Nhiều giải pháp bảo hộ cho nông sản phát triển bền vững của Tây Bắc
Nông sản Việt nói chung và Tây Bắc nói riêng, những năm qua thường xuyên gặp phải “sóng gió” được mùa, mất giá do sản xuất phá vỡ quy hoạch.
Điện Biên đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất
Những năm qua, nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp công nghệ cao, mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa được xây dựng đã góp phần tăng năng suất, sản lượng sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập của người nông dân.
Thành viên Hợp tác xã Công nghệ cao Bản Mé chăm sóc cây cà chua.
Ông Nguyễn Đình Kỳ, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Công tác nghiên cứu, thử nghiệm và chuyển giao, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua được quan tâm. Hàng năm có nhiều mô hình sản xuất thử nghiệm thành công và nhân rộng. Nhờ đó người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp rút ngắn thời gian sản xuất, giảm chi phí đầu tư nhưng năng suất, hiệu quả kinh tế cao.
Giai đoạn 2013 - 2020, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai 47 nhiệm vụ khoa học - công nghệ cấp tỉnh và 5 nhiệm vụ thuộc Chương trình Nông thôn miền núi. Trong đó, tổng kinh phí chi hoạt động khoa học - công nghệ thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản trên 66 tỷ đồng. Thông qua việc triển khai các nhiệm vụ đã tuyển chọn và đưa vào sản xuất nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Đồng thời, góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc quy hoạch phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực; xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện xây dựng và đăng ký thành công bảo hộ chỉ dẫn địa lý Điện Biên cho sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và IR64; xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể sản phẩm nếp tan Na Son; ứng dụng, chuyển giao và hoàn thiện công nghệ sản xuất giống vật nuôi thương phẩm; đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao; xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn theo hướng VietGAP.
Đến nay, tỉnh ta đã hình thành được các vùng sản xuất chuyên canh; chăn nuôi phát triển theo hướng gia trại, trang trại. Điển hình như các mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao tại cánh đồng Mường Thanh; mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất rau an toàn VietGAP tại huyện Điện Biên; chè Shan tuyết Tủa Chùa…
Hợp tác xã Công nghệ cao Bản Mé (xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên) thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà kính có quy mô 3.500m2 với 5.000 gốc dưa leo Baby Đà Lạt, 2.000 gốc cà chua Nowara RZ Nhật Bản. Cây dưa leo và cà chua được trồng trong một bầu giá thể bằng xơ dừa, đặt trong luống đã được lót bạt ni lông cách ly với nền đất để tránh mầm bệnh. Hệ thống nước tưới hoàn toàn tự động bằng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel. Cách tưới này giúp cho chất dinh dưỡng từ phân bón và lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Trong nhà kính, hợp tác xã trồng dưa, cà chua quanh năm với thời gian sinh trưởng ngắn, từ khi trồng đến thu hoạch đối với dưa leo khoảng 35 - 40 ngày, thu hoạch liên tiếp trong 40 ngày; cà chua 55 - 60 ngày, thu hoạch liên tục trong 90 ngày. Với 5.000 gốc dưa leo lứa thứ nhất cho sản lượng 2 tấn quả, bán với mức giá là 25.000 đồng/kg; 2.000 gốc cà chua Nhật Bản cũng cho thu hoạch hơn 2 tấn quả với giá bán 30.000 đồng/kg.
Ông Hoàng Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Công nghệ cao Bản Mé cho biết: “Trồng rau củ quả trong nhà kính có ưu điểm là tránh được thời tiết thất thường, chủ động chế độ dinh dưỡng cho cây, giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập… Bên cạnh đó, hệ thống nhà kính còn giảm tối đa chi phí cho việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sinh vật gây hại và quan trọng là sản phẩm đảm bảo an toàn”.
Yên Bái áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đề án phát triển cây ăn quả giai đoạn 2016 – 2020 của tỉnh đã đề ra mục tiêu trồng mới 2.800 ha cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi, chanh) để hình thành vùng cây ăn quả có múi trên 4.500 ha, nâng tổng diện tích cây ăn quả lên 10.000 ha; năng suất cây ăn quả có múi đạt 100 tạ/ha, giá trị cây ăn quả đạt 300 tỷ đồng…
Người dân cần áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để có sản phẩm xuất khẩu. Ảnh: Bái Yên Bái
Để đạt mục tiêu này, tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương làm tốt công tác quy hoạch trên cơ sở lợi thế những giống cây ăn quả đặc sản đã có như bưởi Đại Minh (Yên Bình), cam CS1, cam V2, bưởi Diễn, quýt (Văn Chấn, Lục Yên, Trấn Yên)…
Cùng đó, khuyến khích và triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, đặc biệt là áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; lựa chọn những cây giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, sạch bệnh vào trồng thay thế các giống cây già cỗi cũng như trồng mới; ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây ăn quả, phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng chế phẩm sinh học Emina phun cho cây ăn quả... nhằm từng bước xây dựng, xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm cây ăn quả có múi như: Nhãn hiệu tập thể cam Văn Chấn, cam sành Lục Yên, hồng chùm không hạt Lục Yên và Nhãn hiệu chứng nhận bưởi Đại Minh...
Tỉnh và các địa phương cũng vận động nhân dân, hỗ trợ đầu tư phát triển cây ăn quả theo hướng gia trại, nông trại, trang trại và áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP... Tổng kinh phí hỗ trợ giai đoạn 2016 - 2020 là trên 42 tỷ đồng.
Đến hết năm 2020, Yên Bái đã trồng, phát triển vùng trồng cây ăn quả có múi trên 5.400 ha, đạt 120% chỉ tiêu Đề án, nâng tổng số diện tích cây ăn quả toàn tỉnh lên trên 9.700 ha; năng suất cây ăn quả có múi đạt 90 tạ/ha, sản lượng quả có múi đạt trên 33.000 tấn/năm; giá trị cây ăn quả các loại đạt trên 420 tỷ đồng, đạt 133,3% mục tiêu của Đề án.
Các địa phương cũng mở rộng quy mô các vùng trồng truyền thống gắn với xây dựng nhãn hiệu như Cam sành Lục Yên, Cam Văn Chấn, Bưởi Đại Minh; tổ chức Lễ hội Cam Văn Chấn, Lễ hội Bưởi Đại Minh, góp phần thúc đẩy tiến độ thực hiện Đề án và nâng cao giá trị sản phẩm, hiệu quả kinh tế.
Trong đó, vùng bưởi Đại Minh, huyện Yên Bình đã phát triển được trên 720 ha, tập trung tại xã Đại Minh và Hán Đà, sản lượng bình quân ước đạt 15.000 tấn/năm, giá trị ước đạt 250 tỷ đồng; vùng cam sành Lục Yên diện tích trên 405 ha tập trung tại các xã: Mường Lai, Khánh Hòa, Tân Lĩnh, Minh Xuân...
Năm 2020, sản lượng đạt 3.200 tấn, giá trị thu trên 25 tỷ đồng. Từ chỗ chưa đầy 500 ha vào năm 2010 và mỗi năm phải nhập hàng ngàn tấn hoa quả từ các địa phương khác, sau 10 năm, Yên Bái đã có gần 10.000 cây ăn quả và trở thành một ngành kinh tế quan trọng, có giá trị đạt trên 420 tỷ đồng.
Vấn đề đặt ra trong phát triển cây ăn quả ở Yên Bái là phần lớn sản lượng quả tiêu thụ thông qua các tư thương, dẫn đến thiếu ổn định, hay xảy ra tình trạng được mùa rớt giá; hầu hết các sản phẩm tự sản, tự tiêu nội địa, chưa có sản phẩm xuất khẩu, dẫn đến giá trị không cao. Trong khi đó, một vài năm tới diện tích cây ăn quả qua thời gian kiến thiết cơ bản cho thu hoạch, sản lượng sẽ lớn, chắc chắn sẽ khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm...
Để bứt phá và phát triển bền vững vùng cây ăn quả, ngành nông nghiệp và các địa phương cần tổ chức sản xuất để có sản phẩm và nguyên liệu chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là giải quyết được vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; nông dân cần áp dụng và thực hiện quy trình sản xuất và thực hành nông nghiệp tốt để có rau quả "sạch”, cần có sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả với doanh nghiệp; tỉnh tiếp tục có các cơ chế, chính sách đầu tư nhà máy chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân, nhân rộng mô hình chuỗi giá trị sản xuất nông sản gắn kết người nông dân và các doanh nghiệp tiêu thụ, tiến tới xuất khẩu.
Đặc biệt, trong điều kiện dịch Covid -19 diễn biến phức tạp thì khâu bảo đảm an toàn dịch bệnh khi sản xuất, đóng gói, vận chuyển cần hết sức chú ý để sản phẩm dễ dàng lưu thông tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Sơn La bảo hộ nhãn hiệu cộng đồng cho các sản phẩm nông sản
Các sản phẩm nông sản của HTX trưng bày giới thiệu tại các hội nghị của tỉnh.
Bảo hộ nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các nông sản đặc sản địa phương nhằm khai thác danh tiếng của sản phẩm luôn được tỉnh Sơn La chú trọng triển khai. Nhờ đó, nhiều loại nông sản đã nâng cao vị thế, khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và trên thế giới.
Ông Phan Ngọc Bắc, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, HTX đã quan tâm đăng ký và sử dụng nhãn hiệu riêng và nhận thức nếu không có nhãn hiệu được bảo hộ thì rất khó tiêu thụ được sản phẩm và cơ hội mở rộng thị trường. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh đã có 21 sản phẩm chủ lực được cấp Văn bằng bảo hộ, trong đó có 3 chỉ dẫn địa lý, 16 nhãn hiệu chứng nhận, 3 nhãn hiệu tập thể, gồm: Chè Shan tuyết Mộc Châu, quả xoài tròn Yên Châu, cà phê Sơn La, chè Olong Mộc Châu, cá tầm Sơn La, cá sông Đà Sơn La, cam Phù Yên, nhãn Sông Mã... Theo cam kết tại Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu có hiệu lực vào tháng 7 năm 2020, sản phẩm chè Shan Tuyết và sản phẩm xoài tròn Yên Châu hiện đã được bảo hộ tại thị trường châu Âu.
Các sản phẩm sau khi đăng ký thương hiệu được hỗ trợ quảng bá nhãn hiệu, xúc tiến tiêu thụ. Từ năm 2017 đến nay, đã có trên 100 sự kiện quảng bá hàng nông sản Sơn La được tổ chức với các quy mô khác nhau, như: Lễ hội hái quả mận Mộc Châu; Ngày hội nhãn Sông Mã; Ngày hội xoài Yên Châu... Các Tuần nông sản an toàn Sơn La tại Hà Nội và các tỉnh: Lào Cai, Lạng Sơn, Hải Phòng... đã tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp có kinh nghiệm liên kết với các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất của tỉnh để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản. Bên cạnh đó, để duy trì và phát triển thương hiệu, các doanh nghiệp, HTX được hỗ trợ tham gia nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư, hội chợ xúc tiến thương mại, gắn việc quảng bá sản phẩm mang nhãn hiệu với du lịch trải nghiệm, như: Du lịch cánh đồng chè Shan tuyết Mộc Châu, du lịch lòng hồ Sông Đà, nghỉ dưỡng, trải nghiệm hái chè, sản xuất chè Olong...
HTX Cơ khí Xuân Hải, xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai) là một trong những HTX đã phát huy, sử dụng nhãn hiệu nông sản đặc sản địa phương rất thành công. Anh Tòng Văn Hải, Giám đốc HTX, thông tin: Hiện nay, HTX đã xây dựng dây chuyền sản xuất nước mắm với quy mô 1 tấn nguyên liệu/mẻ, đã có trên 5.000 lít nước mắm thượng hạng và 7.000 lít nước mắm loại 1 đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm xuất ra thị trường. Sản phẩm được trưng bày tại các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, góp phần nâng cao danh tiếng sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Cá sông Đà Sơn La” trên thị trường.
Đến năm 2020, toàn tỉnh có 119 chuỗi nông sản, gồm: Rau, quả, cà phê, chè, thịt lợn, thủy sản và mật ong an toàn; có hơn 9.780 ha cây trồng áp dụng VietGAP, GlobalGAP để cung cấp cho chuỗi các cửa hàng thực phẩm sạch tại các siêu thị trong nước và phục vụ xuất khẩu. Đây là điều kiện thuật lợi để tiếp tục triển khai xây dựng nhãn hiệu cộng đồng.
Theo ông Phan Ngọc Bắc, việc xây dựng nhãn hiệu đã khó nhưng việc quản lý, phát triển nhãn hiệu còn khó hơn. Với góc độ quản lý nhà nước cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để có những cơ chế, chính sách, tài chính hỗ trợ cho việc quản lý và phát triển nhãn hiệu cộng đồng bài bản và bền vững hơn. Góc độ các doanh nghiệp, HTX việc duy trì và phát triển nhãn hiệu phải coi đó là sự sống còn trong sản xuất và kinh doanh của chính mình thì mới có thể duy trì và phát triển được nhãn hiệu.
Vì thế, Sở KH&CN tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030; tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX sản xuất sản phẩm chủ lực của tỉnh trong ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm; quảng bá giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ tìm kiếm các thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước.
Trước xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, việc bảo hộ nhãn hiệu, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… nhằm tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho việc thu hút đầu tư, rộng đường xuất khẩu là con đường tất yếu trong tương lai để đưa nông sản Việt Nam đi xa.
Giải ''bài toán'' khó cho ngành chăn nuôi
Thời điểm hiện tại, giá các loại sản phẩm gia súc, gia cầm đã “nhúc nhích” tăng trở lại. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi vẫn liên tục tăng với tốc độ “phi mã” khiến cho chi phí “đầu vào” tăng theo, nên với người chăn nuôi, phía trước vẫn là thách thức.
Nắm chắc dữ liệu nông sản trước khi đưa ra thị trường
Qua khảo sát tại địa phương, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá nhiều nơi còn lơ là, chủ quan trong công tác dự tính, dự báo về tổ chức sản xuất.
Giá phân bón tăng phi mã, Bộ NN-PTNT kiến nghị sửa luật
Việc giá phân bón tăng cao làm cho chi phí sản xuất nông nghiệp tăng theo, nông dân sẽ là những đối tượng bị thiệt hại nặng nề nhất.
Biến đổi khí hậu là trở ngại lớn nhất với hệ thống lương thực ASEAN
Hơn một nửa những nhà hoạch định chính sách trong khu vực đã đồng ý rằng biến đổi khí hậu là trở ngại lớn nhất mà hệ thống lương thực ASEAN đang phải đối mặt.
Cần quy hoạch vùng trồng hoa xuất khẩu
Từ việc xây dựng thành công các vùng trồng hoa, cây cảnh chuyên canh, những năm gần đây, trên địa bàn Hà Nội đã có một số doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà vườn sản xuất hoa, cây cảnh theo quy trình công nghệ cao, tạo ra nhiều sản phẩm xuất khẩu.
Nhiều cơ chế ưu đãi cho mặt hàng nông sản chủ lực
Tại văn bản trả lời kiến nghị cử tri mới đây, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh việc phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được Chính phủ và ngành ngân hàng xác định là lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, mặt hàng nông sản chủ lực đang áp dụng nhiều cơ chế ưu đãi
Tạo cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản
Thu hút đầu tư vào chế biến nông sản là một trong những giải pháp trọng tâm để giải quyết bài toán "được mùa - mất giá", khủng hoảng thừa cho sản phẩm nông nghiệp.
Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại Long An
Sau hơn một năm Long An thực hiện "Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025" bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Hợp tác xã nông nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng
Tín dụng cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn quá ít so với nhu cầu, hợp tác xã, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp khó đáp ứng được các yêu cầu và điều kiện vay vốn của tổ chức tín dụng để tiếp cận được vốn vay.
Phê duyệt Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định phê duyệt Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản trên phạm vi cả nước định kỳ 5 năm đến năm 2030.
Bình luận