Chàng trai 9x có bằng đại học và cao học về làng khởi nghiệp giúp nông dân
Anh Trầm Minh Thuần bỏ lại sau lưng phố thị đô hội trở về làng, lấy cảnh ruộng đồng lấm lem bùn đất thay nhiệm sở, gây dựng hợp tác xã nông nghiệp.
Nhìn lại 10 năm của bản thân, anh tự tin trả lời câu hỏi đề thi văn thuở cắp sách đến trường: Thế nào là sống đẹp?
Về đồng ruộng, gieo Hạt Ngọc Rồng
Trầm Minh Thuần, SN 1993, gốc thuần nông ở xã Long Hiệp (huyện Trà Cú, Trà Vinh) nỗ lực đèn sách hơn chục năm, có hai bằng đại học và một bằng cao học để "rũ bùn" lập nghiệp nơi đô hội. Khi đang làm nhân viên tại một đơn vị sự nghiệp, Thuần lại tìm hiểu về nghề nông, về cây lúa, về cách thức tăng giá trị hạt lúa quê mình. Rồi Thuần rời môi trường cơ quan hành chính để dấn bước vào nông nghiệp, vào mô hình hợp tác xã.
Trầm Minh Thuần (giữa) và thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Long Hiệp thăm đồng lúa kết hợp nuôi tôm Ảnh: NVCC
Nghe đến ba tiếng "hợp-tác-xã", người thân trong gia đình Thuần lắc đầu ngán ngẩm, không mấy lạc quan, vì địa phương đã có không ít hợp tác xã (HTX) kinh doanh không hiệu quả. Việc vận động người dân tham gia HTX càng khó hơn bởi tâm lý lo ngại mô hình kiểu cũ, sự ngờ vực tính hiệu quả của mô hình hợp tác kiểu mới... Thuần mới 26 tuổi, hiểu luật hơn phân gio, cây giống. Người ta dè chừng Thuần không đủ chuyên môn, không đủ đam mê với đồng ruộng, sẽ bỏ giữa chừng.
Thuần chia sẻ: "Những mẩu chuyện đời, chuyện người của nông dân quê hay kể nhau nghe mỗi khi mất mùa, mất giá như điệp khúc không hồi kết. Điều đó có lẽ đã ngấm vào tâm can tôi, chẳng thể thôi nghĩ đến, nên thấy cần phải hành động. Tôi tự nhủ cố gắng hết sức, làm việc sáng tạo, tìm tòi học hỏi sẽ tìm ra đường đi và sẽ sống được".
Chính sự quyết tâm này đã thuyết phục được những nông dân quê Thuần để HTX Nông nghiệp Long Hiệp ra đời vào tháng 8/2018, với 51 thành viên. Ba năm sau tăng lên 72 thành viên. Ban điều hành là 6 người trẻ có trình độ thạc sĩ, cử nhân; Thuần làm Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc HTX.
Các thành viên đều đặt niềm tin vào mô hình nuôi trùn (giun) quế sản xuất phân hữu cơ, sản xuất gạo sạch và kết hợp nuôi tôm đạt chuẩn hữu cơ. Đặc biệt, cùng chia ngọt sẻ bùi trên hành trình tìm giống lúa phù hợp để xây dựng loại gạo sạch mang tên Hạt Ngọc Rồng - hàm nghĩa hạt lúa của vùng đất Long Hiệp.
Đây là loại gạo được trồng trên khu vực lúa - tôm kết hợp, được canh tác bởi đồng bào Khmer giàu bản sắc văn hóa. Hiện gạo hữu cơ Hạt Ngọc Rồng có mặt trên 20 tỉnh thành và các sàn thương mại điện tử. Đồng thời được đánh giá là sản phẩm OCOP bốn sao đang được nâng lên năm sao, sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp khu vực.
Thuần cho biết, anh đã cùng cộng sự dành nhiều thời gian, công sức khảo sát địa điểm để xem xét đặc trưng thổ nhưỡng, văn hóa canh tác của bà con mới tìm được nơi ưng ý xây dựng nguồn nguyên liệu. Anh còn gửi mẫu sản phẩm kiểm nghiệm ở nhiều đơn vị thí nghiệm uy tín tại TPHCM.
"Chúng tôi đã thử nghiệm nhiều giống lúa khác nhau để đánh giá mức độ phù hợp thổ nhưỡng, từ đó chọn giống thích hợp để sản xuất gạo Hạt Ngọc Rồng. Qua nhiều lần thử nghiệm, nhiều giống lúa không hợp thổ nhưỡng, lắm sâu bệnh, năng suất kém đã gây tổn thất tài chính không nhỏ cho HTX, khiến tập thể lắm phen nản lòng", Thuận bộc bạch.
"Mô hình mà mọi người cùng làm, cùng sử dụng sản phẩm và chia sẻ lợi nhuận, nhưng rủi ro, trách nhiệm phần lớn người đứng đầu phải gánh… Tuy nhiên, mô hình HTX mang lại sự bền vững, liên kết cộng đồng và mang lại nhiều sự chia sẻ và lan tỏa sự đoàn kết trong xã hội là điều tôi hướng đến trong kinh doanh", Anh Trầm Minh Thuần
Không chỉ dày công tìm giống lúa để xây dựng thương hiệu gạo, Thuần còn kiên trì trong hành trình gây dựng mô hình sản xuất thuận theo tự nhiên, bảo vệ môi trường. Theo anh, sản xuất bền vững là việc tất yếu phải làm để cải tạo môi trường sống của chúng ta và những sinh vật xung quanh đang ngày càng ngột ngạt."Canh tác nông nghiệp quá đà, lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật thì môi trường sống sẽ bị ảnh hưởng, lâu dài vẫn là ảnh hưởng đến sức khỏe con người và suy thoái giống nòi", Thuần nói.
Mô hình vì nông dân
Với vai trò Đảng viên trẻ của Đảng bộ, lãnh đạo HTX nông nghiệp có tiềm lực tốt, Thuần đã mạnh dạn đề xuất hỗ trợ thoát nghèo cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã. Sau khi chọn ra các hộ còn khó khăn, HTX và cá nhân anh đã tạo điều kiện cho họ đến làm việc; cung cấp tư liệu sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Thuần cũng hiến kế, hỗ trợ tư vấn kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt, mua bán và định hướng những cách làm hay, sáng tạo giúp người dân; kêu gọi nguồn tài trợ, dự án có vốn đầu tư nước ngoài để hỗ trợ các hộ khó khăn.
Cùng với sự lớn mạnh của HTX, đời sống của các hộ thành viên và nhiều gia đình khó khăn trên địa bàn đã được cải thiện. Doanh thu HTX từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp hữu cơ, phân bón hữu cơ từ trùn quế tăng theo từng năm: 2019 đạt 1,6 tỷ đồng; năm 2020 đạt hơn 2,4 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 1,8 tỷ đồng. Lợi nhuận phân phối cho thành viên HTX năm 2019 là 14%, năm 2020 18%; lợi nhuận chia trực tiếp hơn 22 triệu đồng/người/năm; giúp 9 hộ thoát nghèo.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19, HTX đã thu mua lúa mà các hộ thành viên không bán được do ảnh hưởng của dịch; cấp gạo cho các tổ chức thiện nguyện, đảm bảo nguồn hàng cho các kênh bán hàng trực tuyến. Trong đó, HTX đã đồng hành MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh cung ứng hàng trăm tấn gạo hỗ trợ các cơ sở tôn giáo bị ảnh hưởng của dịch.
Thuần còn làm Phó Chủ nhiệm thường trực CLB Khởi nghiệp trẻ thuộc Tỉnh Đoàn Trà Vinh. Anh đã đề xuất nhiều ý tưởng về việc mời các doanh nhân trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp thành công cùng Tỉnh Đoàn và CLB Khởi nghiệp đến các trường THPT trong tỉnh chia sẻ, định hướng nghề nghiệp, khởi nghiệp.
Với những thành tích trong kinh doanh và hoạt động cộng đồng, Thuần đã được khen thưởng, được trao giải thưởng, trong đó có giải thưởng Lương Định Của năm 2020, kỷ niệm chương Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc năm 2020 do T.Ư Đoàn trao tặng, danh hiệu Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc tiêu biểu toàn quốc năm 2021 do T.Ư Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam bình chọn, giải thưởng "Thanh niên Sống đẹp" năm 2021 do T.Ư Hội LHTN Việt Nam trao tặng.
Nguồn: Theo báo Tiền phong
Trồng cây dây thìa canh cho thu nhập gấp 4 lần trồng lúa
Không chỉ là cây dược liệu quý, dây thìa canh còn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Yên Ninh (Phú Lương, Thái Nguyên).
Người đầu tiên ở Hà Nội nuôi cua biển trong nhà
Thông qua hệ thống lọc tuần hoàn, anh Lê Đức Cảnh, ở huyện Thanh Trì, Hà Nội, nuôi cua biển trong nhà với quy mô lớn.
Chàng trai khởi nghiệp với ốc nhồi
Nuôi cua đồng thất bại, anh Hội chuyển sang học hỏi nuôi ốc nhồi. Sau một số thất bại ban đầu, anh đã nuôi thành công, cho thu nhập ổn định.
Ba Khánh và tầm che phủ của cọng bún
Cơ sở Ba Khánh vẫn mua gạo cứng cơm làm bún, bao phủ thị trường từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tới TP.HCM...
Làm giàu sau cơn bạo bệnh
Tưởng chừng sẽ gục ngã sau khi bị tai biến, chị Phạm Thị Nhân (SN 1992) đã hồi phục một cách thần kỳ và quyết định bỏ đô thị về quê làm lại từ đầu bằng mô hình chăn nuôi gà ác lấy trứng và rất thành công.
Cất 2 tấm bằng đại học, bỏ phố lên núi nuôi cá, chàng trai Pa Cô thu tiền triệu mỗi ngày
Có trong tay 2 bằng cử nhân, không ai nghĩ chàng trai người dân tộc Pa Cô Hồ Thanh Phương lại gác mơ ước công việc ổn định nơi thị thành, tìm về quê đào ao, nuôi cá đặc sản thu tiền triệu mỗi ngày.
Nhóm thanh niên làm nông nghiệp kết hợp du lịch kiểu Israel
Nhóm thanh niên 9X đều tốt nghiệp đại học nhưng không chuyên ngành về nông nghiệp, song có điểm chung là đam mê nông nghiệp và có thời gian tu nghiệp sinh tại Israel.
Pham Nghia Food và tác động dây chuyền của 'chuẩn hóa'
Không chỉ chả cá thát lát rút xương Kim Sa, Pham Nghia Food có trên 30 sản phẩm chế biến từ cá thát lát là mũi nhọn khi phát triển chuỗi nhà hàng, quán ăn.
Thanh niên Đắk Lắk bỏ phố về quê làm nông nghiệp theo mô hình Israel
Là người thích khám phá điều mới mẻ, chàng trai 32 tuổi người Đắk Lắk đã quyết định từ bỏ việc thu nhập 20 triệu đồng/tháng để về quê làm nông nghiệp Israel trên đất Khánh Hòa.
Sản xuất nông sản an toàn, góp phần bảo vệ môi trường
Nhắc tới cây mận hậu tại Sơn La, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới sản phẩm mận hậu được trồng ở cao nguyên Mộc Châu.
Bình luận