Phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm

Là nghề đem lại thu nhập cao, nuôi tôm hùm đã góp phần nâng cao đời sống người dân vùng biển. Do đem lại lợi nhuận cao, người dân đã bất chấp mọi khuyến cáo, phát triển số lượng lồng nuôi ồ ạt, dẫn đến rủi ro.

Trong khi thị trường tiêu thụ, giá cả không ổn định, việc tổ chức, cơ cấu lại nghề nuôi tôm hùm đang là yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay.

a3-1629673909303.jpg

Lồng bè nuôi thủy sản trên vịnh Vũng Rô (thị xã Đông Hòa, Phú Yên).

Tôm hùm là một trong những loại thực phẩm cao cấp, được ưa chuộng trên nhiều thị trường, là đối tượng nuôi biển có giá trị kinh tế cao. Ở Việt Nam, tôm hùm được nuôi trải dài từ Quảng Bình tới Bình Thuận, trong đó, các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa là những vùng nuôi trọng điểm. Hiện tôm hùm bông (P.Ornatus) và tôm hùm xanh (P.Hormarus) đang là hai đối tượng nuôi chủ lực, chiếm tới trên 97% sản lượng tôm nuôi.

Vùng nuôi tôm hùm ở thôn Khải Lương, xã đảo Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) những ngày này vắng vẻ lạ thường. Thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế người chăm sóc cho tôm nên người nuôi tôm gặp khó khăn, vất vả hơn, nhất là những hộ nuôi số lượng lớn, có tới hàng trăm nghìn con giống. Chỉ mới mấy năm, trở lại thôn Khải Lương, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay nhanh chóng ở đây. Nhà cửa, đường sá rất khang trang. Nhiều hộ dân trở nên khá giả. Chẳng hạn như anh Nguyễn Văn Thiều, hiện nuôi tới hơn 100 nghìn con giống, xuất bán thường xuyên, khi nửa tạ, lúc một tạ. Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh Nguyễn Ngọc Ý cho biết, năm 2020 huyện Vạn Ninh có 35.405 lồng, sản lượng tôm hùm 290 tấn, giá trị khoảng 493 tỷ đồng. Trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, giá giống, thức ăn tăng cao, Vạn Ninh vẫn có nhiều người “đủ lực” để giữ được nghề nuôi tôm hùm với quy mô lớn, có mức đầu tư hàng tỷ đồng.

Tại các làng biển Phú Yên, nhờ nuôi tôm hùm, nhiều người nghèo đã trở thành tỷ phú. Ông Nguyễn Văn Phúc, ở thôn Phú Dương, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, vùng trọng điểm nuôi tôm hùm của tỉnh Phú Yên cho biết, năm 2020 gia đình nuôi 40 nghìn con giống, năm nay còn 30 nghìn con. Số lượng có giảm, nhưng nhờ năng suất, sản lượng cao và giá tôm ổn định hơn nên bà con có thu nhập cao. “Thời điểm này năm ngoái giá tôm xuất bán bình quân chỉ 400 đến 450 nghìn đồng/kg, năm nay được tới giá 660 đến 700 nghìn đồng/kg”, ông Phúc chia sẻ.

Khảo sát, thu thập số liệu để có cơ sở xây dựng Ðề án “Phát triển sản xuất, xuất khẩu tôm hùm đến năm 2025”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đánh giá, từ năm 2010 đến 2019, nghề nuôi tôm hùm ở Việt Nam đã có sự phát triển nhanh cả về quy mô và sản lượng, theo hướng sản xuất hàng hóa, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Cùng với đó, đã góp phần khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế về tự nhiên vùng ven biển; giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho hàng nghìn lao động; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Anh Trần Minh Hiền, Tổ trưởng Tổ nghề nghiệp nuôi tôm hùm lồng thôn Khải Lương cho biết, người nuôi không chủ động được con giống; phải phụ thuộc vào nguồn giống khai thác trong tự nhiên và nhập khẩu từ một số nước trong khu vực Đông Nam Á... Nhập tôm hùm con còn trắng, rất nhỏ, giá đã từ 45 đến 50 nghìn đồng/con. Loại này có tỷ lệ hao hụt rất lớn, từ 70 đến 80%; thậm chí có lô nuôi chết hết, không còn con nào. Bà con ở đây hiện mua tôm hùm con được ương khoảng từ 1,5 đến 2 tháng, giá từ 110 đến 120 nghìn đồng/con; hao hụt khoảng từ 15 đến 20%. Do vậy, vấn đề cấp thiết hiện nay là nghiên cứu cho tôm hùm sinh sản trong môi trường nhân tạo và kiểm soát thật tốt chất lượng tôm giống nhập khẩu để bảo đảm nguồn giống tôm hùm ổn định, chất lượng.

“Ngâm mình lâu dưới nước lạnh cắt da cắt thịt để chăm sóc con tôm nên người bị nhiễm lạnh, ốm đau là chuyện thường, nhưng mình không đau xót bằng tôm bị bệnh chết. Làm nghề nuôi tôm hùm lúc nào cũng lo ngay ngáy chuyện thời tiết không thuận, rồi dịch bệnh…”, ông Phạm Thành Thệ, chủ hộ nuôi tôm hùm thương phẩm có số lồng nuôi nhiều nhất ở thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn (Bình Định) bộc bạch. Ở Khánh Hòa, từ cuối năm 2006 đến nay, bệnh sữa trên tôm hùm đã gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi ở huyện Vạn Ninh. Tôm hễ mắc bệnh là chết, không chữa được.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên Nguyễn Tri Phương cho rằng, người nuôi tôm hùm chưa biết tự bảo vệ sinh kế của mình. Chính quyền đã khuyến cáo nuôi đúng quy hoạch, đúng mật độ nhưng người dân cứ tự ý tăng thêm lồng nuôi. Như tại thị xã Sông Cầu, tính đến nay, số lượng lồng, bè tuy giảm so với năm 2020 nhưng vẫn còn tới 77.994 lồng, gấp hai lần so với quy hoạch. Người dân đang thả nuôi khoảng 75 đến 80 con/lồng 9 m2 đối với tôm hùm bông và khoảng 150 đến 200 con/lồng 9 m2 đối với tôm hùm xanh, cao gấp 1,5 đến 2 lần mật độ cho phép. Nuôi dày, môi trường ô nhiễm cho nên dẫn tới tình trạng dịch bệnh tràn lan, khó kiểm soát.

Ðầu ra cho sản phẩm tôm hùm đang là một bài toán khó. Tôm hùm của Việt Nam hầu hết được xuất khẩu tươi sống nguyên con sang một số thị trường như Trung Quốc, Singapore... Một lượng lớn trong số đó là xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch, việc mua bán, giá cả rất thất thường. Anh Trần Văn Hiền ở thôn Khải Lương chia sẻ: “Người nuôi chúng tôi cứ việc nuôi, còn giá được, giá mất ra sao thì mặc kệ cho… may rủi! Được thì thương lái tới lui nườm nượp. Còn có thời điểm xuất không được, dội chợ, tôm hùm cứ như khoai lang, rao bán không ai mua”. Người dân nói như vậy. Còn lãnh đạo các địa phương có nghề nuôi tôm hùm thì có cùng một trăn trở: Bao giờ tôm hùm thương phẩm Việt Nam mới được xuất khẩu bằng con đường chính ngạch?

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh Nguyễn Ngọc Ý, việc chưa có quy định khu vực biển để nuôi trồng thủy sản đã gây ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý nhà nước cũng như bảo đảm quyền lợi của bà con ngư dân. Đơn cử như nhiều hộ nuôi tôm hùm ở đây mất trắng do cơn bão số 12 năm 2017 nhưng không được hưởng chính sách hỗ trợ. Do đó, cần sớm triển khai quy hoạch chi tiết mặt nước các vịnh, đầm trên địa bàn; trong đó có quy hoạch phát triển tôm hùm để địa phương có cơ sở tổ chức sắp xếp lại lồng, bè theo đúng quy định và quản lý chặt chẽ.

Xã đảo Cam Bình, thuộc TP Cam Ranh (Khánh Hòa) đã thành lập các tổ tự quản nuôi tôm, hướng dẫn bà con cho thức ăn tôm vào túi lưới; vớt thức ăn thừa của tôm gom đưa vào bờ; giãn cách mật độ các lồng, bè. Vùng nuôi tôm hùm ở thôn Khải Lương thành lập được Tổ nghề nghiệp nuôi tôm hùm lồng, tổ chức nuôi tôm theo mô hình VietGAP, hình thành chuỗi cung ứng. Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định Trần Văn Phúc, tỉnh sẽ thành lập các tổ, nhóm cộng đồng và ban hành quy chế để quản lý hoạt động nuôi tôm hùm, tổ chức thu gom, xử lý chất thải sản xuất, rác thải sinh hoạt; tăng cường công tác quan trắc giám sát môi trường…

Theo TS Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, địa phương chỉ đạo thực hiện phù hợp với tình hình vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa duy trì chuỗi sản xuất, tiêu thụ hiệu quả; phổ biến các bản tin quan trắc môi trường để kịp thời cảnh báo cho người dân; hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi; hướng dẫn người dân tuân thủ các quy định về sử dụng thuốc thú y thủy sản, hóa chất, chế phẩm sinh học… hướng tới truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Trước thực trạng nghề nuôi tôm hùm của tỉnh Bình Định đang sử dụng công nghệ nuôi theo kiểu truyền thống, bè gỗ nên khả năng chống chịu gió bão yếu, dễ gây thiệt hại, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc cho rằng, do đặc điểm tự nhiên của Bình Định là vùng biển hở, bị ảnh hưởng trực tiếp của gió bão nên sớm thử nghiệm mô hình nuôi tôm hùm ứng dụng công nghệ cao tại các vùng biển xa bờ, vùng biển hở bằng vật liệu mới như lưới làm lồng bằng hợp kim đồng, khung lồng làm bằng nhựa HDPE... để tăng sức chống chịu sóng gió của lồng, bè.

Xuất phát từ thực tế đặc sản tôm hùm Bình Ba ngon nổi tiếng, nhiều năm trước đây, người dân thôn Bình Ba, thuộc xã Cam Bình đã có ý tưởng xây dựng thương hiệu tôm hùm Bình Ba, nhưng chưa làm được, bởi công việc quá mới mẻ và đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của nhiều ngành, nhiều cấp.

Ðề án “Phát triển sản xuất, xuất khẩu tôm hùm đến năm 2025” do Bộ NN-PTNT phê duyệt, triển khai thực hiện ở chín tỉnh, thành phố ven biển miền trung, gồm: Quảng Bình, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Mục tiêu chung: Phát triển nuôi và xuất khẩu tôm hùm theo hướng bền vững và hiệu quả; bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm; đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, thể tích lồng nuôi đạt khoảng 1,6 triệu m3; diện tích nuôi trong hệ thống trên bờ đạt 180 ha; tổng sản lượng nuôi đạt 3.000 tấn/năm; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD/năm.

Nguồn: Theo báo Nhân dân

Bình luận

Giải ''bài toán'' khó cho ngành chăn nuôi

Thời điểm hiện tại, giá các loại sản phẩm gia súc, gia cầm đã “nhúc nhích” tăng trở lại. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi vẫn liên tục tăng với tốc độ “phi mã” khiến cho chi phí “đầu vào” tăng theo, nên với người chăn nuôi, phía trước vẫn là thách thức.

Nắm chắc dữ liệu nông sản trước khi đưa ra thị trường

Qua khảo sát tại địa phương, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá nhiều nơi còn lơ là, chủ quan trong công tác dự tính, dự báo về tổ chức sản xuất.

Giá phân bón tăng phi mã, Bộ NN-PTNT kiến nghị sửa luật

Việc giá phân bón tăng cao làm cho chi phí sản xuất nông nghiệp tăng theo, nông dân sẽ là những đối tượng bị thiệt hại nặng nề nhất.

Biến đổi khí hậu là trở ngại lớn nhất với hệ thống lương thực ASEAN

Hơn một nửa những nhà hoạch định chính sách trong khu vực đã đồng ý rằng biến đổi khí hậu là trở ngại lớn nhất mà hệ thống lương thực ASEAN đang phải đối mặt.

Cần quy hoạch vùng trồng hoa xuất khẩu

Từ việc xây dựng thành công các vùng trồng hoa, cây cảnh chuyên canh, những năm gần đây, trên địa bàn Hà Nội đã có một số doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà vườn sản xuất hoa, cây cảnh theo quy trình công nghệ cao, tạo ra nhiều sản phẩm xuất khẩu.

Nhiều cơ chế ưu đãi cho mặt hàng nông sản chủ lực

Tại văn bản trả lời kiến nghị cử tri mới đây, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh việc phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được Chính phủ và ngành ngân hàng xác định là lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, mặt hàng nông sản chủ lực đang áp dụng nhiều cơ chế ưu đãi

Tạo cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản

Thu hút đầu tư vào chế biến nông sản là một trong những giải pháp trọng tâm để giải quyết bài toán "được mùa - mất giá", khủng hoảng thừa cho sản phẩm nông nghiệp.

Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại Long An

Sau hơn một năm Long An thực hiện "Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025" bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Hợp tác xã nông nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng

Tín dụng cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn quá ít so với nhu cầu, hợp tác xã, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp khó đáp ứng được các yêu cầu và điều kiện vay vốn của tổ chức tín dụng để tiếp cận được vốn vay.

Phê duyệt Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định phê duyệt Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản trên phạm vi cả nước định kỳ 5 năm đến năm 2030.