Lúa - tôm hữu cơ: Chuẩn quốc tế, tốt môi trường
Sản xuất lúa - tôm hữu cơ phát triển mạnh tại Kiên Giang, là mô hình tốt cho môi trường, hiệu quả cao, đang được liên kết phát triển thành vùng nguyên liệu lớn.
Môi trường thuận lợi cho sản xuất hữu cơ
Tìm về các huyện vùng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang vào thời điểm này, đâu đâu cũng thấy những ruộng lúa xanh tốt đang trong thời kỳ ôm đòng, trổ bông, thơm nức hương lúa. Theo các nhà nông nơi đây, năm nay thời tiết khá thuận, mưa nhiều nên vụ lúa trên nền đất nuôi tôm phát triển tốt, chỉ khoảng 1 tháng nữa là sẽ cho thu hoạch, dự báo là vụ mùa sẽ bội thu.
Kiên Giang là tỉnh ven biển, có thế mạnh để sản xuất luân canh 1 vụ lúa, 1 vụ tôm, là môi trường thuận lợi cho sản xuất hữu cơ. Ảnh: Trung Chánh.
Kiên Giang là tỉnh ven biển, có thế mạnh để sản xuất luân canh 1 vụ lúa, 1 vụ tôm (mô hình lúa - tôm), tập trung chủ yếu tại các huyện vùng U Minh Thượng, gồm An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận. Diện tích gieo cấy lúa hàng năm từ 60.000 - 65.000ha, tiềm năng có thể phát triển lên khoảng khoảng 100.000ha. Đây là vùng sản xuất hiếm hoi chưa chịu tác động của việc thâm canh, tăng năng suất, nên rất thuận lợi cho đầu tư sản xuất hữu cơ, cả trồng trọt và nuôi trồng thủy sản.
Theo các nông dân sản xuất lúa - tôm, thì vụ lúa có chi phí rất thấp, do tận dụng được nguồn dinh dưỡng hữu cơ còn lại sau vụ nuôi tôm, không phải bón thêm nhiều phân hóa học. Do đó, dù năng suất lúa chỉ ở mức 4 - 5 tấn/ha nhưng nông dân vẫn lợi nhuận không thu gì những nơi sản xuất thâm canh, năng suất cao.
Lão nông Ba Khuyên (Nguyễn Văn Khuyên, ở xã Đông Hưng B, huyện An Minh, Kiên Giang) kể, trước đây bà con nông dân ở đây trồng lúa mùa và bắt cá nước ngọt tự nhiên, thu nhập không chỉ thấp mà còn rất bấp bênh. Phong trào chuyển đổi qua lúa - tôm khoảng 20 năm trở lại đây đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn.
“Gia đình tôi có có 3ha đất sản xuất, múc vuông lên đê bao, phần ruộng còn lại ở giữa còn khoảng 2,5ha làm lúa, cũng là trảng để cho tôm lên tìm thức ăn. Ban đầu chỉ nuôi tôm sú và trồng lúa, giờ thì nuôi ghép cả tôm sú, càng xanh, cua biển. Riêng thời gian làm lúa vào mùa mưa, nước ngọt thì nuôi tôm càng xanh. Vuông của tôi hiện có khoảng 1 tấn tôm càng xanh ôm gốc lúa, hàng ngày tôi cho tôm ăn gạo lứt ngâm, trọn với men vi sinh. Chỉ cần lượng phân tôm, của thải ra là lúa tốt đủ rồi. Còn sâu, rầy thì cá sẽ bắt ăn hết. Vì vậy, hầu như không tốn tiền cho phân bón, thuốc BVTV”, ông Ba Khuyên chia sẻ.
Con tôm ôm gốc lúa, sẽ tạo ra môi trường dinh dưỡng hữu cơ giúp cây lúa phát triển mà không cần bổ sung thêm phân hóa học, đạt hiệu quả cao. Ảnh: Trung Chánh.
Tương tự, hộ ông Phạm Thành Dân, xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Quý (xã Nam Thái, huyện An Biên, Kiên Giang) đã chuyển qua mô hình lúa - tôm gần 10 năm nay. Riêng 3 năm gần đây, ông còn liên kết với doanh nghiệp để sản xuất lúa hữu cơ theo chuẩn quốc tế, cho thu nhập cao.
Ông Dân phấn khởi nói: “Làm theo mô hình liên kết, nông dân an tâm lắm. Vì toàn bộ chi phí đầu tư, từ lúa giống, phân hữu cơ, thuốc BVTV sinh học, quy trình sản xuất đã được doanh nghiệp hỗ trợ hết, đến cuối vụ bán lua mới trừ lại. Tôi làm giống lúa thơm ST25, sản phẩm làm ra được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu với giá cố định 9.000 đồng/kg. Nhờ đó mà thu nhập tăng, đảm bảo ổn định cuộc sống”.
Theo ông Phạm Chí Thương, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Quý, xã viên ở đây đã làm lúa đạt được chuẩn hữu cơ quốc tế từ 3 năm qua. Hiện có 2 doanh nghiệp tham gia ký hợp đồng liên kết sản xuất với hợp tác xã, sản xuất lúa hữu cơ. Giá lúa bao tiêu khá cao, đối với giống ST tím lá 10.000 đồng/kg, ST25 là 9.000 đồng/kg. Nhờ làm ăn liên kết, lợi nhuận trung bình từ vụ lúa nông dân đạt từ 40 - 42 triệu đồng/ha. Còn tôm cũng đạt từ 70 - 90 triệu đồng/ha, ngoài ra còn có thêm thu nhập từ cua nuôi xen canh nữa. Môi trường sản xuất ở đây đã được chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ thì con tôm, con cua nuôi cũng rất an toàn.
Thu hút doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu lớn
Với môi trường sản xuất thuận lợi đã thu hút nhiều doanh nghiệp tìm về vùng lúa - tôm để đầu tư, liên kết sản xuất, tạo vùng nguyên liệu bền vững. Nhiều năm qua, Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Bồ Đề đã phối hợp với các đoàn thể, chính quyền địa phương, với đề án chuyên nghiệp hóa người nông dân, đưa công nghệ sinh học vào sản xuât lúa - tôm, mang lại hiệu quả tích cực.
Sản phẩm sinh học Bồ Đề Mother Water đã giúp cho nhiều hộ nuôi tôm xử lý nước nuôi tôm khá thành công, tăng năng suất, chất lượng, nâng cao thu nhập. Không chỉ vậy, môi trường nuôi tôm không tồn dư hóa chất độc hại, tạo cho hệ vinh sinh vật phát triển, cải tạo đất nên khi sản xuất lại vụ lúa cũng rất hiệu quả, tạo ra sản phẩm lúa sạch hữu cơ.
Sản xuất theo mô hình lúa - tôm hữu cơ, chí phí đầu tư thấp nhờ tận dụng được nguồn dinh dường từ nuôi tôm, từ đó cho lợi nhuận cao. Ảnh: Trung Chánh.
Tương tự, Công ty CP Đầu tư Green Stars cũng chọn vùng lúa - tôm để phát triển vùng nguyên liệu lúa sản xuất theo quy trình hữu cơ sinh học. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc công ty cho biết, đơn vị có nhu cầu liên kết với các hợp tác xã sản xuất các giống lúa ST24, ST25 trên nền đất nuôi tôm, làm theo quy trình hữu cơ sinh học xuất khẩu đi thị trường Mỹ.
Điều kiện là hợp tác xã tham gia phải có diện tích canh tác đủ lớn 50 - 100ha, giao thông thuận lợi về khâu vận chuyển, tối thiểu ghe 50 tấn vào tới nơi. Theo ông Tuấn, khi liên kết, các hợp tác xã phải tuân thủ các điều khoản của doanh nghiệp về yêu cầu quy hoạch vùng trồng cho sản phẩm xuất khẩu đi thị trường châu Âu, Mỹ.
Với môi trường sản sản xuất thuận lợi đã thu hút nhiều doanh nghiệp tìm về vùng lúa - tôm để đầu tư, liên kết sản xuất, tạo vùng nguyên liệu bền vững. Ảnh: Trung Chánh.
Phía công ty Green Stars cung cấp giống, toàn bộ vật tư nông nghiệp đầu vào, áp dụng quy trình khoa học kỹ thuật tiến bộ trong canh tác. Áp dụng phần mềm quản lý FaceFarm (Nhật ký sản xuất - Quản lý VTNN - Quản lý chi phí - Truy xuất nguồn gốc - Cung cấp mã QR Code vùng trồng…). Tập huấn cho hợp tác xã áp dụng quy trình canh tác và sử dụng phần mềm FaceFarm. Đồng hành cùng Công ty CP Đầu tư Green Stars là Công ty CP Hiệp Ngọc (TP Cần Thơ) ký hợp đồng bao tiêu với hợp tác xã thu mua lúa hữu cơ sinh học với lúa sản xuất trên nền đất nuôi tôm (giống ST24, ST25), thu mua cao hơn 1.000 đồng/kg.
Một đơn vị khác là Công ty CP Điền Tín cũng đang tìm đầu mối liên kết để phát triển vùng nguyên liệu trên nền đất lúa - tôm. Ông Ngô Thành Khuyên, Tổng Giám đốc Công ty CP Điền Tín cho biết: “Đơn vị có nhu cầu thu mua khoảng 7.000 tấn lúa đối với 2 giống ST24 và ST25, được sản xuất trên nền đất nuôi tôm trong vụ sản xuất 2021 - 2022 này. Chúng tôi sẵn sàng liên kết với các hợp tác xã để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, tạo tính bền vững lâu dài”.
Trong buổi làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang mới đây về việc thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu lớn sản xuất lúa ở vùng ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đã chỉ đạo xây dựng vùng sản xuất lúa - tôm hữu cơ liên tỉnh. Bước đầu sẽ chọn huyện An Minh (Kiên Giang) và Thới Bình (Cà Mau), tổng diện tích vài ngàn ha, với sự tham gia của các doanh nghiệp kinh doanh trong chuỗi thủy sản, lúa gạo cùng đồng hành. Không chỉ vậy, sẽ mời các tổ chức quốc tế cùng tham gia tư vấn chuyển giao kỹ thuật, cấp các chứng nhận có giá trị toàn cầu. Từ đó, sẽ tạo thành chuỗi sản xuất lúa - tôm hữu cơ, từ phát triển vùng nguyên liệu, thu mua, chế biến và xuất khẩu, nâng cao giá trị.
|
Hành trình quả vải Lục Ngạn sang Trung Quốc: Cách một bước chân, giá gấp đôi
Vượt qua biên giới chỉ chục km vào chợ đầu mối hoa quả lớn nhất Quảng Tây, giá vải Lục Ngạn (Bắc Giang) tăng gấp đôi.
Phát hiện loài tỏi rừng mới tại thác Bảy Nàng Tiên, Phong Điền
Các nhân viên bảo vệ rừng Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền đã phát hiện loài tỏi rừng mới mọc ở vách đá đỉnh thác Bảy Nàng Tiên, gần khu vực Rào Trăng.
Các nhà khoa học nói gì về tương lai bèo hoa dâu ở Việt Nam?
Ông Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam vừa trở về từ Sierra Leone mang theo giống bèo hoa dâu Azolla pinnata, cành to gấp nhiều lần bèo nội.
Sản xuất lúa các bon thấp, lợi nhuận tăng đáng kể
Mô hình sản xuất lúa các bon thấp cho thấy hiệu quả tăng lợi nhuận khoảng 20 - 30% so với sản xuất truyền thống, nông dân Cần Thơ phấn khởi tham gia.
Cấp 'thẻ căn cước' cho tôm giống
'Nhất giống, nhì môi, tam mồi, tứ kỹ', đây là kinh nghiệm được truyền tai nhau để khẳng định tầm quan trọng của con giống trong nuôi trồng thủy sản.
Nông sản Việt Nam chất lượng rất tốt, nhưng bán hàng còn kém
Nông sản Việt Nam có chất lượng rất tốt, nhưng bán hàng còn kém. Nếu cải thiện được khâu này, nông sản Việt Nam sẽ còn đi xa hơn nữa trên thị trường thế giới.
Gợi ý chiến lược tạo vị thế dẫn đầu cho nông nghiệp Việt Nam
Với những lợi thế sẵn có, Việt Nam sẵn sàng tâm thế áp dụng công nghệ mới, tiên tiến theo dòng Cách mạng Công nghiệp 5.0 phát triển nông nghiệp tuần hoàn, bền vững.
Phát triển kinh tế vùng trung du và miền núi Bắc bộ - Sức bật mới cho khu vực
Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển bền vững với nhiều loại tài nguyên, khoáng sản quý hiếm và diện tích đồi rừng rộng lớn. Phát triển vùng là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng...
'Tứ nông' - góc nhìn thực tiễn
Người không có đất nông nghiệp để sản xuất, người mất việc từ khu công nghiệp trở về nông thôn tìm kiếm việc làm - người ta gọi những người/hộ đó là 'tứ nông'.
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa X, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của người dân, diện mạo nông thôn đã có nhiều đổi thay
Bình luận