Câu chuyện sản xuất và làm giàu
Ấy vậy mà một thời còn có nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh khẩu hiệu “dân giàu nước mạnh”.
Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế – xã hội, câu chuyện làm giàu, hướng đến chất lượng sống tốt hơn, dần được nhìn nhận là mục tiêu và mong muốn chính đáng. Người người, nhà nhà đua nhau sản xuất, kinh doanh, đầu tư, khởi nghiệp để nâng cao thu nhập, để làm giàu.
Nhiều khóa học dạy làm giàu, nhiều sách báo dạy làm giàu, thậm chí có cả sách hướng dẫn dạy con trẻ biết quản lý tài chính cá nhân, biết sử dụng đồng tiền đúng cách. Ấy vậy mà một thời còn có nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh khẩu hiệu “dân giàu nước mạnh”. Có người thậm chí còn viện dẫn cách nghĩ “Giàu người ta ghét, nghèo người ta khinh. Chẳng thà để người ta ghét, chứ đừng để người ta khinh”. Nghe xót dạ làm sao!
Kho tàng ca dao có câu: “Muốn no thì phải chăm làm. Một hạt thóc vàng, chín giọt mồ hôi”. Vậy là đổ mồ hôi, sôi nước mắt, chăm làm, chăm sản xuất cũng chỉ đủ no thôi. Từ “làm để đủ no” đến “làm để khá giả, giàu có” là cả chặng đường dài. Ngành nông nghiệp thời gian qua chủ yếu hỗ trợ nông dân sản xuất sao cho tốt nhất. Tốt nhất nghĩa là năng suất cao nhất, sản lượng cao nhất. Cả guồng máy vận hành làm sao để có những vụ mùa bội thu.
Các nhà khoa học cần mẫn phục tráng, lai tạo những bộ giống đạt chuẩn cao hơn. Cơ quan trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp chú trọng quản lý, điều hành sản xuất. Cơ quan khuyến nông chuyển giao giống, quy trình sản xuất thông qua các mô hình trình diễn. Cơ quan bảo vệ thực vật, thú y tăng cường phòng ngừa dịch bệnh cũng nhằm đảm bảo không để sản lượng sụt giảm. Kết cấu hạ tầng thủy lợi được xây dựng nhằm cung cấp đủ nước và tiêu thoát nước kịp thời, hỗ trợ đạt năng suất cao nhất.
Thực tế cho thấy tăng trưởng sản lượng không đồng nghĩa với gia tăng lợi nhuận cho người nông dân, mà đôi khi còn phải đối mặt với những rủi ro thị trường.
Vậy mà điệp khúc buồn “được mùa, mất giá” cứ khiến người sản xuất cứ thấp thỏm âu lo theo từng mùa vụ. Nông sản dư thừa, lúa thóc đầy đồng, lợn gà đầy chuồng, cá tôm đầy ao, nhưng không đưa ra được thị trường.
Câu chuyện “giải cứu nông sản” lại được nhắc đến, kèm theo nhận định chua xót về thực trạng nông nghiệp “từ thiện” chưa có lời giải thỏa đáng. Tình trạng nông sản ùn ứ ở các cửa khẩu những ngày cuối năm tiếp tục gây xôn xao. Nào là tại sao tiểu ngạch mà không phải là chính ngạch? Nào là tại sao cứ đeo đuổi mãi một thị trường như kiểu “bỏ trứng vào một giỏ”? Nào là tại sao cứ mãi xuất khẩu nông sản thô mà không tăng cường chế biến?
Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành không ngừng khuyến cáo, chuyên gia tâm huyết hiến kế, nhưng câu chuyện tối ưu hóa, chuyên nghiệp hóa sản xuất, kinh doanh, gắn kết sát sao với biến động thị trường đâu phải có thể chuyển biến trong ngày một ngày hai. Mà sự thay đổi quan trọng nhất cần bắt đầu từ chính mỗi người nông dân, mỗi hợp tác xã – những người trực tiếp hàng ngày sản xuất, kinh doanh nông sản.
Thực tế cho thấy tăng trưởng sản lượng không đồng nghĩa với gia tăng lợi nhuận cho người nông dân, mà đôi khi còn phải đối mặt với những rủi ro thị trường. Quy luật cung – cầu trong kinh tế học đã chứng minh điều đó. Nguồn cung tăng, mà nhu cầu không tăng tương xứng, thì giá sẽ giảm. Giá cả thể hiện sự khan hiếm hàng hóa.
Do vậy, sản lượng cao chưa chắc dẫn đến thu nhập cao. Sản xuất đạt kết quả tốt nhất chưa hẳn đóng góp đáng kể vào mục tiêu làm giàu. Ai đó vẫn ca thán, cái nghèo cứ bám chặt lấy nghề nông, nếu đúng là như vậy, thì tại sao vẫn có những nông dân khá giả, giàu có?
Nguồn vốn trong sản xuất là tiền bạc, nguồn vốn để làm giàu còn là kiến thức, kỹ năng và thái độ sống của người nông dân.
Nông sản từ bàn tay người nông dân đến bàn ăn của người tiêu dùng trải qua nhiều công đoạn: gieo giống, nuôi trồng, đánh bắt, thu hoạch, phân loại, bảo quản, chế biến, bao bì, vận chuyển đến chợ, cửa hàng, siêu thị, và trở thành bữa ăn của người tiêu dùng,… Mỗi công đoạn cộng thêm một chi phí.
Nếu người nông dân có thể tham gia vào nhiều công đoạn hơn, thì thu nhập có thể được tăng thêm. Nhưng hầu như người sản xuất, từ trước đến nay, đa phần chỉ chú ý khâu sản xuất, các khâu khác đã có thương lái, doanh nghiệp đảm trách. Đảm nhận thêm một vài công đoạn hoặc toàn bộ công đoạn không phải chuyện dễ dàng, nhất là với những người sản xuất nhỏ lẻ.
Vậy là cứ bằng lòng bán lúa trên đồng, thậm chí là bán lúa non. Vậy là cứ bằng lòng bán trái cây cả vườn, thậm chí “bán lá” cho thương lái chăm sóc, rồi thu hoạch, chở đi tiêu thụ. Vậy là cứ bằng lòng bán tôm cá cả ao. Vậy là cứ bằng lòng bán hải sản đánh bắt được theo “cả tàu” cho người thu mua, sau mỗi chuyến ra khơi.
Đến mỗi vụ mùa, nông dân trông chờ thương lái, thương nhân, doanh nghiệp đến thu mua. Người ta gọi như vậy là “bán xô” – bán tất, bán hết, không quá chú trọng việc phân loại kích cỡ, hình thức, chất lượng,… của nông sản. Bán xô gắn liền với “giá xô” – giá bình quân trừ thêm hao hụt trên đường vận chuyển và chi phí phân loại.
Như vậy, cùng một sản lượng, nếu người nông dân tự phân loại, thì thu nhập có thể được tăng thêm một phần. Tùy vào loại nông sản, thu nhập sẽ tăng thêm, nếu biết cách bảo quản, sơ chế, tinh chế,… Nếu giới thiệu nông sản trên các nền tảng thương mại điện tử, thì sẽ giảm bớt tầng nấc trung gian, bớt đi trung gian, thì lợi nhuận sẽ tăng thêm nhờ giảm chi phí. Cùng một sản lượng làm ra, người nông dân có thể thu về lợi nhuận cao hơn nếu tự mình đảm nhiệm, tham gia thêm vào một, hai khâu hay toàn bộ quy trình, từ sản xuất đến kinh doanh, thương mại.
Ở các đô thị lớn, thường xuất hiện quảng cáo các khóa hướng dẫn, tập huấn kỹ năng sống, thái độ sống cho học sinh, sinh viên, công nhân. Vậy người dân ở khu vực nông thôn thì sao? Có một quyển sách nói về “Người nghèo, nghèo cái túi. Người giàu, giàu cái đầu”. Hay một vị lãnh đạo đã từng chia sẻ: “Tiền trong túi là tiền hữu hạn, tiền trong đầu là tiền vô hạn”. Phải chăng một khi con người, trong đó có người nông dân, tích lũy nhiều kiến thức, cộng thêm kỹ năng thuần thục, thái độ sống tích cực, thì sẽ có đủ điều kiện để trở nên khá giả, giàu có? Nguồn vốn trong sản xuất là tiền bạc, nguồn vốn để làm giàu còn là kiến thức, kỹ năng và thái độ sống của người nông dân.
Lan tỏa tri thức, kỹ năng, thái độ tích cực có thể giúp người nông dân tiếp cận cách thức làm giàu bền vững. Trách nhiệm đó, thậm chí có thể gọi đó là trọng trách, trước hết là của chính quyền, ngành chuyên môn. Đó còn là trách nhiệm xã hội của các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nhân tâm huyết với nông nghiệp, nông dân.
Những cuộc gặp gỡ đã có thể truyền đạt kiến thức làm giàu. Những buổi sinh hoạt cộng đồng cũng đã có thể gợi mở chuyên đề hướng dẫn cách làm giàu. Những chương trình khuyến nông trên báo đài không chỉ khuyến khích người nông dân sản xuất, mà còn khuyến khích người nông dân học cách làm giàu, cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng sống.
“Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang. Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu”. Tấc đất không phải là tấc vàng ở giá trị chuyển nhượng ruộng đất đơn thuần, mà hơn hết, tấc đất – tấc vàng gắn với giá trị của đôi bàn tay chai sạn chuyên cần sản xuất, chí thú làm ăn. Tấc đất – tấc vàng gắn với giá trị tối ưu được tích hợp trên một đơn vị diện tích.
Tấc đất – tấc vàng gắn với giá trị của tinh thần liên kết, hợp tác, xóa nhòa ranh giới thửa ruộng, bờ ao. Tấc đất – tấc vàng gắn với giá trị của ý chí tự lực, tự chủ, tự vươn lên. Tấc đất – tấc vàng gắn với giá trị đổi mới từ những người nông dân sẵn lòng thay đổi để thích nghi, để chung tay tạo nên “mùa vàng” cho ngành nông nghiệp nước nhà./.
Hành trình quả vải Lục Ngạn sang Trung Quốc: Cách một bước chân, giá gấp đôi
Vượt qua biên giới chỉ chục km vào chợ đầu mối hoa quả lớn nhất Quảng Tây, giá vải Lục Ngạn (Bắc Giang) tăng gấp đôi.
Phát hiện loài tỏi rừng mới tại thác Bảy Nàng Tiên, Phong Điền
Các nhân viên bảo vệ rừng Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền đã phát hiện loài tỏi rừng mới mọc ở vách đá đỉnh thác Bảy Nàng Tiên, gần khu vực Rào Trăng.
Các nhà khoa học nói gì về tương lai bèo hoa dâu ở Việt Nam?
Ông Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam vừa trở về từ Sierra Leone mang theo giống bèo hoa dâu Azolla pinnata, cành to gấp nhiều lần bèo nội.
Sản xuất lúa các bon thấp, lợi nhuận tăng đáng kể
Mô hình sản xuất lúa các bon thấp cho thấy hiệu quả tăng lợi nhuận khoảng 20 - 30% so với sản xuất truyền thống, nông dân Cần Thơ phấn khởi tham gia.
Cấp 'thẻ căn cước' cho tôm giống
'Nhất giống, nhì môi, tam mồi, tứ kỹ', đây là kinh nghiệm được truyền tai nhau để khẳng định tầm quan trọng của con giống trong nuôi trồng thủy sản.
Nông sản Việt Nam chất lượng rất tốt, nhưng bán hàng còn kém
Nông sản Việt Nam có chất lượng rất tốt, nhưng bán hàng còn kém. Nếu cải thiện được khâu này, nông sản Việt Nam sẽ còn đi xa hơn nữa trên thị trường thế giới.
Gợi ý chiến lược tạo vị thế dẫn đầu cho nông nghiệp Việt Nam
Với những lợi thế sẵn có, Việt Nam sẵn sàng tâm thế áp dụng công nghệ mới, tiên tiến theo dòng Cách mạng Công nghiệp 5.0 phát triển nông nghiệp tuần hoàn, bền vững.
Phát triển kinh tế vùng trung du và miền núi Bắc bộ - Sức bật mới cho khu vực
Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển bền vững với nhiều loại tài nguyên, khoáng sản quý hiếm và diện tích đồi rừng rộng lớn. Phát triển vùng là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng...
'Tứ nông' - góc nhìn thực tiễn
Người không có đất nông nghiệp để sản xuất, người mất việc từ khu công nghiệp trở về nông thôn tìm kiếm việc làm - người ta gọi những người/hộ đó là 'tứ nông'.
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa X, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của người dân, diện mạo nông thôn đã có nhiều đổi thay
Bình luận