Chàng trai trẻ du học Pháp và niềm vui với ioT, 4.0
Ứng dụng IoT và ‘số hoá’ vào nông nghiệp được xem là chìa khóa để Hoàng nâng tầm trái bơ Bình Phước và là cây truyền cảm hứng khởi nghiệp cho thanh niên địa phương.
Viết tiếp giấc mơ của cha
Những năm gần đây, nhiều nông dân ở Bình Phước đã lựa chọn cây bơ là một trong những cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét. Vườn bơ 12ha đang cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm của chàng trai trẻ Đặng Dương Minh Hoàng, chủ nông trang Thiên Nông (thôn Cây Da, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập) được xem là một trong những nông trang điển hình của địa phương ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, bắt kịp xu hướng nông nghiệp hiện đại.
Trang trại bơ Thiên Nông được quy hoạch đẹp như trong tranh với hệ thống đường, điện năng lượng mặt trời phủ rộng khăp.
Đến thăm vườn bơ trĩu bông nằm lọt thỏm giữa thung lũng đất đỏ bazan màu mỡ với rừng cao su và tiêu xanh ngát bao quanh, được canh tác theo hoàn toàn theo hướng “số hóa” với hệ thống vườn cây được quy hoạch bài bản, đường giao thông, điện năng lượng mặt trời, camera phủ khắp, hệ thống cảm biến kết hợp hệ tưới nhỏ giọt châm phân tự động dày đặc dẫn tận góc bơ, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng bởi chủ trang trại là một chàng trai thế hệ 9x.
Để chúng tôi nắm hết quy trình sản xuất của nông trang cũng như con đường khởi nghiệp của mình, chở chúng tôi trên chiếc xe ô tô đời mới dạo quanh vườn gần 30 phút, Hoàng cho biết: Vốn xuất thân gia đình làm nông, là con trai độc nhất, ngay từ nhỏ, bên cạnh những kiến thức về nông nghiệp, Hoàng đã được gia đình tạo môi trường ăn học tốt nhất. Sau khi tốt nghiệp loại ưu khóa thứ I trường THPT chuyên Quang Trung, một trong những ngôi trường có bề dày thành tích dạy và học bậc nhất của tỉnh Bình Phước, Hoàng vinh dự được nhận học bổng du học Pháp với ngành tự động hóa.
Sau khi du học và trở thành kỹ sư, trước nhiều lời mời gọi ở lại Pháp để tiếp tục làm việc, với mong muốn góp sức trẻ cho quê hương, Hoàng quyết định về nước và làm việc tại công ty liên doanh giữa Việt Nam và nước ngoài trong lĩnh vực quản lý hệ thống tự động hóa của ngành dầu khí với mức lương nghìn đô, dưới tay có hàng trăm nhân viên, quá trình công tác Hoàng cũng được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của bộ ngành, chính phủ.
Với nhiều thành công như vậy sao Hoàng chọn làm nông nghiệp? Dừng lại bên vườn tiêu hơn 10ha đạt chuẩn hữu cơ đang cung cấp nguyên liệu cho công ty Nedspice, Hoàng nói tiếp, để đến với nông nghiệp và được thành quả như hôm nay Hoàng đã trải qua rất nhiều biến cố.
Mỗi bồn chứa được trên 10.000m3 nước được xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép nhằm phục vụ lâu dài cho việc tưới tiêu. Ảnh: Trần Trung.
Theo đó, trước đây cũng như bao nhiêu người dân Bình Phước, gia đình Hoàng chủ yếu canh tác cao su và hồ tiêu theo cách thông thường, nhưng khi giá nông sản xuống thấp trong nhiều năm liền cũng khiến gia đình Hoàng lao đao. Nhận thấy Bơ Mã Dưỡng là giống cây trồng có tiếng tại địa phương đang được người nông dân tin tưởng lựa chọn trồng và sản xuất, không ít hộ làm giàu từ loại cây này, nên gia đình Hoàng quyết định chuyển đổi một phần diện tích sang canh tác. Tuy nhiên, đang trong quá trình cải tạo đất, cha Hoàng đột ngột qua đời, để lại một mớ ngổn ngang. Không để bao tâm huyết của người cha quá cố có thể trôi sông trôi bể, Hoàng quyết định dấn thân vào nghề nông để viết tiếp giấc mơ của cha.
Sức bật từ công nghệ
Làm sao vừa duy trì công việc hiện tại, vừa làm nông nghiệp hiệu quả? Hoàng bật mí, việc áp dụng công nghệ 4.0 vào phát triển nông nghiệp chính là giải pháp căn cơ giúp Hoàng đi “nước đôi”. Theo đó, nhờ kiến thức đã học trong thời gian du học tại Pháp và kinh nghiệm làm việc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, bằng cách sử dụng các ứng dụng, tiện ích nông nghiệp thông minh, chỉ cần có điện thoại trong tay, Hoàng có thể giám sát, điều khiển và chăm sóc cây trồng tự động, giúp tối đa hóa năng suất, chất lượng nông sản và còn tiêu thụ sản phẩm của mình...
Theo đó, thông qua ứng dụng Internet kết nối vạn vật (ioT), tất cả những dữ liệu về độ ẩm của đất, lượng nước tưới và quá trình sinh trưởng của cây trồng đều có thể được thu thập qua cảm biến và gửi đến điện thoại để các thuật toán phân tích và đưa ra các cảnh báo, khuyến cáo để người dùng đưa ra quyết định chăm sóc thu hoạch cây trồng phù hợp.
Nếu người dùng bận, hệ thống sẽ tự động thực hiện chỉ định cài đặt trước để xử lý các tình huống khẩn cấp như khi cây trồng thiếu nước trầm trọng, hệ thống sẽ khởi động hệ thống tưới... Và đó chỉ là một loại cảm biến, nếu lắp đặt thêm các cảm biến khác như chất lượng không khí và nhiệt độ, thì các thuật toán có thể đọc được nhiều hơn nữa. Đặc biệt, khi có càng nhiều người sử dụng, cùng thu thập những thông tin này, các thuật toán này có thể hiểu rõ về điều kiện tự nhiên ở nơi trồng trọt, từ đó đưa ra cách chăm sóc cây trồng càng thêm tối ưu.
Hệ thống cảm biến IoT được lắp đặt ở từng gốc bơ. Ảnh: Trần Trung.
Hoàng dẫn chúng tôi ra xem từng gốc bơ, mặc dù đang trong thời điểm khô hanh nhưng thảm thực vật gốc vẫn xanh mướt, độ ẩm đất vẫn mát lạnh, cây trồng vẫn đâm chồi nảy lộc. Hoàng chia sẻ thêm, chi phí để đầu tư một hệ thống hoàn chỉnh từ hệ thống cảm biến đến hệ thống châm phân, tưới tự động hết gần 80 triệu/ha. Tuy nhiên, đổi lại người trồng sẽ tiết kiệm được 80% nước tưới, 40% phân thuốc, hàng trăm công lao động mà vẫn giữ được năng suất ổn định, chất lượng nông sản vượt trội.
Thông qua ứng dụng Internet kết nối vạn vật (ioT), tất cả những dữ liệu về độ ẩm của đất, lượng nước tưới và quá trình sinh trưởng của cây trồng đều có thể được thu thập. Ảnh: Trần Trung.
“Nước tưới và phân bón có vai trò cực kỳ quan trọng đến sự sinh trưởng phát triển của cây trồng. Với hệ thống này, thuật toán sẽ phân tích để chính xác lượng nước cung cấp đồng thời đưa ra chỉ thị để bộ châm phân tự động hút phân đã được hòa tan với liều lượng định sẵn, rồi đưa vào hệ thống đường ống dẫn nước, phân phối đều ra các hàng cây từ đầu vườn đến cuối vườn, hệ rễ được hấp thụ đầy đủ chất dinh dưỡng để nuôi cây phù hợp cho từng giai đoạn, hạn chế việc bốc hơi làm mất đạm, tăng hiệu quả sử dụng phân bón của cây trồng, năng suất có thể tăng từ 20 - 25%...
Việc áp dụng công nghệ này cũng hạn chế lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giữ cân bằng hệ sinh thái vườn cây. Mặc dù chi phí đầu vào cao hơn so với làm truyền thống, nhưng bù lại trở thành thế mạnh khi tự quyết định được giá trị sản phẩm mình làm ra từ công nghệ số đem lại”, Hoàng nói.
Đưa thương hiệu địa phương vươn xa
Với phương châm kinh doanh “From my farm to your home” tức sản phẩm từ nông trại đến trực tiếp tay người tiêu dùng không qua kênh trung gian, từ khi dịch Covid-19 bùng phát cũng là thời gian để Hoàng tập trung nhiều hơn về phát triển thương hiệu.
Hoàng chủ trương bán hàng qua các kênh thương mại, sàn giao dịch điện tử. Ảnh: Trần Trung.
Thông qua ứng dụng công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản đã đăng ký sở hữu trí tuệ, trái bơ từ vườn của Hoàng có thể liên kết với các sàn giao dịch điện tử. Khách hàng chỉ cần quét mã truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm sẽ biết thông tin về nhà vườn, quy trình canh tác, ngày thu hoạch sản phẩm và đặt hàng. Qua đó, giúp việc tiêu thụ bơ không còn bị lái thao túng, bơ của nông trang không chỉ bán được giá cao mà còn tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng cả trong và ngoài nước.
Năm 2020 nông trang của Hoàng chính thức đạt chứng nhận VietGAP và được chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao của tỉnh Bình Phước. Đây cũng là bước ngoặt để Hoàng mở rộng thị trường. Với thương hiệu “bơ Mã Dưỡng ông Hoàng”, bơ của nông trang không chỉ được bán trên các kênh Tiki, Lazada và một số cửa hàng trái cây sạch ở TP Hồ Chí Minh như Dalatfoodie, Wefarmer, mà còn lan rộng ra thị trường bên ngoài như Campuchia, Lào, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản… Với sản lượng khoảng 100 tấn/năm, giá bán dao động từ 70.000 đến 100.000 đồng/kg, mỗi năm đem lại lợi nhuận cho Hoàng trên 5 tỷ đồng sau khi trừ chi phí.
Anh Hoàng tự hào về trang trại bơ tự tay mình xây dựng. Ảnh: Trần Trung.
“Nhu cầu về loại bơ này vẫn đang rất tiềm năng nhất là thị trường châu Âu. Với sản lượng hiện có, nông trang chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của thị trường. Để giải quyết bài toán này, tôi đang định hướng xây dựng vùng nguyên liệu vệ tinh để không chỉ cung cấp ra thị trường trái bơ tươi, mà còn sản xuất ra tinh dầu bơ nhằm đa dạng hóa sản phẩm từ cây bơ”, Hoàng chia sẻ.
Theo bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, chuyển đổi số đang trở thành xu hướng tất yếu trên toàn cầu, nông dân Bình Phước cũng không đứng ngoài cuộc. Đặc biệt với những người trẻ từng đi du học nước ngoài, tiếp cận với nhiều nền nông nghiệp thông minh trên thế giới như anh Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc nông trang Thiên Nông là tiêu biểu.
“Việc áp dụng công nghệ vào sản xuất, thâm nhập thị trường có tính toán, đúng hướng đã giúp nông trang Thiên Nông chủ động được đầu ra cho nông sản, là địa chỉ tham quan của nhiều đơn vị, giúp các tổ chức, cá nhân học hỏi phương thức canh tác phù hợp với xu thế và tín hiệu thị trường, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững”, bà Tuyết nói.
Hà Nội: Thêm mô hình thành công nuôi cua biển trong hộp nhựa
Với sản phẩm cua lột, cua cốm độc đáo, chất lượng cao, nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn, các mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa ở Hà Nội đang dần nở rộ.
Lão nông với sở thích... thấy cây gì 'hot' là trồng!
Hết trồng cam, mận tam hoa, mơ, rồi tới thanh long..., hễ thấy cây gì đang rộ ông Khởi cũng trồng thử, trồng rồi lại chặt. Thế rồi cuối cùng ông cũng thành công.
Cơ giới hóa nông nghiệp tại Nam Trung Bộ
Những năm qua, các tỉnh Nam Trung Bộ tập trung phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp. Công tác này giúp giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững.
'Làng quê Bắc bộ' trên đảo ngọc Cô Tô
Đến đảo Cô Tô (Quảng Ninh), ngoài du lịch và hải sản, sẽ rất thú vị khi được chứng kiến những cánh đồng lúa xanh mướt đặc sệt chất làng quê Bắc bộ.
Nơi nông dân nói cho nhau nghe, nghe nhau nói
Hội quán nông dân - giai đoạn đầu phát triển hợp tác xã, nơi hội tụ nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp cùng chí hướng để vực dậy tiềm năng nông nghiệp vùng ĐBSCL.
Những nông dân nuôi ba ba đạt tiêu chuẩn VietGAP
“Dám nghĩ, dám làm”, mạnh dạn đầu tư, hiện anh Mai Quốc Huy, xóm 11, xã Giao An (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) đang sở hữu trang trại nuôi ba ba đạt tiêu chuẩn VietGAP mỗi năm xuất bán hàng chục tấn ba ba thương phẩm và gần 100 vạn con ba ba giống
Đánh thức đồng hoang
Trước khi trở thành 1/63 nông dân tiêu biểu toàn quốc năm 2021, ông Lê Văn Bàng từng được xem là lão nông liều nhất huyện Nghi Xuân khi “bắt đồng hoang đẻ ra tiền”.
Yên Bái: Anh nông dân chia sẻ bí quyết chăm lúa năng suất cao, nhiều người trầm trồ
Mới đây, câu chuyện thành công của anh Nguyễn Tuấn Cường, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái trong trồng lúa đã khiến bà con địa phương trầm trồ, khi năng suất lúa Bắc Thơm 7 đạt tới 3 tạo/sào
Xăng dầu hạ 'nốc ao' ngư dân
Khi giá dầu tăng đến hơn 26.000đ/lít, nhiều tàu cá xa bờ của ngư dân Bình Định không dám ra khơi bởi sợ đánh bắt không đủ sản lượng bù vào tiền dầu.
Nghề phiêu du theo những mùa hoa
Thời điểm từ tháng 2 trở đi, là mùa mà nhiều loại cây trồng ở tỉnh Đắk Nông thi nhau đua nở hoa. Thế nên, đây cũng là thời điểm mà chủ nhân của hàng triệu con ong ở các tỉnh thành trên cả nước di cư đến đây để lấy mật.
Bình luận