Huyện có hàng nghìn hồ, ao tích nước ngọt

Nhờ sự chủ động tích trữ nước ngọt cùng với kinh nghiệm ứng phó mà nông dân sản xuất cây giống hoa kiểng Chợ Lách, (Bến Tre) đang thong dong trải qua đợt hạn, mặn.

cm5.png

Đợt xâm nhập mặn vừa qua, tại xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, nồng độ mặn lên đến 3‰. Ảnh: Minh Đảm.

An tâm sản xuất
Ở “vương quốc” cây giống, hoa kiểng Chợ Lách (Bến Tre), cũng thời điểm này cách đây hai năm (mùa hạn mặn 2019 - 2020), trên quốc lộ 60 đâu đâu cũng thấy bóng dáng những chiếc xe Hoa Lâm, xe bán tải chở những phi to đầy nước hay những chiếc xe máy từ cà tàng đến sang trọng ì ạch chở từng can nước ngọt cứu vườn cây khỏi cái chết khô héo. Năm nay, chúng tôi ghé thăm “vương quốc” này cũng được chứng kiến cảnh sôi động, tấp nập nhưng là vận chuyển hoa kiểng, cây giống đi tiêu thụ. Bà con hăm hở cho biết nước mặn có xuất hiện theo đỉnh triều mấy ngày nhưng xuống nhanh, không ảnh hưởng.

Chợ Lách có nhiều làng nghề hoa kiểng, cây giống. Mỗi nơi có một thế mạnh riêng. Ở Phú Sơn, Hòa Nghĩa, Long Thới thì bà con chủ yếu sản xuất về cây giống. Còn ở Tân Thiềng, Vĩnh Thành, Hưng Khánh Trung B thì hoa kiểng lại có tiếng xưa nay. Nói chung, cây giống hay hoa kiểng hễ gặp mặn là chịu thua nên năm đó xứ này thiệt hại nhiều.

Trên tuyến quốc lộ 60, chúng tôi đi về phía mặn, tìm đến làng nghề sản xuất cây giống ở xã Long Thới. Hai năm nay, mỗi trại sản xuất cây giống đều có những hồ nước trên cạn cứ y như những hồ nuôi tôm công nghiệp ở vùng ven biển. Mô hình này được đánh giá rất hiệu quả để thích nghi với tình hình nước mặn xâm nhập bất ngờ.

cm4.png

Chị Thắm - chủ vườn ươm Hoàng Phúc cho biết đã đào 2 ao trữ ngọt phòng mặn mùa khô này nên an tâm sản xuất. Ảnh: Minh Đảm.

Chúng tôi ghé thăm vườm ươm cây giống Hoàng Phúc ở ấp Long Quới, xã Long Thới. Chị Thắm chủ vườn ươm cho biết chị có 2 cơ sở sản xuất. Để ứng phó với nước mặn chị cho đào mỗi nơi một ao trữ nước. Ao lớn ở cơ sở gần cầu Cái Dầu cùng xã rộng 500m2, chứa trên 2.000 khối nước. Còn ao nhỏ ở đây cũng chứa trên 1.000 khối nước. Tổng kinh phí xây dựng khoảng 70 triệu đồng.

Nói về hiệu quả phòng chống hạn - mặn ở mùa khô này, chị Thắm nói: “Hiện nước mặn chưa tới đây nhưng ở cơ sở dưới thì đã có mấy bữa trước rồi. Lúc đó, mình lấy nước trong hồ tưới nên không ảnh hưởng gì hết. Năm ngoái cũng như năm nay có cái hồ này đỡ lo hẳn”. Dù nước mặn chưa đến ấp Long Quới này nhưng chị cũng dùng nước trong hồ để tưới cây mỗi khi nước dưới sông cạn, tính ra rất hiệu quả về mặt đầu tư.

Theo chị Thắm, hai năm trước do không chủ động trước, cơ sở của chị thiệt hại mấy tỷ đồng vì hạn mặn kéo dài. Chị nhớ chi hết mấy chục triệu tiền chở nước ngọt, rồi thuê thợ khoan 2 giếng sâu hết hơn hai trăm triệu nữa cũng không ăn thua. Gần 70 ngàn cây giống chết gần hết. Số còn lại bán được chút ít, lỗ luôn tiền mua gốc ghép. Có hồ nước này, chị Thắm nói nếu nước dưới sông mặn, các hồ nước có thể dùng tưới cho vườn ươm mấy chục ngàn gốc sầu riêng được hơn tuần lễ. Mô hình này thích hợp với tình hình nước mặn xâm nhập và rút theo triều. Tuy nhiên, nước mặn xâm nhập và duy trì thời gian dài chị sẽ phải thuê ghe chở nước từ thượng nguồn về để cấp bù mới đủ nhu cầu.

cm3.png

Ao chứa nước ngọt trên 1.000 khối tại cơ sở Hoàng Phúc. Ảnh: Minh Đảm.

Trái khỏe mùa hạn - mặn
Rời Long Thới, qua mấy cầu mấy rạch đến địa phận xã Vĩnh Thành rồi xã Tân Thiềng. Trên đường chúng tôi thấy ông Nguyễn Văn Bạch (63 tuổi, ở ấp Thanh Tịnh, xã Tân Thiềng) đang rảo bước ngắm nghía gì đó trong vườn sầu riêng. Dừng lại hỏi chuyện, ông Bạch cho hay trời chiều mát mẻ ông ra thăm vườn, xem tình hình sâu hại trên trái để phòng trị.

Tôi hỏi ông: Bây giờ đang nước mặn ông không sợ mặn hay sao mà để trái, cây kiệt sức chết đó!?

Lão nông cười khì, chỉ ao nước cả ngàn khối đằng xa mà nói: “Tôi biết chớ, nhưng 4 tháng trước tôi chuẩn bị ao nước này để chống mặn rồi. Có nó tôi mới mạnh dạn để trái giờ này đó”.

Ông Bạch mời chúng tôi vào vườn chơi cho biết, rồi ông kể cho chúng tôi nghe về tình hạn - mặn mấy năm nay ở đây. Khu vườn 5 công, sầu riêng là cây chủ lực, lớn có nhỏ có khoảng hơn 100 cây. Ngoại trừ mười mấy cây già bị mặn năm 2020 hơi xơ xác tí, còn mấy cây tơ tốt lắm. Ông Bạch đang để trái đã hơn 1 tháng tuổi.

Vườn của ông Bạch ở gần mé sông nên nước ra vô thuận tiện lắm. Dẫu mặn có lên cũng bị đẩy xuống liền, không ngâm lâu nên ông không quá lo là vậy. Từ trước Tết, nghe đài nói có mặn nên ông bỏ ra 15 triệu đồng để mua bạt lót và đào ao trữ nước ngọt phòng mặn đến bất ngờ như lần trước là trở tay không kịp. Năm nay, độ mặn thấp lại ít ảnh hưởng nên từ đầu mùa đến giờ lão nông này chưa phải dùng nước trong ao để tưới cây. Ông nói, hễ nghe phong thanh có mặn gần đến là đưa nước ngọt vô mương trước, nếu mặn ở lâu quá hết lượng nước này thì mới phải dùng nước trong ao.

cm2.png

Lão nông Nguyễn Văn Bạch cũng trữ một ao nước ngọt cỡ lớn đủ để tưới vườn sầu riêng 5 công hơn 1 tháng. Ảnh: Minh Đảm.

Ông nói mấy ngày trước có mặn cũng hơi cao nhưng xuống nhanh không hề hấn gì. Mấy tháng nay không có mặn, nước trong ao không phải dùng để tưới cây nên ông Bạch bèn thả mấy chục con cá điêu hồng vô nuôi chơi. Ai dè, mới qua 4 tháng mà đàn cá đẻ ra cả ngàn con, nổi đầu đỏ ao. Chiều nào đàn cá cũng tiêu của ông hết mấy kí thức ăn viên. Ông nói chắc nuôi tới lấy vốn làm cái ao này luôn.

Vậy là cứ độ năm mười bữa tùy theo độ dơ của nước, ông Bạch mới xả xuống mương để tưới cây. Sau đó, ông mới thay một lượt nước mới cho bầy cá trong ao. Nói đoạn, ông mời chúng tôi vào nhà uống nước.

Ngó quanh sân nhà ông Bạch chúng tôi còn thấy hàng trăm chậu mai nhỏ xinh xắn, gốc rễ hình thù kỳ lạ. Hỏi ra mới biết, đây là những cây mai quấn rễ ông chuẩn bị để bán Tết năm tới. Ông Bạch nói: “Ở làng hoa kiểng này ai cũng làm hết, không làm cây giống thì cũng làm cây kiểng. Độ rằm đến cuối tháng chạp là xe tải tấp nập chở hàng đi các nơi tiêu thụ, nhiều nhất là đi TP.HCM nên mình không làm thì buồn lắm. Mấy trăm chậu nhỏ nhỏ vậy chớ Tết đến bán cũng được vài chục, năm trúng cũng được cả trăm, ăn Tết khỏe”.

Ông Bạch cho hay, có hồ nước tích trữ mà mấy tháng nay ông không lo nữa. Giờ đây, mùa mưa sắp đến mà mặn có ít coi như đã thoát được hạn - mặn.

cm1.png

Ông Bạch nói nhờ chủ động sẵn hồ nước ngọt mà ông mạnh dạn xử lý ra hoa cây và để mang trái ngay mùa mặn này. Ảnh: Minh Đảm.

Đến giờ này, độ mặn cao nhất 3‰ xâm nhập đến xã Tân Thiềng, độ mặn 0,5‰ xâm nhập đến vàm Lách. Nước mặn ảnh hưởng đến 8/11 xã của huyện, mỗi tháng 2 đợt triều, mỗi đợt kéo dài 3 - 4 ngày. Năm nay, tình hình thời tiết tương đối thuận lợi, mặn có xâm nhập nhưng nhờ sự chủ động và kinh nghiệm của người dân nên không xảy ra thiệt hại. Bà con sản xuất kinh doanh cây giống hoa kiểng đều chủ động tích trữ nước ngọt trong các ao lót bạt, túi trữ nước dùng hiệu quả trong mỗi đợt triều dâng. Hiện toàn huyện có trên 1.000 ao trữ từ 200 khối nước trở lên; hàng nghìn ao nhỏ và túi nước trữ vài chục khối đến trăm khối.- Ông Trần Hữu Nghị, Phó phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách

Hiện nay, nhiều địa phương khác như huyện Mỏ Cày Bắc, huyện Châu Thành... của tỉnh Bến Tre đã áp dụng mô hình này. Ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre cho biết: “Sau đợt hạn mặn năm 2019 - 2020, người dân đặc biệt là vùng huyện Chợ Lách thấy thiệt hại rất lớn nên có giải pháp đào ao chứa nước. Một 1.000m2 sản xuất cây giống nếu bị nước mặn gây thiệt hại cả tỷ đồng, nên người dân bỏ tiền ra đào ao trữ nước rất hiệu quả. Bộ NN-PTNT đánh giá rất cao sự ứng phó với hạn mặn của người dân Bến Tre”.

 

Bình luận

Hành trình quả vải Lục Ngạn sang Trung Quốc: Cách một bước chân, giá gấp đôi

Vượt qua biên giới chỉ chục km vào chợ đầu mối hoa quả lớn nhất Quảng Tây, giá vải Lục Ngạn (Bắc Giang) tăng gấp đôi.

Phát hiện loài tỏi rừng mới tại thác Bảy Nàng Tiên, Phong Điền

Các nhân viên bảo vệ rừng Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền đã phát hiện loài tỏi rừng mới mọc ở vách đá đỉnh thác Bảy Nàng Tiên, gần khu vực Rào Trăng.

Các nhà khoa học nói gì về tương lai bèo hoa dâu ở Việt Nam?

Ông Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam vừa trở về từ Sierra Leone mang theo giống bèo hoa dâu Azolla pinnata, cành to gấp nhiều lần bèo nội.

Sản xuất lúa các bon thấp, lợi nhuận tăng đáng kể

Mô hình sản xuất lúa các bon thấp cho thấy hiệu quả tăng lợi nhuận khoảng 20 - 30% so với sản xuất truyền thống, nông dân Cần Thơ phấn khởi tham gia.

Cấp 'thẻ căn cước' cho tôm giống

'Nhất giống, nhì môi, tam mồi, tứ kỹ', đây là kinh nghiệm được truyền tai nhau để khẳng định tầm quan trọng của con giống trong nuôi trồng thủy sản.

Nông sản Việt Nam chất lượng rất tốt, nhưng bán hàng còn kém

Nông sản Việt Nam có chất lượng rất tốt, nhưng bán hàng còn kém. Nếu cải thiện được khâu này, nông sản Việt Nam sẽ còn đi xa hơn nữa trên thị trường thế giới.

Gợi ý chiến lược tạo vị thế dẫn đầu cho nông nghiệp Việt Nam

Với những lợi thế sẵn có, Việt Nam sẵn sàng tâm thế áp dụng công nghệ mới, tiên tiến theo dòng Cách mạng Công nghiệp 5.0 phát triển nông nghiệp tuần hoàn, bền vững.

Phát triển kinh tế vùng trung du và miền núi Bắc bộ - Sức bật mới cho khu vực

Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển bền vững với nhiều loại tài nguyên, khoáng sản quý hiếm và diện tích đồi rừng rộng lớn. Phát triển vùng là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng...

'Tứ nông' - góc nhìn thực tiễn

Người không có đất nông nghiệp để sản xuất, người mất việc từ khu công nghiệp trở về nông thôn tìm kiếm việc làm - người ta gọi những người/hộ đó là 'tứ nông'.

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa X, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của người dân, diện mạo nông thôn đã có nhiều đổi thay