Sức hút sầu riêng bazan Bình Phước
Sầu riêng trồng theo hướng hữu cơ trên vùng đất đỏ bazan Bình Phước vẫn khẳng định được lợi ích kinh tế vượt trội, bất chấp dịch Covid-19 trong suốt thời gian qua…
Mãn nhãn vườn sầu riêng 30 ha
Nhắc đến sầu riêng có lẽ nhiều người sẽ nghĩ ngay đó là sản vật của vùng miền Tây sông nước. Thế nhưng hiện nay sầu riêng đã rất bén duyên với miền Đông đất đỏ. Hòa giữa màu xanh của những rừng cao su, điều, tiêu bạt ngàn là những miệt vườn sầu riêng xanh ngát đang đem lại thu nhập không nhỏ cho nông dân nơi đây.
Ông Ba Đảo bên vườn sầu riêng của gia đình. Ảnh: Trần Trung.
Theo chân các cán bộ hội nông dân, chúng tôi thật sự mãn nhãn với vườn sầu riêng “khủng” rộng 30 ha của gia đình ông Trương Văn Đảo ở thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín, thị xã Phước Long. Dẫn chúng tôi đi xem vườn, ông Đảo không khỏi vui mừng giới thiệu cho chúng tôi quy trình canh tác để tạo ra những quả sầu riêng thơm ngon, mang đậm hương vị địa phương.
“Thiên nhiên khá ưu đãi với Bình Phước bởi nơi đây có vùng đất đỏ bazan vô cùng màu mỡ, đặc biệt loại đất này hàm chứa một lượng lưu huỳnh cao làm cho thịt sầu riêng rất khác biệt không nơi nào có được. Theo đó, sầu riêng Bình Phước cơm ráo hơn, ngọt dịu không gắt, màu sắc vàng nhẹ bắt mắt, vị ngọt bùi ăn mãi không chán….”, ông Đảo chia sẻ.
Ông Ba Đảo ứng dụng cơ giới hoá vào sản xuất, giảm nhân công tăng lợi nhuận. Ảnh: Trần Trung.
Cầm trên tay quả sầu riêng căng tròn, tỏa hương thơm lừng, ông Đảo cho biết thêm, trồng sầu riêng mê lắm mà cũng cực lắm, ngày nào cũng có việc làm. Chăm sóc cây sầu riêng như chăm con nhỏ vậy. Phải theo dõi “sức khỏe” của nó mỗi ngày. Chỉ cần thấy cây chớm có dấu hiệu “không khỏe” là xử lý ngay, nếu không thì thua. Trồng cây sầu riêng, từ lúc đặt gốc cho tới lúc cây ra hoa, thu trái… đều đòi hỏi kỹ thuật cao mà nhà nông phải tự mình mày mò, học hỏi để áp dụng trên vườn nhà một cách hợp lý, kinh tế nhất.
Nhờ lợi thế về khí hậu thổ nhưỡng cùng quy trình canh tác chuẩn, những quả sầu riêng thơm ngon, mang đậm hương vị địa phương của ông Ba Đảo làm ra được người tiêu dùng đón nhận. Ảnh: Trần Trung.
Hiện toàn bộ diện tích vườn của gia đình ông Đảo đều được lắp đặt hệ thống tưới tự động, đánh dấu mã số cây, dùng ký hiệu để theo dõi trái cho đến khi thu hoạch, quản lý sâu bệnh cũng như quy trình chăm sóc theo hướng hữu cơ sinh học cho nên hạn chế được sâu bệnh hơn, thân cây khỏe, năng suất duy trì ổn định. Theo tính toán của ông Đảo, mỗi ha sầu riêng từ năm thứ 8 trở đi sẽ cho năng suất dao động từ 15-20 tấn nếu được đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật. Với mức giá bình quân 35.000 - 50.000 đồng/kg như hiện nay cho thu nhập cả tỷ đồng/ha.
“Lâu nay, nhiều người cho rằng sử dụng các loại thuốc hóa học, chất kích thích cây mang lại lợi nhuận cao hơn. Nhưng thực tế, làm nông nghiệp hữu cơ mới thật sự tốt về lâu dài vì đất được nuôi dưỡng, không bị hóa chất làm bạc màu, cây có tuổi thọ lâu hơn. Và cây sầu riêng càng lâu năm càng cho trái ngon ngọt và có giá trị kinh tế cao”, ông Đảo tự tin khẳng định.
Sản phẩm sầu riêng sấy thăng hoa (lạnh) của ông Ba Đảo cũng xuất hiện tại các chuỗi cửa hàng chuyên kinh doanh nông sản sạch, OCOP. Ảnh: Trần Trung.
Ông Đảo cho biết thêm, năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, việc tiêu thụ nông sản của cả nước gặp không ít khó khăn. Để khắc phục, ông đã không ngần ngại đầu tư xây dựng hệ thống máy cấp đông cho đến sơ chế, chế biến sâu sản phẩm. Nhờ cách làm này, thương hiệu sầu riêng của gia đình được thị trường trong Nam, ngoài Bắc đón nhận. Đầu ra cho sản phẩm sầu riêng của trang trại ông không còn phải lo mỗi khi thị trường biến động.
Chuyện liên kết trồng sầu riêng của Minh Tâm
Không chỉ vườn sầu riêng của ông Ba Đảo, nhận thấy lợi ích, cơ hội phát triển kinh tế bền vững từ việc canh tác sầu riêng theo hướng hữu cơ, hầu hết các nhà vườn trồng sầu riêng tại Bình Phước đã mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác, đồng thời bắt tay nhau liên kết sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh. Trong đó, tiêu biểu phải kể đến là tổ hợp tác trồng sầu riêng sạch Minh Tâm (huyện Hớn Quản), đây là một trong những đơn vị có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nông và doanh nghiệp. Trong đó, vật tư đầu vào, phân bón, thuốc BVTV sinh học cho đến khoa học kỹ thuật đều do Tập đoàn Lộc Trời hỗ trợ từ A đến Z, đầu ra sản phẩm do công ty Chánh Thu bao tiêu toàn bộ, người nông dân chỉ cần tập trung canh tác, thu nhập cao hơn rất nhiều so với truyền thống.
Cán bộ kỹ thuật Tập đoàn Lộc Trời hướng dẫn các thành viên tổ hợp tác Minh Tâm cách chăm sóc vườn sầu riêng trong mùa mưa. Ảnh: Trần Trung.
Chúng tôi đến thăm tổ hợp tác Minh Tâm ngay thời điểm cán bộ kỹ thuật Tập đoàn Lộc Trời đang tiếp tục chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ông Nguyễn Đức Hạnh tổ trưởng tổ hợp tác cho biết, trước đây hầu hết người dân tại địa phương canh tác cây hồ tiêu, đến năm 2011, khi giá cả hồ tiêu đi xuống cùng với đó là dịch bệnh trên cây phát triển mạnh, bà con bắt đầu chuyển hướng sang canh tác cây sầu riêng. Tuy nhiên, do thiếu kỹ thuật nên sâu bệnh nhiều, cây chậm phát triển, năng suất không cao, sản phẩm lại bị thương lái ép giá.
Kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, làm quả là một trong những yếu tốt quan trọng quyết định thành công cả mua vụ cũng được cán bộ kỹ thuật Tập đoàn Lộc Trời tận tình hướng dẫn. Ảnh: Trần Trung.
Nhận thấy xu hướng canh tác sầu riêng theo hướng hữu cơ không chỉ giảm chi phí đầu tư, sản phẩm tốt, công ty bao tiêu đầu ra, nên từ năm 2016, tổ liên kết bắt tay cùng Tập đoàn Lộc Trời xây dựng vùng nguyên liệu cung ứng cho công ty Chánh Thu xuất khẩu. Qua hợp tác, hầu hết thành viên đều nắm vững khoa học kỹ thuật, đặc biệt, sản phẩm làm ra đến đâu đều được công ty đến tận vườn thu mua hết đến đó với giá luôn cao hơn thị trường khoảng 30%.
Ông Nguyễn Đức Hạnh tổ trưởng tổ hợp tác sầu riêng Minh Tâm trình diễn cách phòng trừ sâu đục thân bằng phương pháp thủ công nhưng hiệu quả cao. Ảnh: Trần Trung.
Theo ông Hạnh, năm 2021-2022 vừa qua, do tác động của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến các mặt hàng nông sản trong nước. Thế nhưng, nhờ mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và tổ hợp tác, tất cả sản lượng vụ mùa vừa qua đều được doanh nghiệp thu mua. Trung bình sầu riêng năm ngoái có giá giao động từ 35.000 đến 40.000 đồng/kg nhưng tổ hợp tác vẫn bán được với giá bình quân 45.000/kg. Trong đó, 70% sầu riêng loại 1 được bán với giá 48.000 đồng/kg.
Sâu đục thân, một loại bệnh khó trị không chỉ trên cây sầu riêng được xử lý bằng phương pháp của ông Hạnh. Ảnh: Trần Trung.
Anh Nguyễn Văn Đoàn, cán bộ phụ trách kỹ thuật cây ăn quả khu vực Đông Nam bộ - Tập đoàn Lộc Trời cho biết, tập đoàn đang hợp tác với công ty Chánh Thu để tiếp tục triển khai xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Trước mắt, tập đoàn thực hiện chuỗi cung ứng, liên kết sản xuất trên cây sầu riêng tại Hớn Quản. Sau dự án này, tập đoàn sẽ triển khai thực hiện mô hình liên kết sản xuất tại tất cả các huyện thị của Bình Phước và rộng ra cả khu vực Đông Nam bộ, không chỉ trên cây sầu riêng mà còn các loại sản phẩm chủ lực khác như các loại cây có múi, cây rau...
“Trong xu thế hội nhập toàn cầu, thương hiệu được xem là giấy thông hành cho mỗi sản phẩm khi bước ra thị trường thế giới. Do vậy, bên cạnh sản xuất sạch, việc xây dựng thương hiệu cho cây ăn trái nói chung và sầu riêng của Bình Phước nói riêng là điều cấp thiết. Bởi xây dựng thương hiệu, không chỉ để bán sản phẩm mà giá trị lớn hơn chính là để quảng bá hình ảnh cho tỉnh. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hòi sự bắt tay chặt chẽ giữa 4 nhà “nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông”. Địa phương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư vào Bình Phước, đồng thời ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX, người nông dân từng bước làm chủ khoa học công nghệ, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình”, bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Phước khẳng định.
|
Mật hoa dừa chuẩn hội nhập có gì mới?
Mật hoa dừa giàu khoáng chất, giúp cơ thể cân bằng điện giải và bổ sung năng lượng nên sức mua các sản phẩm của Sokfarm rất tốt trong lúc đại dịch Covid-19 bùng phát.
Nâng tầm sản phẩm OCOP
Kết nối thị trường cho sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) luôn được các ngành, địa phương và doanh nghiệp quan tâm nhằm tối ưu giá trị.
Hội nghị thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông sản Nam Bộ
Trước bức xúc về hàng hóa nông sản chủ lực Nam Bộ trúng mùa, nhưng mất giá trầm trọng, phải cầu cứu giải cứu, ngày 8/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức hội nghị trực tuyến tìm giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông sản.
OCOP Sơn La vươn ra thế giới
Tỉnh Sơn La đã có 83 sản phẩm OCOP, trong đó 1 sản phẩm hạng 5 sao, còn lại là các sản phẩm đạt 3 và 4 sao. Nhiều sản phẩm OCOP của Sơn La đã khẳng định thương hiệu, chất lượng, chinh phục được thị trường trong nước và từng bước vươn ra thế giới.
Đồng Tháp lần đầu tổ chức Lễ hội Sen để quảng bá du lịch
Ngày 6/5 UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức họp báo Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ nhất năm 2022 được tổ chức với quy mô cấp tỉnh với chủ đề “Sen ngày mới”.
Bến Tre tiếp tục nhân rộng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị
Để nâng cao giá trị hàng nông sản, tăng lợi nhuận cho người nông dân, hiện nay, tỉnh Bến Tre đang xây dựng hoàn chỉnh chuỗi giá trị nông sản chủ lực gắn với chế biến sâu. Hoạt động này đã đem lại hiệu quả thiết thực, là hướng đi tất yếu trong sản xuất
Bắc Kạn nâng tầm các sản phẩm OCOP
Đến nay, Bắc Kạn đã có 155 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, 3 năm liên tiếp đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm. Tỉnh đang nỗ lực nâng cao cả về lượng và chất sản phẩm để vươn tới các thị trường lớn, gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Khánh Sơn sẽ tổ chức lễ hội trái cây lần thứ II
Ngày 4/5, lãnh đạo phòng NN-PTNT Khánh Sơn (Khánh Hòa) cho biết, huyện đã ban hành kế hoạch tổ chức lễ hội trái cây lần thứ II năm 2022 trên địa bàn.
4 giải pháp cho nông nghiệp Tây Nguyên
Nông nghiệp công nghệ cao là thế mạnh của tỉnh Lâm Đồng và địa phương này đang phát triển theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế.
Quảng bá quả hồng xiêm đông lạnh Việt Nam với người tiêu dùng Australia
Ngày 30/4, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại bang New South Wales, Queensland và Nam Australia, đã phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Australia tổ chức buổi quảng bá, giới thiệu hàng nông sản Việt Nam, đặc biệt là quả hồng xiêm đông lạnh
Bình luận