Đối mặt thuế phòng vệ thương mại, doanh nghiệp Việt không thể lơ là
Thời gian qua, có không ít mặt hàng xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) Việt Nam bị phía quốc gia nhập khẩu điều tra chống bán phá giá hay lẩn tránh thuế.
Điều này gây nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của mặt hàng xuất khẩu. Do đó, DN Việt không thể lơ là và cần chủ động biện pháp ứng phó.
Khó khăn cho DN và nông dân
Thông tin mới đây từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa tiếp nhận đơn yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong có xuất xứ từ 5 nước, trong đó có Việt Nam.
Hợp tác xã mật ong Cường Nga ở xã Quang Diệm (Hương Sơn - Hà Tĩnh) được thành lập năm 2018, có 26 hộ thành viên tham gia nuôi ong lấy mật.
Nguyên đơn khởi xướng vụ việc này là Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Mỹ và Hiệp hội mật ong Sioux. Thời kỳ điều tra bán phá giá đề xuất là từ 1/10/2020 đến 31/3/2021. Thời kỳ điều tra thiệt hại từ 1/1/2018. Những thông tin này đã khiến các DN xuất khẩu mật ong Việt Nam lo lắng.
Theo đánh giá, sản phẩm mật ong của Việt Nam rất phù hợp với nhu cầu chế biến của DN Mỹ nên được các nhà nhập khẩu lựa chọn. Giá của Việt Nam cũng cạnh tranh nhờ nghề nuôi ong có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi.
“Điều bất lợi là, hiện nay phía Mỹ lấy giá mật ong Ấn Độ để làm căn cứ xem xét việc chúng ta có bán phá giá hay không. Tại thị trường Mỹ, giá mật ong Ấn Độ cao hơn Việt Nam khoảng 200 đô la Mỹ/tấn nên họ cho rằng, chúng ta bán phá giá. Nhưng trên thực tế, Việt Nam có nhiều lợi thế hơn Ấn Độ để có được mức giá cạnh tranh”, ông Đinh Quyết Tâm, Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam, cho hay.
Theo ông Tâm, sau khi có kết quả cuộc điều tra, trong trường hợp Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá mật ong, các DN sẽ phải theo đuổi vụ kiện để tìm lại công bằng cho ngành nuôi ong Việt Nam. Thế nhưng, khó khăn là hầu hết DN thuộc ngành nuôi ong hiện nay DN nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Do đó, khó có đủ kinh phí để theo đuổi vụ kiện đến cùng.
Dù chỉ là một ngành kinh tế nhỏ nhưng theo đánh giá, tác động của vụ việc đến tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam sẽ lớn, nhất là đối với lực lượng người nuôi ong. Cụ thể, Việt Nam hiện có khoảng 1 triệu đàn ong. Nuôi ong là sinh kế của 35.000 người nuôi ong, phần lớn là nông dân sống ở nông thôn, miền núi, vùng kinh tế khó khăn…
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), cũng lo ngại bởi đây là lần đầu tiên ngành mật ong đứng trước nguy cơ một vụ kiện bán phá giá. “Họ cũng không có nhiều kinh nghiệm và đặc biệt là không có điều kiện tài chính dồi dào như các DN lớn thuộc khối FDI của ngành thép, ngành lốp ô tô hay các đại gia thủy sản. Do đó, sẽ khó khăn rất lớn nếu lâm vào một vụ kiện chống bán phá giá của Mỹ”, ông Dũng chia sẻ.
Bộ Công Thương cho biết, số lượng và kim ngạch các vụ kiện phòng vệ thương mại đang tăng nhanh. Đa số hàng hoá bị điều tra phòng vệ thương mại là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế sản xuất, như kim loại (nhôm, thép dẹt, thép ống), sợi, thuỷ sản (tôm, cá), gỗ dán, vật liệu xây dựng (gạch, kính, thiết bị vệ sinh)...
Các thị trường thường xuyên điều tra phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu Việt Nam là Mỹ, Ấn Độ, châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada và Australia, 62% số vụ việc bị điều tra đến từ những nước này. Đặc biệt, gần đây các nước ASEAN cũng tích cực điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam, với tỷ lệ là 20%.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, trong 10 tháng của năm 2020, có 141 vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra bởi 18 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong số đó, Mỹ hiện là nước khởi xướng điều tra nhiều nhất đối với các sản phẩm của Việt Nam lên tới 27 vụ, chiếm khoảng 20%.
Đáng lo ngại là các mặt hàng chịu biện pháp phòng vệ thương mại của thị trường Mỹ ngày càng mở rộng, từ dệt may, da giày, các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo đến thủy sản, nông sản… Trong đó riêng tôm, cá tra Việt gần như năm nào cũng bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá rất nặng.
Trong bối cảnh Covid-19 tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu, mâu thuẫn thương mại giữa nhiều nền kinh tế vẫn phức tạp, xu thế sử dụng các biện pháp này để bảo hộ sản xuất tiếp tục gia tăng. Theo thống kê của WTO, các biện pháp này đang tác động tới khoảng 1.500 tỷ USD kim ngạch thương mại toàn cầu.
DN cần chủ động
Theo ông Lê Thanh Vân, Chủ tịch Hội Xuất khẩu mật ong Việt Nam, hy vọng vẫn còn một quãng thời gian trước khi DOC tiến hành khởi xướng điều tra chính thức, trong khi nhờ có thông tin sớm mà hiệp hội đã cùng các cơ quan quản lý có những bước chuẩn bị nhất định trong việc hợp tác trả lời, thông tin cho phía Mỹ.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Công ty XNK thủy sản Cửu Long - An Giang. Ảnh: Trọng Đạt
“Tất nhiên chúng tôi không muốn phải hứng chịu một quá trình pháp lý kiện tụng kéo dài, vì đa số DN ngành nuôi ong là nhỏ và siêu nhỏ, tổng kim ngạch xuất khẩu cỡ 70 triệu USD/năm, chưa bằng một DN thủy sản vừa vừa và ngành này cũng chưa bao giờ có kinh nghiệm tham kiện. Nhưng nếu có thì cũng hãy coi đó là bình thường trong quá trình hội nhập để chuẩn bị tinh thần ứng phó, bởi đây là công cụ phòng vệ của bất kỳ quốc gia nào trong bối cảnh thương mại ngày nay”, ông Vân bày tỏ.
Xu hướng phòng vệ thương mại đang là thực tế DN nhiều ngành hàng phải đối diện, song song với những lợi ích thuế quan mà DN nhận được trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước.
Đơn cử, trước đó, Cục Phòng vệ thương mại có đưa ra danh sách theo dõi bao gồm 13 mặt hàng xuất khẩu được xác định có nguy cơ cao bị phía Mỹ và EU điều tra phòng vệ thương mại hoặc điều tra gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Trong đó, riêng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gỗ dán của Việt Nam đã tăng 63,7% so với năm 2018. Tháng 10/2019, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ thông báo chính thức điều tra trốn thuế phòng vệ thương mại đối với một số công ty Mỹ nhập khẩu gỗ dán từ Việt Nam.
Và đến tháng 6/2020, Bộ Thương mại Mỹ đã chính thức khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với toàn bộ sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam sau 5 tháng tiếp nhận hồ sơ đề nghị khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại.
Giới chuyên gia lưu ý, nếu các DN Việt vẫn còn lơ mơ về phòng vệ thương mại thì khả năng dính các vụ kiện chống bán phá giá, lẩn tránh thuế từ các quốc gia nhập khẩu sẽ càng cao khi mà họ có xu thế bảo hộ ngành sản xuất của họ.
Nhất là để áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch, chống bán phá giá hay lẩn tránh thuế thì nhiều quốc gia nhập khẩu đang chú trọng tới việc điều tra xuất xứ hàng hoá, trong khi đây lại là một hạn chế của nhiều DN Việt khi xuất khẩu .
Và về bản chất, việc điều tra xuất xứ hàng hoá ở quốc gia nhập khẩu thường được coi là một rào cản thương mại, được họ sử dụng như một biện pháp “bảo hộ ẩn” để bảo vệ sản xuất ở nước họ.
Điều đáng nói, với những hạn chế nhất định trong vấn đề xuất xứ hàng hoá và sự thiếu hiểu biết cặn kẽ về phòng vệ thương mại, sẽ làm cho DN dễ bị “bắt nạt” khi đối mặt trước các vụ điều tra chống bán phá giá, lẩn tránh thuế từ quốc gia NK. Đây là điểm yếu đòi hỏi các DN Việt không thể lơ là và cần khắc phục trong thời gian tới.
Các chuyên gia cảnh báo, nếu DN, hiệp hội và cả cơ quan quản lý không có giải pháp phòng tránh thì nguy cơ hàng Việt ngày càng bị kiện nhiều hơn.
Kinh nghiệm ứng phó
Luật sư Ngô Quang Thụy, đại diện cho nhiều công ty của Việt Nam trong các vụ kiện phòng vệ thương mại tại Mỹ, cho rằng, trong quá trình thâm nhập thị trường Mỹ, DN cần tìm hiểu kỹ và có mối quan hệ tốt với đối tác, nhà nhập khẩu để sớm có thông tin. Bởi nếu bị kiện và áp dụng mức thuế cao sẽ thiệt hại rất lớn không chỉ cho DN xuất khẩu và cả ngành hàng bị kiện.
“Trong trường hợp nếu bị kiện, việc đầu tiên là, cần phải hợp tác chặt chẽ với chính phủ Mỹ. Đồng thời liên kết, phối hợp với hiệp hội, DN trong ngành và cả cơ quan quản lý là Bộ Công Thương để tìm giải pháp nhằm vượt rào cản, giảm thiểu thiệt hại” – luật sư Thụy chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo đại diện Bộ Công Thương, dù Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng chủ yếu là sản phẩm thô. Còn các sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao hay các sản phẩm tiêu dùng cao cấp chiếm tỉ trọng không đáng kể. Do đó, nếu các DN tăng sản phẩm giá trị gia tăng chế biến sâu không chỉ tăng giá bán, tăng thương hiệu cho hàng Việt Nam xuất khẩu mà tránh các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp.
Ông Phùng Gia Đức, Phó trưởng phòng Phòng xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài thuộc Cục Phòng vệ thương mại, khuyến cáo, các DN cần chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài bằng cách không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.
Điều đáng nói, với những hạn chế nhất định trong vấn đề xuất xứ hàng hoá và sự thiếu hiểu biết cặn kẽ về phòng vệ thương mại, sẽ làm cho DN dễ bị “bắt nạt” khi đối mặt trước các vụ điều tra chống bán phá giá, lẩn tránh thuế từ quốc gia NK. Đây là điểm yếu đòi hỏi các DN Việt không thể lơ là và cần khắc phục ngay trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), cho rằng, bên cạnh tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng và tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, DN xuất khẩu cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng kiến thức về thương mại quốc tế để chủ động ứng phó với nguy cơ kiện cáo tại các thị trường nhập khẩu. Khi xuất khẩu vào các thị trường lớn từng xảy ra các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, DN cần lập ra các bộ phận pháp chế chuyên môn để cập nhật kiến thức về pháp luật phòng vệ thương mại, đồng thời thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo và khi bị kiện có thể lập tức tham gia hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra để giải quyết các cáo buộc từ khách hàng.
Chia sẻ kinh nghiệm thoát khỏi các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), cho biết, để có thể trải qua mười mấy kỳ xem xét hành chính và đạt được những kết quả tốt phải nhờ vào nhiều yếu tố. Quan trọng vẫn là DN phải bảo đảm nguyên tắc chặt chẽ, minh bạch về sổ sách, truy xuất được về hồ sơ gốc để có thể đáp ứng mọi yêu cầu thông tin của phía DOC.
Bộ Công Thương khuyến cáo DN xây dựng chiến lược xuất khẩu theo hướng đa dạng hoá thị trường, tránh phát triển quá “nóng” vào một nơi. DN cần tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng, hạn chế cạnh tranh bằng giá. DN nên trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại, chuẩn bị nguồn lực để đối phó trước nguy cơ bị kiện. Đồng thời, DN phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Theo các chuyên gia pháp luật, hệ thống thống kê của DN Việt Nam hiện chưa tương thích với thông lệ quốc tế. Thông thường, khi các nước nghi ngờ bán phá giá, họ sẽ mất 3 năm để điều tra. DN bị kiện phải trả lời một bảng câu hỏi phức tạp liên quan. Nếu không có sự chuẩn bị đầy đủ về hồ sơ thì hết thời hạn sẽ không có đủ bằng chứng và có thể bị chịu mức thuế chống bán phá giá oan ở thị trường nước ngoài. |
Giải ''bài toán'' khó cho ngành chăn nuôi
Thời điểm hiện tại, giá các loại sản phẩm gia súc, gia cầm đã “nhúc nhích” tăng trở lại. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi vẫn liên tục tăng với tốc độ “phi mã” khiến cho chi phí “đầu vào” tăng theo, nên với người chăn nuôi, phía trước vẫn là thách thức.
Nắm chắc dữ liệu nông sản trước khi đưa ra thị trường
Qua khảo sát tại địa phương, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá nhiều nơi còn lơ là, chủ quan trong công tác dự tính, dự báo về tổ chức sản xuất.
Giá phân bón tăng phi mã, Bộ NN-PTNT kiến nghị sửa luật
Việc giá phân bón tăng cao làm cho chi phí sản xuất nông nghiệp tăng theo, nông dân sẽ là những đối tượng bị thiệt hại nặng nề nhất.
Biến đổi khí hậu là trở ngại lớn nhất với hệ thống lương thực ASEAN
Hơn một nửa những nhà hoạch định chính sách trong khu vực đã đồng ý rằng biến đổi khí hậu là trở ngại lớn nhất mà hệ thống lương thực ASEAN đang phải đối mặt.
Cần quy hoạch vùng trồng hoa xuất khẩu
Từ việc xây dựng thành công các vùng trồng hoa, cây cảnh chuyên canh, những năm gần đây, trên địa bàn Hà Nội đã có một số doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà vườn sản xuất hoa, cây cảnh theo quy trình công nghệ cao, tạo ra nhiều sản phẩm xuất khẩu.
Nhiều cơ chế ưu đãi cho mặt hàng nông sản chủ lực
Tại văn bản trả lời kiến nghị cử tri mới đây, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh việc phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được Chính phủ và ngành ngân hàng xác định là lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, mặt hàng nông sản chủ lực đang áp dụng nhiều cơ chế ưu đãi
Tạo cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản
Thu hút đầu tư vào chế biến nông sản là một trong những giải pháp trọng tâm để giải quyết bài toán "được mùa - mất giá", khủng hoảng thừa cho sản phẩm nông nghiệp.
Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại Long An
Sau hơn một năm Long An thực hiện "Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025" bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Hợp tác xã nông nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng
Tín dụng cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn quá ít so với nhu cầu, hợp tác xã, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp khó đáp ứng được các yêu cầu và điều kiện vay vốn của tổ chức tín dụng để tiếp cận được vốn vay.
Phê duyệt Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định phê duyệt Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản trên phạm vi cả nước định kỳ 5 năm đến năm 2030.
Bình luận