Kiểm soát mối nguy sinh học, tránh cú sốc cho nông sản
Trung Quốc vẫn là 'thỏi nam châm' hút doanh nghiệp toàn thế giới. Vì vậy, phải duy trì ổn định cho toàn chuỗi cung ứng, tránh những cú sốc như đợt tắc biên vừa rồi.
Quy mô thị trường hướng đến Trung Quốc
Từ đầu tháng 12/2021, nhiều nông sản ùn tắc tại cửa khẩu, lối mở dọc biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Tình trạng này dự kiến còn tiếp diễn, nhất là khi một số nông sản như thanh long, mít, xoài... sắp vào vụ thu hoạch, với sản lượng hàng trăm nghìn tấn. Riêng thanh long, sản lượng 3 tháng đầu năm 2022 ước khoảng 300.000 tấn, trong đó 80% dự kiến tiêu thụ tại Trung Quốc.
Ông Mai Xuân Thìn kiểm tra nông sản trước khi xuất khẩu. Ảnh: Rồng Đỏ.
Một số ý kiến cho rằng thanh long nói riêng, và nông sản Việt nói chung đang bị lệ thuộc. Lý giải vấn đề này, ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Rồng Đỏ cho rằng, nguyên nhân sâu xa xuất phát từ quy mô diện tích trồng phát triển quá nhanh, trong khi chất lượng nông sản, năng lực chế biến, bảo quản chưa theo kịp.
"Những năm trước, ngành nông nghiệp chạy theo sản lượng. Có cảm giác, nông sản chúng ta đang chạy theo sức tiêu thụ của Trung Quốc, bởi chỉ thị tường 1,4 tỷ dân, cộng thêm vị trí liền kề mới đủ sức tiêu thụ được lượng quả lớn như vậy", ông Thìn nói.
Theo Cục Trồng trọt, năm 2000, tổng diện tích trồng thanh long cả nước khoảng 5.500 ha. Mỗi năm, Việt Nam trồng mới vài nghìn hecta, và hiện nâng con số này lên khoảng 60.000 ha, với sản lượng hơn 1,4 triệu tấn/năm. Ba tỉnh trồng nhiều nhất là Bình Thuận (34.000 ha), Long An (12.000 ha) và Tiền Giang (10.000 ha). Tổng sản lượng ba tỉnh chiếm hơn 80% cả nước.
Như vậy, sau khoảng 20 năm, sản lượng thanh long tăng khoảng hơn 10 lần, nhưng dân số trong nước chỉ tăng 25% cùng kỳ. Năng lực nội tiêu rõ ràng chỉ chiếm một phần nhỏ trong quá trình phát triển. "Phần tăng thêm hầu như chỉ trông vào Trung Quốc", ông Thìn đặt vấn đề.
Thanh long chờ chế biến tại Công ty Rồng Đỏ. Ảnh: Rồng Đỏ.
Câu chuyện thanh long không phải cá biệt, bởi Việt Nam có nhiều loại nông sản đứng trong tốp 5 về nguồn cung trên thế giới. Khi nhu cầu ít biến đổi, việc tăng mạnh lượng cung không những khiến nông sản khó tìm thị trường tiêu thụ, mà còn đẩy giá trị đi xuống. Câu chuyện "được mùa mất giá", vì thế, càng dễ xảy ra.
Thanh long là nông sản thế mạnh của Việt Nam, nhưng vào thời điểm hiện tại, chúng ta gặp sự cạnh tranh quyết liệt từ chính Trung Quốc. Diện tích trồng loại quả này ở đất nước tỷ dân đã lên gần 40.000 ha, và tập trung chủ yếu tại các tỉnh phía Nam như Quảng Tây, Quảng Đông, Quý Châu, Hải Nam, Vân Nam, Phúc Kiến.
Quảng Tây, cửa ngõ thông thương với Lạng Sơn, Quảng Ninh, hiện là vùng trồng thanh long lớn nhất Trung Quốc, với diện tích gần 20.000 ha. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Ngoài ra, giá bán thanh long tại vườn của Trung Quốc là khoảng 25.000 đ/kg. Điều ấy có nghĩa, nếu thanh long Việt Nam muốn tiến sâu vào đại lục nhờ lợi thế về giá (tính cả công vận chuyển), chúng ta phải để giá ngang ngửa mức này. Đó là việc không dễ, khi chi phí vận chuyển, logistics ngày một tăng.
Ông Mai Xuân Thìn (bên phải) thực địa tại vùng nguyên liệu trồng vải. Ảnh: Rồng Đỏ.
Tạo những kho lạnh di động trên biển
Thừa nhận thách thức từ thị trường Trung Quốc, nhưng ông Thìn bảo lưu quan điểm rằng đây vẫn là một thị trường quan trọng, là "thỏi nam châm" hút doanh nghiệp trên toàn thế giới, không chỉ riêng Việt Nam. Vấn đề ông đặt ra, là làm thế nào để duy trì ổn định cho toàn chuỗi cung ứng, tránh những cú sốc như đợt tắc biên vừa rồi.
Từ kinh nghiệm bản thân, Giám đốc Công ty Rồng Đỏ nhấn mạnh, rằng các cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp cần liên kết, chứng tỏ năng lực trong việc kiểm soát dịch bệnh, khi Trung Quốc duy trì chính sách "Zero Covid".
"Bên cạnh công tác kiểm dịch thực vật, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, chúng ta cần sớm kích hoạt gấp những biện pháp kiểm soát mối nguy sinh học, cụ thể là Covid-19. Các bên liên quan cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong việc thực hiện nguyên tắc 5K, sử dụng găng tay khi chế biến, đồng thời xét nghiệm lực lượng lao động thường xuyên. Đây là cách để Việt Nam thể hiện thiện chí trong việc kiểm soát mối nguy sinh học, vốn được Trung Quốc rất quan tâm thời gian qua", ông Thìn chia sẻ.
Song song với kiểm soát dịch bệnh, ông Thìn kiến nghị Bộ, ban, ngành phối hợp với các đơn vị vận tải trong và ngoài nước nghiên cứu, phát triển hệ thống tàu chuyên chở hàng lạnh. Đây là cách vận chuyển không cần containter, và sẽ tạo ra những kho lạnh di động trên biển, vừa phục vụ xuất khẩu, vừa có thể sử dụng để phục vụ cho việc khai thác hải sản xa bờ.
"Giải pháp lâu dài là phát triển đội tàu đông lạnh nội địa. Còn trước mắt, một vài công ty xuất khẩu có thể làm việc chủ động với các hãng tàu quốc tế, nhằm giải quyết vấn đề thiếu containter rỗng. Với những tàu vài nghìn tấn, doanh nghiệp có thể đưa vào sâu trong vùng nguyên liệu, giúp giảm bớt chi phí logistics", ông Thìn nói tiếp.
Với những doanh nghiệp định hướng xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ, đồng thời chuẩn hóa được vùng nguyên liệu như Công ty Đại Dương Xanh, đợt ùn tắc nông sản tại biên giới không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động sản xuất.
Coi đường biển là một lựa chọn, nhưng lãnh đạo Công ty Rồng Đỏ cho rằng, tập quán canh tác, vị trí địa lý với Trung Quốc, cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông hiện có của Việt Nam vẫn tối ưu với vận chuyển đường bộ.
Ông Thìn cho rằng, không thể vì tình trạng ùn tắc nông sản dịp sát Tết nguyên đán mà chúng ta lại bỏ quên việc nâng cao năng lực để nước bạn "mở rộng cửa" với nông sản Việt.
Theo ông, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan và một số đơn vị khác cần sớm tạo cơ chế để phía Trung Quốc hoặc một bên thứ ba độc lập đến kiểm tra thực địa. Trên tinh thần làm nghiêm túc trong mọi khâu, ông Thìn tin Việt Nam sẽ giải quyết được bài toán cung - cầu thị trường.
Về giải pháp dài hạn cho thanh long, ông Mai Xuân Thìn đặt ra bài toán tái cơ cấu giống cho loại quả có sản lượng hơn 1,4 triệu tấn này. Hiện Việt Nam có ba giống thanh long là: thanh long vỏ đỏ ruột trắng, vỏ đỏ ruột đỏ, và vỏ vàng ruột trắng. Trong đó, hai loại đầu trồng là chủ yếu, với tỷ lệ khoảng 80-20.
Trong sản xuất thực tế, chi phí cũng như quy trình canh tác thanh long ruột đỏ mất nhiều hơn. Tuy nhiên, sản phẩm này lại có thể chế biến sâu làm cocktail, thức uống. Hiện nay nhiều doanh nghiệp sẵn sàng mua trữ đông thanh long ruột đỏ với giá từ 5.000 - 7.000 đ/kg, thay vì 500-1.000 đ/kg như thanh long ruột trắng, theo ông Thìn.
Để có thể nâng tỷ lệ trồng thanh long ruột đỏ, vị giám đốc này nhận định cần thời gian khoảng 2 năm. Đây là giống được nghiên cứu và lai tạo bởi Viện Cây ăn quả Miền Nam và được trồng rộng rãi ở nhiều vựa thanh long lớn.
Bà Hồ Thị Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đại Dương Xanh nêu 2 vấn đề lớn nhất của việc xuất khẩu nông sản bằng đường biển. Một là, chi phí logictic tăng rất cao, vượt tầm kiểm soát, đặc biệt là những quốc gia không sở hữu các tàu vận tải thương mại hoặc container rỗng như Việt Nam. Hai là, hầu hết các loại quả nhiệt đới như thanh long, xoài, sầu riêng….đều không đủ khả năng giữ nguyên chất lượng khi đi dài ngày trên biển đến Bắc Mỹ hoặc Châu Âu, trong bối cảnh công nghệ bảo quản sau thu hoạch của Việt Nam còn hạn chế. Lấy ví dụ trong năm 2021, bà Ngọc cho biết, thời gian di chuyển containter bằng đường biển sang Mỹ là khoảng 45 ngày, chưa kể thời gian tắc nghẽn tại cảng biển do thông quan bị chậm. Cụ thể, 1 containter 40 ft từ Việt Nam đi Los Angeles khoảng 20.000 USD. Con số này nhiều khi vượt quá giá trị hàng hoá nông sản bên trong. Do định hướng xuất khẩu chính sang thị trường Mỹ và châu Âu là chính, nên Công ty Đại Dương Xanh không bị ảnh hưởng nhiều bởi đợt ùn tắc nông sản vừa qua. Trên cơ sở đó, bà Ngọc cho rằng, cần một quy hoạch căn cơ cho vùng nguyên liệu để sản xuất theo yêu cầu của từng thị trường.
|
Liên kết sản xuất trái cây hướng hữu cơ tiêu thụ vào siêu thị
Công ty Cổ phần Thương mại Nhân Tâm Anh và Công ty Nguyễn Thanh Hải cùng liên kết, hỗ trợ nông dân sản xuất trái cây hướng hữu cơ để phân phối vào siêu thị.
Đưa cà pháo, mắm tôm lên bàn ăn thế giới
Những chuyến hàng đặc sản cập cảng xứ người không chỉ đơn thuần mang về ngoại tệ mà còn góp phần quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam ra thế giới
Cà phê chế biến - hướng đi mới đầy tiềm năng
Danh tiếng cà phê Việt đã sớm nổi tiếng với bạn bè quốc tế, nhưng không vì vậy mà chúng ta lơ là việc đa dạng hóa các sản phẩm và mở rộng thị trường.
Sữa tươi TH true MILK được sản xuất từ trang trại bò sữa lớn nhất thế giới
Sản phẩm sữa tươi sạch TH true MILK với hàm lượng dinh dưỡng cao được sản xuất từ cụm trang trại bò sữa công nghệ cao khép kín lớn nhất thế giới tại Việt Nam.
HAGL Agrico dự kiến lỗ hơn 2.700 tỷ đồng
HAGL Agrico ước tính năm nay doanh thu gấp rưỡi năm ngoái nhưng lỗ trước thuế hơn 2.700 tỷ đồng chủ yếu vì chi phí huỷ bỏ vườn cây không hiệu quả.
Một doanh nghiệp sắp rót 1.000 tỷ vào công ty Bầu Đức
Ba nhóm nhà đầu tư sẽ mua vào lượng cổ phiếu 1.700 tỷ đồng của HAGL, trong đó riêng Glory Land rót gần 1.000 tỷ đồng.
Lộc Trời tính bán bảo hiểm cho nông dân
Doanh nghiệp còn muốn mở rộng sang các mảng dịch vụ và phân phối các loại rau màu, thức ăn gia súc, vi sinh...
Thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản
Ngành nông nghiệp và các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp kết nối với DN thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến tại vùng nguyên liệu, nhằm giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm khi vào vụ thu hoạch và tránh rủi ro thị trường.
Xây dựng mạng lưới giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ở Hà Nội
Sau hơn 2 năm thực hiện Quyết định số 761/QĐ-UBND ngày 17-2-2020 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố, thực tế cho thấy, nhiều “điểm nghẽn” về quỹ đất, nguồn vốn đầu tư...
Doanh nghiệp ‘liệu cơm gắp mắm’ để chuyển đổi số
Doanh nghiệp được xác định là hạt nhân trong thúc đẩy kinh tế số, một hợp phần quan trọng chuyển đổi số. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa yếu về nguồn lực nên việc triển khai trên thực tế đang theo từng giai đoạn hoặc từng phần.
Bình luận