Phá triển sản phẩm chủ lực cấp tỉnh: Giải pháp thúc đẩy kinh tế nông thôn và XDNTM
Phát triển sản phẩm chủ lực cấp tỉnh được coi là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, mà trọng tâm là việc thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá theo chuỗi giá trị, tăng thu nhập cho người dân, khai thác có hiệu quả lợi thế về tự nhiên, xã hội và truyền thống, đồng thời, tạo tiền đề để các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của các tỉnh khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Kinh tế nông thôn nêu cách làm của 2 tỉnh Bắc Giang và Tuyên Quang cùng ý kiến các chuyên gia để các địa phương khác tham khảo.
Thu hoạch vải thiều tại hộ nông dân Lê Văn Kiên, thôn Đồng Giao, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn.
Chuyện sản phẩm chủ lực ở Bắc Giang
Bắc Giang được xem là một trong những địa phương tập trung phát triển ngành nông nghiệp theo hai trục là nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh và sản phẩm đặc sản địa phương. Nhiều sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp của Bắc Giang hiện được đánh giá là đa dạng về chủng loại và đều có khả năng phát triển.
Những cuộc trò chuyện ở Bắc Giang đưa người ta đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, không chỉ bởi sự hồ hởi của những hộ nông dân tham gia vào chuỗi phát triển sản phẩm chủ lực mà cả sự tâm huyết và lòng nhiệt thành của nhà quản lý các cấp, đặc biệt là của ngành khoa học và công nghệ.
Ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên, người ta đã có thể cảm nhận được sự nhiệt tình xen lẫn tự hào của chị Dương Thị Luyện, Giám đốc HTX măng lục trúc Tân Yên. Cũng như bất cứ doanh nghiệp có mạng lưới tiêu thụ rộng khắp, HTX lúc nào cũng bận rộn, tấp nập người ra vào, đến 12 giờ trưa thì ngay cả giám đốc vẫn còn chưa được ăn, dù cơm nước đã sẵn sàng. Chúng tôi cũng phải ngồi chờ chị gần 20 phút vì chị còn phải ngược xuôi chạy đôn chạy đáo.
Có lẽ, lúc nào người ta cũng nhận thấy sự tự hào về sản phẩm mình làm ra của một người sống chết với công việc như chị. “Nhiều người nói với tôi chẳng thấy chị giám đốc nào như chị cả, chân đất, tay vẫn còn đào măng”, chị Luyện không ngại ngần kể về sự gắn bó máu thịt của mình với củ măng, dù đã “lên chức”. Với chị, dù được nhập từ Đài Loan (Trung Quốc) thì cây trúc đã là một phần tài sản của đồng đất ở đây.
Do đó, cách quảng bá “củ măng ngọt mát như củ đậu, lại có vị thơm phảng phất như ngô nếp” của chị cũng thật khác biệt với nhiều cách làm khác. “Đi du lịch ở Quảng Ninh cùng mọi người, tôi mang theo chục cân măng, đổi lấy một con tôm hùm rồi nhờ họ nấu cùng. Khi ăn, họ reo lên “ôi sao ngon thế nhỉ” và tìm về đến tận đây để ký hợp đồng”. Dù chị chưa kể hết các “mánh” quảng bá sản phẩm nhưng người ta có thể mường tượng ra cách tiếp cận thị trường hiệu quả của chị ở một xã nhỏ bé có thể cung cấp cả 2 tấn măng cho thị trường mỗi ngày.
Những tưởng chỉ có người sống chết với sản phẩm mình làm ra mới có thể “sôi sục” trong công việc như vậy, nhưng ở Bắc Giang thì dường như ai cũng sẵn có điều đó. Trên đường dẫn chúng tôi tới các cơ sở sản xuất các sản phẩm chủ lực của tỉnh, anh Ngô Anh Hoàng, Phó trưởng phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cơ sở và sở hữu trí tuệ (Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang) liên tục gọi và nhận một số cuộc điện thoại mà nội dung cũng chỉ xoay quanh các sản phẩm chủ lực. “Sắp tới có cuộc hội thảo toàn quốc ở Lâm Đồng, chúng tôi muốn nhân cơ hội này để quảng bá thêm với mọi người sản vật của Bắc Giang”.
Bắc Giang có nhiều sản phẩm chủ lực, lần này, anh gửi mì Chũ của HTX Mỳ gạo Chũ Xuân Trường, nơi mới đầu tư gần 100 triệu đồng để thiết kế lại logo, tem nhãn, bao bì đóng gói. Không ai giao việc này cho anh cả, nhưng anh cảm thấy trách nhiệm của một người sống ở vùng đất có nhiều sản phẩm đặc trưng mà chưa được người dân ở nhiều địa phương trên cả nước biết đến. “Việc gửi vài thùng mì đi giới thiệu ở các hội nghị có đại diện ở các địa phương khác nhau cũng là kênh quảng bá tốt”, anh chia sẻ.
Ngược trở lại quãng thời gian vài ba năm trước đây, khi mọi việc, mọi sản phẩm còn “chưa ra ngô ra khoai” như bây giờ, chính sự nhiệt tình với công việc và sẵn sàng kết nối như vậy đã đưa những con người ở đây đến việc giải bài toán sản phẩm chủ lực.
“Công việc thì giao cho Sở Công Thương tỉnh nhưng thật ra nhiều nơi cùng xúm vào làm. Ban đầu họ hỏi tôi xem bên Sở KH&CN có tiêu chí nào để lựa chọn và đánh giá không, thế rồi Sở KH&CN, Sở NN&PTNT… cùng tham gia tư vấn. Trên cơ sở đó, Bắc Giang có thể phân loại dựa trên một số tiêu chí nhất định như quy mô, sản lượng, chỉ tiêu chất lượng, thị trường…”, ông Ngô Chí Vinh, Phó giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang, cho biết.
Theo cách đó, câu chuyện sản phẩm chủ lực của Bắc Giang không đơn thuần là của một vài HTX hay của một ngành, một lĩnh vực mà là câu chuyện chung với đích đến là tạo điều kiện cho sản lượng mùa vụ cao hơn, sản phẩm có sức cạnh tranh cao hơn và người dân có thu nhập bền vững hơn. Không phải ngẫu nhiên mà suốt mấy năm vừa qua, gần như cả hệ thống chính trị của Bắc Giang nhập cuộc chỉ để giải quyết vấn đề chỉ dẫn địa lý ở Nhật của quả vải thiều Lục Ngạn. Chủ đề này chi phối mọi mối quan tâm từ người dân cho đến các nhà quản lý, khiến cho ở nơi đây miếng trầu không còn là đầu câu chuyện nữa mà là “quả vải là đầu câu chuyện”. Sức ép của việc gìn giữ chất lượng sản phẩm chủ lực và cách để sản phẩm chủ lực ấy có thể đường hoàng tung tẩy ở thị trường quốc tế còn lớn hơn cả việc tạo dựng ra nó.
Kiểm tra công tác phòng dịch của hộ chăn nuôi Nguyễn Tiến Mạnh (HTX giống gia cầm Mạnh Ngân) - Thương hiệu gà đồi Yên Thế - Một sản phẩm chủ lực của Bắc Giang. Ảnh: Hoàng Hiếu.
Đơn cử, sau khi Nhật Bản có quyết định cho sản phẩm vải thiều nhập khẩu vào thị trường này, Bắc Giang đã tập trung chỉ đạo sản xuất liên kết chuỗi gắn với thị trường tiêu thụ đối với quả vải. Riêng đối với sản phẩm gà đồi đã được nuôi theo quy trình an toàn tập trung, doanh thu mỗi năm hơn 1.500 tỷ đồng…
Trong câu chuyện sản phẩm chủ lực quy tụ các ngành cùng tham gia đó, không phải bao giờ cũng toàn chuyện thành công. Chỉ vỏn vẹn vài chữ “công nghệ bảo quản” và “chế biến sâu” để sản phẩm không còn là chuyện xuất tươi, không là nỗi lo “chạy cho kịp mùa vụ” nhưng sao khó vô cùng. Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang thừa nhận, “dù Sở KH&CN muốn có được những cách thức, công nghệ tốt để hỗ trợ người nông dân có sản phẩm đầu ra tốt hơn, thu nhập cao hơn, song thực tế thì chưa được như vậy. Dĩ nhiên, chúng tôi sẽ không bỏ cuộc”.
Tạo đà phát triển kinh tế và XDNTM
Theo đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, xác định tầm quan trọng của phát triển sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp khắc phục khó khăn, hỗ trợ cho sản xuất, nên nông nghiệp của tỉnh đạt kết quả toàn diện. Sản xuất nông nghiệp thật sự có vai trò là trụ đỡ vững chắc cho phát triển kinh tế của tỉnh. Hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp với quy mô ngày càng lớn, có sự hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị kết hợp với áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến như VietGAP, GlobalGAP, ứng dụng công nghệ cao... được nhân rộng, mang lại hiệu quả, giá trị, thương hiệu các sản phẩm nông sản của tỉnh. Năm 2020, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đạt 36.500 tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch. Cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế của địa phương và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường.
Nổi bật là một số loại cây trồng chủ lực phát triển mạnh, như: lúa chất lượng cao, rau chế biến an toàn, vải thiều, cam, bưởi… Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 163 mô hình cánh đồng mẫu trồng lúa, rau với diện tích 5.159ha. Có 66 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP với diện tích 2.027ha. Giá trị sản xuất 1 ha đất nông nghiệp cao hơn bình quân chung của cả nước, đạt 120 triệu đồng, tăng 14,3%, vượt 9,1% kế hoạch. Sản lượng lương thực có hạt đạt trên 630 nghìn tấn. Tỷ trọng ngành trồng trọt giảm còn 53,2%. Về chăn nuôi, việc kiểm soát, phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi được thực hiện một cách chủ động, tích cực, hiệu quả. Các mô hình sản xuất hiện đại theo chuỗi khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tỷ lệ chăn nuôi trang trại, gia trại và an toàn sinh học theo hướng VietGAP đối với đàn lợn đạt 43% và đối đàn gà đạt 46%. Đàn vật nuôi phát triển ổn định; đã phục hồi đàn lợn về mốc 1 triệu con. Các vật nuôi khác như: trâu, bò, ngựa, dê, thỏ, ong mật… cũng phát triển khá, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất. Tỷ trọng ngành chăn nuôi tăng lên 44,8%.
Cùng với đó, sản xuất thủy sản theo hướng thâm canh cũng được mở rộng. Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 52 vùng nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP, tập trung chủ yếu tại 6 huyện, thành phố gồm: Việt Yên, Lạng Giang, Tân Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa và thành phố Bắc Giang với diện tích trên 750ha; trong đó có 34 vùng đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích là 245,9ha. Sản lượng thủy sản đạt 57.500 tấn, tăng 4,2%.
Phát triển sản xuất nông nghiệp đã thật sự tạo động lực thúc đẩy tiến trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) của tỉnh Bắc Giang. Năm 2020, toàn tỉnh đã có thêm 24 xã đạt chuẩn và huyện Tân Yên đạt chuẩn huyện NTM. Đã có 124 xã đạt chuẩn, chiếm 67,4% tổng số xã và 3 huyện trong tỉnh đạt chuẩn NTM (Việt Yên, Lạng Giang, Tân Yên). Số tiêu chí bình quân đạt 16,2 tiêu chí /xã; trong đó nhiều tiêu chí đạt cao và vượt mốc chuẩn như: thu nhập bình quân đầu người, cứng hóa giao thông nông thôn, tổ chức liên kết sản xuất. 08 xã đạt chuẩn NTM nâng cao - kiểu mẫu; 73 thôn được công nhận NTM kiểu mẫu.
Bắc Giang tiếp tục là tỉnh đứng top đầu các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc về XDNTM.
Năm 2021, Bắc Giang phấn đấu thực hiện 18 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều ở mức cao hơn năm trước. Trong đó có các chỉ tiêu về phát triển sản xuất nông nghiệp và XDNTM, đó là giá trị sản xuất/ha đất nông nghiệp đạt 125 triệu đồng; tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM đạt 75% và có thêm 1 huyện đạt chuẩn huyện NTM, đưa tổng số lên 4 huyện trong tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.
Thu hoạch trứng tại hộ chăn nuôi Nguyễn Tiến Mạnh (HTX giống gia cầm Mạnh Ngân) - Thương hiệu gà đồi Yên Thế. Ảnh: Hoàng Hiếu
Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang, cho biết: Để đạt các chỉ tiêu đó, Bắc Giang sẽ đẩy mạnh hơn nữa phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất chuyên canh, tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Thực hiện hiệu quả các chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực XDNTM; phấn đấu toàn tỉnh có 138 xã đạt chuẩn và có thêm Yên Dũng đạt chuẩn huyện NTM. Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực và thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), có thêm tối thiểu 20 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh; từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.
Giải pháp nhằm lan tỏa sản phẩm chủ lực
Cũng như Bắc Giang, tỉnh Tuyên Quang xác định phát triển nông nghiệp hàng hóa là động lực để tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, nâng cao đời sống nhân dân, tạo sự ổn định và phát triển bền vững. Quan tâm đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hoá; tập trung vào cây trồng, vật nuôi có lợi thế của địa phương với quy mô lớn, sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường là những nhiệm vụ được triển khai đồng bộ trong thời gian qua.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề xuất Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định 5 loại sản phẩm nông nghiệp chủ lực để trình UBND tỉnh quyết định, gồm: sản phẩm cây trồng có cây chè, cây mía; nhóm sản phẩm rau, củ, quả; sản phẩm vật nuôi lựa chọn con trâu; sản phẩm lâm nghiệp lựa chọn gỗ nguyên liệu.
Từ thực tế một số địa phương thấy, việc lựa chọn các loại sản phẩm chủ lực cần phải có sự chắt lọc kỹ lưỡng, phải thực sự mang trong nó hình ảnh và là biểu tượng của địa phương; không nên bố trí một cách dàn trải với quá nhiều chủng loại sản phẩm. Xây dựng các sản phẩm chủ lực cần tính đến sự hài hòa giữa yếu tố kinh tế và yếu tố xã hội; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Xác định sản phẩm chủ lực phải mang tính cạnh tranh cao. Đây là sản phẩm đặc thù của địa phương, do đó, cần có sự thống nhất cao từ tư tưởng đến hành động của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân để tập trung sản xuất, chế biến, nâng cao lợi thế cạnh tranh, từ đó nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Việc lựa chọn và xác định các sản phẩm chủ lực cho ngành nông nghiệp được coi là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, mà trọng tâm là việc thực hiện hiệu quả Chương trình XDNTM hiện nay.
Ưu tiên nguồn lực để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm xây dựng nên những thương hiệu sản phẩm chủ lực mạnh của tỉnh. Đây cũng là cơ sở để các sở, ngành liên quan của tỉnh tham mưu xây dựng cơ sở dữ liệu về sản phẩm chủ lực; kết nối giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ, xây dựng triển khai hiệu quả chương trình quảng bá tiếp thị sản phẩm chủ lực. Đề xuất các chính sách xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, phù hợp với khả năng của tỉnh để tạo điều kiện hỗ trợ, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp, trong đó ưu tiên các chính sách thúc đẩy tập trung đất đai, tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn phù hợp với thẩm quyền và các quy định của pháp luật; chính sách tín dụng tại địa phương, hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp có điều kiện đổi mới về khoa học công nghệ, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tạo sự vượt trội về năng suất lao động...
Thay đổi tư duy, tổ chức lại sản xuất là việc làm quan trọng. Việc xác định các sản phẩm nông nghiệp chủ lực để tập trung đầu tư phát triển sản xuất và tiêu thụ là hướng đi đúng, là việc làm cần thiết, căn cơ góp phần quan trọng phát triển nông nghiệp bền vững.
Bởi tựu chung của những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết trong việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đó là liên kết sản xuất chưa thật sự bền vững, nhiều nông dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chưa tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài về sản xuất, tiêu thụ ổn định.
Bên cạnh đó là thực trạng sản phẩm hàng hóa thiếu “đầu ra” bền vững, giá trị hàng hóa không ổn định. Chính vì vậy, việc thay đổi tư duy của người nông dân và tổ chức lại sản xuất, nhất là đẩy mạnh liên kết vùng chuyên canh và tập trung sản xuất, liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng chất lượng nông sản cho nông dân phải đi trước, phải làm đồng bộ để các sản phẩm chủ lực của tỉnh phát triển mạnh và có sức cạnh tranh trên thị trường.
Ý kiến chuyên gia
Mặc dù đạt những kết quả tích cực nhưng các chuyên gia vẫn cho rằng, kinh tế nông thôn ở Bắc Giang, Tuyên Quang nói riêng và trên cả nước nói chung phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Còn một số tồn tại cần sớm tháo gỡ. Đó là quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ, kinh tế hộ vẫn là chủ yếu, năng suất lao động chưa cao, giá trị canh tác trên đơn vị canh tác nhìn chung còn thấp, sản phẩm chưa được chế biến sâu, bao bì, mẫu mã sản phẩm còn đơn giản, chưa tạo được thương hiệu, xuất tươi còn chiếm tỷ trọng lớn, số doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn ít và yếu.
Trên cơ sở đó, các chuyên gia cho rằng, các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức cho cả người dân và các cấp, ngành về ý nghĩa của việc phát triển sản phẩm chủ lực cấp tỉnh. Thứ hai là, triển khai có hiệu quả chương trình khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế nông thôn, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với tổ chức lại các hình thức tổ chức sản xuất; gắn với quảng bá du lịch. Thứ ba, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để hỗ trợ người dân nhanh nhất, hiệu quả nhất. Thứ tư, xây dựng các đề tài, dự án điểm, làm mẫu. Thứ năm, gắn kết tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, du lịch với quảng bá sản phẩm cả ở trong và ngoài nước. Thứ sáu, rà soát để loại bỏ các quy định, quy tắc và hệ thống đánh giá không phù hợp. Thứ bảy, chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ của các doanh nghiệp, HTX về mọi mặt. Thứ tám là, thực hiện công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất chưa sử dụng, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi nhất; thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh; đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư công, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Có thể thấy, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh đều là những sản phẩm có số lượng lớn, có thế mạnh và sức cạnh tranh cao, có khả năng mở rộng sản xuất, phát triển ứng dụng công nghệ cao, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Giải ''bài toán'' khó cho ngành chăn nuôi
Thời điểm hiện tại, giá các loại sản phẩm gia súc, gia cầm đã “nhúc nhích” tăng trở lại. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi vẫn liên tục tăng với tốc độ “phi mã” khiến cho chi phí “đầu vào” tăng theo, nên với người chăn nuôi, phía trước vẫn là thách thức.
Nắm chắc dữ liệu nông sản trước khi đưa ra thị trường
Qua khảo sát tại địa phương, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá nhiều nơi còn lơ là, chủ quan trong công tác dự tính, dự báo về tổ chức sản xuất.
Giá phân bón tăng phi mã, Bộ NN-PTNT kiến nghị sửa luật
Việc giá phân bón tăng cao làm cho chi phí sản xuất nông nghiệp tăng theo, nông dân sẽ là những đối tượng bị thiệt hại nặng nề nhất.
Biến đổi khí hậu là trở ngại lớn nhất với hệ thống lương thực ASEAN
Hơn một nửa những nhà hoạch định chính sách trong khu vực đã đồng ý rằng biến đổi khí hậu là trở ngại lớn nhất mà hệ thống lương thực ASEAN đang phải đối mặt.
Cần quy hoạch vùng trồng hoa xuất khẩu
Từ việc xây dựng thành công các vùng trồng hoa, cây cảnh chuyên canh, những năm gần đây, trên địa bàn Hà Nội đã có một số doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà vườn sản xuất hoa, cây cảnh theo quy trình công nghệ cao, tạo ra nhiều sản phẩm xuất khẩu.
Nhiều cơ chế ưu đãi cho mặt hàng nông sản chủ lực
Tại văn bản trả lời kiến nghị cử tri mới đây, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh việc phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được Chính phủ và ngành ngân hàng xác định là lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, mặt hàng nông sản chủ lực đang áp dụng nhiều cơ chế ưu đãi
Tạo cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản
Thu hút đầu tư vào chế biến nông sản là một trong những giải pháp trọng tâm để giải quyết bài toán "được mùa - mất giá", khủng hoảng thừa cho sản phẩm nông nghiệp.
Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại Long An
Sau hơn một năm Long An thực hiện "Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025" bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Hợp tác xã nông nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng
Tín dụng cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn quá ít so với nhu cầu, hợp tác xã, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp khó đáp ứng được các yêu cầu và điều kiện vay vốn của tổ chức tín dụng để tiếp cận được vốn vay.
Phê duyệt Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định phê duyệt Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản trên phạm vi cả nước định kỳ 5 năm đến năm 2030.
Bình luận