Nông nghiệp ĐBSCL với mục tiêu 'Xanh - Sinh thái - Bền vững'

Sáng nay (6/3), Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ làm việc với các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long về phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

khat-vong-nong-nghiep-dat-chin-rong-063842_180.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát công trình Cái Lớn - Cái Bé chiều ngày 5/3/2022. Ảnh: VGP.

Hội nghi do Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng ĐBSCL tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu” tổ chức vào sáng 6/3 tại tỉnh Kiên Giang.

Thách thức bủa vây
ĐBSCL luôn đứng đầu cả nước về sản lượng gạo, tôm nước lợ, cá tra và trái cây. Trong đó, lúa là cây trồng lợi thế được đầu tư phát triển theo hướng thâm canh tăng năng suất, chất lượng, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược an ninh lương thực quốc gia với 24,1 triệu tấn thóc và hàng năm xuất khẩu 5 - 6 triệu tấn gạo với kim ngạch từ 2 - 3 tỷ USD.

Đây cũng là vựa cây ăn trái lớn nhất nước với diện tích gần 400.000ha, sản lượng trái cây 4,3 triệu tấn, chiếm 60% cả nước.

Theo số liệu được cập nhật bởi Bộ NN-PTNT, sản lượng thủy sản của vùng năm 2021 là 4,79 triệu tấn, chiếm 55,7% sản lượng thủy sản của cả nước; giá trị sản xuất thủy sản hơn 182.000 tỷ đồng (chủ yếu là tôm và cá tra).

nuoi-tom-1806_20220303_596-193037.jpeg

Nhiều nông dân ĐBSCL làm giàu nhờ nuôi tôm sinh thái. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tuy nhiên, các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến nhiệt độ, lượng mưa đã làm thay đổi cấu trúc mùa vụ, gia tăng dịch bệnh và thay đổi năng suất cây trồng.

“Đặc biệt nông sản ĐBSCL đang quay trở lại ngày càng phụ thuộc thị trường Trung Quốc, kể cả các mặt hàng trước đây đã vào được các thị trường lớn khác như cá tra", theo nhận định của Bộ NN-PTNT.

Bên cạnh đó, khi hội nhập sâu rộng, Việt Nam phải đáp ứng các quy định nghiêm ngặt hơn đối với hàng hóa xuất khẩu. Hội nhập cũng đồng nghĩa với việc mở rộng hơn thị trường trong nước và chấp nhận cạnh tranh ngay tại nội địa. Thách thức này đối với ĐBSCL càng lớn hơn một phần do năng lực dự báo, cung cấp thông tin, quản lý thị trường, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế.

Đầu ra thiếu ổn định trong khi chi phí sản xuất tăng và điều kiện sản xuất khó khăn tạo lực đẩy lao động ra khỏi nông nghiệp trong khi việc làm phi nông nghiệp chưa đáp ứng kịp, có thể dẫn đến tình trạng lao động dôi dư.

Trong sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, kinh tế hộ vẫn là chủ lực, sản xuất quy mô nhỏ vẫn phổ biến. Kinh tế trang trại chưa trở thành động lực để thúc đẩy hộ gia đình vươn lên sản xuất lớn. Hợp tác xã nông nghiệp phát triển chậm (toàn vùng mới có trên 2.460 hợp tác xã nông nghiệp), đa số quy mô nhỏ và đang có nhiều khó khăn, thách thức; còn nhiều hợp tác xã chưa thực hiện liên kết với doanh nghiệp để tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Doanh nghiệp nông nghiệp phần lớn nhỏ về quy mô, hạn chế về năng lực hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp, chưa phát huy được vai trò chủ đạo trong dẫn dắt chuỗi giá trị sản xuất. Năng lực và vai trò của đa số các hiệp hội, doanh nghiệp ngành hàng trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế.

Vùng ĐBSCL, nơi tập trung nhiều nhất diện tích lúa cánh đồng lớn thì cũng mới chỉ đạt 26,8% tổng diện tích canh tác lúa của vùng. Thêm vào đó, sự điều phối theo chuỗi ngành hàng, tính liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương có vùng nguyên liệu tương đồng chưa được chú trọng. Mỗi địa phương cần chủ động mở rộng không gian phát triển ra khỏi địa giới hành chính.

de-dbscl-tro-thanh-thuc-the-kinh-te-1851_20220303_417-193038.jpeg

Đến hết năm 2021, ĐBSCL có 69,68% số xã đạt chuẩn NTM. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

“Đất đai có thể manh mún nhưng tư duy phát triển không thể manh mún. Cách sản xuất có thể nhỏ lẻ nhưng công tác xúc tiến thương mại nông sản không thể nhỏ lẻ từng địa phương”, đó là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Bộ NN-PTNT.

Để khai thác tiềm năng, lợi thế của mảnh đất “Chín rồng” và đảm bảo an toàn cho người dân, trong những năm qua, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn như thủy lợi, phòng chống thiên tai, cấp nước... ĐBSCL không ngừng được tăng cường. Qua đó góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và đổi mới bộ mặt nông thôn.

Theo Bộ NN-PTNT, trước những khó khăn và thách thức do sụt lún, ngập, xâm nhập mặn, lũ và biến đổi dòng chảy sông Mekong…, giai đoạn 2021 - 2025, sẽ có khoảng 19.000 tỷ đồng do Bộ NN-PTNT quản lý được “rót” cho ĐBSCL để đầu tư hệ thống công trình theo mục tiêu kiểm soát mặn; hỗ trợ, bổ sung ngọt để nước mặn, nước lợ thực sự là nguồn tài nguyên, phục vụ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thay đổi tư duy phát triển nông nghiệp
Cùng với sự thay đổi tư duy “an ninh lương thực dựa vào cây lúa”, chúng ta đã xoay trục chiến lược sang thủy sản - trái cây - lúa gạo theo lợi thế của vùng và các tiểu vùng dựa trên nguyên lý phát huy tối đa tính thích ứng tự nhiên các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới và theo nhu cầu thị trường.

Đồng thời, phát triển từ nền nông nghiệp thuần túy sản xuất dựa trên tăng diện tích, sản lượng sang nền nông nghiệp hàng hóa theo nhu cầu thị trường, gắn với điều chỉnh dần hệ thống tổ chức sản xuất, phát triển chuỗi giá trị.

Để làm được điều đó, cần có quy hoạch tích hợp, đa ngành, có điều phối liên kết vùng, liên kết ngành thay vì phát triển cục bộ. Cùng với tăng trưởng nông nghiệp phải tập trung chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn; hỗ trợ một bộ phận nông dân chuyển đổi sang làm nghề phi nông nghiệp một cách bền vững.

Bộ NN-PTNT đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đưa nông nghiệp ĐBSCL cất cánh cao hơn trong thời gian tới. Một là, xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch và các đề án lớn cho phát triển nông nghiệp và nông thôn vùng.

lua-1-1809_20220303_699-193040.jpeg

Phát triển từ nền nông nghiệp thuần túy sản xuất dựa trên tăng diện tích, sản lượng sang nền nông nghiệp hàng hóa theo nhu cầu thị trường. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hai là, xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách cho phát triển nông nghiệp và nông thôn vùng, đặc biệt là đổi mới chính sách đất đai, cho phép xây dựng cơ chế đặc thù để thúc đẩy chuyển đổi, tích tụ, tập trung đất nông nghiệp. Xây dựng các chính sách hỗ trợ người dân trong quá trình chuyển đổi đất lúa, nhất là những vùng chuyển đổi từ thâm canh lúa 3 vụ sang hình thức canh tác khác. Ưu tiên mở rộng tín dụng và đẩy mạnh cho vay theo chuỗi giá trị, xây dựng liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp, công nghiệp chế biến và dịch vụ logistics hỗ trợ nông nghiệp.

Ba là, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công cho phát triển nông nghiệp và nông thôn vùng. Bốn là, phối hợp với Hội Nông dân và các hiệp hội ngành hàng, xây dựng Chương trình đào tạo nông dân chuyên nghiệp. Phối hợp với các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp, xây dựng Chương trình chuyển đổi lao động nông nghiệp. Xây dựng Chương trình thu hút chuyên gia, trí thức trẻ về làm việc tại các trung tâm nghiên cứu, đào tạo, tổ chức quản lý nhà nước và dịch vụ công trong ngành nông nghiệp tại ĐBSCL.

Năm là, hợp tác và liên kết vùng (nội vùng và ngoại vùng) phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng: Thành lập ban điều phối phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng BĐKH cho từng tiểu vùng, trực thuộc hoặc liên kết chặt chẽ với Hội đồng vùng có chức năng điều phối liên ngành, liên địa phương.

Thử nghiệm trước một số liên kết trong điều tiết lũ, điều tiết mặn - ngọt, trong thông tin về dự báo cung cầu thị trường để điều chỉnh quy mô sản xuất trong tỉnh. Sau đó có thể phát triển tiếp các liên kết về chuỗi giá trị; cơ sở hạ tầng đường thủy, đường bộ kết nối nội vùng và các vùng khác;...

Bộ NN-PTNT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Chỉ thị về một số nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng ĐBSCL. Trong đó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng ĐBSCL tham mưu xây dựng, hoàn thiện, ban hành chính sách đặc thù, đủ mạnh và cơ chế huy động, thu hút nguồn lực đầu tư thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng ĐBSCL trong thời gian tới.

Coi ĐBSCL như một thực thể
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, trong lịch sử cũng như những số liệu thống kê tăng trưởng ngành nông nghiệp hàng năm đều chứng tỏ rằng vai trò, vị trí của ĐBSCL là rất lớn. Chúng ta luôn xem ĐBSCL là vùng trọng điểm phát triển nông nghiệp của cả nước, bao gồm thủy sản, cây ăn trái, lúa gạo.

Mặc dù ĐBSCL có 13 tỉnh, thành nhưng các chuỗi ngành hàng nông, thủy sản lại trải đều trên nhiều tỉnh chứ không tập trung, gói gọn vào một địa phương. Ông lấy ví dụ, doanh nghiệp ở Cần Thơ thu mua lúa tại Long An, Trà Vinh, Kiên Giang; vùng nuôi cá tra ở Sóc Trăng nhưng nhà máy chế biến lại nằm ở Bạc Liêu…

Khi chuỗi giá trị ngành hàng càng trải rộng thì càng rủi ro. Bởi khi xảy ra sự cố, nếu tỉnh này không cùng tỉnh kia xử lý thì quá trình lưu thông, hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ có độ trễ. Mà càng có độ trễ thì chuỗi ngành hàng càng bị đứt gãy và nông sản chậm tới thị trường.

“Điểm yếu trong sản xuất nông nghiệp của chúng ta là manh mún, nhỏ lẻ, tự phát rồi. Bây giờ cộng thêm cả sự cắt chia không gian địa giới hành chính nữa thì nó càng nhỏ lẻ, manh mún, tự phát hơn nữa”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

bo-truong-le-minh-hoan-1125_20220303_976-193041.jpeg

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan thăm mô hình sản xuất, kinh doanh thanh long.

Do vậy, người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng, cần kiến tạo một không gian phát triển chung cho cả vùng để liên kết 13 tỉnh lại với nhau. Phải coi ĐBSCL như một thực thể. Nó vừa hướng tâm và vừa hướng ra ngoài (đó là khu kinh tế trọng điểm phía Nam, mà nổi bật nhất là TP Hồ Chí Minh).

Muốn làm được điều đó, chúng ta cần quy hoạch tích hợp và có cơ chế điều phối chung cho cả vùng. Thông qua đó, tiềm năng, lợi thế của từng tỉnh sẽ được ghép lại với nhau, nó không cạnh tranh nhau mà bổ trợ lẫn nhau để tạo ra quy mô lớn. Việc xây dựng thương hiệu chung cho vùng ĐBSCL phải được thẩm thấu vào từng địa phương.

Nếu mỗi tỉnh đều đi kêu gọi đầu tư, mỗi tỉnh đều đưa ra số liệu thống kê sản lượng nông sản của tỉnh mình thì nhà đầu tư sẽ không thấy vùng nguyên liệu có đủ quy mô hoặc không đáp ứng được nguồn cung ổn định suốt 12 tháng trong năm. Họ rất ngại hợp tác vì sợ rủi ro.

Chính vì lẽ đó, Bộ NN-PNTT sẽ cùng 13 tỉnh, thành trong vùng để điều phối phát triển nông nghiệp, bao gồm điều phối xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư; điều phối về cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi, logistics và điều phối những vùng sinh thái để làm sao không xung đột với nhau. Thậm chí, chúng tôi sẽ điều phối những dự án quốc tế trên địa bàn ĐBSCL để nó phát huy được sức lan tỏa rộng lớn.

Trong chương trình hợp tác của Bộ với 13 địa phương đã phân định rõ trách nhiệm của Bộ NN-PTNT, vai trò điều phối, vai trò chủ thể của các tỉnh, huyện, xã trong vùng để hướng tới một không gian phát triển kinh tế chung.

“Cùng với đó, nếu chúng ta tổ chức lại sản xuất, có thật nhiều hợp tác xã đủ mạnh, doanh nghiệp đủ mạnh, tôi tin chắc rằng  chúng ta sẽ tạo lập được hệ sinh thái đủ tin cậy và bền vững để các doanh nghiệp khối FDI và các tập đoàn rót tiền đầu tư. Từ đó, mỗi tỉnh đều được hưởng lợi từ thành quả chung”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025

 Tốc độ tăng GDP nông nghiệp toàn vùng ĐBSCL trên 3%/năm; tốc độ tăng thu nhập từ chế biến nông, lâm, thủy sản (NLTS) trên 5%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động NLTS trên 5%/năm; tỷ lệ giá trị sản phẩm NLTS được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết trên 30%.

Cùng với đó, tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 30% tổng số lao động; tỷ lệ nông dân được đào tạo nghề nông nghiệp đạt trên 30%. Tỷ lệ sản lượng sản phẩm trồng trọt, thủy sản nuôi trồng được cấp chứng nhận sản xuất bền vững trên 20%; Tỷ lệ cơ sở sản xuất chăn nuôi trên địa bàn xử lý chất thải bằng biogas hoặc các giải pháp công nghệ xử lý, sử dụng hiệu quả, sạch đạt 50%;

Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản được tưới tiêu hiện đại, thân thiện môi trường đạt trên 30%; Tỷ lệ diện tích rừng sản xuất được quản lý bền vững có xác nhận đạt 50%.

 

Bình luận

Hành trình quả vải Lục Ngạn sang Trung Quốc: Cách một bước chân, giá gấp đôi

Vượt qua biên giới chỉ chục km vào chợ đầu mối hoa quả lớn nhất Quảng Tây, giá vải Lục Ngạn (Bắc Giang) tăng gấp đôi.

Phát hiện loài tỏi rừng mới tại thác Bảy Nàng Tiên, Phong Điền

Các nhân viên bảo vệ rừng Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền đã phát hiện loài tỏi rừng mới mọc ở vách đá đỉnh thác Bảy Nàng Tiên, gần khu vực Rào Trăng.

Các nhà khoa học nói gì về tương lai bèo hoa dâu ở Việt Nam?

Ông Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam vừa trở về từ Sierra Leone mang theo giống bèo hoa dâu Azolla pinnata, cành to gấp nhiều lần bèo nội.

Sản xuất lúa các bon thấp, lợi nhuận tăng đáng kể

Mô hình sản xuất lúa các bon thấp cho thấy hiệu quả tăng lợi nhuận khoảng 20 - 30% so với sản xuất truyền thống, nông dân Cần Thơ phấn khởi tham gia.

Cấp 'thẻ căn cước' cho tôm giống

'Nhất giống, nhì môi, tam mồi, tứ kỹ', đây là kinh nghiệm được truyền tai nhau để khẳng định tầm quan trọng của con giống trong nuôi trồng thủy sản.

Nông sản Việt Nam chất lượng rất tốt, nhưng bán hàng còn kém

Nông sản Việt Nam có chất lượng rất tốt, nhưng bán hàng còn kém. Nếu cải thiện được khâu này, nông sản Việt Nam sẽ còn đi xa hơn nữa trên thị trường thế giới.

Gợi ý chiến lược tạo vị thế dẫn đầu cho nông nghiệp Việt Nam

Với những lợi thế sẵn có, Việt Nam sẵn sàng tâm thế áp dụng công nghệ mới, tiên tiến theo dòng Cách mạng Công nghiệp 5.0 phát triển nông nghiệp tuần hoàn, bền vững.

Phát triển kinh tế vùng trung du và miền núi Bắc bộ - Sức bật mới cho khu vực

Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển bền vững với nhiều loại tài nguyên, khoáng sản quý hiếm và diện tích đồi rừng rộng lớn. Phát triển vùng là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng...

'Tứ nông' - góc nhìn thực tiễn

Người không có đất nông nghiệp để sản xuất, người mất việc từ khu công nghiệp trở về nông thôn tìm kiếm việc làm - người ta gọi những người/hộ đó là 'tứ nông'.

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa X, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của người dân, diện mạo nông thôn đã có nhiều đổi thay