'Bản đèn dầu' sang trang mới nhờ trồng rừng và nuôi gà bản địa

Từ một vùng đất thuộc diện khó khăn nhất huyện Tiên Yên (Quảng Ninh), bà con thiểu số ở xã Hà Lâu đã sang trang mới nhờ trồng rừng, phát triển vật nuôi bản địa.

Mãi tới năm 2012 mới có điện

Bản Phai – Nà Tứ (xã Hà Lâu, Tiên Yên, Quảng Ninh) là thôn cửa ngõ vào xã Hà Lâu, hiện thôn có 56 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu. Người dân ở đây 100% là người dân tộc Dao, Tày. Trước đây, bà con vẫn chỉ biết lên rừng chặt tre, đốn củi về bán nên đời sống rất khó khăn. Đầu những năm 2000, một bó tre to chỉ có giá 1.000 đồng mà nhiều khi cũng không bán được, người dân lại mang về tận dụng để làm các vật dụng trong nhà như rổ, rá, thúng, nia…

a4.png

Anh Lại Ngọc Tú hồ hởi khoe về giống gà "khoác áo hoa", là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Hơn 10 năm về trước, ánh sáng là thứ mà bà con người dân trong thôn khao khát có được. Con đường chạy dọc theo thôn Bản Phai - Nà Tứ vốn đã đi lại khó khăn vì toàn sỏi đá, hai bên đường mỗi đêm lại tối thui vì không có nổi một ánh đèn điện le lói. Thời điểm đó, chỉ có duy nhất một đường điện kéo qua thôn lên Ủy ban xã, người dân trong thôn nhìn thấy đường điện nhưng vẫn phải thắp đèn dầu để phục vụ sinh hoạt mỗi tối. Mãi đến năm 2012, bà con Bản Phai - Nà Tứ mới có điện để sử dụng, ai ai cũng vui mừng khôn xiết, trẻ em có đèn điện để học bài chứ không phải đưa quyển sách, cuốn vở lên đón từng chút ánh sáng lờ mờ từ cây đèn dầu cũ kỹ.

Ngày ấy, vào những tháng cuối năm, trời nhập nhoạng tối từ 5h chiều, bà con đi rừng đốn củi trở về nhà. Hộ nào khấm khá mới có chiếc xe máy cà tàng để đi lại, nhiều lúc đạp mãi mới nổ vì trời lạnh. Còn lại đều cuốc bộ gùi từng bó củi, bó tre lớn trên lưng, dò dẫm từng bước một nên quãng đường về nhà dường như xa hơn so với lúc đi ban sáng.

Ông Sằn Văn Cắm, trưởng thôn Bản Phai - Nà Tứ bồi hồi kể lại: Khoảng năm 2007 trở về trước, nhà của bà con người Dao, người Tày nơi đây hầu hết đều được làm bằng đất. Bà con vẫn thường tự làm khuôn, đóng đất để xây nhà. Khi ấy, một nhà xây thì cả làng cùng chung tay góp sức mà không lấy một chút tiền công, hay đòi hỏi phải có cơm ăn, nước uống.

Nhà của ông Cắm ngày ấy cũng chỉ là ngôi nhà đất chứ không được khang trang, hiện đại như bây giờ. Vào mùa mưa bão, những căn nhà bằng đất trở nên “mềm yếu” hơn, đến nỗi, nếu không kịp khơi rãnh thoát nước, tránh không cho nước ngấm vào chân tường thì nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Cũng giống như bao vùng đồi núi khác, đường sá đi lại trong thôn ổ voi, ổ trâu, hai bên đường cây cối mọc um tùm. Vì là đường đất nên xe cộ đi lại rất khó khăn, việc vận chuyển hàng hóa, nông sản dường như là điều bất khả thi. Tài nguyên rừng nhiều nhưng khó vận chuyển nên chỉ chưa đến 50% số hộ hào hứng với công việc trồng keo, một loại cây rừng trồng mà hiện tại đang giúp đời sống bà con nơi đây thay da đổi thịt.
Đi lên từ trồng rừng và nuôi giống gà "khoác áo hoa"

Năm 2007, chính quyền địa phương có chính sách giao đất, giao rừng cho bà con làm kinh tế. Chỉ sau 2 năm, đã có 90% các hộ bắt tay vào trồng cây keo, hộ ít được 2ha, hộ nhiều hơn 10ha. Từ năm 2010 trở đi, bà con đã tập trung trồng keo kết hợp với chăm sóc, bảo vệ rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Từ đó, cây keo đã thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế ở địa phương nghèo như xã Hà Lâu.

a3.png

Cả thôn Bản Phai - Nà Tứ hiện nuôi tổng cộng gần 10 vạn con gà Tiên Yên. Ảnh: Nguyễn Thành.

Anh Lại Ngọc Tú là một trong những thanh niên có khát vọng làm kinh tế trên mảnh đất quê hương. Trở về nhà sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Tú đã có ý tưởng chăn nuôi, xây dựng một trang trại cho riêng mình. Ban đầu, anh mua 200 con vịt và 200 con ngan sao, nhưng do chưa có kinh nghiệm cũng như định hướng đầu ra sản phẩm nên anh chỉ hòa vốn chứ không có lãi. Phần lớn số ngan vịt trên chỉ bán cho bà con trong thôn bản.

Từ khi huyện Tiên Yên có đề án “2 con 1 cây” đó là con tôm, con gà và cây dược liệu, anh Tú đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sang nuôi giống gà Tiên Yên. Đây là giống gà bản địa có chất lượng thịt thơm ngon, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và hiện đang là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Quảng Ninh.

Là một trong những hộ nuôi gà Tiên Yên đầu tiên của xã cũng như trên địa bàn huyện, nhờ được cán bộ xã hướng dẫn, tập huấn các lớp về chăn nuôi, đến nay, trang trại gà của anh Tú đã đạt trên 2.000 con. Thời điểm chưa có dịch bệnh Covid-19, mỗi năm đàn gà cho thu nhập gần 200 triệu đồng, giúp gia đình anh cải thiện kinh tế đáng kể. Ngôi nhà đất cũ kỹ ngày trước, giờ đã được thay mới bằng căn nhà gạch kiên cố, chống lại cái rét ngày đông và những cơn mưa giông ngày hè.

a2.png

Trồng rừng đã giúp diện mạo đời sống của xã Hà Lâu bứt phá mạnh mẽ. Ảnh: Thành Nguyễn.

Chị Tô Thị Tư (thôn Bản Phai) cũng là hộ làm giàu nhờ cây trồng, vật nuôi bản địa. Trải qua nhiều công việc từ làm ruộng, chặt tre cho đến nuôi lợn nhưng đều chỉ đủ ăn, đủ mặc, chị Tư quyết định trồng cây keo với mong muốn cuộc sống khấm khá hơn. Nhờ 5ha keo, sau 5 năm cho thu hoạch, gia đình chị có thu nhập trên 300 triệu đồng.

Nhận thấy quê hương còn có giống gà bản địa đang được người dân cũng như chính quyền đầu tư, nhân rộng, chị quyết định làm mô hình nuôi gà trên khu đất rộng chừng 2ha của gia đình. Năm 2015, khởi điểm từ 500 con gà “khoác áo hoa”, đến nay chị Tư đã có cho mình gần 4.000 con, mỗi năm xuất bán lãi khoảng 200 triệu đồng.

Hiện nay, do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, do gà Tiên Yên được chăn nuôi hoàn toàn bằng ngô hạt từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 6 - 7 mới xuất bán, khiến cho bà con xã Hà Lâu nói riêng, cũng như trên địa bàn huyện Tiên Yên nói chung cảm thấy lo lắng. Trước tình hình đó, đã có rất nhiều giải pháp được chính quyền địa phương đưa ra để kết nối tiêu thụ sản phẩm gà Tiên Yên, phần nào giúp bà con yên tâm sản xuất.

a1.png

Nhiều ngôi nhà khang trang được xây dựng giúp thay đổi diện mạo nông thôn ở xã Hà Lâu. Ảnh: Nguyễn Thành.

Từ 30% số hộ trong thôn thuộc diện hộ nghèo, đến nay, bà con Bản Phai - Nà Tứ đã phấn đấu, tu chí làm ăn, số hộ nghèo đã không còn nữa. Thậm chí, để phục vụ cho nhu cầu sản xuất, các hộ còn mua được cả xe tải để vận chuyển cây keo và gà cho thương lái, nhà hàng tiêu thụ.

Đến thôn Bản Phai – Nà Tứ bây giờ, nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay của vùng đất này. Nhiều ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi đã được xây dựng, khiến diện mạo nông thôn khởi sắc hơn. Con đường liên thôn cũng được bê tông hóa hoàn toàn, người dân đi lại thuận tiện, việc giao thương cũng trở nên dễ dàng hơn so với trước.

Có được thành quả như ngày hôm nay, xuất phát từ sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên làm kinh tế của bà con dân tộc thiểu số nơi đây. Từ một địa phương còn thiếu thốn đủ thứ, nay đã trở thành vùng đất đáng sống, là nơi mà nụ cười luôn rạng rỡ dưới những tán rừng keo trải bạt ngàn, xanh thẫm núi đồi.

Năm 2021, dù khó khăn do dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên tổng giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tại xã Hà Lâu vẫn ước đạt hơn 57 tỉ đồng (bằng 103,2% kế hoạch, tăng 36% so với năm 2020), trong đó: Nông nghiệp ước đạt hơn 31 tỉ đồng (đạt 104% kế hoạch, tăng 44%); lâm nghiệp ước đạt 26 tỉ đồng (đạt 102,3% kế hoạch, tăng 44,3%).

 

Bình luận

Hải Phòng: Nghề nuôi ngao mang lại thu nhập 1.000 tỉ đồng mỗi năm

Từ 2003 bãi nuôi thả ngao đã được hình thành tại bãi triều cửa sông Văn Úc, huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng). Đến nay, nghề nuôi ngao đã giúp hàng nghìn hộ gia đình vươn thoát nghèo, có của ăn của để, giá trị kinh tế mỗi năm đạt 600 - 1.000 tỷ đồng

Tôm mới thả, đã chết như ngả rạ

Nhiều vùng nuôi ở Khánh Hòa tôm mới thả chưa đầy 1 tháng đã chết la liệt, người nuôi bỏ đầm. Thời tiết bất thường được nhận định là nguyên nhân khiến tôm chết.

Khó khăn nghề cá ở Thanh Hóa

Đầu năm nay, nhiều phương tiện nghề cá ở Thanh Hóa “nằm bờ” nên sản lượng đánh bắt hải sản 4 tháng đầu năm giảm hơn 4% so cùng kỳ. Ngư dân mong Nhà nước có chính sách bình ổn, hỗ trợ giá dầu để tiếp tục vươn khơi, bám biển.

Làm nông trên lưng chừng núi giữa biển Tây

Sống ở đảo khơi với quỹ đất hạn hẹp, nông dân huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang) phải lên lưng chừng núi, chắt chiu những triền đất ít dốc để làm nông rất vất vả.

Độc đáo làng bè trên đảo 'giàu - sang'

Không chỉ rất phong phú những loài hải sản đặc hữu quý hiếm, ngư dân ở huyện đảo Phú Quý đã sáng tạo ra những công trình nuôi hải sản độc đáo hiếm có.

'Chuyện đời' cây tỏi Lý Sơn

Với vài trăm m2 đất, người trồng tỏi ở Lý Sơn thu được đến mấy chỉ vàng mỗi vụ. Đó là lý do mà loại cây này được ví với cái tên 'vàng trắng'.

Nguy hiểm đeo chì lặn biển bắt ốc, vớt rong

Ngư dân bất chấp nguy hiểm đeo chì nặng vào người để người lặn sâu xuống nước bắt ốc, vớt rong. Ngành chức năng đã cảnh báo và tịch thu dụng cụ nguy hiểm này.

Giải lời nguyền cho cây thanh long: Mối liên kết rời rạc, vai trò hợp tác xã mờ nhạt

Khó khăn về thị trường khiến người trồng bắt đầu chặt bỏ cây thanh long, giống cây trồng giúp người nông dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Đấy là hệ quả của tập quán sản xuất kiểu nhỏ lẻ, tự phát, manh mún tại trong vùng trồng thanh long

Giải "lời nguyền" cho cây thanh long: “Vị đắng cây làm giàu”

Hệ quả của việc sản xuất mang tính nhỏ lẻ, tự phát, manh mún, sự cạnh tranh không lành mạnh giữa những người trồng khiến thanh long mất dần giá trị và ngày càng thất thế trên thị trường.

Ngư dân cần được tiếp sức để vươn khơi

Ngư trường ngày một thu hẹp, sản lượng đánh bắt giảm sút, chi phí đầu vào tăng cao đẩy ngư dân khắp vùng biển Nghệ An vào tình cảnh lao đao.