Mở “cánh cửa lớn” cho nông nghiệp: Bài 2: Vai trò dẫn dắt chuỗi liên kết

Hiện nay, liên kết sản xuất, kinh doanh nông sản theo chuỗi giá trị đang hình thành và phát triển mạnh với nhiều nội dung và hình thức đa dạng. Trong đó, các doanh nghiệp lớn đóng vai trò “đầu tàu”, dẫn dắt chuỗi và dẫn dắt thị trường.

image001-1626823846888.jpg

Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) tỉnh Ninh Bình xây dựng thành công nhiều chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản. Ảnh: ĐỨC PHƯƠNG (TTXVN)

Ở tầm vĩ mô, các chủ trương, chính sách  của Đảng, Nhà nước và các địa phương giữ vai trò quan trọng, có ý nghĩa mở hướng, tạo điều kiện, thúc đẩy liên kết lớn mạnh. 

 Tạo giá trị gia tăng cao cho nông sản

Công ty TNHH Dalat Hasfarm (TP Ðà Lạt, Lâm Ðồng) là doanh nghiệp chuyên sản xuất, phân phối ngọn giống, hoa cắt cành và hoa chậu ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Với diện tích gần 320 ha, hiện mỗi năm, Dalat Hasfarm sản xuất khoảng 200 triệu cành hoa và 250 triệu ngọn giống, cung ứng thị trường trên khắp thế giới. Năm 2020, doanh số thu mua hoa từ các hộ và doanh nghiệp liên kết đạt hơn 58 tỷ đồng. Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dalat Hasfarm Nguyễn Văn Bảo khẳng định: Việc Dalat Hasfarm bắt tay với nhà nông Ðà Lạt theo chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ đã mang lại lợi ích, lợi nhuận cao hơn cho cả "hai nhà". Về phía công ty có thể tăng sản lượng trong thời gian ngắn, vốn đầu tư ít hơn so với việc phải tìm vùng đất mới để mở rộng diện tích. Về phía hộ liên kết, họ được nâng cao trình độ canh tác, có đầu ra, giá bán ổn định, tiếp cận được nhiều loài hoa mới do công ty cung cấp. Công ty còn có Quỹ hỗ trợ phát triển, hỗ trợ bà con vay không lấy lãi, nhưng phải cam kết thanh toán (bằng hoa, tiền...) đúng thời hạn.

Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu, tỉnh Sơn La (Mộc Châu Milk) cũng là một điển hình trong vai trò dẫn dắt chuỗi liên kết khi thành công nhờ đồng hành cùng nông dân; đồng thời cũng là đầu mối đưa không ít nông dân trở thành tỷ phú nhờ chăn nuôi. Phó Tổng Giám đốc Công ty Nguyễn Sỹ Quang cho biết: Công ty đang liên kết với hơn 600 hộ nông dân. Tất cả các hộ đều được công ty tập huấn, hướng dẫn áp dụng công nghệ chăn nuôi đạt tiêu chuẩn châu Âu. Sản phẩm được công ty bao tiêu theo hợp đồng đã ký. Việc đồng hành cùng nông dân đã giúp công ty phát triển vùng nguyên liệu bền vững, chủ động hoàn toàn nguồn nguyên liệu sữa tươi phục vụ sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, vệ sinh thực phẩm. Còn với nông dân, việc hợp tác với Mộc Châu Milk giống như được "đổi đời" theo lời chị Nguyễn Thị Hằng (đội 70, thị trấn Mộc Châu). Với 60 con bò sữa, cho sản lượng hơn 200 tấn sữa/năm, gia đình chị thu lợi nhuận về khoảng một tỷ đồng/năm. "Ở Mộc Châu, các hộ nuôi bò sữa liên kết với Mộc Châu Milk có doanh thu tiền tỷ mỗi năm giờ không phải là hiếm - chị Hằng vui vẻ nói.

Trong khi đó, đồng hành cùng hàng chục nghìn nông dân miền núi tỉnh Phú Yên, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam đã có cách làm tốt trong liên kết tiêu thụ mía. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, ông K.V.R.S Subbaiah cho biết: Trong 20 năm qua, công ty đã tiêu thụ 13.332.430 tấn mía, sản xuất được 1.416.000 tấn đường tinh luyện, chi trả tiền mía cho nông dân 14.097 tỷ đồng, đầu tư 2.444 tỷ đồng cho vùng nguyên liệu... Công ty tạo ra nguồn thu nhập chính cho khoảng 9.500 hộ nông dân trồng mía và 700 lao động trực tiếp và gián tiếp làm dịch vụ nông nghiệp.

Không chỉ giúp các nông hộ làm giàu từ nông nghiệp, khi các doanh nghiệp dẫn dắt liên kết thì còn tạo ra chuỗi giá trị khép kín với khâu cuối cùng là sản phẩm hoàn chỉnh bán ra thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần quan trọng trong xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam. Với Dalat Hasfarm, công ty đã xuất khẩu hoa đến nhiều thị trường quốc tế, như Indonesia, Hàn Quốc, Ðan Mạch, Thái Lan, Ðài Loan (Trung Quốc)… Thương hiệu hoa Ðà Lạt từ đó cũng được nhận diện ở nhiều quốc gia trên thế giới. Hay như mô hình sản xuất khép kín theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến kinh doanh xuất khẩu rau quả của Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Ðồng Giao (Doveco) lại là một trong những "điểm nhấn" về liên kết chuỗi, tạo ra giá trị gia tăng cao cho rau quả tươi và chế biến. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc công ty Ðinh Cao Khuê cho biết: Ngoài diện tích canh tác của công ty, Doveco còn liên kết với nhiều hộ nông dân ở các tỉnh, thành phố trên cả nước, thâm canh nhiều loại rau quả phục vụ chế biến. Sản phẩm được xuất khẩu với số lượng lớn tới nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Ðức, Pháp, Anh, Ba Lan, Bồ Ðào Nha, Mông Cổ…, từ đó tác động trở lại với thị trường trong nước trên lĩnh vực nguyên liệu chế biến, cũng chính là cơ hội để các hộ liên kết, vùng liên kết thuận đường tiêu thụ nông sản.

Mạnh dạn đổi mới và câu chuyện mận hậu Ruby

Vào đầu tháng 6/2021, tỉnh Sơn La chính thức ra mắt thương hiệu "Mận hậu Ruby" được tuyển chọn từ những vườn mận được chăm sóc kỹ lưỡng nhất, cho trái ngọt nhất, kích thước đồng đều nhất tại thung lũng Nà Ka, huyện Mộc Châu. Ðể tạo ra những quả mận đạt tiêu chuẩn đó, người nông dân Nà Ka sẵn sàng hy sinh đến 30% sản lượng, tỉa cành, tỉa quả để giữ lại những quả ngon nhất, đặc sắc nhất. Ba công ty là Foodmap, Mia Fruit và ECovi đã đồng hành cùng UBND tỉnh Sơn La và nông dân trong chương trình nâng tầm thương hiệu và thúc đẩy tiêu thụ mận hậu Ruby lần này. Vẫn nằm trong "mạch" liên kết phát triển nông nghiệp của tỉnh Sơn La, nhưng câu chuyện về thương hiệu mận hậu Ruby thật sự gây xúc động. Bởi lẽ không dễ gì một doanh nghiệp "đặt cược" vào việc đầu tư cho quả mận vốn dĩ là một sản phẩm bình dân; cũng không dễ gì những nông dân Nà Ka sẵn sàng hy sinh sản lượng - vốn là thứ giúp họ thoát nghèo - để đi theo, tin theo cách làm "lượng ít, chất nhiều" của doanh nghiệp; cũng không dễ gì chính quyền địa phương "dám" đặt thu nhập của người dân vào một bài toán thử nghiệm hoàn toàn mới. Nhưng tất cả những điều đó đã xảy ra, và quả mận hậu Ruby được đón nhận trên thị trường cả nước, với mức giá lên tới 230.000 đồng/kg, mang về thu nhập tốt cho người trồng.

Có thể thấy, chính sự đột phá trong cách nghĩ, cách làm đã tạo đường cho liên kết hình thành và đơm hoa kết trái. Và có thể, những quả mận hậu Ruby cũng sẽ trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho các địa phương khác trên cả nước trong việc thực hiện liên kết nhiều nhà để nâng tầm giá trị nông sản. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công cho biết: Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết chủ yếu liên quan đến hỗ trợ phát triển cây ăn quả và nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã kiểu mới. Trong đó, tập trung hỗ trợ chuyển đổi, thành lập các hợp tác xã nông nghiệp để tăng cường liên kết các hộ gia đình trong tổ chức, quản lý sản xuất với mục tiêu hình thành các chuỗi nông sản phát triển bền vững. Ðồng thời chỉ đạo đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản tập trung. Cụ thể, tỉnh đã chủ động làm việc với các công ty, tập đoàn chế biến và tạo cơ chế, chính sách cho họ xây dựng các nhà máy lớn trên địa bàn tỉnh, như: Nhà máy chế biến quả của Tập đoàn TH, Nhà máy rau, gia vị Hàn Quốc, Nhà máy chế biến chanh leo của Công ty Nafoods; Nhà máy chế biến rau quả Doveco Sơn La của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Ðồng Giao…

Không chỉ ở Sơn La, mà tại hầu hết các địa phương thành công trong liên kết phát triển nông nghiệp, những đổi mới trong đường hướng, cách nghĩ, cách làm của chính quyền, doanh nghiệp và nông dân đóng một vai trò quan trọng. Có thể kể thêm như sự hình thành và phát triển của hội quán ở Ðồng Tháp - tiền đề cho sự ra đời của không ít hợp tác xã kiểu mới sau đó. Ðây là hội của nông dân, nhưng chính quyền sâu sát, quan tâm, gặp gỡ trao đổi; nhà khoa học cùng tham gia hội họp, hỗ trợ tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao công nghệ… Hay đó cũng chính là đường hướng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Ðồng, kéo hàng loạt nông dân tham gia và thay đổi tư duy sản xuất, tư duy thị trường cho họ. Từ đó mới đáp ứng được các yêu cầu trong liên kết với doanh nghiệp lớn để tạo ra các sản phẩm đồng đều về mẫu mã, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng thành công thương hiệu "Ðà Lạt, kết tinh kỳ diệu từ đất lành" cho nhiều nông sản trên địa bàn.

Theo Nghị quyết 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững, doanh nghiệp nông nghiệp được xác định là “trụ cột”, là “đầu tàu” trong việc thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam. Tầm nhìn đến năm 2030, sẽ có 80.000 đến 100.000 doanh nghiệp có hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả, trong đó khoảng 3.000 đến 4.000 doanh nghiệp có quy mô lớn và 6.000 đến 8.000 doanh nghiệp quy mô vừa.

(Còn nữa)

 

Nguồn: Theo Báo Nhân dân

Bình luận

Hành trình quả vải Lục Ngạn sang Trung Quốc: Cách một bước chân, giá gấp đôi

Vượt qua biên giới chỉ chục km vào chợ đầu mối hoa quả lớn nhất Quảng Tây, giá vải Lục Ngạn (Bắc Giang) tăng gấp đôi.

Phát hiện loài tỏi rừng mới tại thác Bảy Nàng Tiên, Phong Điền

Các nhân viên bảo vệ rừng Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền đã phát hiện loài tỏi rừng mới mọc ở vách đá đỉnh thác Bảy Nàng Tiên, gần khu vực Rào Trăng.

Các nhà khoa học nói gì về tương lai bèo hoa dâu ở Việt Nam?

Ông Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam vừa trở về từ Sierra Leone mang theo giống bèo hoa dâu Azolla pinnata, cành to gấp nhiều lần bèo nội.

Sản xuất lúa các bon thấp, lợi nhuận tăng đáng kể

Mô hình sản xuất lúa các bon thấp cho thấy hiệu quả tăng lợi nhuận khoảng 20 - 30% so với sản xuất truyền thống, nông dân Cần Thơ phấn khởi tham gia.

Cấp 'thẻ căn cước' cho tôm giống

'Nhất giống, nhì môi, tam mồi, tứ kỹ', đây là kinh nghiệm được truyền tai nhau để khẳng định tầm quan trọng của con giống trong nuôi trồng thủy sản.

Nông sản Việt Nam chất lượng rất tốt, nhưng bán hàng còn kém

Nông sản Việt Nam có chất lượng rất tốt, nhưng bán hàng còn kém. Nếu cải thiện được khâu này, nông sản Việt Nam sẽ còn đi xa hơn nữa trên thị trường thế giới.

Gợi ý chiến lược tạo vị thế dẫn đầu cho nông nghiệp Việt Nam

Với những lợi thế sẵn có, Việt Nam sẵn sàng tâm thế áp dụng công nghệ mới, tiên tiến theo dòng Cách mạng Công nghiệp 5.0 phát triển nông nghiệp tuần hoàn, bền vững.

Phát triển kinh tế vùng trung du và miền núi Bắc bộ - Sức bật mới cho khu vực

Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển bền vững với nhiều loại tài nguyên, khoáng sản quý hiếm và diện tích đồi rừng rộng lớn. Phát triển vùng là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng...

'Tứ nông' - góc nhìn thực tiễn

Người không có đất nông nghiệp để sản xuất, người mất việc từ khu công nghiệp trở về nông thôn tìm kiếm việc làm - người ta gọi những người/hộ đó là 'tứ nông'.

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa X, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của người dân, diện mạo nông thôn đã có nhiều đổi thay