Nhóm thanh niên làm nông nghiệp kết hợp du lịch kiểu Israel

Nhóm thanh niên 9X đều tốt nghiệp đại học nhưng không chuyên ngành về nông nghiệp, song có điểm chung là đam mê nông nghiệp và có thời gian tu nghiệp sinh tại Israel.

Kết hợp nông nghiệp và du lịch
Những ngày tháng 4 này, chúng tôi có dịp ghé thăm The Moshav Farm, một nông trại nằm ở thung lũng Suối Mơ, xã Ninh Thượng, Thị xã Ninh Hòa, cách trung tâm TP Nha Trang (Khánh Hòa) hơn 50km về hướng bắc.

k7.png

The Moshav Farm ở xã Ninh Thượng, Thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa). Ảnh: KS.

The Moshav Farm là tên đặt theo kiểu Do Thái. Moshav là từ gốc Do Thái, là mô hình nông nghiệp ở đất nước Israel, được hiểu như một làng nông nghiệp có rất nhiều nông trại xung quanh, người dân ở đó sống nhờ nông trại. Khu vực đó có nhiều dịch vụ như cửa hàng vật tư nông nghiệp, shop phân phối các sản phẩm nông nghiệp và các cơ sở giáo dục, bệnh viện... rất tiện ích.

Do đó, The Moshav Farm ra đời với mong muốn phát triển một mô hình dịch vụ nông nghiệp như vậy. Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Tá Đông, người được xem là “thủ lĩnh” của nông trại này về ý tưởng làm nông nghiệp.

k6.png

Anh Nguyễn Tá Đông phụ trách điều hành chung tại nông trại The Moshav Farm. Ảnh: KS.

Được thành lập năm 2018, The Moshav Farm có 5 thành viên gồm anh Nguyễn Tá Đông (sinh năm 1995, quê Đăk Lăk), Nguyễn Mạnh Tiến (sinh năm 1995, quê Nghệ An); Trương Hoàng Nam (sinh năm 1995, quê Đồng Tháp); Phạm Minh Thông (sinh năm 1996, quê Bến Tre) và Võ Hồng Liêm (sinh năm 1973, quê Khánh Hòa) hùn vốn đầu tư.

Nhóm thanh niên 9X đều tốt nghiệp đại học nhưng không chuyên ngành về nông nghiệp, song có một điểm chung niềm đam mê nông nghiệp và có thời gian đi tu nghiệp sinh tại Israel vừa học vừa làm ở các nông trại để “tầm sư học đạo” cách làm nông nghiệp hiện đại. Từ đó, họ đi ngược xu hướng, bỏ phố về nông thôn làm nông nghiệp.

Bản thân Nguyễn Tá Đông vốn làm ở một công ty chuyên về xuất nhập khẩu với mức thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng nhưng anh bỏ ngang về làm nông nghiệp.

“Tôi thấy đất nước chúng ta có nhiều nông sản có giá trị, nhưng số lượng xuất khẩu ít và giá trị thấp. Xuất thân là con nhà nông nên bản thân tôi mong muốn đóng góp gì đó để nâng cao giá trị nông sản Việt Nam mình”, Đông chia sẻ và cho biết năm 2015, anh đã đi tu nghiệp sinh ở Israel hơn 1 năm. Sau đó về tiếp tục đi tham quan nhiều nông trại trong nước và các nước như Thái Lan, Philippines để so sánh giữa cái mình học được với cách làm thực tế rồi mới bắt tay khởi nghiệp.

k5.png

Vườn nho trồng tại nông trại sinh trưởng và phát triển tốt, chuẩn bị cho thu hoạch. Ảnh: KS.

Và, The Moshav Farm chọn hướng làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ kết hợp với du lịch để khai thác hết tiềm năng, hiệu quả của nông nghiệp giống như đất nước Israel họ đang làm. Bởi làm nông nghiệp thuần túy thì giá trị khai thác lĩnh vực này sẽ không được tối ưu.

Sau một thời gian dài lặn lội nhiều nơi để khảo sát tìm địa điểm, nhóm thanh niên 9X đã chọn địa bàn xã Ninh Thượng đầu tư vì nhận thấy nơi đây cơ bản phù hợp, đáp ứng các tiêu chí đưa ra để triển khai nông trại như: Giao thông thuận lợi, cơ sở hạ tầng đường, điện 3 pha sẵn có, nguồn nước phục vụ sản xuất đầy đủ và quỹ đất rộng, giá lại rẻ. Từ đó, nông trại có thể mở rộng ra các khu liền kề trong tương lai, cũng như kết hợp khai thác du lịch theo định hướng.

k4.png

Văn phòng làm việc tại nông trại chủ yếu thanh niên trẻ có trình độ cao. Ảnh: KS.

Với diện tích ban đầu 10ha được mua lại từ đất trồng mía của người dân, đến nay The Moshav Farm đã mở rộng lên đến 56ha. Nông trại được thiết kế bài bản gồm 4 khu trồng trọt, chăn nuôi; khu nhà xưởng, khu văn phòng, khu ký túc xá. Trong đó khu trồng trọt, chăn nuôi chiếm phần lớn diện tích đang trồng các loại cây ăn trái như dừa, bưởi, ổi, nho, mít, xoài, cây dược liệu và chăn nuôi cừu, hươu, nai và đà điểu… Tổng vốn đầu tư nông trại hiện hơn 50 tỷ đồng.

Nếu thử nghiệm các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp và hiệu quả, nông trại sẽ chuyển giao mô hình cho bà con nông dân. Sau đó, lượng nông sản sau khi thu hoạch nông trại sẽ thu mua lại cho bà con với mức giá bằng hoặc cao hơn giá thị trường. Nông trại đang cố gắng tạo ra sản phẩm có giá trị và lấy nông dân là mắt xích trong chuỗi sản phẩm của nông trại trong tương lai gần.
Xây dựng khách hàng trước khi bán sản phẩm
Hiện nay, nông trại đang áp dụng cơ giới hóa khá đồng bộ cho sản xuất. Các khu cây trồng tại đây được đánh dấu bằng số riêng biệt để quản lý, cùng với đó là áp dụng hệ thống tưới tự động nhỏ giọt, phun sương, bón phân tự động. Mỗi khu vực được bố trí cho từng nhóm lao động, có cả kỹ sư trồng trọt, chăn nuôi chăm sóc, quản lý cây trồng, vật nuôi. Tất cả công việc hằng ngày được báo cáo, theo dõi trên phần mềm máy tính.

k3.png

Từ vùng đất cằn cỗi, The Moshav Farm đã cải tạo, "hữu cơ hóa" thành đất đai màu mỡ. Trong đó, dừa là cây trồng chủ lực tại nông trại với diện tích hơn 20ha. Ảnh: KS.

Theo nhóm thanh niên 9X, sau thời gian trồng thử nghiệm, nhiều cây trồng đã khẳng định phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại đây. Chẳng hạn như dừa xiêm lùn, nông trại đang trồng chủ lực với diện tích hơn 20ha. Ngoài dừa, nhiều diện tích đang trồng xoài Đài Loan, xoài tứ quý, bưởi, cam, mít, ổi, chuối và nho. Hiện tại, một số cây trồng đã cho trái bói. Về cây dược liệu, nông trại đang trồng nhiều loài như cà gai leo, xáo tam phân, đinh lăng, sả…, đều sinh trưởng và phát triển tốt và cho thu hoạch theo kiểu cuốn chiếu.

“Những ngày đầu đến đây đất đai khô cằn, bạc màu, tuy nhiên nhóm đã cải tạo đất bằng cách bổ sung hàng trăm tấn phân hữu cơ mỗi năm từ nguồn sẵn có trong nông trại và tận dụng nguồn rơm rạ của người dân, bã bùn mía của nhà máy đường với chi phí rẻ. Nông trại cũng không sử dụng thuốc BVTV để diệt cỏ, chỉ cắt cỏ có kiểm soát để giữ độ ẩm cho đất, giúp vi sinh vật phát triển”, anh Nguyễn Tá Đông chia sẻ.

k2.png

Khu trồng cây dược liệu. Ảnh: KS.

Bên cạnh cây trồng, thời gian qua nông trại đã tiên phong nuôi cừu và nhận thấy rất phù hợp. Vì vậy từ 30 con cừu ban đầu, đến nay nông trại đã nhân lên đến 100 con. Ngoài ra tại đây cũng đang nuôi hươu, nai, đà điểu và sắp tới sẽ nuôi thêm ngựa để phục vụ du lịch trong thời gian tới.

The Moshav Farm hiện còn trong giai đoạn "lấy ngắn nuôi dài" vì mới hình thành trong 3 năm. Tuy nhiên thời gian qua, bước đầu nông trại đã cho ra thị trường 10 dòng sản phẩm chế biến từ cây dược liệu và cây ngắn ngày như lá xông giải cảm; rượu vang nho, nước rửa tay, bột gừng sấy lạnh, dầu gió bạc hà, mặt nạ bùn khoáng… Một số sản phẩm ngoài được sản xuất tại chỗ, nông trại còn liên kết với nhiều nhà máy chế biến để tối ưu quy trình sản xuất.

Ban đầu, các sản phẩm chủ yếu bán lẻ, hiện đã được phân phối hơn 400 đại lý trên toàn quốc, hầu như tỉnh nào cũng có, với tổng doanh thu 1 tỷ đồng/tháng.

k1.png

Hiện nông trại đã cho ra đời 10 sản phẩm chế biến từ cây dược liệu và cây ngắn ngày. Ảnh: KS.

Chia sẻ về cách bán sản phẩm của nông trại, anh Nguyễn Tá Đông cho biết: “Lâu nay, tư duy sản xuất thông thường là làm ra sản phẩm rồi mới đi tìm đầu ra. Nhóm Đông làm ngược lại, đi chào sản phẩm trước. Chúng tôi làm truyền thông ngay từ đầu, trong quá trình làm ra sản phẩm thế nào thì làm truyền thông đến đó. Vì vậy, trước khi ra mắt sản phẩm, mọi người đã biết đến nên việc buôn bán từ đó diễn ra dễ dàng hơn. Tuy nhiên, chính chất lượng sản phẩm của nông trại mới quyết định đầu ra bền vững”.

Được biết, The Moshav Farm hiện có 34 lao động, chủ yếu thanh niên trẻ có trình độ, được đào tạo bài bản và 10 nhân công lao động địa phương. Bên cạnh đó, hàng năm nông trại còn tiếp nhận hàng chục thực tập sinh đến học cách làm nông nghiệp hiện đại.

Theo anh Nguyễn Tá Đông, thời gian đầu, việc tuyển nhân sự có trình độ cao cho nông trại rất khó vì hầu hết ai cũng ở lại thành phố làm việc. Vì vậy, nông trại chỉ có 5 người làm việc cả ngày lẫn đêm.

Để giải quyết về nhân sự, nhóm lên ý tưởng xây dựng chương trình thực tập sinh thông qua việc kết nối nông trại với các trường đại học, tạo điều kiện cho sinh viên năm cuối có cơ hội trải nghiệm cách làm nông nghiệp theo hướng hiện đại. Từ các bạn sinh viện này, nhóm biết năng lực từng người và sẽ mời ở lại làm việc sau khi tốt nghiệp. Do đó, hiện nguồn nhân sự của nông trại đã có nhiều bạn trẻ có năng lực ở nhiều lĩnh vực.

Về đầu tư vào nông nghiệp, Nguyễn Tá Đông xác định phải là bài toán lâu dài, có thể 5 - 7 năm hoặc lâu hơn nữa. Vì vậy, với số vốn ban đầu của nhóm không lớn, trong quá trình hoạt động, nhóm còn kêu gọi nhiều nhà đầu tư bên ngoài và vay vốn ngân hàng để thực hiện.

 

Bình luận

Trồng cây dây thìa canh cho thu nhập gấp 4 lần trồng lúa

Không chỉ là cây dược liệu quý, dây thìa canh còn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Yên Ninh (Phú Lương, Thái Nguyên).

Người đầu tiên ở Hà Nội nuôi cua biển trong nhà

Thông qua hệ thống lọc tuần hoàn, anh Lê Đức Cảnh, ở huyện Thanh Trì, Hà Nội, nuôi cua biển trong nhà với quy mô lớn.

Chàng trai khởi nghiệp với ốc nhồi

Nuôi cua đồng thất bại, anh Hội chuyển sang học hỏi nuôi ốc nhồi. Sau một số thất bại ban đầu, anh đã nuôi thành công, cho thu nhập ổn định.

Ba Khánh và tầm che phủ của cọng bún

Cơ sở Ba Khánh vẫn mua gạo cứng cơm làm bún, bao phủ thị trường từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tới TP.HCM...

Làm giàu sau cơn bạo bệnh

Tưởng chừng sẽ gục ngã sau khi bị tai biến, chị Phạm Thị Nhân (SN 1992) đã hồi phục một cách thần kỳ và quyết định bỏ đô thị về quê làm lại từ đầu bằng mô hình chăn nuôi gà ác lấy trứng và rất thành công.

Cất 2 tấm bằng đại học, bỏ phố lên núi nuôi cá, chàng trai Pa Cô thu tiền triệu mỗi ngày

Có trong tay 2 bằng cử nhân, không ai nghĩ chàng trai người dân tộc Pa Cô Hồ Thanh Phương lại gác mơ ước công việc ổn định nơi thị thành, tìm về quê đào ao, nuôi cá đặc sản thu tiền triệu mỗi ngày.

Pham Nghia Food và tác động dây chuyền của 'chuẩn hóa'

Không chỉ chả cá thát lát rút xương Kim Sa, Pham Nghia Food có trên 30 sản phẩm chế biến từ cá thát lát là mũi nhọn khi phát triển chuỗi nhà hàng, quán ăn.

Thanh niên Đắk Lắk bỏ phố về quê làm nông nghiệp theo mô hình Israel

Là người thích khám phá điều mới mẻ, chàng trai 32 tuổi người Đắk Lắk đã quyết định từ bỏ việc thu nhập 20 triệu đồng/tháng để về quê làm nông nghiệp Israel trên đất Khánh Hòa.

Sản xuất nông sản an toàn, góp phần bảo vệ môi trường

Nhắc tới cây mận hậu tại Sơn La, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới sản phẩm mận hậu được trồng ở cao nguyên Mộc Châu.

Người trẻ bén duyên nông nghiệp xanh: Tay ngang mơ đầu tư lớn

Sau 6 năm làm nông trại hữu cơ với vô vàn khó khăn, anh vẫn kiên trì theo đuổi. Anh tin, với những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được, chắc chắn sẽ thành công.