới đây, lãnh đạo ThaiBinh Seed, Chi nhánh miền Trung - Tây Nguyên đã về làm việc và đề nghị HTX Nhơn Thọ 2 mở rộng diện tích sản xuất lúa giống cho công ty, đồng nghĩa sẽ có thêm nhiều nông dân được tham gia vào mô hình sản xuất lúa giống. Thời gian tới, ThaiBinh Seed sẽ tiến tới thu mua lúa tươi để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nông dân.

watermark_6-1135_20211207_525-162048.jpeg

haiBinh Seed thu mua lúa giống của HTX Nông nghiệp Nhơn Thọ 2. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Hiện mỗi năm chúng tôi sản xuất tại Bình Định khoảng 1.000 ha lúa giống, mỗi năm thu mua 5.000 - 5.500 tấn lúa giống. Công ty chúng tôi đang tiến hành xây dựng nhà máy sấy với mức đầu tư khoảng 45 tỷ đồng. Khi nhà máy sấy hình thành, chúng tôi sẽ thu mua lúa tươi để giải quyết khó khăn về sân phơi cho nông dân và HTX.

Bởi, sân phơi và nhân công phơi lúa đang gây khó cho nông dân do các vùng nông thôn đang khan hiếm lao động. Hiện hầu hết các hộ làm giống đều không có sân phơi, sân phơi của HTX thì hẹp, khi mở rộng diện tích sẽ gặp khó trong khâu phơi lúa giống.

Thêm vào đó, khi có nhà máy sấy, chắc chắn chất lượng lúa giống sẽ được nâng cao, hạn chế được rủi ro về thời tiết, lúc trời mưa gió vẫn thu hoạch thoải mái. Công ty sẽ nỗ lực đầu tư sớm nhà máy sấy để củng cố hơn nữa mối liên kết sản xuất lúa giống với HTX”, ông Triệu Tấn Phú, Giám đốc ThaiBinh Seed, Chi nhánh miền Trung - Tây Nguyên, chia sẻ.

 

Bình luận

Dân ưa chuộng nuôi cá mú trân châu vì dễ nuôi, dễ bán

Với những ưu điểm như dễ nuôi, ít dịch bệnh, tiêu thụ thuận lợi, rất nhiều vùng ao đìa ven biển và cả nuôi lồng bè đã thả nuôi cá mú trân châu.

Xây dựng chuỗi lúa gạo bền vững, Tân Long đặt mục tiêu lớn trước năm 2030

Tập đoàn Tân Long đặt mục tiêu sản xuất hơn 1.000.000 tấn gạo trước năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, Tập đoàn đang hoàn thiện chuỗi lúa gạo khép kín.

Khát khao cháy bỏng khẳng định thương hiệu nông sản Việt

Có những doanh nhân sẵn sàng từ bỏ, đánh đổi tiền tài và địa vị, chỉ với một khát khao cháy bỏng phải xây dựng bằng được vị thế, tên tuổi cho nông sản Việt.

Đưa hoa ly lên xứ Mường, doanh nghiệp gặt hái thành công

Hoa ly là giống cây ưa ẩm nhưng không chịu được úng nên đất trồng phải chọn vùng cao ráo, thông thoáng và có điều kiện tưới tiêu hợp lý.

Hai 'ông lớn' ngành thủy sản thắng đậm

Vĩnh Hoàn và Sao Ta có kết quả kinh doanh tăng mạnh so với cùng kỳ nhờ nhu cầu phục hồi và hưởng lợi từ căng thẳng Nga - Ukraine.

Muốn thành công phải khác biệt & bài học Vinamit

'Nếu không xuất phát từ niềm đam mê thì cũng phải hướng đến giá trị cốt lõi là đóng góp cho cộng đồng trước rồi mới tìm kiếm lợi nhuận'.

Chu kỳ mới xán lạn của cao su Tây Nguyên

Khắc phục những nhược điểm trong phát triển cây cao su ở giai đoạn trước, các công ty cao su tại Tây Nguyên đang đứng trước chu kỳ mới đầy xán lạn.

KD Green Farm mở rộng diện tích trồng chuối

Với kế hoạch mở rộng quy mô thêm 200 ha đầu năm nay, KD Green Farm nâng tổng diện tích vùng trồng lên 300 ha.

Cụm trang trại bò sữa đạt kỷ lục thế giới của TH: Dấu ấn nông nghiệp sạch Việt Nam

Các chuyên gia quốc tế nhận định, cụm trạng trại bò sữa của TH đi vào hoạt động, mang tới dòng sữa tươi sạch tiêu chuẩn quốc tế, là một dấu ấn mang lại những thay đổi căn bản trong ngành sữa, ngành chăn nuôi Việt Nam.

Bầu Đức bán thịt heo ăn chuối chỉ trong một ngày

Chất lượng heo ăn chuối của Hoàng Anh Gia Lai đảm bảo tiêu chí “3 không”: Không thuốc kháng sinh, không thuốc tăng trọng, không đạm động vật.