Chính sách trong phòng lạnh, nông dân ở ngoài đồng
Chính sách hỗ trợ của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành từ năm 2017, đến nay vẫn còn hiệu lực. Dù vậy, người trồng mía vẫn dài cổ ngóng trông...
Chính sách ở… trên cao
Không vòng vo, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuân Thành, ông Lê Viết Minh vào thẳng vấn đề: “Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành ngày 20/12/2017 liên quan đến một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Nông dân trồng mía tại Quỳ Hợp vẫn mòn mỏi ngóng chờ chính sách hỗ trợ. Ảnh: LT.
Áp dụng Mục 2, khoản b, điều 24 nêu rõ sẽ tiến hành hỗ trợ định mức 2.000.000 đồng/ha trồng mía cho người dân mua mía giống mới, đảm bảo chất lượng từ các vùng sản xuất mía giống của các Công ty Mía đường. Dù vậy đến thời điểm này bà con thuộc diện chính sách vẫn chưa được thụ hưởng”.
Theo ông Lê Viết Minh, việc huyện Quỳ Hợp yêu cầu phải xuất hóa đơn đỏ để chứng thực khối lượng là điều dễ hiểu, mục đích chính nhằm tránh chi sai đối tượng. Dù vậy nếu cứng nhắc vô hình trung sẽ “làm khó” nông dân:
“Chính sách hỗ trợ ban hành ra cốt để song hành, tạo động lực thúc đẩy nhà nông tham gia sản xuất, thế nhưng thực tế đã qua nhiều năm vẫn chưa đến được tay họ, đây rõ ràng là điều bất cập. Lâu dài Công ty TNHH MTV Xuân Thành xem cây mía là cây trồng chủ lực, tương lai sẽ nhân rộng lên 700 – 800ha, với quy mô như thế thực sự cần những chính sách kích cầu mang tính bền vững”.
Đưa vấn đề nêu trên trao đổi cùng ông Quán Vi Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, ông Giang cho biết: Hằng năm huyện đều triển khai xây dựng chương trình, Công ty TNHH MTV Xuân Thành mới thực hiện chuyển một số diện tích trồng cam sang trồng mía. Theo Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND trên diện tích 1ha sẽ được hỗ trợ 2.000.000 đồng, hồ sơ kèm theo yêu cầu rất phức tạp. Nhà máy chưa xuất hóa đơn chứng thực nên chưa đủ cơ sở để tiến hành giải ngân.
Công ty TNHH Mía đường Nghệ An - NASU là đơn vị uy tín trong ngành, nông dân tham gia trồng mía phải ký kết hợp đồng thông qua những điều khoản ràng buộc hết sức chặt chẽ. Ảnh: Việt Khánh.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mía đường Nghệ An (NASU), ông Ngô Văn Tú bày tỏ quan điểm: Trong quá trình liên kết, NASU cũng ban hành một chính sách riêng nhằm hỗ trợ người trồng mía mà không cần có hóa đơn, chứng từ đi kèm như cấp chính quyền yêu cầu.
“Quan điểm của Công ty TNHH Mía đường Nghệ An là luôn đồng hành và mong muốn nhà nông được thụ hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. NASU cam kết hỗ trợ tối đa trong phạm vi cho phép, tuy nhiên việc huyện Quỳ Hợp yêu cầu xuất hóa đơn trong trường hợp này nằm ngoài thẩm quyền của chúng tôi”, Tổng Giám đốc Ngô Văn Tú khẳng định.
Lý giải của lãnh đạo NASU là hoàn toàn xác đáng, bởi lẽ trong quá trình sản xuất nông dân trồng mía tự mua giống của nhau hoặc mua một phần tại ruộng nhân giống được nhà mày hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Bản chất là ruộng giống của nông dân, do đó đòi hỏi NASU phải xuất hóa đơn đỏ chứng thực chẳng khác nào hình thức đánh đố (?!)
Phải thấy rằng việc áp dụng theo quy định nhằm chống tình trạng tiêu cực là đúng, nhưng trong trường hợp này không nên rập khuôn thái quá. Cần biết, tất cả các hộ tham gia trồng mía bắt buộc phải ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Mía đường Nghệ An thông qua những điều khoản hết sức chặt chẽ (đảm bảo trồng theo hướng dẫn kỹ thuật; cam kết bán toàn bộ sản phẩm cho NASU ít nhất trong 3 vụ ép liên tục…). Quá trình theo dõi sẽ áp dụng kiểm tra diện tích ruộng mía bằng hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu GPS, độ chính xác gần như tuyệt đối.
Những thông số trên rõ ràng là một kênh đáng tin cậy, đủ đảm bảo để huyện Quỳ Hợp tiến hành kiểm chứng, qua đó làm cơ sở tiến tới sớm giải ngân nguồn kinh phí “treo” suốt bấy lâu nay.
Cam thoái trào, huyện vẫn ưu tiên mở rộng
Việc chậm trễ giải ngân kinh phí cho người trồng mía chỉ là một nét buồn trong bức tranh tổng thể của huyện Quỳ Hợp. Theo dõi xuyên suốt, dễ nhận thấy những mặt hạn chế trong quá trình định hướng, phát triển nông nghiệp của dãy đất Phủ Quỳ màu mỡ này.
Được biết đến là địa phương có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển cây ăn quả có múi với quy mô hơn 2.157ha, trong đó cây cam giữ vai trò chủ lực. Thời hoàng kim nơi đây là “thủ phủ” toàn vùng Bắc Trung bộ, nhờ trồng cam nhiều nhà đổi đời chóng vánh, tiền bạc thu về như nước khiến số đông nông dân và chính quyền lạc quan thái quá.
Nghề trồng cam tại khu vực Phủ Quỳ đang ở giai đoạn thoái trào. Ảnh: VK.
Nhân rộng diện tích ồ ạt, phun trừ thuốc BVTV vô tội vạ, chất lượng đầu vào không được kiểm chứng… tất thảy khiến tình hình đảo chiều chóng vánh. Không hẹn mà gặp, hàng loạt diện tích trồng cam thi nhau chết như ngả rạ, dù là nông dân chân lắm tay bùn hay đến tầng lớp đại gia lắm của nhiều tiền, khi đổ tiền vào cây cam gần như đều chung một kết cục: Thất bại.
Người người, nhà nhà thấu hiểu sự tình, lạ thay chính quyền sở tại dường như không nắm được nguồn cơn. Bằng chứng, ngày 7/5/2021 Huyện ủy Quỳ Hợp đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về việc “Phát triển cây ăn quả có múi giai đoạn 2021 – 2025 và những năm tiếp theo”.
Chỉ tiêu cụ thể, đến năm 2025 phấn đấu đưa tổng diện tích cây ăn quả có múi đạt 3.000ha, tổng sản lượng trên 42.000 tấn. Trong đó diện tích cây cam là 2.500ha (2.000ha kinh doanh), năng suất bình quân 16,7ha, sản lượng 33.400 tấn…
Nhân đây xin được nhắc lại, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành từng được biết đến là doanh nghiệp điển hình của nghề trồng cam tại đất Quỳ Hợp, cao điểm có trên dưới 500 hộ cùng tham gia. Trực tiếp nếm trải cảm giác cay đắng ngọt bùi, chính họ hiểu hơn ai hết thực trạng lúc này:
“Xuân Thành được giao trồng mới 500ha nhưng công ty kiên quyết nói không, chúng tôi không chống lệnh mà chỉ căn cứ vào điều kiện thực tiễn mà thôi. Trồng ra bán cho ai, trồng cam lúc này là tự sát”, ông Lê Viết Minh nói thẳng.
Nỗi niềm của Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành cũng là tâm trạng chung của doanh nghiệp và các đơn vị bị “gắn mục tiêu” trong kế hoạch phát triển cây ăn quả có múi theo hướng bền vững mà Huyện ủy Quỳ Hợp ấp ủ lâu nay.
Thực trạng buồn đã phơi bày trước mắt, cố đấm ăn xôi sẽ để lại những hệ lụy khó lường trong tương lai không xa. Đã đến lúc ngành nông nghiệp và tỉnh Nghệ An phải nhìn nhận sâu sắc vấn đề này nhằm tránh tái hiện lại ký ức buồn…
“Người trồng mía bao gồm cán bộ công nhân viên chức và các hộ dân tham gia nhận khoán trên địa bàn, tất cả đều đúng đối tượng. Niên vụ 2019 - 2020 công ty triển khai 77ha, 2020 - 2021 trồng thêm 130ha, tổng diện tích liên kết với Công ty TNHH Mía đường Nghệ An (NASU) khoảng 207ha. Tính ra kinh phí hỗ trợ trên 400 triệu đồng, tuy nhiên hơn 200 hộ vẫn đang phải dài cổ ngóng chờ”, Giám đốc Lê Viết Minh nhấn mạnh. |
Giải ''bài toán'' khó cho ngành chăn nuôi
Thời điểm hiện tại, giá các loại sản phẩm gia súc, gia cầm đã “nhúc nhích” tăng trở lại. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi vẫn liên tục tăng với tốc độ “phi mã” khiến cho chi phí “đầu vào” tăng theo, nên với người chăn nuôi, phía trước vẫn là thách thức.
Nắm chắc dữ liệu nông sản trước khi đưa ra thị trường
Qua khảo sát tại địa phương, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá nhiều nơi còn lơ là, chủ quan trong công tác dự tính, dự báo về tổ chức sản xuất.
Giá phân bón tăng phi mã, Bộ NN-PTNT kiến nghị sửa luật
Việc giá phân bón tăng cao làm cho chi phí sản xuất nông nghiệp tăng theo, nông dân sẽ là những đối tượng bị thiệt hại nặng nề nhất.
Biến đổi khí hậu là trở ngại lớn nhất với hệ thống lương thực ASEAN
Hơn một nửa những nhà hoạch định chính sách trong khu vực đã đồng ý rằng biến đổi khí hậu là trở ngại lớn nhất mà hệ thống lương thực ASEAN đang phải đối mặt.
Cần quy hoạch vùng trồng hoa xuất khẩu
Từ việc xây dựng thành công các vùng trồng hoa, cây cảnh chuyên canh, những năm gần đây, trên địa bàn Hà Nội đã có một số doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà vườn sản xuất hoa, cây cảnh theo quy trình công nghệ cao, tạo ra nhiều sản phẩm xuất khẩu.
Nhiều cơ chế ưu đãi cho mặt hàng nông sản chủ lực
Tại văn bản trả lời kiến nghị cử tri mới đây, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh việc phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được Chính phủ và ngành ngân hàng xác định là lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, mặt hàng nông sản chủ lực đang áp dụng nhiều cơ chế ưu đãi
Tạo cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản
Thu hút đầu tư vào chế biến nông sản là một trong những giải pháp trọng tâm để giải quyết bài toán "được mùa - mất giá", khủng hoảng thừa cho sản phẩm nông nghiệp.
Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại Long An
Sau hơn một năm Long An thực hiện "Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025" bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Hợp tác xã nông nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng
Tín dụng cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn quá ít so với nhu cầu, hợp tác xã, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp khó đáp ứng được các yêu cầu và điều kiện vay vốn của tổ chức tín dụng để tiếp cận được vốn vay.
Phê duyệt Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định phê duyệt Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản trên phạm vi cả nước định kỳ 5 năm đến năm 2030.
Bình luận