Nơi nông dân nói cho nhau nghe, nghe nhau nói

Hội quán nông dân - giai đoạn đầu phát triển hợp tác xã, nơi hội tụ nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp cùng chí hướng để vực dậy tiềm năng nông nghiệp vùng ĐBSCL.

Không còn là cái tên xa lạ
Nhắc đến mô hình hội quán nông dân (HQND) ở tỉnh Đồng Tháp có lẽ đã không còn là cái tên xa lạ với bà con nông dân. Đây là một trong những hướng đi nổi bật, hướng nông dân từng bước chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp” đã được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan định hướng từ những năm 2016, khi ông là Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp.

Hội quán nông dân đã và đang phát huy vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế nông nghiệp hiện nay. Và không thể phủ nhận, từ những mô hình hội quán nông dân nhỏ lẻ, manh nha hình thành ở các địa phương phía Nam sông Tiền của tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng nên “nền móng” vững chắc cho tổ chức nông dân phát triển mạnh, hướng tới thành lập các hợp tác xã (HTX) quy mô lớn với sự đầu tư bài bản như hiện nay.

Ghé thăm hội quán Minh Tâm, một trong những hội quán ra đời đầu tiên ở xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Nguyễn Văn Mách, Phó chủ nhiệm hội quán, cũng là người có thâm niên tham gia hội quán từ những ngày đầu thành lập.

h3.png

Hội quán Minh Tâm, xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp tập hợp các nông dân cùng chí hướng gắn bó với trái xoài Đồng Tháp. Ảnh: Kim Anh.

Năm nay, gia đình ông Mách trồng hơn 12.000 mét vuông xoài, đây là năm mà ông thấy phấn khởi nhất. Bởi theo ông, bình quân mỗi năm thu hoạch từ 15 - 20 tấn xoài, nhưng năm nay năng suất trội hơn hẳn, đạt khoảng 30 tấn.

Ông Mách bộc bạch: Trước khi hội quán thành lập, bà con nông dân sản xuất riêng lẻ, khả năng tới đâu làm tới đó. Từ khi tham gia hội quán, bà con nông dân rất phấn khởi, có nhiều tiến bộ, trao đổi kinh nghiệm với nhau về việc làm ăn. Từng mùa, từng vụ trao đổi, khi gặp thời tiết bất lợi cũng cùng nhau chia sẻ để làm sao cuối cùng đạt kết quả cao.

Hiện tại, hầu hết nông dân trồng xoài ở xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đều sản xuất theo mô hình VietGAP, tạo ra các sản phẩm chất lượng, hướng tới lấy thị trường xuất khẩu làm chủ lực.

h2.png

Hầu hết trái xoài xã Mỹ Xương đều sản xuất theo mô hình VietGAP tạo ra các sản phẩm chất lượng, hướng tới lấy thị trường xuất khẩu làm chủ lực. Ảnh: Kim Anh

Nông dân Đoàn Thanh Hiền ở xã Mỹ Xương chia sẻ thêm: “Hiện nay tôi chủ yếu chuyên canh xoài. Trong đó, chủ lực là xoài Cao Lãnh và xoài Cát Chu. Thời gian qua, nông dân Mỹ Xương áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đạt được các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP”.

Thành lập từ tháng 9/2016, từ con số 23 thành viên ban đầu, đến nay hội quán Minh Tâm đã phát triển lên 52 hội viên, với sự hướng dẫn bước đầu là Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, lúc bấy giờ ông là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp.

27 HTX được hình thành từ các hội quán
Tại tỉnh Đồng Tháp, bắt đầu xuất hiện từ năm 2016, chỉ với 7 hội quán, theo thời gian, số lượng hội quán không ngừng tăng lên. Năm 2017, thành lập mới 25 hội quán. Đến năm 2018, thành lập mới 35 hội quán. Và đến nay, toàn tỉnh đã có 120 HQND và 27 HTX được hình thành từ các hội quán.

Nói về vấn đề tổ chức lại sản xuất nền nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, cho rằng: Kinh tế hợp tác đóng vai trò then chốt. Trong đó, định hướng phát triển từ hội quán, HTX nông nghiệp và từ đó cải tổ lại cái chuỗi sản xuất nông nghiệp đi theo hướng mới. Chính sự tự nguyện, đồng lòng, mô hình từ HQND phát triển lên HTX đã mang lại nhiều lợi ích, hoạt động tốt hơn những HTX đã hình thành trước đó.

Ông Ngoan chỉ rõ: “Việc phát triển mô hình HTX cần có thời gian dài, chắt chiu xây dựng từng HTX tốt ban đầu từ đó nhân rộng ra cách làm ăn, kể cả đào tạo về con người, cách làm khoa học trong điều kiện thích ứng với điều kiện kinh tế nông nghiệp thị trường như hiện nay”.

Hiện nay, các HQND bước đầu đã ký kết được với một số doanh nghiệp trong việc bao tiêu đầu ra sản phẩm, nông dân có đủ khả năng tiếp cận, áp dụng và làm chủ khoa học công nghệ tiến tiến, thông minh. Việc hợp tác lại nông dân trong các tổ chức kinh tế đã được đa dạng hóa lĩnh vực từ tập trung sản xuất, kinh doanh nông sản như xoài, chanh, nhãn. Nay đã nhân rộng sang các mặt hàng nông sản khác như lúa, tre, hoa kiểng, sinh vật cảnh; thậm chí là du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.

Tùy vào thế mạnh của từng vùng, từng địa phương và nhu cầu hợp tác, liên kết của nông dân các hội quán sẽ được thành lập, để tạo nên một kênh tiêu thụ sản phẩm đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa lớn, hướng đến giảm chi phí sản xuất, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, tiến tới mô hình hợp tác, liên kết kiểu mới.

Nông dân phải tự chủ trong sản xuất
Ông Nguyễn Văn Truyện, Chủ nhiệm Hội quán Minh Tâm, kể lại: “Ông Lê Minh Hoan về đây hướng dẫn cho bà con nông dân, vận động mọi người liên kết lại với nhau để sản xuất. Nếu sản xuất theo kiểu cũ, tự mình làm, manh mún, nhỏ lẻ, phân tán thì sẽ không sản xuất ra được số lượng hàng hóa lớn. Như vậy sẽ không đáp ứng được thị trường lớn”.

h1.png

Ông Nguyễn Văn Truyện, Chủ nhiệm Hội quán Minh Tâm, chia sẻ: “Nông dân nếu sản xuất theo kiểu cũ, tự mình làm, thì sẽ không sản xuất ra được số lượng hàng hóa lớn, không đáp ứng được thị trường lớn. Ảnh: Kim Anh

Từ định hướng đó, hội quán Minh Tâm ra đời, tập hợp những nông dân mang lý tưởng làm giàu với trái xoài Đồng Tháp, để sản xuất ra lượng sản phẩm lớn, mẫu mã đẹp, đồng đều, ngon, đảm bảo an toàn có thể xuất ra các thị trường lớn trên thế giới.

Ai đã đến với hội quán Minh Tâm sẽ được nghe ông Truyện đọc vang câu hát, mà ông xem đây là tôn chỉ hoạt động của hội quán: tự chèo lấy thuyền anh.

Tự chèo lấy thuyền anh

Đừng ngồi không khoanh tay

Chớ khóc than chớ chao đôi mày

Mà hãy tự chèo lấy thuyền anh

Hội quán sinh hoạt trên cơ sở tự lực, tự chủ, hợp tác, chia sẻ, có kinh nghiệm gì chia sẻ với nhau, trên cơ sở mình phải đứng trên đôi chân của mình, chứ không trông chờ, ỷ lại, phải tự mình lo lấy cái vận mệnh của mình, nông dân nói cho nhau nghe và nghe nhau nói.

Nói về lợi ích từ khi hội quán thành lập, ông Truyện cho biết thêm: Các chuyên gia ở Đại học Cần Thơ đến chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con, hướng dẫn từ cách lên líp trồng xoài rồi chăm sóc, bảo quản, cải tạo đất… cộng vào đó là sự quan tâm của các ngành chuyên môn từ xã cho đến huyện, tỉnh. Giúp nông dân trong hội quán giảm được giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp nhận định, thực tế sản xuất đã chứng minh khi doanh nghiệp hợp tác với HTX họ cần một lượng sản phẩm cung ứng đảm bảo theo hợp đồng tiêu thụ. Đòi hỏi, nông dân phải cùng sản xuất chung một sản phẩm hàng hóa mới có thể tạo ra khối lượng lớn, có sản phẩm đồng đều. Và lúc này HTX mới có thể phát huy được vai trò tập hợp và liên kết nông dân lại với nhau.

Ngược lại, bà con nông dân khi sản xuất đảm bảo yêu cầu của doanh nghiệp, doanh nghiệp phải đảm bảo được nguồn thanh toán định kỳ và đầy đủ, đảm bảo lợi ích cho bà con nông dân. Chính sự hài hòa giữa doanh nghiệp và nông dân trong mối liên kết giữa cung và cầu này sẽ tạo ra sự ổn định và bền vững. Đây là những bước khởi điểm tốt cho sự phát triển của chuỗi sản xuất hàng hóa với vai trò của HTX nông nghiệp hiện nay.

 

Bình luận

Hà Nội: Thêm mô hình thành công nuôi cua biển trong hộp nhựa

Với sản phẩm cua lột, cua cốm độc đáo, chất lượng cao, nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn, các mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa ở Hà Nội đang dần nở rộ.

Lão nông với sở thích... thấy cây gì 'hot' là trồng!

Hết trồng cam, mận tam hoa, mơ, rồi tới thanh long..., hễ thấy cây gì đang rộ ông Khởi cũng trồng thử, trồng rồi lại chặt. Thế rồi cuối cùng ông cũng thành công.

Cơ giới hóa nông nghiệp tại Nam Trung Bộ

Những năm qua, các tỉnh Nam Trung Bộ tập trung phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp. Công tác này giúp giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững.

'Làng quê Bắc bộ' trên đảo ngọc Cô Tô

Đến đảo Cô Tô (Quảng Ninh), ngoài du lịch và hải sản, sẽ rất thú vị khi được chứng kiến những cánh đồng lúa xanh mướt đặc sệt chất làng quê Bắc bộ.

Những nông dân nuôi ba ba đạt tiêu chuẩn VietGAP

“Dám nghĩ, dám làm”, mạnh dạn đầu tư, hiện anh Mai Quốc Huy, xóm 11, xã Giao An (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) đang sở hữu trang trại nuôi ba ba đạt tiêu chuẩn VietGAP mỗi năm xuất bán hàng chục tấn ba ba thương phẩm và gần 100 vạn con ba ba giống

Đánh thức đồng hoang

Trước khi trở thành 1/63 nông dân tiêu biểu toàn quốc năm 2021, ông Lê Văn Bàng từng được xem là lão nông liều nhất huyện Nghi Xuân khi “bắt đồng hoang đẻ ra tiền”.

Yên Bái: Anh nông dân chia sẻ bí quyết chăm lúa năng suất cao, nhiều người trầm trồ

Mới đây, câu chuyện thành công của anh Nguyễn Tuấn Cường, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái trong trồng lúa đã khiến bà con địa phương trầm trồ, khi năng suất lúa Bắc Thơm 7 đạt tới 3 tạo/sào

Chàng trai trẻ du học Pháp và niềm vui với ioT, 4.0

Ứng dụng IoT và ‘số hoá’ vào nông nghiệp được xem là chìa khóa để Hoàng nâng tầm trái bơ Bình Phước và là cây truyền cảm hứng khởi nghiệp cho thanh niên địa phương.

Xăng dầu hạ 'nốc ao' ngư dân

Khi giá dầu tăng đến hơn 26.000đ/lít, nhiều tàu cá xa bờ của ngư dân Bình Định không dám ra khơi bởi sợ đánh bắt không đủ sản lượng bù vào tiền dầu.

Nghề phiêu du theo những mùa hoa

Thời điểm từ tháng 2 trở đi, là mùa mà nhiều loại cây trồng ở tỉnh Đắk Nông thi nhau đua nở hoa. Thế nên, đây cũng là thời điểm mà chủ nhân của hàng triệu con ong ở các tỉnh thành trên cả nước di cư đến đây để lấy mật.