Nhiều địa phương tăng chuyển đổi cây trồng trên đất lúa

Thời gian qua, các địa phương duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp, chuyển đổi cây trồng trên đất lúa nhằm nâng cao giá trị canh tác và bảo đảm thu nhập cho nhân dân.

a1-1635041308697.jpg

Bà con nông dân huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. (Ảnh: VĂN BẢO)

Đặc biệt, nhiều diện tích trồng lúa thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước sau khi chuyển đổi sang cây trồng khác đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
 
Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là những khu vực thường xuyên chịu bất lợi về thời tiết (nắng nóng, mưa ít và phân bố không đều dẫn đến thiếu nước) ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Chính vì vậy, những năm qua các địa phương nơi đây đã khuyến cáo, vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Cục Trồng trọt cho biết, năm 2021, khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên thực hiện chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác ước đạt gần 22 nghìn ha (trong đó, từ đất lúa sang cây trồng hằng năm là gần 21 nghìn ha; cây trồng lâu năm là 984 ha). Theo đó, vùng duyên hải Nam Trung Bộ diện tích chuyển đổi ước đạt hơn 16,6 nghìn ha và vùng Tây Nguyên với diện tích chuyển đổi hơn 5,2 nghìn ha.

Qua đánh giá, việc chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác đã mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với cấy lúa. Điển hình như tại Phú Yên, việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa sang các cây trồng phù hợp cao hơn trồng lúa bình quân gần 20 triệu đồng/ha.

Trong đó, chuyển sang trồng ngô lai lợi nhuận 15 triệu đồng/ha, tăng hơn so trồng lúa là 5 triệu đồng/ha; chuyển sang trồng lạc lợi nhuận 18 triệu đồng/ha, tăng hơn trồng lúa là 8 triệu đồng/ha; chuyển sang trồng cây rau, đậu thực phẩm lợi nhuận 35 triệu đồng/ha, tăng hơn so trồng lúa là 30 triệu đồng/ha…

Tỉnh Bình Định thời gian qua cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác nhằm bảo đảm sản xuất và thu nhập cho nhân dân. Trên thực tế, việc chuyển đổi trên đất lúa sang cây trồng cạn của tỉnh đã mang lại lợi nhuận cao hơn so trồng lúa từ 4 đến 23 triệu đồng/ha.

Như mô hình chuyển đổi sang trồng lạc lợi nhuận tăng 18 triệu đồng/ha; chuyển đổi sang trồng vừng lợi nhuận tăng hơn 13,6 triệu đồng/ha; chuyển đổi sang trồng ngô lợi nhuận tăng 4 triệu đồng/ha; chuyển đổi sang trồng đậu xanh tăng hơn 12,7 triệu đồng so với trồng lúa.

Để việc chuyển đổi trên đất lúa mang lại hiệu quả, tỉnh Quảng Nam đã lựa chọn cây trồng chuyển đổi khá đa dạng. Thí dụ, vùng đồng bằng, trung du, cây trồng chuyển đổi chủ yếu là: lạc, ngô, vừng, rau các loại, đậu các loại, cỏ chăn nuôi,...; vùng miền núi chủ yếu là: cây ăn quả, cây dược liệu…

Qua thống kê, hầu hết cây trồng trong mô hình chuyển đổi đều cho năng suất cao và lợi nhuận tăng từ 20 đến 30% so sản xuất lúa trong cùng thời vụ, trên cùng chân đất.

Vụ hè thu năm 2021, tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện các mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, lạc, rau, đậu các loại, sắn, cỏ chăn nuôi,... Nhìn chung, diện tích chuyển đổi đã cho thu hoạch khá, lợi nhuận so trồng lúa từ 4 đến 20 triệu đồng/ha, giúp nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích.

Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, việc chuyển đổi không chỉ giúp gia tăng giá trị sản xuất mà tiết kiệm nguồn nước, cải tạo đất trồng lúa. Trong năm 2021, trên địa bàn đã có nhiều mô hình với những cây trồng được chuyển đổi mang lại giá trị kinh tế cho nhân dân.

Trong đó, cây ngô vùng chuyển đổi đạt lợi nhuận khoảng 16,6 triệu đồng/ha, tăng 3,18 lần/năm so trồng lúa; cây rau các loại lợi nhuận 53,8 triệu đồng/ha, tăng 10,29 lần/năm; cây hoa các loại, doanh thu ước đạt 630 triệu đồng/ha, lợi nhuận 64,21 triệu đồng/ha, tăng 12,28 lần/năm; cây dưa hấu, doanh thu ước đạt 210 triệu đồng/ha, lợi nhuận 42,4 triệu đồng/ha, tăng 8,11 lần/năm; cây sầu riêng, doanh thu ước đạt 290 triệu đồng/ha, lợi nhuận 195 triệu đồng/ha, tăng 37,43 lần/năm…

Theo Cục Trồng trọt, hiện nay việc chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác ở duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đang mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại do vùng chuyển đổi còn mang tính tự phát; cơ sở hạ tầng chủ yếu phục vụ cho sản xuất lúa nên việc chuyển đổi sang cây trồng khác chưa đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thấp. Trong khi đó, việc chuyển đổi từ đất trồng lúa sang cây trồng khác đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn.

Các địa phương chưa hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi gắn với thời vụ, vùng chuyển đổi, cây trồng, khoa học-kỹ thuật, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... Một số cây trồng trong vùng chuyển đổi có lợi thế cạnh tranh kém hoặc thiếu liên kết với doanh nghiệp nên đầu ra sản phẩm không bảo đảm.

Trên địa bàn tỉnh Phú Yên, do phần lớn diện tích đất trồng lúa được thực hiện chuyển đổi là những nơi thường xuyên thiếu nước hoặc ngập úng, phèn, mặn nên việc lựa chọn cây trồng có hiệu quả kinh tế cao và phù hợp để chuyển đổi gặp khó khăn. Mặt khác, việc chuyển đổi nhỏ lẻ, manh mún nên chưa thu hút các doanh nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi giá trị để tạo đầu ra ổn định, nâng cao giá trị sản phẩm cây trồng vùng chuyển đổi dẫn đến hiệu quả chưa tương xứng.

Hay tại tỉnh Quảng Ngãi, đầu ra của sản phẩm vùng chuyển đổi còn bấp bênh, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định nên chưa khuyến khích người dân đầu tư cho sản xuất; chưa liên kết giữa doanh nghiệp tiêu thụ nông sản và nông dân làm hạn chế trong việc mở rộng mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Để khắc phục những hạn chế này, Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho rằng, các địa phương cần đẩy mạnh việc chuyển đổi trên đất lúa sang cây trồng khác hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Trên cơ sở đó, cần rà soát diện tích từng đối tượng cây trồng theo tiểu vùng sinh thái, trong đó vùng khả năng bị hạn hán, thiếu nước tưới cần chuyển đổi sang cây trồng cạn như ngô, lạc, vừng, rau đậu các loại, sắn, khoai lang... Trên đất lúa chuyển đổi cần quy hoạch, bố trí gieo trồng tập trung cùng nhóm cây như vùng ngô lai, vùng đậu đỗ,... để dễ điều tiết nguồn nước.  

Ngoài ra, biện pháp canh tác cây rau màu tùy thuộc vào điều kiện đất đai, mùa vụ, hệ thống tưới tiêu, đối tượng cây trồng để xác định biện pháp kỹ thuật thâm canh hợp lý.

Theo đó, việc chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng màu cần chú trọng hệ thống tưới, tiêu nội đồng, tuyệt đối không để úng cục bộ; tăng cường tuyên truyền, vận động và phổ biến rộng rãi về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay; có chính sách kêu gọi, kết nối doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất nhằm bao tiêu sản phẩm cho nhân dân.

 

Bình luận

Giải ''bài toán'' khó cho ngành chăn nuôi

Thời điểm hiện tại, giá các loại sản phẩm gia súc, gia cầm đã “nhúc nhích” tăng trở lại. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi vẫn liên tục tăng với tốc độ “phi mã” khiến cho chi phí “đầu vào” tăng theo, nên với người chăn nuôi, phía trước vẫn là thách thức.

Nắm chắc dữ liệu nông sản trước khi đưa ra thị trường

Qua khảo sát tại địa phương, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá nhiều nơi còn lơ là, chủ quan trong công tác dự tính, dự báo về tổ chức sản xuất.

Giá phân bón tăng phi mã, Bộ NN-PTNT kiến nghị sửa luật

Việc giá phân bón tăng cao làm cho chi phí sản xuất nông nghiệp tăng theo, nông dân sẽ là những đối tượng bị thiệt hại nặng nề nhất.

Biến đổi khí hậu là trở ngại lớn nhất với hệ thống lương thực ASEAN

Hơn một nửa những nhà hoạch định chính sách trong khu vực đã đồng ý rằng biến đổi khí hậu là trở ngại lớn nhất mà hệ thống lương thực ASEAN đang phải đối mặt.

Cần quy hoạch vùng trồng hoa xuất khẩu

Từ việc xây dựng thành công các vùng trồng hoa, cây cảnh chuyên canh, những năm gần đây, trên địa bàn Hà Nội đã có một số doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà vườn sản xuất hoa, cây cảnh theo quy trình công nghệ cao, tạo ra nhiều sản phẩm xuất khẩu.

Nhiều cơ chế ưu đãi cho mặt hàng nông sản chủ lực

Tại văn bản trả lời kiến nghị cử tri mới đây, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh việc phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được Chính phủ và ngành ngân hàng xác định là lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, mặt hàng nông sản chủ lực đang áp dụng nhiều cơ chế ưu đãi

Tạo cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản

Thu hút đầu tư vào chế biến nông sản là một trong những giải pháp trọng tâm để giải quyết bài toán "được mùa - mất giá", khủng hoảng thừa cho sản phẩm nông nghiệp.

Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại Long An

Sau hơn một năm Long An thực hiện "Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025" bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Hợp tác xã nông nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng

Tín dụng cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn quá ít so với nhu cầu, hợp tác xã, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp khó đáp ứng được các yêu cầu và điều kiện vay vốn của tổ chức tín dụng để tiếp cận được vốn vay.

Phê duyệt Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định phê duyệt Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản trên phạm vi cả nước định kỳ 5 năm đến năm 2030.