Rau ùn ứ, nhiều nhà vườn phải phá bỏ

Nhiều tỉnh giãn cách, khó khăn trong vận chuyển, tiêu thụ khiến rau tại các nhà vườn bị ùn ứ, giá rớt thảm, thậm chí có người phải phá bỏ.

Theo ghi nhận của VnExpress, lượng rau củ quả tại Lâm Đồng hiện rất dồi dào nhưng không có thương lái thu mua. Thậm chí, nhiều nhà vườn phải cày bỏ những luống rau đã cất công chăm sóc nhiều tháng.

"Rất tiếc, nhưng gia đình tôi phải cày bỏ 4.000 m2 rau mùi do trước đó không thể xuất bán", anh Thạch (xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương) chia sẻ.

rau-2-2352-1626434120.jpg

Người dân tại Đơn Dương, Lâm Đồng cày bỏ rau do không tìm được nơi tiêu thụ. Ảnh: Khánh Hương.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều chủ vườn rau cũng đang rất khó khăn trong khâu tiêu thụ. Chiều 15/7, ông Nguyễn Văn Thơ (ở thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu) chạy xe máy chở vợ đến vườn rau rộng 3.000 m2 ở thôn Láng Cát, xã Tân Hải thu hoạch cải thìa. Khi cắt được khoảng 3 kg cho đơn hàng 50 kg, vợ ông từ trong căn chòi nói vọng ra "dừng đi, lái vừa điện báo hoãn nữa rồi". "Đây là người thứ 4 hủy kèo trong hôm nay và ngày nào cũng bị như thế", ông Thơ nói.

Cải tại vườn ông bán với giá 10.000 đồng một kg, bằng với trước khi dịch Covid-19 bùng phát, tuy nhiên, đầu ra đang bị ngưng trệ. "Vài ngày tới không bán được, đám cải sẽ già rũ, phải nhổ bỏ", ông Thơ cho hay. Vợ chồng ông cũng đã tính đến phương án tự chạy chợ bán, nhưng gần 20 luống cải chạy đến bao giờ hết, đành bất lực.

Vườn cách đó chừng một km, ông Vũ Minh Hữu cùng hai người làm công thu hoạch hơn 100 kg cải cho một khách ở TP Bà Rịa. Ông Hữu cho rằng đang gặp "may mắn hiếm hoi" vì đây là đơn hàng lớn nhất trong 10 ngày qua. "Trước đây có cả chục người tìm đến vườn mua, giờ chỉ còn một", ông Hữu nói.

Khu vườn rộng 2.500 m2 gần như đã thu hoạch hết, song ông chưa vội cải tạo đất, xuống giống vụ tiếp theo. "Dịch bệnh khiến đầu ra của rau quá mù mờ nên đành phơi vườn chứ không thể trồng liều", ông Hữu bộc bạch.

rau-1-8885-1626434120.jpg

Vườn rau của nông dân Đơn Dương bỏ không dù đến thời kỳ thu hoạch. Ảnh: Khánh Hương.

Xã Tân Hải có 24 hộ dân chuyên canh rau, với diện tích 110 ha, mỗi năm cung cấp ra thị trường 500-600 tấn rau. Ông Ngô Quốc Tú, Phụ trách nông nghiệp xã Tân Hải cho biết, thị trường tiêu thụ rau của xã chủ yếu ở Đồng Nai, TP HCM.

"Các nhà buôn không xuống để lấy hàng được do các địa phương cách ly xã hội, cùng với việc các chợ ngưng hoạt động khiến đầu ra rất khó khăn. Người trồng rau bị ảnh hưởng quá nặng nề", ông Tú nói và cho biết, tình hình hiện nay đã khiến người dân thu hẹp diện tích sản xuất.

Tại Đồng Tháp, tình cảnh cũng tương tự khi giá rau tại vùng chuyên canh xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự liên tục giảm mạnh.

Ông Phạm Văn Khiêm trồng gần 3.000 m2 rau ăn lá, cho biết chưa bao giờ giá rau lại giảm sâu và kéo dài như hiện nay. Vườn rau của ông đang cho thu hoạch mỗi ngày khoảng 40 kg, chủ yếu bán cho các chợ gần đây hoặc thương lái mua gom chở đi nơi khác.

Rau diếp cá, rau cần 5.000-6.000 đồng một kg, rau quế 3.000-4.000 đồng một kg. Trong khi theo ước tính của ông, chi phí sản xuất rau ăn lá dao động 7.000-8.000 đồng một kg, chưa tính nhân công nhà. "Giá rau củ đều giảm mạnh mà phân thuốc bảo vệ thực vật lại lên cao khiến người làm rau lỗ nặng", ông Khiêm than.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Bé, trồng 2.000 m2 rau cần, ngò rí tại Long Hoà, xã Long Thuận, cho biết thương lái lấy lý do giãn cách, vận chuyển khó khăn nên giá mua cứ liên tục giảm, thậm chí, mua mà không báo giá.

"Rau cần, hẹ, hành của nông dân gần đây đều kêu thương lái vô nhổ, rồi sau đó họ trả bao nhiêu cũng được. Bây giờ nói giá thì thương lái không mua, số bán được, số không. Cần thì để lâu được chứ ngò rí mà lên ngồng là bỏ", ông Bé nói.

Theo ghi nhận của VnExpress, một số loại rau ăn lá, rau ngắn ngày bị mất giá, khó tiêu thụ do quá trình vận chuyển có độ hư hỏng cao trong bối cảnh nhiều khu vực bị cách ly, thời gian nhận hàng chậm. Ngược lại, một số loại củ, quả có thể lưu trữ, bảo quản được lâu thì giá đang biến động từng ngày.

Ngày 16/7, giá thu mua tại vườn một số loại như su su, bí đỏ, bí ngòi, bó xôi 15.000 đồng một kg, bí hồ lô 25.000 đồng mỗi kg, cà tím, khoai tây 12.000 đồng một kg, củ cải trắng 5.000-7.000 đồng một kg, bắp sú (tròn), cải thảo 11.000 đồng một kg, cà rốt 12.000 đồng một kg...

208444510-1371327559905648-743-3622-3458-1626434120.jpg

Ông Nguyễn Văn Thơ, xã Tân Hải, giữa vườn cải thìa không có người hỏi mua. Ảnh: Trường Hà.

Chị Trương Thị Gái, một thương lái thu mua rau tại Đồng Tháp cũng cho biết, mấy ngày gần đây tình trạng rau củ đang hút hàng trở lại, đặc biệt tại thị trường TP HCM nên giá có tăng hơn. Cụ thể, bầu bí chị đang giao cho bạn hàng đi các tỉnh giá 17.000 đồng một kg, dưa leo 9.000 đồng một kg, xà lách 8.000 đồng, ngò rí 15.000 đồng và cần ống 12.000 đồng một kg.

Chị Gái cho biết thêm, nếu bán ở chợ xã, chị lời 1.000 đồng mỗi kg, còn đi các tỉnh lời nhiều hơn, do tuyển hàng chất lượng tránh tình trạng hư hỏng trong quá trình vận chuyển.

Ông Mai Văn Khẩn, Giám đốc hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến (TP Đà Lạt) cũng cho hay, phần lớn hàng hoá của đơn vị sau khi thu hoạch được vận chuyển xuống tổng kho tại huyện Đức Trọng, Lâm Đồng bảo quản rồi phân phối đi các siêu thị ở TP HCM. "Riêng các đầu mối thu mua tại chợ nông sản đã đóng cửa, chúng tôi đã chuyển thị phần ra các tỉnh miền Trung, miền Bắc chưa bị giới hạn đi lại để tìm thêm hướng tiêu thụ", ông nói.

Theo Sở Công Thương Lâm Đồng, những ngày qua lượng hàng hoá vận chuyển đi tiêu thụ tại TPHCM và các tỉnh khoảng 4.000 tấn mỗi ngày. Lượng rau, củ tại Lâm Đồng vẫn có thể đảm bảo cho các thị trường nếu các điểm tập kết, tiêu thụ ổn định.

Để việc vận chuyển hàng hoá, nhất là rau củ cung cấp cho thị trường TP HCM được thuận tiện, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lâm Đồng đã có hướng dẫn cụ thể đối với lái xe. Bên cạnh các yêu cầu về giấy tờ lưu thông hàng hóa, tài xế đi về từ vùng dịch hoặc qua vùng dịch cũng cần hạn chế tối đa việc đi lại, tiếp xúc với người xung quanh, để hạn chế sự lây nhiễm cho cộng đồng nếu lỡ có mang mầm bệnh trong cơ thể.

Anh Lê Hiệp (ngụ tại TP Đà Lạt) cho biết, hơn 2 tuần chạy xe liên tỉnh, mọi hoạt động của anh hiện phải khép kín trong khuôn viên khu vực nhà xe hoặc ăn ngủ ngay trên xe, dù đã test nhanh Covid-19 đúng lịch 3 ngày một lần. "Giờ tôi cũng không dám về nhà vì sợ không may mang mầm bệnh sẽ ảnh hưởng tới mọi người", anh nói.

Ông Trương Hữu Hiệp, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lâm Đồng cho biết, Sở cũng yêu cầu các nhà xe, tài xế phải kê khai trước về hành trình từ Lâm Đồng xuống TP HCM và ngược lại để có hướng hỗ trợ nhằm tránh ùn ứ tại các trạm kiểm soát.

 

Nguồn: Theo Vnexpress.net

Bình luận

Hành trình quả vải Lục Ngạn sang Trung Quốc: Cách một bước chân, giá gấp đôi

Vượt qua biên giới chỉ chục km vào chợ đầu mối hoa quả lớn nhất Quảng Tây, giá vải Lục Ngạn (Bắc Giang) tăng gấp đôi.

Phát hiện loài tỏi rừng mới tại thác Bảy Nàng Tiên, Phong Điền

Các nhân viên bảo vệ rừng Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền đã phát hiện loài tỏi rừng mới mọc ở vách đá đỉnh thác Bảy Nàng Tiên, gần khu vực Rào Trăng.

Các nhà khoa học nói gì về tương lai bèo hoa dâu ở Việt Nam?

Ông Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam vừa trở về từ Sierra Leone mang theo giống bèo hoa dâu Azolla pinnata, cành to gấp nhiều lần bèo nội.

Sản xuất lúa các bon thấp, lợi nhuận tăng đáng kể

Mô hình sản xuất lúa các bon thấp cho thấy hiệu quả tăng lợi nhuận khoảng 20 - 30% so với sản xuất truyền thống, nông dân Cần Thơ phấn khởi tham gia.

Cấp 'thẻ căn cước' cho tôm giống

'Nhất giống, nhì môi, tam mồi, tứ kỹ', đây là kinh nghiệm được truyền tai nhau để khẳng định tầm quan trọng của con giống trong nuôi trồng thủy sản.

Nông sản Việt Nam chất lượng rất tốt, nhưng bán hàng còn kém

Nông sản Việt Nam có chất lượng rất tốt, nhưng bán hàng còn kém. Nếu cải thiện được khâu này, nông sản Việt Nam sẽ còn đi xa hơn nữa trên thị trường thế giới.

Gợi ý chiến lược tạo vị thế dẫn đầu cho nông nghiệp Việt Nam

Với những lợi thế sẵn có, Việt Nam sẵn sàng tâm thế áp dụng công nghệ mới, tiên tiến theo dòng Cách mạng Công nghiệp 5.0 phát triển nông nghiệp tuần hoàn, bền vững.

Phát triển kinh tế vùng trung du và miền núi Bắc bộ - Sức bật mới cho khu vực

Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển bền vững với nhiều loại tài nguyên, khoáng sản quý hiếm và diện tích đồi rừng rộng lớn. Phát triển vùng là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng...

'Tứ nông' - góc nhìn thực tiễn

Người không có đất nông nghiệp để sản xuất, người mất việc từ khu công nghiệp trở về nông thôn tìm kiếm việc làm - người ta gọi những người/hộ đó là 'tứ nông'.

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa X, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của người dân, diện mạo nông thôn đã có nhiều đổi thay