Xây dựng mạng lưới giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ở Hà Nội
Sau hơn 2 năm thực hiện Quyết định số 761/QĐ-UBND ngày 17-2-2020 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố, thực tế cho thấy, nhiều “điểm nghẽn” về quỹ đất, nguồn vốn đầu tư...
Nhiều “điểm nghẽn” về quỹ đất, nguồn vốn đầu tư, cơ chế thu hút doanh nghiệp... vẫn chưa được khai thông. Các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vẫn chưa được loại bỏ vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa gây khó khăn cho việc kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Nhà máy Chế biến gia cầm C.P Hà Nội tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) là một trong 29 cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn Thủ đô theo quy hoạch. Ảnh: TTXVN
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Việc xây dựng các điểm giết mổ tập trung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh mới có khoảng 60% lượng thịt tiêu thụ trên địa bàn Thủ đô được kiểm soát nguồn gốc từ cơ sở; số còn lại do các cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ cung cấp ra thị trường.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng cho biết, Hà Nội hiện có 10/29 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch của thành phố đang hoạt động (đạt 34,5% theo quy hoạch). Các cơ sở này hầu hết đều hoạt động trước khi Quyết định số 761/QĐ-UBND được ban hành. Trong đó gồm 6 cơ sở giết mổ công nghiệp (đạt 75%); 3 cơ sở giết mổ tập trung (đạt 37,5%) và 1 cơ sở giết mổ tập trung quy mô nhỏ (đạt 7,69%). Đối với cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm tập trung quy mô nhỏ, ngoài 1 cơ sở giết mổ tại huyện Chương Mỹ đang hoạt động, còn lại 12/13 điểm giết mổ (tại các huyện, thị xã: Chương Mỹ, Gia Lâm, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Quốc Oai, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thanh Oai, Ứng Hòa) chưa triển khai xây dựng, thậm chí chưa có nhà đầu tư.
Nói về những khó khăn trong quá trình triển khai xây dựng mạng lưới giết mổ gia súc, gia cầm, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Tạ Thị Lừng cho biết, trên địa bàn huyện hiện có hàng trăm điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Sóc Sơn đã quy hoạch 3 điểm giết mổ tập trung và tập trung quy mô nhỏ, nhưng vẫn nằm “trên giấy” do chưa có doanh nghiệp vào đầu tư bởi kinh phí lớn, mức độ rủi ro cao… Còn Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân thông tin, huyện được phê duyệt 2 điểm giết mổ gia súc và 1 điểm giết mổ gia cầm. Năm 2020, Công ty cổ phần Sơn Nam đã quyết định đầu tư 1 điểm giết mổ tại xã Quang Lãng nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai vì thủ tục phức tạp.
Ở góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Lan Vinh (huyện Gia Lâm) Nguyễn Thị Lan cho biết, đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung có kiểm soát cần nguồn vốn lớn, nhưng “đầu ra” cho thực phẩm an toàn vẫn khó khăn, do vậy các doanh nghiệp chưa mặn mà...
Về vấn đề này, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, để xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, các địa phương cần thực hiện rất nhiều thủ tục, như: Thu hồi, giải phóng mặt bằng, đấu giá, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Cùng với đó, kinh phí xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung lớn, đặc biệt đối với hạng mục xử lý chất thải, nước thải... Trong khi đó, các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ chưa được quản lý chặt chẽ nên sản phẩm của cơ sở giết mổ tập trung khó có thể cạnh tranh do chi phí cao hơn... Mặt khác, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm chưa thực sự hiệu quả, chưa sát với thực tế nên chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Dây chuyền giết mổ, chế biến lợn tại nhà máy của Công ty cổ phần Thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín). Ảnh: TTXVN
Nhiều đề xuất, kiến nghị
Để khơi thông những “điểm nghẽn”, thúc đẩy việc xây dựng và đưa các cơ sở giết mổ tập trung vào hoạt động, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch đề xuất các cơ quan chức năng tham mưu với UBND thành phố có chính sách hỗ trợ về giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng cho các cơ sở giết mổ tập trung để thu hút doanh nghiệp đầu tư. Thành phố có thể đầu tư cơ sở giết mổ mẫu ở một địa phương, để các doanh nghiệp, địa phương khác đến học tập và rút kinh nghiệm.
Cũng về vấn đề này, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Hoàng Thị Thanh Tuyết cho rằng, muốn xây dựng thành công mạng lưới giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, thành phố cần ban hành một số cơ chế tạo thuận lợi cho doanh nghiệp như miễn tiền thuê đất trong 1-2 năm đầu, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng… Ngoài ra, trong chương trình xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, thành phố cần yêu cầu các địa phương đưa tiêu chí có một điểm giết mổ tập trung (ở những nơi có quy hoạch) để thúc đẩy tiến độ thực hiện.
Còn theo Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín) Đào Quang Vinh, để các cơ sở giết mổ tập trung hoạt động hiệu quả sau đầu tư, các địa phương cần xử lý nghiêm những điểm giết mổ nhỏ lẻ, gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ chất lượng thịt gia súc, gia cầm bán trên thị trường; xử lý theo quy định các sản phẩm không có dấu kiểm soát thú y, không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường chỉ đạo các sở, ngành; các huyện, thị xã tạo điều kiện thuận lợi (thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…) cho các tổ chức, cá nhân khi đầu tư vào lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm; đồng thời tập trung tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án để sớm hoàn thành mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, đưa hoạt động này vào nền nếp, cung cấp nguồn thực phẩm sạch ra thị trường.
Nguồn: http://www.hanoimoi.com.vn/
Liên kết sản xuất trái cây hướng hữu cơ tiêu thụ vào siêu thị
Công ty Cổ phần Thương mại Nhân Tâm Anh và Công ty Nguyễn Thanh Hải cùng liên kết, hỗ trợ nông dân sản xuất trái cây hướng hữu cơ để phân phối vào siêu thị.
Đưa cà pháo, mắm tôm lên bàn ăn thế giới
Những chuyến hàng đặc sản cập cảng xứ người không chỉ đơn thuần mang về ngoại tệ mà còn góp phần quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam ra thế giới
Cà phê chế biến - hướng đi mới đầy tiềm năng
Danh tiếng cà phê Việt đã sớm nổi tiếng với bạn bè quốc tế, nhưng không vì vậy mà chúng ta lơ là việc đa dạng hóa các sản phẩm và mở rộng thị trường.
Sữa tươi TH true MILK được sản xuất từ trang trại bò sữa lớn nhất thế giới
Sản phẩm sữa tươi sạch TH true MILK với hàm lượng dinh dưỡng cao được sản xuất từ cụm trang trại bò sữa công nghệ cao khép kín lớn nhất thế giới tại Việt Nam.
HAGL Agrico dự kiến lỗ hơn 2.700 tỷ đồng
HAGL Agrico ước tính năm nay doanh thu gấp rưỡi năm ngoái nhưng lỗ trước thuế hơn 2.700 tỷ đồng chủ yếu vì chi phí huỷ bỏ vườn cây không hiệu quả.
Một doanh nghiệp sắp rót 1.000 tỷ vào công ty Bầu Đức
Ba nhóm nhà đầu tư sẽ mua vào lượng cổ phiếu 1.700 tỷ đồng của HAGL, trong đó riêng Glory Land rót gần 1.000 tỷ đồng.
Lộc Trời tính bán bảo hiểm cho nông dân
Doanh nghiệp còn muốn mở rộng sang các mảng dịch vụ và phân phối các loại rau màu, thức ăn gia súc, vi sinh...
Thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản
Ngành nông nghiệp và các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp kết nối với DN thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến tại vùng nguyên liệu, nhằm giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm khi vào vụ thu hoạch và tránh rủi ro thị trường.
Doanh nghiệp ‘liệu cơm gắp mắm’ để chuyển đổi số
Doanh nghiệp được xác định là hạt nhân trong thúc đẩy kinh tế số, một hợp phần quan trọng chuyển đổi số. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa yếu về nguồn lực nên việc triển khai trên thực tế đang theo từng giai đoạn hoặc từng phần.
Điều ước của người làm 'dược trà'
Hygie & Panacee có 11 loại trà hòa tan từ thảo dược, muốn cùng bà con khắc phục tình trạng 'sớm rau - chiều rác' về nguyên liệu.
Bình luận