Gạo ST25 giả, nhái... bán chạy
Bao bì gạo ST25 giả, nhái nhãn hiệu của DNTN Hồ Quang Trí quảng cáo tràn lan, rao bán trên mạng 3.000đồng/cái, được mua về đóng thứ gạo gì bên trong chỉ có trời biết.
Đặc biệt, giao dịch đó trở nên sôi động vài ba tháng nay vì người tiêu dùng hạn chế ra ngoài bởi Covid 19. Đó là những thông tin do kỹ sư Hồ Quang Cua - cha đẻ của ST25 cung cấp cho phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam: “Đây là vấn nạn quốc gia bởi người tiêu dùng sẽ mất tin tưởng, bỏ rơi một sản phẩm đem lại niềm tự hào dân tộc và là một thị trường tiêu thụ chính có thể lên đến hàng chục, trăm vạn tấn gạo/năm. Thiệt hại lớn hơn rất nhiều lần trong trường hợp ta mất thương hiệu ở Mỹ”.
Ông Hồ Quang Cua bên "đứa con tinh thần" ST25. Ảnh: Hữu Đức.
Gạo giả, gạo nhái kể cả lô đầu tiên xuất khẩu vào Mỹ
Cụ thể thực trạng gạo ST25 giả, gạo ST25 nhái ở ta thế nào thưa ông?
Ở Việt Nam có hai thực trạng kinh doanh: Một là túi gạo ghi ST25 nhưng gạo chứa bên trong không phải là ST25. Hai là in ấn bao bì giả nhãn hiệu của doanh nghiệp khác. Chỉ độ 10 hôm sau khi gạo ST25 đoạt giải Gạo ngon nhất thế giới (ngày 12/11/2019) tại Mỹ đã quảng cáo bán gạo ST25.
Sau đó trên thị trường gạo Việt Nam bắt đầu xuất hiện gạo ST25 giả trong khi mãi đến 31/12/2019 lúa ST25 mới được Bộ NN-PTNT Việt Nam công nhận giống (đó là thời gian công nhận nhanh kỷ lục chưa có tiền lệ, nhờ vào chỉ đạo của nguyên Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường).
Theo quy trình, sau khi được công nhận chúng tôi mới sản xuất và được kiểm định giống nguyên chủng, thêm một vụ nữa đến tháng 10/2020 mới được kiểm định và đưa ra thị trường giống xác nhận. Tính theo chu kỳ sinh trưởng phải đến tháng 2/2021 trên thị trường mới có thóc ST25 thu hoạch.
Như vậy có thể nói từ tháng 2/2021 trở về trước các túi gạo ghi tên ST25 đều không đúng, kể cả lô hàng xuất khẩu đầu tiên vào Mỹ năm 2020.
Sau đó các túi gạo ST25 giả tiếp tục phát triển trên thị trường nhờ vào các bao bì nhái nhãn hiệu của DNTN Hồ Quang Trí (đơn vị duy nhất được cho phép sử dụng thương hiệu giải thưởng quốc tế “Gạo ngon nhất thế giới” cho mục đích tiếp thị và kinh doanh - PV) được in và bán rộng rãi trên thị trường.
Trước đây thị trường gạo đóng túi ở ta rất trầm lắng, số doanh nghiệp chuyên doanh rất ít, đa phần họ bán gạo đóng túi để quảng cáo cho tên công ty hơn là mục tiêu bán gạo lẻ, nặng về xuất khẩu hơn là nội địa.
Một loại gạo ST25 nhái, được bán ở Hà Nội. Ảnh: Tiền Phong.
Gạo giả, gạo nhái thương hiệu ở nước ta không chỉ là vấn nạn quốc gia mà hiện đã bị Tổ chức Thương mại Lúa gạo Thế giới cảnh báo về việc sử dụng tràn lan cụm từ có ý nghĩa “The world’s best rice” mà họ đã đăng ký bảo hộ tại Mỹ. Việc chống hàng giả là liên tục, lâu dài. Trước mắt phải kiểm tra, xử lý các quảng cáo sai sự thật trên mạng, in ấn bao bì không thông qua hợp đồng chính chủ, các loại bao bì không ghi xuất xứ hàng hóa, không địa chỉ rõ ràng…
Về lâu dài phải đưa chủng loại gạo này vào thương hiệu quốc gia, xây dựng quy chế để cấp phát sử dụng và quản lý. Có như thế mới dần dần xây dựng trật tự, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam được.
Ông Hồ Quang Cua đang kiểm tra lúa. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Cụ thể ý nghĩa cảnh báo của The Rice Trader - nhà sáng lập và chủ sở hữu cuộc thi "Gạo ngon nhất thế giới" ra sao, thưa ông?
Đầu tiên ông Jeremy Zwinger (Chủ tịch The Rice Trader) cảnh báo đích danh tôi, bởi khi dự thi quốc tế tôi có ký cam kết muốn sử dụng cụm từ có ý nghĩa “The world’s Best Rice” phải có sự cho phép của họ và tôi đã sớm khắc phục.
Cảnh báo của họ dựa trên sự quảng cáo bán gạo tràn lan trên mạng ở trong nước lẫn nước ngoài các nhãn hiệu mang ý nghĩa “Gạo ngon nhất thế giới” mà họ cho là sở hữu trí tuệ của họ đã đăng ký tại Mỹ. Họ dự liệu hai tình huống xảy ra nếu không khắc phục. Một là, ra tòa tại Mỹ (đối với doanh nghiệp). Hai là, cấm dự thi Gạo ngon thế giới do họ tổ chức hàng năm (đối với Việt Nam mà hiện nay Hiệp hội Lương thực Việt Nam là đầu tàu).
Tình huống thứ hai là đặc biệt nghiêm trọng nếu tình huống thứ nhất không được khắc phục. Nó mang ý nghĩa xấu về việc vi phạm bản quyền của tập thể (hay nói rộng hơn là vi phạm bản quyền ở cấp quốc gia do có quá nhiều vi phạm).
Tôi nghĩ việc này doanh nghiệp có thể tự xử lý được và cần có sự quản lý Nhà nước trong việc xử lý (bởi Cục An ninh Kinh tế và Cục Quản lý Thị trường). Công việc cũng khá khẩn trương vì cũng gần sắp đến ngày họ thông báo lịch Hội nghị Lúa gạo quốc tế lần thứ 13, thường tổ chức vào quý 4 hàng năm.
Kinh nghiệm quý của các nước
Cách của các nước quản lý thương hiệu gạo như thế nào? Ông đề xuất gì về thương hiệu gạo quốc gia cho Việt Nam?
Các nước có gạo ngon nổi tiếng như Ấn Độ, Thái Lan quản lý thương hiệu gạo rất chặt chẽ. Như Thái Lan sau cuộc bình tuyển kéo dài nhiều năm, tới năm 1959 họ kết luận Khao Dawk Mali 105 là ngon nhất (sau này họ bổ sung giống RD15) và từ đó đến nay luôn và duy nhất là THAI HOM MALI RICE (Gạo thơm quốc gia Thái Lan). Qua nhiều lần nâng cấp quy chế sử dụng thương hiệu gạo thơm quốc gia thì buộc phải đạt hai tiêu chuẩn chung của họ là: Chỉ có 2 loại gạo Khao Dawk Mali 105 và RD15 mới được in chữ “Thai hom mali rice” ở phần trên cao của túi gạo. Độ thuần của gạo phải từ 92% trở lên và được đo bằng máy phân tích DNA (chứ không phải bằng mắt thường như gạo Việt Nam ST5, ST20 hiện đang xuất khẩu sang EU).
Có lẽ do vùng địa lý trồng lúa trên tương đối đồng nhất cho nên không thấy họ quy định chuyện này. Dĩ nhiên họ còn có những quy định mà ta không biết hết như gạo thơm khác thì phải ghi tên giống trên nóc bao bì. Đối với Ấn Độ và Pakistan có loại gạo thon, ốm khi nấu chín nở dài thêm khoảng 69% là Basmati. Hiện nay họ lai cải tiến nên có nhiều giống Basmati không cảm quang, năng suất cao hơn Basmati cổ truyền nhưng khi đặt tên gạo là Basmati thì phải do Nhà nước quyết định…
ST25 thật và ST25 giả. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Việt Nam từ lâu đã có hội đồng xét công nhận sản phẩm thương hiệu quốc gia tuy nhiên gạo thì chưa, mặc dù đã qua bốn lần được vinh danh quốc tế liên tiếp. Ta có quy chế về thương hiệu gạo Việt Nam đã được đăng ký ở 22 nước. Những năm trước, khi thảo luận để chọn gạo xây dựng thương hiệu gạo quốc gia thì chúng ta chưa có loại tầm cỡ thế giới, chỉ có nhiều loại thơm nhẹ. Mỗi khi đề xuất ra loại gạo nào để xây dựng thương hiệu gạo quốc gia đều bị dư luận nhiều chiều trong đó phản bác là chính cho nên ta đành phải xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam một cách chung chung, thiếu ý nghĩa trong việc tạo dựng và tôn vinh sản phẩm tiêu biểu của quốc gia.
Nay đã có giống đạt rồi, tôi nghĩ cần phải quay lại thảo luận việc này, làm sao phải có “đỉnh” giống như nóc chiếc pha lê thủy tinh mà The Rice Trader đã cấp cho ta. Đây là việc hệ trọng chúng ta cần suy nghĩ thêm.
Kỳ vọng của ông là gì cho mục tiêu thương hiệu gạo quốc gia?
Mặc dù phương châm của nhóm nghiên cứu là: “Thơm cho ra thơm, ngon cho ra ngon”, “Nhanh, nhiều, tốt, rẻ” và phải đi qua hết đoạn đời trung niên mới ra được kết quả cao nhất, nhưng khi giám đốc tổ chức The Rice Trader công bố kết quả vào chiều ngày 12/11/2019 chúng tôi vẫn hết sức ngỡ ngàng.
Để trả lời thắc mắc của các đồng nghiệp đối thủ nước ngoài chúng tôi phải phân tích lại từng công đoạn, từng vật liệu lai tạo; Phân tích, đối chiếu các chỉ số hóa sinh của hạt gạo đoạt giải cao và hạt gạo đoạt giải thấp hơn năm ấy; dẫn đi tham quan vùng trồng từ đồng bằng ven biển, cửa sông, thung lũng trên cao nguyên, từ Bắc, Trung, Nam…
Chúng tôi nhận định nhóm chúng tôi đã làm hết sức có thể để tạo ra một giống lúa khá toàn diện trên tất cả các mặt và chưa thể làm ra giống lúa nào tốt hơn. Vì vậy liên tục từ vụ đông xuân 2017 - 2018 đến nay, chúng tôi mỗi năm 2 vụ đều đầu tư nâng cấp phẩm chất cây lúa, hạt gạo. Lúc đầu chỉ là ST24 và sau này có thêm ST25 và kết quả tốt lên đã thấy rõ.
Ông Hồ Quang Cua cùng nhà đầu tư thăm mô hình ST25 trồng trên vùng lúa tôm ven biển. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Tôi cũng đã nhận được đề nghị nhượng quyền từ một doanh nghiệp top đầu của Việt Nam với một giá rất hời nhưng tôi không thể để số phận nó run rủi trên thị trường chứng khoán, có khi nó có thể rời Việt Nam mà không cần “hộ chiếu”.
Tôi cũng đã thoát được một vụ lừa đảo rất tinh vi khởi đầu từ Mỹ, với sự góp sức của người trong nước, là góp quyền sở hữu hạt giống thành cổ phần với họ nhằm tránh các “mũi dùi” của Nhà nước và công ty khác nhằm vào “anh Hồ Quang Cua” và để thành lập “công ty tỷ đô” (theo lời họ).
Ước vọng của tôi sau khi đoạt giải là giống lúa ST25 phải của Việt Nam, của nông dân Việt Nam, phải được bảo hộ tại UPSTO giống như Bộ Thương mại Thái Lan đã đăng ký bảo hộ giống lúa KDM 105 tại Mỹ năm 2002. Nếu để ở gia đình tôi thì không biết đời sau có còn giữ được hay không! Mà đã mất bản quyền giống thì mất hết.
Dĩ nhiên nếu thủ tục suôn sẻ thì sau khi nhượng quyền sở hữu cho Nhà nước tôi vẫn còn có trách nhiệm: Tiếp tục nâng cấp hạt giống và sản xuất giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng nhưng lúc đó quy mô sẽ ít hơn. Khi ấy có thể tạm gọi là về hưu lần thứ hai.
Xin cảm ơn ông.
Hành trình quả vải Lục Ngạn sang Trung Quốc: Cách một bước chân, giá gấp đôi
Vượt qua biên giới chỉ chục km vào chợ đầu mối hoa quả lớn nhất Quảng Tây, giá vải Lục Ngạn (Bắc Giang) tăng gấp đôi.
Phát hiện loài tỏi rừng mới tại thác Bảy Nàng Tiên, Phong Điền
Các nhân viên bảo vệ rừng Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền đã phát hiện loài tỏi rừng mới mọc ở vách đá đỉnh thác Bảy Nàng Tiên, gần khu vực Rào Trăng.
Các nhà khoa học nói gì về tương lai bèo hoa dâu ở Việt Nam?
Ông Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam vừa trở về từ Sierra Leone mang theo giống bèo hoa dâu Azolla pinnata, cành to gấp nhiều lần bèo nội.
Sản xuất lúa các bon thấp, lợi nhuận tăng đáng kể
Mô hình sản xuất lúa các bon thấp cho thấy hiệu quả tăng lợi nhuận khoảng 20 - 30% so với sản xuất truyền thống, nông dân Cần Thơ phấn khởi tham gia.
Cấp 'thẻ căn cước' cho tôm giống
'Nhất giống, nhì môi, tam mồi, tứ kỹ', đây là kinh nghiệm được truyền tai nhau để khẳng định tầm quan trọng của con giống trong nuôi trồng thủy sản.
Nông sản Việt Nam chất lượng rất tốt, nhưng bán hàng còn kém
Nông sản Việt Nam có chất lượng rất tốt, nhưng bán hàng còn kém. Nếu cải thiện được khâu này, nông sản Việt Nam sẽ còn đi xa hơn nữa trên thị trường thế giới.
Gợi ý chiến lược tạo vị thế dẫn đầu cho nông nghiệp Việt Nam
Với những lợi thế sẵn có, Việt Nam sẵn sàng tâm thế áp dụng công nghệ mới, tiên tiến theo dòng Cách mạng Công nghiệp 5.0 phát triển nông nghiệp tuần hoàn, bền vững.
Phát triển kinh tế vùng trung du và miền núi Bắc bộ - Sức bật mới cho khu vực
Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển bền vững với nhiều loại tài nguyên, khoáng sản quý hiếm và diện tích đồi rừng rộng lớn. Phát triển vùng là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng...
'Tứ nông' - góc nhìn thực tiễn
Người không có đất nông nghiệp để sản xuất, người mất việc từ khu công nghiệp trở về nông thôn tìm kiếm việc làm - người ta gọi những người/hộ đó là 'tứ nông'.
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa X, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của người dân, diện mạo nông thôn đã có nhiều đổi thay
Bình luận