Kể chuyện làng: Chợ quê giáp Tết

Chợ quê ngày giáp Tết đã rộn ràng mang hơi thở mùa Xuân ở quê tôi không chỉ tấp nập người mua, kẻ bán mà còn là nơi gặp gỡ trao đổi chuyện làm ăn, chuyện vui buồn trong năm của mọi người.

cho-hoa.jpg

Bán hoa ở chợ Túy Loan. Ảnh: Tiên Sa

Tết đang đến rất gần ở quê tôi kéo theo chợ quê Túy Loan cũng nhộn nhịp theo những ngày cận Tết. Những thức quà quê theo những gánh gồng, những vòng xe mang ra chợ từ sớm tinh mơ khi còn mờ mịt hơi sương. Nào là các loại hoa trồng, các loại củ, quả; những gánh chè xanh, những buồng cau tươi, những loại bánh ngày Tết đều được mang đến chợ. 

Dừng chân trước chợ Túy Loan, xã Hòa Phong (Hòa Vang – TP. Đà Nẵng) vào những ngày giáp Tết, mới cảm thấy hết những nét văn hóa "dân dã" của người dân quê tôi trong cảnh mua bán cuối năm ở chợ quê. Từ ngoài QL14B, quang cảnh đã nhộn nhịp với những bãi giữ xe máy, xe đạp đông hơn ngày thường; chỗ này bán hoa tươi như cúc, vạn thọ, chỗ kia là hoa nhựa, đâu đâu cũng đa dạng màu sắc. Bên dưới những cây dù to treo những bộ áo quần trẻ em nhiều màu lay động trước gió; những em bé tròn mắt ngắm nghía những chùm bong bóng nhiều màu sắc hoặc khi mẹ chọn mua quần áo Tết.

Sân chợ Túy Loan khá rộng, nhưng phần lớn đã bày bán gần kín các loại hoa: thược dược, lan, cúc, vạn thọ, quất... Bên cạnh các quầy hàng hóa thông thường, gần Tết xuất hiện thêm các quầy bán các loại bánh tráng, bánh khô, bánh nổ, bánh tổ, bánh in, bánh tét… Đặc biệt, miền quê này nổi tiếng với bánh tráng Túy Loan với nhiều loại khác nhau như bánh tráng dày có mè, bánh tráng mỏng, bánh tráng gói nem… Nổi trội là những quầy bày bán thịt heo cỏ nhiều nạc, ít mỡ, được người thành phố qua đây rất "quan tâm chiếu cố" bởi thịt heo nơi đây ngon có tiếng. Các mặt hàng khác như cá biển, cá đồng cũng thu hút nhiều kẻ mua người bán.

cho-que-toi-ngay-giap-tet-6-16409781203032123237529.jpg

Sạp hàng bán bánh Tết. Ảnh: Tiên Sa

Phía trái của chợ, ở ngoài trời là nơi bán các loại rau quả như cải cây, tần ô, củ kiệu, hành tím, cà rốt, khoai tây, lá chè xanh, khoai môn, trầu cau… Gần bên hàng nón là nơi bán chuối "mốc". Các bà mẹ quê ngồi lựa mua vài nải chuối đẹp về chưng "quả tử" trong những ngày Tết, đó là lối chưng truyền thống của người dân quê xứ Quảng trên bàn thờ tổ tiên, ông bà để tỏ lòng thành kính.

Đối diện với chợ, ở bên kia đường là dãy cửa hiệu điện tử tưng bừng tiếng nhạc phát qua loa mở lớn, đèn điện trang trí nhấp nháy đủ màu sắc. Góc đằng kia, quầy hàng câu đối, "thư pháp chân quê" và hoa giấy khiến một góc chợ rợp sắc màu. Góc bên này là nơi bán lá chuối, lá dong để gói bánh chưng, bánh tét. Giữa chợ, dãy hàng quần áo, giày guốc, gương lược… tấp nập người mua.

cho-que-toi-ngay-giap-tet-9-16409782049631236133403.jpg

Nơi mua bán đồ rau, củ quả. Ảnh: Tiên Sa

Một lão nông ở gần chợ cho hay: "Chợ Túy Loan nổi tiếng trong vùng nhờ có vị trí thuận lợi, là giao điểm giữa đường thuỷ và đường bộ với cảnh trên chợ dưới sông, nổi tiếng trù phú. Chợ Tuý Loan quy tụ hầu hết sản vật quanh vùng: lâm sản từ Đông Giang, Hòa Phú xuống; cá mắm từ Hội An, Đà Nẵng lên; chiếu nón, nong rổ Cẩm Nê, Yến Nê qua... Vì thế dân gian có câu ca tự hào: "Tuý Loan trăm thứ, trăm ngon/ Vừa vừa cái miệng kẻo chồng con hết nhờ!". 

Những ngày giáp Tết, khách hàng đến chợ đông gấp bội, nhiều khi không có chỗ chen chân, tiếng cười nói xen lẫn tiếng nhạc xuân vui như trẩy hội. Ngày thường, chợ chỉ họp vào buổi sáng, còn dịp cuối năm, do nhu cầu mua sắm của bà con, nên chợ đông cả ngày, có khi đến chạng vạng tối. Chợ Tết quê tôi không chỉ tấp nập người mua, kẻ bán mà còn gặp gỡ trao đổi chuyện làm ăn, chuyện vui buồn, hiếu hỷ trong năm.

Xa quê bao nhiêu năm, hôm nay mái tóc đã lên màu sương khói, về thăm lại chợ quê ngày giáp Tết, lòng tôi bồi hồi nhớ lại cảnh cũ người xưa. Dù cảnh quan chợ có đổi thay theo hướng hiện đại, nhưng tôi vẫn cảm nhận được chợ quê những ngày giáp Tết hôm nay như vẫn mang không khí và sắc màu chợ Tết của những ngày thơ tấm bé khi mà theo mẹ để mặc thử tấm áo mới đầu xuân.

cho-que-toi-ngay-giap-tet-8-16409781672711752639276.jpg

Sạp hàng bán chuối cúng. Ảnh: Tiên Sa

Những năm gần đây, do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chợ Túy Loan quê tôi cũng mở, đóng theo từng đợt dịch. Và người mua, kẻ bán ra hay vào chợ đều phải có "giấy đi chợ" và áp dụng khuyến cáo "5K" của bộ Y tế nhằm phòng và chống dịch có hiệu quả. 

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch, có nơi, có lúc không khí ngày Tết chợ quê cũng không còn "hồn nhiên" như ngày xưa nữa, nhất là trẻ con cũng ít có cơ hội được theo mẹ vào chợ để mua bộ quần áo mới đầu xuân đi khoe xóm giềng và người lớn cũng e dè, không còn vô tư, xởi lởi tay bắt mặt mừng như Tết ngày trước nữa.

 

Nguồn: Theo báo Dân Việt

Bình luận

Hải Phòng: Nghề nuôi ngao mang lại thu nhập 1.000 tỉ đồng mỗi năm

Từ 2003 bãi nuôi thả ngao đã được hình thành tại bãi triều cửa sông Văn Úc, huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng). Đến nay, nghề nuôi ngao đã giúp hàng nghìn hộ gia đình vươn thoát nghèo, có của ăn của để, giá trị kinh tế mỗi năm đạt 600 - 1.000 tỷ đồng

Tôm mới thả, đã chết như ngả rạ

Nhiều vùng nuôi ở Khánh Hòa tôm mới thả chưa đầy 1 tháng đã chết la liệt, người nuôi bỏ đầm. Thời tiết bất thường được nhận định là nguyên nhân khiến tôm chết.

Khó khăn nghề cá ở Thanh Hóa

Đầu năm nay, nhiều phương tiện nghề cá ở Thanh Hóa “nằm bờ” nên sản lượng đánh bắt hải sản 4 tháng đầu năm giảm hơn 4% so cùng kỳ. Ngư dân mong Nhà nước có chính sách bình ổn, hỗ trợ giá dầu để tiếp tục vươn khơi, bám biển.

Làm nông trên lưng chừng núi giữa biển Tây

Sống ở đảo khơi với quỹ đất hạn hẹp, nông dân huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang) phải lên lưng chừng núi, chắt chiu những triền đất ít dốc để làm nông rất vất vả.

Độc đáo làng bè trên đảo 'giàu - sang'

Không chỉ rất phong phú những loài hải sản đặc hữu quý hiếm, ngư dân ở huyện đảo Phú Quý đã sáng tạo ra những công trình nuôi hải sản độc đáo hiếm có.

'Chuyện đời' cây tỏi Lý Sơn

Với vài trăm m2 đất, người trồng tỏi ở Lý Sơn thu được đến mấy chỉ vàng mỗi vụ. Đó là lý do mà loại cây này được ví với cái tên 'vàng trắng'.

Nguy hiểm đeo chì lặn biển bắt ốc, vớt rong

Ngư dân bất chấp nguy hiểm đeo chì nặng vào người để người lặn sâu xuống nước bắt ốc, vớt rong. Ngành chức năng đã cảnh báo và tịch thu dụng cụ nguy hiểm này.

Giải lời nguyền cho cây thanh long: Mối liên kết rời rạc, vai trò hợp tác xã mờ nhạt

Khó khăn về thị trường khiến người trồng bắt đầu chặt bỏ cây thanh long, giống cây trồng giúp người nông dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Đấy là hệ quả của tập quán sản xuất kiểu nhỏ lẻ, tự phát, manh mún tại trong vùng trồng thanh long

Giải "lời nguyền" cho cây thanh long: “Vị đắng cây làm giàu”

Hệ quả của việc sản xuất mang tính nhỏ lẻ, tự phát, manh mún, sự cạnh tranh không lành mạnh giữa những người trồng khiến thanh long mất dần giá trị và ngày càng thất thế trên thị trường.

Ngư dân cần được tiếp sức để vươn khơi

Ngư trường ngày một thu hẹp, sản lượng đánh bắt giảm sút, chi phí đầu vào tăng cao đẩy ngư dân khắp vùng biển Nghệ An vào tình cảnh lao đao.