Chè La Bằng đi lên bằng chất lượng

La Bằng là một trong những vùng chè thơm ngon nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên, đang dần khẳng định vị thế của mình bằng sản phẩm chè sạch.

watermark_1-1326_20210914_331-155012.jpeg

Vườn chè VietGAP của HTX chè La Bằng. Ảnh: Toán Nguyễn.

Đặc sản quê hương an toàn khu
Chè La Bằng là thương hiệu nổi tiếng từ hàng chục năm qua, không chỉ ở huyện Đại Từ mà đã trở thành một trong những địa chỉ chè đặc sản Thái Nguyên.

Vùng chè này nằm cách trung tâm huyện Đại Từ khoảng 10km, giáp với sườn phía đông của dãy núi Tam Đảo có khí hậu mát mẻ, độ ẩm cao và đất đai màu mỡ. Chính những điều kiện tự nhiên như vậy, rất phù hợp với cây chè phát triển, đã tạo ra hương vị chè nơi đây vô cùng thơm ngon, đậm đà.

watermark_5-1331_20210914_919-155014.jpeg

Bà Nguyễn Thị Hải, Giám đốc HTX chè La Bằng giới thiệu sản phẩm chè cho phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Vũ Thị Luận.

Bà Nguyễn Thị Hải ở xóm Rừng Vần, xã La Bằng là một người dân trồng chè ở địa phương, từ lúc lớn lên đến nay đã quá nửa đời người gắn bó với loại cây này. Bà Hải đã ấp ủ việc nâng tầm thương hiệu cho cây chè ở địa phương, đó cũng là cách để nâng cao hiệu quả kinh tế của gia đình. Chính vì vậy, người phụ nữ nông dân này đã mày mò tìm hiểu hướng đi cho bản thân mình, mạnh dạn đứng lên hợp tác với những người anh, em, họ hàng dân và người dân trong vùng thành lập hợp tác xã để cùng đưa thương hiệu chè La Bằng lên tầm cao mới.

Hợp tác xã chè La Bằng được thành lập từ năm 2006 và hoạt động từ đó đến nay, bà Nguyễn Thị Hải làm Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc. Hiện HTX có 15 hộ thành viên, hơn 100 hộ liên kết, với tổng diện tích lên đến hơn 30 hecta. Trong đó 20 hecta sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2012, còn 10 hecta đã sản xuất theo hướng hữu cơ từ năm 2019.

Trung bình mỗi hộ sản xuất từ 8 sào – 1 mẫu chè, một năm sẽ sản xuất được 8 lứa chè, mỗi sào chè sẽ cho thu nhập là hơn 20 triệu đồng/năm. Theo thống kê của Hợp tác xã chè La Bằng, có hộ dân đã có thu nhập lên đến 350 triệu đồng/năm từ trồng chè, còn trung bình mỗi hộ khoảng từ 150 - 200 triệu đồng/năm.

Hiện nay, Hợp tác xã chè La Bằng có thiết bị máy móc tương đối đầy đủ, nhà xưởng rộng hơn 1.000m2, gian trưng bày sản phẩm rộng 200m2, đảm bảo cho việc sản xuất với chất lượng cao nhất và tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay chè của hợp tác xã được phân thành 6 loại, giá thấp nhất là 150.000đ/kg, loại cao nhất là 5.000.000đ/kg. Lượng tiêu thụ tốt nhất là loại giá bình dân từ 150.000 đến 400.000đ/kg.

Ông Phạm Văn Phúc, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên thông tin: Hợp tác chè La Bằng hiện có quy mô lớn nhất ở huyện Đại Từ. Mặc dù trong thời gian này bị ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19, đứt gãy chuỗi cung ứng ở nhiều thị trường, giá cước vận chuyển tăng cao, nhưng đơn vị vẫn duy trì hoạt động tốt, ổn định việc làm cho 6 lao động thường xuyên và thu mua sản phẩm chè tươi cho bà con.

watermark_8-1332_20210914_937-155015.jpeg

Sản xuất chè sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là hướng đi của HTX chè La Bằng. Ảnh: Toán Nguyễn.

Canh tranh trên thị trường bằng sản xuất sạch
Khi phóng viên hỏi về lý do việc Hợp tác xã chè La Bằng đã sớm chuyển hướng sang làm chè sạch từ gần 10 năm nay, bà Nguyễn Thị Hải chia sẻ: Sản phẩm của hợp tác xã bán ra thị trường được nhiều người ưa chuộng, tin dùng và trở thành khách quen.

Càng về sau này, thị trường càng lớn, trong đó có những khách hàng VIP (theo cách gọi của bà Hải) họ đòi hỏi sản phẩm ngoài chất lượng tốt (thơm, ngon, đậm đà) thì phải có nguồn gốc xuất xứ, có sạch hay không? Nên đã quyết định làm chè theo tiêu chuẩn VietGAP, có giấy tờ đầy đủ để người tiêu dùng tin tưởng.

Bà Hải cũng cho biết thêm: Nhu cầu của khách thì đa dạng, nhất là những khách hàng khó tính ở các thành phố lớn, hoặc những khách hàng hay buôn bán, tặng quà ra nước ngoài đòi hỏi chè sạch thì phải đạt chứng chỉ organic.

Chính vì vậy mới vận động bà con các hộ hộ liên kết và thành viên của hợp tác xã chuyển sang làm chè theo hướng hữu cơ. Ban đầu ra rất khó, vì canh tác truyền thống đã in vào tiềm thức của người nông dân, nên để làm được thì phải thay đổi từng bước nhận thức của bà con.

Làm chè hữu cơ thời gian đầu rất vất vả, phức tạp, từ công đoạn ủ phân, đào rạch để bón phân rất tốn công sức và tỷ mỉ trong công việc, nên phải kiên trì mới làm được. Vì vậy cán bộ hợp tác xã đã tuyên truyền về lợi ích cho bà con khi thực hiện, nhất giảm được thuốc trừ sâu sẽ hạn chế được những ảnh hưởng đến sức khỏe của người trực tiếp sản xuất và của cộng đồng. Khi mới thực hiện làm chè hữu cơ, năng suất và chất lượng chè giảm. Sau một thời gian, trên 6 tháng trở lên thì chất lượng ổn định và sau 2 năm thì chất lượng tốt hơn, giá thành cũng cao hơn từ 20 – 30%, trong khi năng suất thì không giảm.

Hiện nay, thị trường bán hàng của Hợp tác xã chè La Bằng đi khắp cả nước, tập trung ở một số tỉnh, thành phố như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng, Vinh (Nghệ An), Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương,… Sản phẩm trà La Bằng cũng đã được tiêu thụ ra thị trường nước ngoài thông qua kênh của các doanh nghiệp xuất khẩu đầu mối trong nước. Ngoài ra, mặt hàng này cũng đã được bày bán thông qua các trang web và các ứng dụng lớn chuyên về bán hàng (như Shopee, Tiki, Lazada,…)

watermark_7-1327_20210914_72-155017.jpeg

Công nhân HTX chè La Bằng đang sản xuất chè. Ảnh: Toán Nguyễn.

Thành công có sự hỗ trợ đúng hướng của Nhà nước
Bà Nguyễn Thị Hải, Giám đốc HTX chè La Bằng cho biết, để có thể làm được chè sạch có chỗ đứng trên thị trường hiện nay, người dân và các hợp tác xã đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn của các cơ quan Nhà nước của tỉnh Thái Nguyên và huyện Đại Từ. Ví dụ như thời gian mới đầu làm chè VietGAP, chè hữu cơ, người dân còn được các cơ quan chuyên môn cử cán bộ về tận nơi hỗ trợ mở lớp tập huấn kiến thức, trực tiếp cầm tay chỉ việc hướng dẫn kỹ thuật cho bà con từ cách ủ phân, bón phân, hái sản phẩm,… theo đúng quy trình.

Để nâng cao giá trị sản phẩm chè, năng suất lao động, các hộ dân, các hợp tác xã và các đơn vị sản xuất trên địa bàn huyện được các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, chính quyền địa phương hỗ trợ về phân bón và các loại máy móc (máy xao chè, máy hút chân không, cân định lượng, tủ bảo quản). Ngoài ra, các hợp tác xã còn được hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất như nhà xưởng, nơi trưng bày sản phẩm,… Tất cả theo hình thức đối ứng, Nhà nước hỗ trợ 50%, người dân hoặc các đơn vị bỏ ra kinh phí 50%.

watermark_6-1334_20210914_37-155019.jpeg

Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên và một số cơ quan chuyên môn hỗ trợ nhiều loại máy móc cho hợp tác xã sản xuất chè. Ảnh: Toán Nguyễn.

Về mặt tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường, các đơn vị sản xuất và hợp tác xã cũng được các cơ quan nhà nước (Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và các hội, đoàn thể, địa phương) tài trợ tham gia các gian hàng trưng bày ở các hội chợ quảng bá trưng bày sản phảm nông sản được tổ chức trên cả nước. Ngoài việc đưa sản phẩm lên các trang web của địa phương, các đơn vị sản xuất và chế biến chè cũng được hỗ trợ làm trang web riêng để khách hàng dễ dàng tìm kiếm thông tin qua internet, tạo điều kiện tốt nhất cho việc tiêu thụ ra thị trường trong và ngoài nước.

Bà Vũ Thị Luận, Phòng NN-PTNT huyện Đại Từ thông tin: Đại Từ triển khai các chương trình làm chè hữu cơ theo các chương trình của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm tỉnh Thái Nguyên, được bà con rất ủng hộ. Phòng NN-PTNT có nhiệm vụ kết nối hỗ trợ người dân thực hiện sản xuất theo VietGAP, hữu cơ và hỗ trợ thiết bị, máy móc cho các hợp tác xã theo giá 50%, tạo điều kiện tốt nhất phục vụ cho việc nâng cao chất lượng, bảo quản sản phẩm tốt hơn.

 

Bình luận

Sức hút sầu riêng bazan Bình Phước

Sầu riêng trồng theo hướng hữu cơ trên vùng đất đỏ bazan Bình Phước vẫn khẳng định được lợi ích kinh tế vượt trội, bất chấp dịch Covid-19 trong suốt thời gian qua…

Mật hoa dừa chuẩn hội nhập có gì mới?

Mật hoa dừa giàu khoáng chất, giúp cơ thể cân bằng điện giải và bổ sung năng lượng nên sức mua các sản phẩm của Sokfarm rất tốt trong lúc đại dịch Covid-19 bùng phát.

Nâng tầm sản phẩm OCOP

Kết nối thị trường cho sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) luôn được các ngành, địa phương và doanh nghiệp quan tâm nhằm tối ưu giá trị.

Hội nghị thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông sản Nam Bộ

Trước bức xúc về hàng hóa nông sản chủ lực Nam Bộ trúng mùa, nhưng mất giá trầm trọng, phải cầu cứu giải cứu, ngày 8/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức hội nghị trực tuyến tìm giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông sản.

OCOP Sơn La vươn ra thế giới

Tỉnh Sơn La đã có 83 sản phẩm OCOP, trong đó 1 sản phẩm hạng 5 sao, còn lại là các sản phẩm đạt 3 và 4 sao. Nhiều sản phẩm OCOP của Sơn La đã khẳng định thương hiệu, chất lượng, chinh phục được thị trường trong nước và từng bước vươn ra thế giới.

Đồng Tháp lần đầu tổ chức Lễ hội Sen để quảng bá du lịch

Ngày 6/5 UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức họp báo Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ nhất năm 2022 được tổ chức với quy mô cấp tỉnh với chủ đề “Sen ngày mới”.

Bến Tre tiếp tục nhân rộng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị

Để nâng cao giá trị hàng nông sản, tăng lợi nhuận cho người nông dân, hiện nay, tỉnh Bến Tre đang xây dựng hoàn chỉnh chuỗi giá trị nông sản chủ lực gắn với chế biến sâu. Hoạt động này đã đem lại hiệu quả thiết thực, là hướng đi tất yếu trong sản xuất

Bắc Kạn nâng tầm các sản phẩm OCOP

Đến nay, Bắc Kạn đã có 155 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, 3 năm liên tiếp đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm. Tỉnh đang nỗ lực nâng cao cả về lượng và chất sản phẩm để vươn tới các thị trường lớn, gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Khánh Sơn sẽ tổ chức lễ hội trái cây lần thứ II

Ngày 4/5, lãnh đạo phòng NN-PTNT Khánh Sơn (Khánh Hòa) cho biết, huyện đã ban hành kế hoạch tổ chức lễ hội trái cây lần thứ II năm 2022 trên địa bàn.

4 giải pháp cho nông nghiệp Tây Nguyên

Nông nghiệp công nghệ cao là thế mạnh của tỉnh Lâm Đồng và địa phương này đang phát triển theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế.