Đồng hành với ‘Sơn Keviln’ để trả lại màu cho đất
Với triết lý làm nông nghiệp ‘trả lại màu cho đất’, Võ Ngọc Sơn đang xây dựng nên một cộng đồng nông nghiệp sinh thái ngày càng rộng khắp.
LTS: Đi qua 2 chuyên đề "Đại ngàn Tây Nguyên & nỗi đau của đất" và "Bồi bổ đất Tây Nguyên", Báo Nông nghiệp Việt Nam được cùng bạn đọc trải qua những cung bậc cảm xúc đặc biệt, từ sự chia sẻ, đồng hành đến phản biện mang tính khoa học và đóng góp chuyên môn sâu sắc. Một vùng đất hùng vĩ, giàu tiềm lực đứng trước những thách thức không nhỏ là hệ lụy của cách thức sản xuất nông nghiệp chưa trọn vẹn trách nhiệm của chính những người làm nông nghiệp chúng ta; nhưng từ đó cũng gợi mở nhiều phương cách mới nhằm hướng tới sự bền vững và nuôi dưỡng căn nguyên phát triển tiềm lực mang tầm khu vực. Tạm khép lại chuyên đề, Nông nghiệp Việt Nam vẫn kỳ vọng vào những tiếng nói tâm huyết của bạn đọc, của các nhà quản lý, chuyên môn và chính người nông dân để cùng chúng tôi có dịp trở lại qua những tuyến bài mới trong thời gian tới.
Võ Ngọc Sơn (bên trái) thể hiện sự tự tin trong hành trình trả lại màu cho đất. Ảnh: Hoàng Anh.
Hành trình trả lại màu cho đất
Dọc Quốc lộ 14C nối từ Đăk Lăk sang Đắk Nông, xen lẫn giữa những vô số cửa hàng thuốc trừ sâu ở những những vùng trọng điểm trồng hồ tiêu, cà phê, sầu riêng, tấm biển “Nhà nông không dùng hóa chất” của một cửa hàng ở Đắk Mil trông thật đặc biệt. Ông chủ là Sơn Keviln, một chàng trai quê gốc Nghệ An, từ nhiều năm nay đã đồng hành với người nông dân với sứ mệnh giải giải cứu bất cứ vườn cây ăn quả nào gặp vấn đề ở khắp các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Từ Đăk Lăk, Đắk Nông đến Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, thậm chí dưới Bình Phước…, bất cứ ở đâu người nông dân cần hỗ trợ thì Sơn Keviln đều có mặt, kể cả phóng xe máy hàng mấy trăm cây số.
Tên thật anh là Võ Ngọc Sơn (34 tuổi), cái tên nửa Tây nửa ta nói trên là ở trên mạng xã hội Facebook, nơi Sơn đều đặn livestream để tư vấn người nông dân thay đổi nhận thức trong hành trình “Trả lại màu cho đất” do chính anh khởi xướng. Từ Hội kỹ thuật cà phê đạt 10 tấn, Hội hồ tiêu trái cây Đông Nam Bộ, Hội nông dân Việt Nam… Thật khó tin khi biết rằng một mình Sơn đang đồng hành thực tế với khoảng hơn 4.000 hộ nông dân và hàng chục nghìn nông hộ khác thông qua mạng xã hội zalo, facebook…
“Mặc dù với nông nghiệp tôi vốn dĩ là tay mơ, nhưng luôn muốn làm điều gì đó để thay đổi người nông dân bản xứ. Họ là những người khó khăn nhất, thiệt thòi nhất và bắt buộc phải thay đổi. Thay đổi để tháo gỡ những nút thắt, những rào cản và cả những cạm bẫy người nông dân chưa thể thoát ra”, Sơn Keviln chia sẻ.
Hàng chục năm trời, Võ Ngọc Sơn (thứ 2 từ phải sang) lang thang khắp Tây Nguyên đồng hành với người dân thay đổi tư duy làm nông nghiệp. Ảnh: NS.
Hơn 10 năm trước, Võ Ngọc Sơn bắt đầu suy nghĩ về nông nghiệp sau một biến cố của bản thân. Đó là khi anh suýt bỏ mạng vì ngộ độc rau, thứ rau xanh mướt mà những người dân Đắk Mil vẫn thường chăm bẵm bằng vô số loại thuốc trừ sâu, trừ cỏ. Cứ gì rau, những loại cây trồng khác cũng đều tắm thuốc, bón phân vô tội vạ. Càng cỏ, sâu bệnh càng phun, đất đai càng bạc màu càng bón. Thứ đổ xuống đất không chỉ tiền bạc, đôi khi còn là sức khỏe, tính mạng con người.
Thực tế khiến một người trẻ như Sơn thực sự sợ hãi. Ở Đắk Mil, nhà nào cũng vậy, cũng sống dựa vào rẫy cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả. Có những mùa vụ nhiều gia đình “nuôi” từ 4 - 5 lao động chỉ với mỗi nhiệm vụ là phun thuốc trừ sâu, trừ cỏ thuê. Thanh niên trai tráng sau mỗi mùa vụ không ít người phải nằm liệt giường. Đất đai ngập trong phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học. Có những nương rẫy vốn là đất đỏ bazan rất màu mỡ thế mà bị thoái hóa, chai cứng như là nền bê tông, đến cỏ dại cũng không thể nào mọc nổi.
Năm 2009, thử thách đầu tiên của Sơn Keviln là thuyết phục chính bố mẹ mình cắt 1,7ha trong số 7ha gia đình đang trồng cà phê để chuyển đổi sang quy trình trồng cà phê hữu cơ. Muốn nông dân tin phải có mô hình. 1,7ha đất ấy toàn là “đất B52”, trước đây bom đạn cày xới, cộng với quá trình dài canh tác đã bị bào mòn cạn kiệt chất dinh dưỡng, ngày thường gia đình Sơn đều phải “vào” rất nhiều phân bón, thuốc BVTV mới có thể canh tác. “Trả lại màu cho đất” là triết lý làm nông nghiệp của Võ Ngọc Sơn bắt đầu ngay chính trên rẫy cà phê của gia đình.
Mất hai năm cho đất nghỉ, chỉ ném vôi xuống và thải độc, ngừng toàn bộ những vật tư đầu vào liên quan đến hóa chất và khi cỏ dại có thể mọc lên thì bắt đầu cho men vi sinh vào để cải tạo. Sơn lên Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên nhờ các cán bộ kỹ thuật tư vấn thêm. Vôi rải khắp vườn để làm sạch đất, nâng cao độ pH và sát khuẩn vườn, giúp cây kháng bệnh và hấp thụ phân bón tối đa. Vi sinh vật như nấm Trichodema, men vi sinh Bacillus... kết hợp đạm cá hoặc đạm tự ủ với a xít hữu cơ để xả đất và kích thích các vi sinh vật có lợi phát triển. Phân hữu cơ giúp nền đất phát triển vi sinh vật và phân giải Xenlulozo của cỏ, tạp chất, mùn, cặn bã… từ đó giải độc và trả lại màu cho đất.
“Ai cũng biết muốn thay đổi, muốn làm nông nghiệp sạch phải bắt đầu từ đất. Và ai cũng biết thoái hóa đất đai là vấn đề nan giải, nhức nhối của Tây Nguyên, nhưng giải pháp thế nào, cần phải làm gì, thực sự không hề dễ”, Sơn Keviln nói về hành trình vận động người nông dân làm nông nghiệp hữu cơ.
Sơn Keviln (ngoài cùng bên trái) và những người nông dân quyết tâm thay đổi. Ảnh: Hoàng Anh.
Tất cả đều phải tự bỏ tiền túi ra làm. Sau khi đất chết được hồi sinh, giải pháp tiếp theo là giảm chi phí đầu vào. Sơn nghiên cứu, thử nghiệm và tính toán, mỗi năm một cây cà phê chỉ cần hấp thụ tối đa khoảng 250 - 300g phân bón, tuy nhiên truyền thống canh tác của bà con thường bón lên gấp đôi, vừa tốn kém vừa không hiệu quả. Một bộ giải pháp bón phân hữu cơ cho cà phê do Sơn mày mò ra đời. Phân bón được ủ từ đậu nành, cá, trái cây và các loại phế thải của nông nghiệp, vừa tiết kiệm vừa rất hiệu quả đối với quá trình phục hồi dinh dưỡng cho đất. Thuốc BVTV sinh học làm từ gừng, sả, tỏi, ớt và nhiều loại tinh dầu khác như vỏ cam, vỏ bưởi, vừa hiệu quả, vừa đảm bảo an toàn cho đất và cho sức khỏe người nông dân. Ít nhất giảm được khoảng 50% chi phí đầu vào so với canh tác thông thường.
Mất 7 năm trời và vài ba trăm triệu đầu tư mới có thể hoàn thiện mô hình tái canh cà phê bằng giải pháp nông nghiệp hữu cơ. Hiệu quả được chứng minh rất rõ ràng. Trong khi những người nông dân vẫn đang canh tác thông thường và bán cà phê với giá 40 - 50 nghìn đồng/kg thì sản phẩm cà phê hữu cơ của Sơn được đặt mua với giá 200.000 đồng/kg. Khi Công ty TNHH Syngenta Việt Nam đi tìm mô hình tái canh cây cà phê bền vững ở Tây Nguyên đã tìm đến vườn của Võ Ngọc Sơn. Từ chất lượng cây, chất lượng hạt cà phê cho đến các chỉ số trong đất đều đảm bảo. Sơn được mời tham gia các hội nghị, hội thảo và những chương trình thực tế để tuyên truyền người nông dân thay đổi.
Nông dân phải tự quyết định số phận trên mảnh đất của họ. Ảnh: Minh Quý.
“Hạn chế lớn nhất của người nông dân mình là thiếu kiến thức. Đa số các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận, thậm chí có sự tiếp tay, giúp sức của một bộ phấn cán bộ trong các cơ quan quản lý để định hướng, lôi kéo người nông dân sử dụng sản phẩm của họ dù chưa rõ chất lượng như thế nào. Cho nên tôi muốn dùng 7 năm trời của mình, công sức, tiền bạc của mình nhằm mục tiêu để người nông dân có kiến thức và tự quyết định số phận trên mảnh đất của họ”, Võ Ngọc Sơn chia sẻ.
“Hãy để người nông dân tự thay đổi” cũng chính là lý do sau nhiều năm làm việc cho một doanh nghiệp chuyên về chế phẩm công nghệ vi sinh Nhật Bản, một mình gầy dựng hệ thống hàng trăm cửa hàng ở khu vực Tây Nguyên, Võ Ngọc Sơn đột ngột bỏ việc.
Lý do là bởi: Tôi đồng hành với người nông dân và vận động họ thay đổi không phải vì mục tiêu bán sản phẩm của mình. Nhiều doanh nghiệp khi mới bắt đầu vào thị trường nông nghiệp hữu cơ triết lý kinh doanh của họ rất tốt đẹp, nhưng sau một thời gian bắt đầu thần thánh hóa sản phẩm của mình một cách trắng trợn. Chuẩn bị vào vụ ào ào tổ chức hội thảo, ông nào cũng cho sản phẩm của mình là nhất, vì lợi nhuận tìm cách lôi kéo người nông dân sử dụng, thậm chí hạ bệ sản phẩm của người khác, thế thì vì người nông dân nỗi gì. Hãy đồng hành và hỗ trợ người nông dân, cung cấp kiến thức kỹ thuật tốt nhất để họ tự thay đổi.
Những khu vườn được tái sinh
Sau khi thành công với quy trình sản xuất và dựng được thương hiệu cà phê hữu cơ, Võ Ngọc Sơn đã lang thang hết cả 5 tỉnh Tây Nguyên để đồng hành với người nông dân “cứu đất trước khi cứu cây”. Hàng nghìn ha hồ tiêu, cà phê, sầu riêng và các loại cây ăn trái khác đã được hồi sinh nhờ những chuyến lang thang như thế. Quan trọng hơn, số nông dân thay đổi tư duy và tìm đến Sơn Keviln nhờ hỗ trợ ngày càng nhiều, thậm chí không ít hợp tác xã tiêu hữu cơ, cà phê hữu cơ, sầu riêng hữu cơ cũng “đặt gạch” nhờ Sơn hỗ trợ, đồng hành.
Nói không ngoa, một mình Võ Ngọc Sơn đã xây dựng nên một cộng đồng “nhà nông không dùng hóa chất” khá rộng khắp. Một cộng đồng mà Sơn nói, “đồng hành với nhau đến cùng”.
Đồng hành với Võ Ngọc Sơn, những khu vườn được tái sinh. Ảnh: Hoàng Anh.
Chỉ mới năm kia, 3ha đất rẫy trồng tiêu, sầu riêng, cà phê, chanh dây của ông Đặng Duy Vỹ (thôn Đức Lợi, xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) vừa là nguồn sống nhưng cũng là gánh nặng gia đình. Những năm tháng lạm dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học gần như bóc lột hết dinh dưỡng của đất, dù chịu khó chuyển đổi đủ loại cây trồng nhưng chẳng ăn thua.
“Mỗi năm đổ xuống hàng trăm triệu tiền phân, tiền thuốc nhưng cây trồng vẫn không phát triển, thoái hóa, sâu bệnh một thời gian rồi chết. Xót ruột lắm nhưng chẳng biết phải làm như thế nào. May mà gặp được chú Sơn”, ông Vỹ cảm kích.
Trong cơn quẫn bách, đầu năm 2020 ông Vỹ tìm đến Sơn như một cứu cánh. Bằng quy trình canh tác không hóa chất, “cứu đất trước khi cứu cây”, sử dụng sản phẩm phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học để giảm chi phí đầu vào và giải độc, trả lại màu cho đất, sau hơn một năm, toàn bộ diện tích cây trồng của gia đình ông Vỹ đã được cứu sống.
“Tôi cảm nhận sự thay đổi đến từng ngày. Đất canh tác theo phương pháp sinh học màu mỡ hơn, cây trồng phát triển tốt, đặc biệt là sức khỏe của những người trong gia đình cũng được cải thiện trông thấy, ông Vỹ phấn khởi.
Cũng nhờ sự hỗ trợ của Võ Ngọc Sơn, vườn tiêu 1,7ha của ông Lương Văn Công (thôn 10, xã Nam Bình, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) được cứu sống ngoạn mục.
Hơn 2 năm trước, ông Công bị u não phải đi nằm viện, vườn tiêu không ai chăm sóc, đất đai chai cằn, tiêu èo uột như người mắc bệnh nan y giai đoạn cuối. Nhờ Sơn hỗ trợ chuyển sang canh tác theo quy trình hữu cơ, một thời gian sau vườn tiêu của gia đình ông Công dần phục hồi và hiện tại xanh tốt, năng suất không thua kém mấy so với những vườn tiêu trồng mới.
“Cây cũng như người, có mắc phải bệnh tật rồi mới thấy cần phải thay đổi, không chỉ cho bản thân mình mà còn phải trách nhiệm với cả người tiêu dùng nữa”, ông Công chia sẻ sau cơn bạo bệnh.
Có vô số khu vườn đã được phục hồi thần kỳ như thế. Vườn tiêu, sầu riêng của ông Tùng, chú Thủ, cô Nguyệt ở Krông Nô (Đăk Lăk), vườn tiêu, cà phê của anh Hiếu ở Cư M'gar (Đăk Lăk), vườn tiêu bác Viện ở Đắk Song (Đắk Nông)… Võ Ngọc Sơn nói, có những vườn khi nhờ đến tôi họ đã hết cách, xác định cứu làm sao cây chỉ chết khoảng một nửa diện tích đã là thành công rồi. Như vườn tiêu của bác Viện ở xã Thuận Hạnh (huyện Đắk Song, khi đến xem thử đất ngộ độc đến mức cỏ cũng không mọc nổi. Chủ vườn thừa nhận thường xuyên dùng thuốc trừ cỏ loại lưu dẫn đến 6 tháng, mỗi lần phun hết mấy chục chai, không một loại vi sinh vật nào có thể sống. Trước khi nhờ đến Sơn, bác Viện xác định chết ít nhất khoảng 1.500 trụ tiêu, mất cả tiền tỷ nhưng nhờ áp dụng quy trình sinh học, tái tạo vi sinh vật cho đất cuối cùng vẫn có thể cứu được.
“Nhiều người cho rằng làm nông nghiệp hữu cơ khó và đòi hỏi phải dài hơi, năng suất thấp, nhưng không phải. Nếu hạch toán rõ chi phí đầu tư, giá thành và giá trị sản phẩm thậm chí làm nông nghiệp hữu cơ mang lại giá trị kinh tế lớn hơn, chưa kể nhiều lợi ích khác về môi trường, sức khỏe con người, giá trị cộng đồng. Mỗi lần đồng hành với người nông dân tôi đều dẫn họ đến vườn cà phê hữu cơ của mình. Đấy, các bác xem, vườn của tôi 5 - 6 năm nay không hề có một tý hóa chất nào mà vẫn xanh tốt, năng suất, giá trị như thế đấy, nên các bác cứ mạnh dạn thay đổi đi”, Sơn Keviln tâm sự.
Võ Ngọc Sơn đang ấp ủ thành lập hợp tác xã, mong muốn của anh là nông nghiệp tử tế phải là một cộng đồng để sức lan tỏa ngày một mạnh mẽ hơn.
Hành trình quả vải Lục Ngạn sang Trung Quốc: Cách một bước chân, giá gấp đôi
Vượt qua biên giới chỉ chục km vào chợ đầu mối hoa quả lớn nhất Quảng Tây, giá vải Lục Ngạn (Bắc Giang) tăng gấp đôi.
Phát hiện loài tỏi rừng mới tại thác Bảy Nàng Tiên, Phong Điền
Các nhân viên bảo vệ rừng Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền đã phát hiện loài tỏi rừng mới mọc ở vách đá đỉnh thác Bảy Nàng Tiên, gần khu vực Rào Trăng.
Các nhà khoa học nói gì về tương lai bèo hoa dâu ở Việt Nam?
Ông Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam vừa trở về từ Sierra Leone mang theo giống bèo hoa dâu Azolla pinnata, cành to gấp nhiều lần bèo nội.
Sản xuất lúa các bon thấp, lợi nhuận tăng đáng kể
Mô hình sản xuất lúa các bon thấp cho thấy hiệu quả tăng lợi nhuận khoảng 20 - 30% so với sản xuất truyền thống, nông dân Cần Thơ phấn khởi tham gia.
Cấp 'thẻ căn cước' cho tôm giống
'Nhất giống, nhì môi, tam mồi, tứ kỹ', đây là kinh nghiệm được truyền tai nhau để khẳng định tầm quan trọng của con giống trong nuôi trồng thủy sản.
Nông sản Việt Nam chất lượng rất tốt, nhưng bán hàng còn kém
Nông sản Việt Nam có chất lượng rất tốt, nhưng bán hàng còn kém. Nếu cải thiện được khâu này, nông sản Việt Nam sẽ còn đi xa hơn nữa trên thị trường thế giới.
Gợi ý chiến lược tạo vị thế dẫn đầu cho nông nghiệp Việt Nam
Với những lợi thế sẵn có, Việt Nam sẵn sàng tâm thế áp dụng công nghệ mới, tiên tiến theo dòng Cách mạng Công nghiệp 5.0 phát triển nông nghiệp tuần hoàn, bền vững.
Phát triển kinh tế vùng trung du và miền núi Bắc bộ - Sức bật mới cho khu vực
Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển bền vững với nhiều loại tài nguyên, khoáng sản quý hiếm và diện tích đồi rừng rộng lớn. Phát triển vùng là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng...
'Tứ nông' - góc nhìn thực tiễn
Người không có đất nông nghiệp để sản xuất, người mất việc từ khu công nghiệp trở về nông thôn tìm kiếm việc làm - người ta gọi những người/hộ đó là 'tứ nông'.
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa X, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của người dân, diện mạo nông thôn đã có nhiều đổi thay
Bình luận