‘Trung đoàn trưởng’ trung đoàn vịt biển
Miệng anh kêu kít kít là cả đoàn vịt lít nhít theo đằng sau, răm rắp như một đoàn quân tụ dưới lá cờ của người thủ lĩnh có dáng bé nhỏ nhưng quyền uy…
Học trường chuyên, đi nuôi vịt
Trạm Nghiên cứu Rừng ngập mặn thuộc xã Giao Lạc (Giao Thủy, Nam Định) rộng hơn 1,8ha bị bỏ hoang bấy lâu, được anh thuê lại để làm nơi nuôi 3.000 con vịt biển - ngang với quân số của một trung đoàn đầy đủ. Đoàn quân đó sẵn có rừng sú vẹt chở che, sẵn thức ăn từ những con nước lớn, nước ròng theo thủy triều lên xuống của hàng ngàn ha Vườn Quốc gia Xuân Thủy với vô vàn cáy, còng, tép, ốc.
Khoắng một lúc dưới gốc cây phi lao, “trung đoàn trưởng” xòe tay ra, chìa cho tôi xem mấy con ốc mít, một đặc sản của con người và cũng rất vừa với mồm của con vịt. 1,8ha đã đủ cho đám vịt vẫy vùng nhưng anh Chung còn “chơi sang”, thuê thêm hơn 1ha nữa để làm…bể bơi cho chúng tắm lội thêm thoải mái và đề phòng ô nhiễm do lượng phân thải ra.
Học trường chuyên nổi tiếng Lê Hồng Phong của tỉnh, tốt nghiệp Đại học Xây dựng rồi làm cho công ty to, chuyên đi lo những công trình lớn khắp trong và ngoài nước, lương tháng cả vài ngàn đô la, Trần Hữu Chung bảo con đường về quê làm nông của mình rất dài, mọi thứ cứ như đuổi theo, cuốn anh vào lúc nào không rõ. Đó là năm 2016, anh thuê 8ha ruộng bạc màu, đổ đất vào, làm hàng rào, lắp điện nước, mua sắm máy móc rồi thành lập HTX Nông nghiệp Trường Xuân (xã Giao Lạc, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định).
Vịt biển đến ngày xuất bán. Ảnh: Dương Đình Tường.
Tôi hỏi tại sao lại có tên như vậy, anh cười, giải thích rằng đơn giản là muốn cho mọi người ăn nông sản của mình có thể kéo dài tuổi xuân. Bởi thế, mà tất cả đều được sản xuất theo hướng hữu cơ, không phân bón hoá học, thuốc trừ sâu hoá học, thuốc diệt cỏ, chất kích thích tăng trưởng, giống biến đổi gen, chất bảo quản. Để phòng dịch hại, anh áp dụng xen canh, luân canh, đồng thời sử dụng tỏi, chanh, sát, ớt, mật ong, tro bếp thậm chí cả những con sâu bắt được để chế ra thuốc trừ một cách an toàn nhất. Còn phân bón, anh tự ủ bằng các loại cá tạp, cỏ, rau củ quả, thân ngô, bèo tây, rơm rạ cùng với vi sinh.
Tự lái máy, anh quần quật cả ngày trên đồng, ít khi nào chịu ngơi nghỉ. Do không có chuyên môn mà lúc đầu anh không biết rằng đất ven biển dù đã được ngọt hóa nhưng đó chỉ là ở trên bề mặt, khi đào sâu bên dưới, các mạch ngầm đùn lên nhiễm mặn lại thêm nhiễm phèn.
“Tôi trồng đủ loại, từ măng tây, nghệ, đinh lăng đến dưa lê, dưa hấu. Có cái được, có cái không, nhưng tổng thể thì thất bại, phần do sai kỹ thuật, phần do sai thị trường.
Như măng tây lúc trồng thử lên rất đẹp nhưng khi trồng thật cả 2ha thì mới chết, mất 1,5 tỉ cộng với mất thời gian 2 năm nữa. Sau đó, trồng dưa lê tôi cũng gỡ gạc được một chút, nhưng hai năm rồi lại có Covid-19 nên không dám trồng nhiều. Tổng đầu tư từ đó đến nay của HTX ước đã hơn 13 tỉ trong đó tiền của tôi là chính còn lại thì huy động từ bạn bè. Tôi đã sai lầm bởi đáng lẽ phải đi nuôi trước lại cứ mải miết đi trồng. Và vật nuôi thì có thể ăn những rau, củ, quả trong vườn bị loại ra để không bị bỏ phí…”, anh nhớ lại.
Đàn vịt được thả dưới tán rừng ngập mặn. Ảnh: Dương Đình Tường.
Thấy anh Chung cái gì cũng làm thử nhưng lại chẳng có hiệu quả kinh tế, một vụ dưa trồng có mấy tháng, thu xong rồi lại bỏ không đất để cỏ mọc lan tràn, dân làng nhận xét là "gàn không thuốc chữa".
Tình cờ một buổi anh đọc trên trang facebook của Tony Buổi sáng khuyên thanh niên nên khởi nghiệp từ con vịt, nghe thấy cũng có lý, mới nảy sinh ý tìm một ít giống để nuôi thử, ăn chơi. Lúc đầu, anh thả vịt ở trong ao nước ngọt và chúng đã “dạy” cho anh mấy bài học vỡ lòng.
Do nuôi trong môi trường nhốt quá chật chội, thường xuyên mò phải chất thải của chính mình, đàn vịt bị mắc bệnh đường ruột, cả trăm con lăn ra ốm, chết cùng một lúc, mãi về sau anh mới tìm ra được nguyên nhân. Thêm vào đó là nạn chuột bên ngoài tràn vào cắn chết vịt con, mỗi tối đều đều nhặt cả chục cái xác bị gặm nham nhở, phải kiên trì đánh bẫy mãi anh mới khắc phục được tình trạng này.
Phút nghỉ ngơi dưới tán rừng của anh Chung. Ảnh: Dương Đình Tường.
Vịt biển còng
Trong khi nhà cao, cửa rộng cùng vợ con trên Hà Nội không ở, lại một mình lụi hụi nơi xó quê với cách làm nông không giống cha ông từng làm nên anh bị cười chê. Nhưng anh bỏ ngoài tai hết thảy: "Nhiều người cười tôi vì cách làm khác lạ nhưng tôi thì chỉ thấy mình không đồng tư duy với họ mà thôi. Làm nông nghiệp hữu cơ giống như một người chạy đường dài vậy.
Cá nhân tôi rất thích chạy, nhưng chạy bình thường thì không mà phải marathon 42km đường núi như giải Mộc Châu, giải SaPa mới đã. Xã hội ngày nay đã vượt qua ranh giới “ăn no, mặc ấm” để chuyển sang “ăn ngon, mặc đẹp” rồi, còn “ăn sung, mặc sướng” chỉ được một số ít người mà thôi. Tôi đi theo xu thế, đáp ứng cho nhu cầu “ăn ngon, mặc đẹp” ấy”.
Từ hồi thả vịt dưới tán rừng ngập mặn, ngày ngày người luyện chạy marathon trên bờ đầm, còn đàn gia cầm thì chạy marathon dưới các gốc sú, gốc vẹt gồ ghề, rễ chằng, rễ chịt. Bởi thế mà xương của chúng trở nên cứng hơn, cơ bắp trở nên săn chắc hơn. Khả năng chống chịu của vịt biển rất tốt, mới 3 ngày tuổi chúng đã bơi lội ùm ùm rồi trong khi giống vịt siêu cánh trắng đang phổ biến trong dân, nuôi 20 ngày, thả xuống nước vẫn còn chưa thích nghi nổi.
Anh Chung bên đàn vịt con. Ảnh: Dương Đình Tường.
Vịt siêu thường phải tiêm 5 loại vacxin gồm cúm, viêm gan, dịch tả, bại huyết và tembusu còn vịt biển chỉ cần tiêm 2 loại vacxin viêm gan và dịch tả. Cứ thả gối đầu, vừa nuôi anh vừa thăm dò ý kiến khách hàng, khi thị trường thuận lợi, đàn sau lại nhiều hơn đàn trước.
Anh cho chúng chế độ ăn gồm ngô, cám trộn với cá biển, tôm tép, rau quả hữu cơ rồi ép viên dạng chín. Nhưng lúc nào cũng chỉ cho ăn lưng lửng bụng, để buộc chúng phải dành thời gian sục sạo tự tìm kiếm thức ăn trong rừng. Tiết kiệm chi phí được đã đành, mà vịt cũng luôn được vận động với cường độ cao.
Vịt biển mấy ngày tuổi. Ảnh: Dương Đình Tường.
Dân nuôi vịt siêu chỉ 55 - 60 ngày đã bán, khi lông cánh vẫn còn đang đọng máu nhưng vịt biển của anh được nuôi tới ngót 100 ngày mới thôi. Ngay cả khi bắt chúng để xuất bán anh cũng đặt ra quy định cho người làm là không được lao vào vồ bắt ngay trước mặt cả đàn vì làm thế sẽ gây sang chấn tâm lý của vịt, mà chỉ lùa một đám nhỏ vào một chỗ kín rồi mới nhẹ nhàng bắt.
Ăn toàn đặc sản lại chăm tập thể thao nên thịt vịt biển không thơm ngon mới là lạ. Dù tôi là dân Vân Đình chính hiệu, thủa nhỏ cũng cầm gậy lùa vịt cỏ khắp các xứ đồng cạn, đồng sâu cũng phải công nhận là vịt biển ăn ngon ngọt và thơm. Cùng là nuôi trong môi trường nước mặn, anh Chung còn thả thử vài con vịt siêu vào để nuôi thí nghiệm, kết quả thịt vịt biển vẫn ngon vượt trội hơn. Hiện anh đang phải mua vịt nhỏ về chăn nhưng sắp tới sẽ tự chọn giống từ những con bố mẹ đã quen với rừng ngập mặn, có khả năng phòng chống bệnh rất tốt.
Buổi chiều hôm đó, tôi ngó xem không biết chán cảnh “trung đoàn trưởng” đang tập huấn cho các bà làm công ở quê cách cắt tiết vịt chỉ bằng một cái que sắt nhọn to cỡ đầu đũa chọc thẳng vào huyết mạch, cách vặt sao cho không còn sót tí lông tơ lạ màu. Sau khi mổ, vịt được bỏ vào túi hút chân không, cấp đông để bảo quản. Giá xuất đi đang ở mức 180.000 đồng/con, hàng tươi sống chỉ bán tại chỗ, hàng đã sơ chế thì bán từ Quảng Ngãi trở ra tới Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Còn những đơn xa hơn, anh bảo chưa dám nhận vì không có tủ lạnh sâu để giữ lâu chất lượng.
Đàn vịt biển đến ngày xuất bán. Ảnh: Dương Đình Tường.
“Tôi đã không làm thì thôi chứ làm việc gì cũng muốn là số một, không phải về năng suất, sản lượng hay độ giàu có mà là về kỹ thuật, chất lượng. Trong bữa ăn gia đình hiện nay thì con vịt trở nên quá bình thường vì giá cả phù hợp. Tôi dự tính sẽ đặt tên cho thương hiệu của mình là “Vịt biển còng” vì đặc tính thích ăn con còng, ăn cáy của chúng.
Bây giờ, trên thị trường nội địa chưa có một thương hiệu nào mạnh về vịt cả, còn trên thế giới có Marvin nhưng là giống vịt siêu, nuôi ngắn ngày, dành cho nhu cầu ăn no chứ không phải ăn ngon như của tôi. Sắp tới tôi sẽ mở rộng đàn nhưng đang băn khoăn về chuyện các nguồn đầu vào như ngô, cám liệu có còn đảm bảo là không hóa chất, không thuốc trừ sâu hay không”.
Lũ vịt biển ngoài thích săn còng, cáy trong rừng ngập mặn còn rất khoái ăn dưa hấu, dưa lê hữu cơ trồng trong vườn nhà anh Chung, hễ bổ nhỏ ra là chúng xơi hết ngay cả vỏ.
Tỷ phú nuôi tôm công nghệ cao ở cù lao Tân Phú Đông
Mô hình 30ha nuôi tôm công nghệ cao của anh Ngô Minh Tuấn có quy mô lớn nhất ở huyện cù lao Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang.
Trở thành tỷ phú nhờ nuôi ốc nhồi
Nhiều lần đi ăn gọi món ốc nhồi và nhận được câu trả lời “hết hàng”, chàng vệ sĩ 8X quyết định về quê nuôi ốc để bán ra thị trường. Nay, anh trở thành vị giám đốc trẻ tuổi, thành tỷ phú nhờ con ốc nhồi.
Cọc lớn, cọc nhỏ tiền từ lợn thảo dược
Đã có lúc đàn lợn VietGAHP, lợn thảo dược giúp những cục tiền lớn, cục tiền nhỏ chạy vào túi anh Nguyễn Ngọc Sáng dễ dàng, nhưng không ít lần chúng khiến anh long đong.
Nuôi gà ri Hòa Bình theo hướng an toàn sinh học
Với quyết tâm lập nghiệp trên chính quê hương của mình, anh Trần Thanh Nhàn, SN 1987, trú tại xã Kỳ Hợp, huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) đã gác lại tấm bằng cử nhân kinh tế của Trường Đại học Đà Lạt về quê nuôi gà ri gáy râm ran khắp làng
Hành trình đổi đời của ông chủ trại vịt vạn con
Cú “vấp ngã” đầu đời khiến anh Trần Đình Trường, trú tại xã Thạch Văn (Thạch Hà - Hà Tĩnh) từng có mặc cảm, tự ti khi tái hòa nhập cộng đồng.
Bí quyết của tỷ phú nuôi tôm CPF-Combine
Nguồn vốn ông Thành, (thôn Hòa An, xã Tam Hòa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) đầu tư cho nuôi tôm lên đến hơn 50 tỷ đồng. Nuôi tôm quanh năm giúp ông có doanh thu khoảng 60 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 15 - 20 tỷ
Làm giàu cùng chăn nuôi: [Bài 1] 'Trùm' gà Minh Dư
Ông 'trùm' gà này đã có thâm niên gần 20 năm gắn bó với gà, đang sở hữu 2 trang trại gà lạnh, 1 trang trại gà Minh Dư hàng chục ngàn con.
Ông 'Minh bưởi' và câu chuyện đam mê ứng dụng công nghệ
Từ người đi sau, ông Minh nay là người trồng bưởi số 1 Bạch Đằng nhờ quyết tâm áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến nâng cao giá trị trái bưởi.
Chủ trại lươn giống bậc nhất miền Tây
Nhờ ký hợp đồng chuyển giao kỹ thuật ươm lươn giống bài bản, trại lươn giống của anh Hiếu hiện mỗi năm cung ứng cho thị trường hơn 1 triệu con giống chất lượng.
Tỷ phú đất cù lao giàu lên từ con tôm công nghệ cao
Đến cù lao Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang hỏi đến tên ông Tuấn Hiền - tên thường gọi của anh Ngô Minh Tuấn thì rất nhiều người biết và trầm trồ ngợi khen tấm gương lao động giỏi, làm giàu từ mô hình nuôi trang trại tôm công nghệ cao.
Bình luận