Kiếm bội tiền từ trồng măng tây xanh hữu cơ

Không chỉ tiên phong đưa măng tây xanh về địa phương, anh Trần Văn Hạnh còn kiên định trồng theo hướng hữu cơ, tạo ra sản phẩm sạch với mục tiêu phát triển bền vững.

z2825450957551_1ef0b0a0e70bdb2590d2a701e3b5f601-081922_303.jpg

Mạnh dạn chuyển đổi qua trồng măng tây, chàng trai Trần Văn Hạnh đã gặt hái được thành công. Ảnh: Tuấn Anh.

Lợi nhuận hàng chục triệu đồng mỗi ngày

Những năm về trước, cũng như phần lớn người dân trên địa bàn Gia Lai, cuộc sống của gia đình anh Trần Văn Hạnh (sinh năm 1990, thôn Đồng Tâm, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) chủ yếu dựa vào cây cà phê. Nhưng rồi dịch bệnh đã khiến cà phê mất mùa, rớt giá, kinh tế gia đình anh càng thêm khó khăn. Trồng cây gì mang lại hiệu quả và ít cạnh tranh trên thị trường luôn thôi thúc trong suy nghĩ của anh Hạnh.

Tình cờ trong một lần xem trên truyền hình xuất hiện hình ảnh về cây măng tây xanh rất lạ lẫm, anh Hạnh bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu. Nhận thấy đất đỏ bazan ở Gia Lai rất phù hợp với cây măng tây xanh nên anh Hạnh đã quyết tâm đưa về trồng tại mảnh đất Bầu Cạn.

z2827434949033_0aabae9677feef0caa67b5c7dd279726-082615_460.jpg

Măng tây rất phù hợp trồng trên vùng đất đỏ Bazan Gia Lai. Ảnh: Đ.L.

Sau khi ngược xuôi Nam Bắc để học tập kỹ thuật trồng và tìm hiểu thị trường, năm 2017, anh Hạnh quyết định liều mình phá bỏ vườn cà phê để trồng thử nghiệm 1.000 m2 măng tây xanh.

Với diện tích 1.000 m2 đầu tư hết khoảng 40 triệu đồng từ mua cây giống, phân bón, hệ thống tưới... Sau 6 tháng trồng, măng tây xanh cho thu hoạch bói, từ tháng thứ 8 cho thu hoạch chính thức. Điều đáng nói, mỗi vụ thu hoạch liên tục trong 3 tháng rồi nghỉ 1 tháng để cây phục hồi. Trung bình vườn măng tây xanh có thể thu hoạch trong 10 năm, nếu chăm sóc tốt có thể kéo dài lên 15 năm", anh Hạnh chia sẻ.

Sau khi thu hoạch lứa măng tây xanh đầu tiên, anh Hạnh đã dành tặng cho người thân quen ở địa phương để họ nhận xét về sản phẩm của mình. Thật bất ngờ, ai ăn măng tây xanh của anh Hạnh cũng đều khen ngon, ngọt. Đặc biệt, măng tây không bị cát, sạn nên được nhiều người ưa chuộng.

Chất lượng sản phẩm măng tây xanh đã được kiểm chứng nhưng làm cách nào để tiêu thụ chúng lại là bài toán chẳng dễ dàng đối với anh Hạnh. Lúc bấy giờ, anh Hạnh đã trực tiếp đến các cửa hàng, tham gia các buổi triển lãm, hội chợ thương mại để tiếp cận thị trường. Sau thời gian nỗ lực tìm kiếm, sản phẩm măng tây xanh của anh Hạnh cũng đã được một số hệ thống siêu thị trên địa bàn Gia Lai thu mua với số lượng lớn.

z2827461970964_da26ac8fdab52c1b1b67329c5df64dc4-083347_743.jpg

Măng tây được sơ chế, đóng gói rất bài bản. Ảnh: Tuấn Anh.

Khi thấy việc khởi nghiệp bước đầu hiệu quả tốt, anh Hạnh tiếp tục mạnh dạn chuyển đổi 7.000 m2 diện tích cà phê già cỗi để trồng măng tây. Hiện với diện tích 0,8 ha, mỗi ngày vườn măng tây xanh của anh Hạnh thu hoạch khoảng 150kg. Trung bình 1kg trên thị trường hiện nay có giá từ 60.000 – 80.000 đồng/kg, như vậy mỗi ngày anh thu về khoảng hơn 10 triệu đồng.

Ngoài thị thường tiêu thụ ở Gia Lai, sản phẩm măng tây xanh của anh Hạnh hiện đã có mặt ở nhiều tỉnh thành khác. Chính việc kết nối được với nhiều doanh nghiệp thu mua số lượng lớn và ổn định nên anh Hạnh đã mạnh dạn liên kết với một hộ dân để mở rộng vùng sản xuất măng tây xanh. Theo đó, anh chịu trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và cam kết bao tiêu sản phẩm. Đến nay đã có 10 hộ dân trên địa bàn trồng măng tây xanh liên kết với tổng diện tích 5 ha.

Trồng theo hướng hữu cơ để phát triển bền vững

Anh Hạnh cho biết, trước đây măng tây xanh chủ yếu được trồng tại các vùng đất cát, khí hậu nóng, nên khi mới đưa về Gia Lai anh đã gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Khi đó, măng tây xanh thường xuyên mắc các bệnh như gỉ sắt, nấm... nên anh phải sử dụng phân hữu cơ để tăng dinh dưỡng cho đất.

z2827492346614_380cd42e64f3094c0ada8d67f6702a7c-084459_877.jpg

Vườn măng tây của anh Hạnh được trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ. Ảnh: Tuấn Anh.

Cũng bởi ý thức được tầm quan trọng của việc không sử dụng phân hóa học nên ngay trong thời gian đầu trồng măng tây xanh, anh Hạnh đã định hướng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP để hướng đến sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, vườn măng tây xanh của anh Hạnh được trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ.

Cụ thể, toàn bộ quy trình trồng măng tây xanh đều sử dụng các chế phẩm sinh học, không sử dụng phân bón hóa học cũng như thuốc trừ sâu. Theo đó, từ khâu làm đất chuẩn bị trồng, anh Hạnh chỉ sử dụng vỏ trấu, phân bò, kết hợp với bột men vi sinh, phân vi sinh (ủ từ 3 tháng trở lên) sau đó bón xuống luống để trồng.

Đối với khâu chăm sóc cây con đến khi thu hoạch, thông thường cứ sau 15 đến 20 ngày sẽ bón phân một lần (dịch trùn quế pha, đạm cá ủ, phân vi sinh) và phun chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh và nấm bệnh. Sau 3 tháng thu hoạch sẽ xới đất để bổ xung phân ủ và cho cây nghỉ 1 tháng để phục hồi.

Sau nhiều năm trồng măng tây xanh theo hướng hữu cơ, anh Hạnh nhận thấy, năng suất không thể bằng được so với trồng, chăm sóc theo phương thức thông thường. Nhưng đổi lại, trồng măng tây xanh theo hướng hữu cơ sẽ cho chất lượng tốt hơn. Minh chứng, nhiều khách hàng khi dùng măng tây nơi đây đều cảm nhận có vị ngon, ngọt hơn nhiều so với măng tây ở các nơi khác.

anh-4-mang-084403_690.jpg

Măng tây của anh Hạnh có mặt tại các hội chợ, triển lãm. Ảnh: Tuấn Anh.

Ngoài ra, trồng măng tây xanh theo hướng hữu cơ sẽ không sử dụng thuốc hóa học, qua đó giúp cho môi trường, đặc biệt là sức khỏe con người được đảm bảo hơn. “Cốt lõi nhất vẫn là cái tâm của mình hướng về mô hình hữu cơ để tạo ra sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng”, anh Hạnh bộc bạch.

Chính vì ngay từ ban đầu trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng đến mô hình hữu cơ, sản phẩm măng tây xanh của anh Hạnh đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt tiêu chuẩn 3 sao.

Ông Chu Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Bầu Cạn: "Trồng măng tây theo hướng hữu cơ đang là xu hướng tất yếu để mang lại hiệu quả cũng như bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Chính quyền địa phương rất ủng hộ anh Hạnh khi đưa mô hình trồng măng tây xanh về phát triển tại địa phương. Thời gian qua, chúng tôi cũng đã vào cuộc hỗ trợ sản phẩm măng tây xanh của anh Hạnh xây dựng thương hiệu OCOP và được tỉnh Gia Lai đánh giá đạt tiêu chuẩn 3 sao năm 2020. Trong thời gian tới, UBND xã Bầu Cạn sẽ tiếp tục nắm bắt tình hình sản xuất, cũng như quá trình sinh trưởng, thích nghi loại cây trồng này để từ đó nhân rộng mô hình đến với nhiều hộ dân trên địa bàn”.

 

Bình luận

Trồng cây dây thìa canh cho thu nhập gấp 4 lần trồng lúa

Không chỉ là cây dược liệu quý, dây thìa canh còn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Yên Ninh (Phú Lương, Thái Nguyên).

Người đầu tiên ở Hà Nội nuôi cua biển trong nhà

Thông qua hệ thống lọc tuần hoàn, anh Lê Đức Cảnh, ở huyện Thanh Trì, Hà Nội, nuôi cua biển trong nhà với quy mô lớn.

Chàng trai khởi nghiệp với ốc nhồi

Nuôi cua đồng thất bại, anh Hội chuyển sang học hỏi nuôi ốc nhồi. Sau một số thất bại ban đầu, anh đã nuôi thành công, cho thu nhập ổn định.

Ba Khánh và tầm che phủ của cọng bún

Cơ sở Ba Khánh vẫn mua gạo cứng cơm làm bún, bao phủ thị trường từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tới TP.HCM...

Làm giàu sau cơn bạo bệnh

Tưởng chừng sẽ gục ngã sau khi bị tai biến, chị Phạm Thị Nhân (SN 1992) đã hồi phục một cách thần kỳ và quyết định bỏ đô thị về quê làm lại từ đầu bằng mô hình chăn nuôi gà ác lấy trứng và rất thành công.

Cất 2 tấm bằng đại học, bỏ phố lên núi nuôi cá, chàng trai Pa Cô thu tiền triệu mỗi ngày

Có trong tay 2 bằng cử nhân, không ai nghĩ chàng trai người dân tộc Pa Cô Hồ Thanh Phương lại gác mơ ước công việc ổn định nơi thị thành, tìm về quê đào ao, nuôi cá đặc sản thu tiền triệu mỗi ngày.

Nhóm thanh niên làm nông nghiệp kết hợp du lịch kiểu Israel

Nhóm thanh niên 9X đều tốt nghiệp đại học nhưng không chuyên ngành về nông nghiệp, song có điểm chung là đam mê nông nghiệp và có thời gian tu nghiệp sinh tại Israel.

Pham Nghia Food và tác động dây chuyền của 'chuẩn hóa'

Không chỉ chả cá thát lát rút xương Kim Sa, Pham Nghia Food có trên 30 sản phẩm chế biến từ cá thát lát là mũi nhọn khi phát triển chuỗi nhà hàng, quán ăn.

Thanh niên Đắk Lắk bỏ phố về quê làm nông nghiệp theo mô hình Israel

Là người thích khám phá điều mới mẻ, chàng trai 32 tuổi người Đắk Lắk đã quyết định từ bỏ việc thu nhập 20 triệu đồng/tháng để về quê làm nông nghiệp Israel trên đất Khánh Hòa.

Sản xuất nông sản an toàn, góp phần bảo vệ môi trường

Nhắc tới cây mận hậu tại Sơn La, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới sản phẩm mận hậu được trồng ở cao nguyên Mộc Châu.