Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa ổn định, cà phê quay đầu giảm
Trong tuần qua, trong khi giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng ổn định thì mặt hàng cà phê lại kết thúc một chu kỳ tăng và quay đầu giảm nhẹ. Giá cà phê trong nước về quanh mốc 34.000 đồng/kg.
Nông dân huyện Vị Thủy thu hoạch lúa Đông Xuân 2019 - 2020. Ảnh: TTXVN
Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung ổn định, tuy nhiên có một vài loại ở một số nơi giảm nhẹ. Tại Cần Thơ, lúa Jamine có giá 6.900 đồng/kg, OM 4218 giá 6.600 đồng/kg, cùng giảm 100 đồng/kg. Trong khi đó lúa IR 50404 vẫn ổn định ở mức 6.400 đồng/kg. Tại Hậu Giang, giá lúa ổn định với lúa Đài Thơm 8 là 7.500 đồng/kg, OM5454 là 7.400 đồng/kg.
Còn tại An Giang, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, hiện địa phương đã thu hoạch xong nên không còn lúa tươi. Giá lúa khô trên địa bàn tỉnh trong tuần qua vẫn giữ ổn định. Cụ thể, giá lúa khô IR 50404 là 7.000 đồng/kg, Nàng Nhen là 11.500 - 12.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, giá một số mặt hàng gạo tại An Giang có sự tăng nhẹ. Giá gạo thường dao động ở mức từ 11.500 - 12.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg, còn các loại khác giữ ổn định như: gạo Nhật là 17.000 đồng/kg, nếp từ 14.000 - 15.000 đồng/kg, gạo Jasmine 14.000 đồng/kg, riêng gạo Hương Lài 17.000 đồng/kg.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp thông tin, lúa Hè Thu sớm của địa phương năm nay đạt năng suất cao và giá cao hơn năm 2020. Giá lúa chất lượng cao tại ruộng giá 6.650 đồng/kg, lúa thường IR 50404 tại ruộng giá 6.800 đồng/kg, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 từ 600-1.000 đồng/kg.
Vụ lúa Hè Thu năm 2021, tỉnh Đồng Tháp xuống giống được 180.146 ha, đạt 96,3% kế hoạch; trong đó, thu hoạch sớm hơn 25.000 ha, năng suất bình quân 6,86 tấn/ha, tăng gần 1 tấn so với năm 2020.
Tại miền Trung, nhiều địa phương đang tích cực triển khai gieo cấy lúa Hè Thu. Tuy mới bước vào đầu vụ Hè Thu nhưng nhiều địa phương đang lo lắng với nguy cơ thiếu nước tưới. Ước tính trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có hơn 1.000 ha lúa nguy cơ thiếu nước; đặc biệt tại các vùng gò đồi, vùng cát ven biển phải bỏ hoang do không chủ động được nguồn nước tưới.
Tại Nghệ An, để chủ động đảm bảo nguồn nước tưới, ngay từ đầu vụ, ngành thủy lợi cùng chính quyền các địa phương đã lên các phương án sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước. Các trạm bơm dã chiến đang được lắp đặt, bảo dưỡng máy móc thiết bị, sẵn sàng vận hành bơm chống hạn.
Với phương châm gieo cấy “càng sớm, càng tốt”, ngay sau khi thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân, bà con nông dân Nghệ An đã nhanh chóng xuống đồng làm đất gieo cấy sản xuất vụ Hè Thu 2021. Hệ thống thủy lợi cũng đã nỗ lực cung cấp nguồn nước đầy đủ để bà con làm đất, gieo cấy kịp thời vụ.
Về mặt hàng cà phê, giá cà phê ở khu vực Tây Nguyên trong tuần qua quay đầu giảm nhẹ từ 300 - 600 đồng/kg. Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, đầu tuần giá cà phê tại khu vực dao động từ 33.800 - 34.700 đồng/kg, nhưng cuối tuần còn từ 33.200 - 34.400 đồng/kg.
Nông dân xã Ea Kao, TP Buôn Mê Thuột thu hoạch cà phê được sản xuất trồng xen canh với cây tiêu theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh (tư liệu): Vũ Sinh/TTXVN
Cụ thể, giá cà phê ngày 11/6 tại Lâm Đồng từ 33.200 - 33.300 đồng/kg, tại Kon Tum 34.000 đồng/kg. Đặc biệt tại Đắk Lắk, cà phê luôn có mức giá cao nhất và ở mức từ 34.200 - 34.400 đồng/kg.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, khối lượng xuất khẩu cà phê 5 tháng đầu năm 2021 đạt 720 nghìn tấn, giá trị 1,3 tỷ USD, giảm 11,4% về khối lượng và giảm 5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2021 đạt 1.804 USD/tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020. Đức, Italy và Hoa Kỳ là 3 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam.
Vùng cà phê Tây nguyên đã bước vào mùa mưa năm nay sẽ hỗ trợ tốt cho cây cà phê phát triển vụ mới với dự đoán sản lượng tăng nhẹ. Tuy nhiên, giá phân bón tại thị trường trong nước và quốc tế dự kiến còn tăng trong trong thời gian tới sẽ là thách thức đối với những người trồng cà phê.
Trong khi giá nông sản trong nước có diễn biến khác nhau thì trên thị trường thế giới, giá các mặt hàng nông sản lại đi xuống. Cụ thể, giá các mặt hàng này tại thị trường Mỹ đồng loạt đi xuống trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 11/6, dẫn đầu là đậu tương.
Chốt phiên này, giá đậu tương giao tháng 7/2021 giảm 35,5 xu Mỹ (2,3%) xuống 15,085 USD/bushel; giá ngô giao tháng 7/2021 giảm 14,5 xu Mỹ (2,07%) xuống 6,845 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn giảm 3 xu Mỹ (0,44%) xuống 6,8075USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Giá đậu tương và ngô kỳ hạn của Mỹ giảm nhẹ do lo ngại về nhu cầu nguyên liệu nhiên liệu tái tạo sau thông tin Nhà Trắng đang xem xét cung cấp cứu trợ cho các nhà máy lọc nhiên liệu.
Báo cáo của Reuters cho biết, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ đang cân nhắc các cách cứu trợ cho các nhà máy lọc dầu đẩy nhanh áp lực chốt lời vào cuối tuần, khi các nhà dự báo thời tiết cho hay mưa ở một số vùng của đồng bằng Trung Tây và Bắc Mỹ sẽ thúc đẩy sự phát triển của cây trồng.
Trong lúc chờ đợi báo cáo về diện tích trồng ngô và đậu tương Mỹ được công bố vào cuối tháng này, các thị trường ngũ cốc chịu ảnh hưởng tình hình thời tiết ở Mỹ và khu vực Nam Mỹ, trong bối cảnh thời tiết hạn hán đã làm ảnh hưởng đến sản lượng ngô ở Brazil, trong khi thời tiết tốt ở Argentina đang hỗ trợ cho mùa màng.
Tại thị trường gạo châu Á, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã tăng lên trong tuần này do chi phí vận chuyển cao, khiến các thương nhân Việt Nam không kí kết các hợp đồng mới.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng lên từ 455- 484 USD/tấn trong phiên ngày 10/6 so với mức từ 457 - 468 USD/tấn trong tuần trước; trong đó các thương nhân cho rằng chi phí vận chuyển tăng lên, song nhu cầu ở mức thấp.
Một thương nhân tại Bangkok cho hay thị trường gạo khá trầm lắng chủ yếu do chi phí vận chuyển hàng hóa và sự khan hiếm tàu chở hàng. Đồng baht mạnh lên so với đồng USD gần đây cũng là nguyên nhân làm giá gạo tăng.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã giảm xuống từ 480 - 485 USD/tấn so với mức từ 485 - 490 USD/tấn trong tuần trước.
Một thương nhân tại TP Hồ Chí Minh cho hay mặc dù giá gạo Việt Nam giảm nhẹ, song các khách hàng đang tìm kiếm gạo từ các nhà xuất khẩu Thái Lan do giá gạo nước này đang được chào bán thấp hơn. Ngoài ra, chi phí vận chuyển cao cũng làm ảnh hưởng đến việc ký kết các hợp đồng mua bán mới.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 5/2021 đã giảm 19,9% so với tháng 4/2021 xuống còn 626.750 tấn.
Trong khi đó, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo hàng đầu, đã giảm xuống từ 379 - 383 USD/tấn so với mức từ 382 - 388 USD/tấn chủ yếu do giá trị của đồng rupee giảm.
Về thị trường cà phê thế giới, giá cà phê đi ngược chiều trong phiên ngày 12/6. Cụ thể, giá cà phê Robusta giao tháng 7/2021 tại thị trường London tăng 0,44% (tương đương 7 USD) lên 1.592 USD/tấn. Còn giá cà phê Arabica giao tháng 7/2021 tại New York giảm 0,79% (tương đương 1,25 xu Mỹ) xuống 157,45 xu Mỹ/lb (1lb = 0,4535kg).
Thị trường cà phê kỳ hạn đang trong giai đoạn “kinh doanh thời tiết”, nên những thông tin về lượng mưa tại các vùng trồng trọng điểm đang ảnh hưởng mạnh đến giá cà phê từng ngày.
Sản lượng cà phê nhân của Brazil xuất khẩu trong tháng 5/2021 đạt 3.169 triệu bao (loại 60 kg), giảm so với mức 3.595 triệu bao cùng tháng năm ngoái. Xuất khẩu cà phê của Colombia trong tháng 5/2021 cũng giảm 52% chỉ đạt 427.000 bao do tình hình bất ổn tại nước này.
Hành trình quả vải Lục Ngạn sang Trung Quốc: Cách một bước chân, giá gấp đôi
Vượt qua biên giới chỉ chục km vào chợ đầu mối hoa quả lớn nhất Quảng Tây, giá vải Lục Ngạn (Bắc Giang) tăng gấp đôi.
Phát hiện loài tỏi rừng mới tại thác Bảy Nàng Tiên, Phong Điền
Các nhân viên bảo vệ rừng Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền đã phát hiện loài tỏi rừng mới mọc ở vách đá đỉnh thác Bảy Nàng Tiên, gần khu vực Rào Trăng.
Các nhà khoa học nói gì về tương lai bèo hoa dâu ở Việt Nam?
Ông Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam vừa trở về từ Sierra Leone mang theo giống bèo hoa dâu Azolla pinnata, cành to gấp nhiều lần bèo nội.
Sản xuất lúa các bon thấp, lợi nhuận tăng đáng kể
Mô hình sản xuất lúa các bon thấp cho thấy hiệu quả tăng lợi nhuận khoảng 20 - 30% so với sản xuất truyền thống, nông dân Cần Thơ phấn khởi tham gia.
Cấp 'thẻ căn cước' cho tôm giống
'Nhất giống, nhì môi, tam mồi, tứ kỹ', đây là kinh nghiệm được truyền tai nhau để khẳng định tầm quan trọng của con giống trong nuôi trồng thủy sản.
Nông sản Việt Nam chất lượng rất tốt, nhưng bán hàng còn kém
Nông sản Việt Nam có chất lượng rất tốt, nhưng bán hàng còn kém. Nếu cải thiện được khâu này, nông sản Việt Nam sẽ còn đi xa hơn nữa trên thị trường thế giới.
Gợi ý chiến lược tạo vị thế dẫn đầu cho nông nghiệp Việt Nam
Với những lợi thế sẵn có, Việt Nam sẵn sàng tâm thế áp dụng công nghệ mới, tiên tiến theo dòng Cách mạng Công nghiệp 5.0 phát triển nông nghiệp tuần hoàn, bền vững.
Phát triển kinh tế vùng trung du và miền núi Bắc bộ - Sức bật mới cho khu vực
Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển bền vững với nhiều loại tài nguyên, khoáng sản quý hiếm và diện tích đồi rừng rộng lớn. Phát triển vùng là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng...
'Tứ nông' - góc nhìn thực tiễn
Người không có đất nông nghiệp để sản xuất, người mất việc từ khu công nghiệp trở về nông thôn tìm kiếm việc làm - người ta gọi những người/hộ đó là 'tứ nông'.
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa X, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của người dân, diện mạo nông thôn đã có nhiều đổi thay
Bình luận