Làng nghề ở Quảng Bình hối hả vào vụ Tết

Còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, thời điểm mà người người nhà nhà sắm Tết, nhu cầu mua sắm tăng cao hơn bình thường. Nhiều làng nghề tại tỉnh Quảng Bình cũng đang tấp nập chuẩn bị nguyên liệu, hàng hóa, sản phẩm sẵn sàng đáp ứng nhu cầu dịp Tết

2-2.jpg

Công đoạn sàng hương để loại bỏ các bụi hương còn thừa. Ảnh: Hữu Liều

Mong có thu nhập cao

Làng Quyết Thắng (xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch) là một trong những làng nghề làm hương trầm nức tiếng tại Quảng Bình. Về làng Quyết Thắng những ngày này, có thể ngửi thấy mùi thơm của hương trầm từ xa, đâu đâu cũng bắt gặp cảnh sàng hương, bó hương… rất nhộn nhịp của người làng hương.

Theo người dân, nghề làm hương trầm ở đây đã có từ hàng trăm năm và được lưu truyền tới tận ngày nay. Với mùi hương đặc trưng, hương trầm của làng Quyết Thắng rất được ưa chuộng, đặc biệt là trong các dịp lễ, tết.

1-5.jpg

Người dân làng hương Quyết Thắng làm hương, chuẩn bị cho vụ Tết Nguyên đán năm nay. Ảnh: Hữu Liều

Công đoạn để làm ra một cây hương trầm cũng rất phức tạp, cầu kỳ ngay từ khâu chuẩn bị nguyên liệu làm bột hương, chân hương cho đến công đoạn quấn hương và lăn hương… Đổi lại, mỗi vụ Tết Nguyên đán, trung bình mỗi hộ thu về từ 30 – 50 triệu đồng.

Bà Lê Thị Duy (70 tuổi, thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch), người có thâm niên làm hương trầm lâu năm cho biết: “Làng hương này, già trẻ gái trai gì cũng biết và làm được hương trầm. Tôi bắt đầu làm hương với gia đình từ năm 12 tuổi, đến nay cũng đã hơn 50 năm tôi theo nghề làm hương này rồi. Ở đây cứ mỗi dịp tết về, bà con làm hương từ đầu làng tới cuối làng, 10 nhà thì hết 8 nhà làm hương, vui lắm”.

Vì làm hương hoàn toàn thủ công, người dân làng Quyết Thắng phải chuẩn bị sớm từ 1-2 tháng, vì tình hình thời tiết cuối năm thường có mưa nhiều, người dân phải tranh thủ phơi hương vào những ngày nắng, sau đó cất hương vào các bao, để sẵn sàng cho dịp Tết Nguyên đán năm nay.

6.jpeg

Bánh tráng làng Tân An (xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch) đang ra lò để phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết. Ảnh: Hữu Liều

Nhu cầu ăn uống của người dân trong dịp Tết Nguyên đán cũng là một trong các yếu tố được chú trọng. Thời điểm này, người dân làng Tân An (xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch) đang hối hả làm bánh tráng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của khách hàng trong dịp Tết Nguyên đán này.

Làng Tân An được biết đến là làng nghề làm bánh tráng nổi tiếng nằm bên bờ sông Gianh, với đa dạng các loại bánh tráng khác nhau, phù hợp với rất nhiều đối tượng khách hàng.

Theo người dân, với mỗi người làm bánh tráng thủ công, mỗi ngày họ có thể kiếm từ 200.000 – 500.000 đồng, đặc biệt vào những ngày lễ, Tết, người dân làng bánh tráng Tân An có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày.

Thời gian này về làng Tân An, có thể thấy không khí sản xuất bánh tráng đang nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Không chỉ phơi nắng, người dân còn đầu tư các máy sưởi để nâng cao năng suất, đảm bảo số lượng cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

5-7.jpg

Người dân làng Tân An đưa các phên bánh tráng ra các con đường lớn hoặc chỗ trống để phơi vì số lượng bánh quá nhiều. Ảnh: Hữu Liều

“Giờ gần tết rồi nên nhà nào cũng tích cực làm bánh để bán ra thị trường.

Chật vật với dịch bệnh cả năm rồi nên giờ chỉ mong mỗi vụ Tết này nữa thôi” - anh Nguyễn Văn Sức, một hộ làm bánh tại làng Tân An chia sẻ.

Chạy đua với thời gian

Cũng giống như làng hương trầm Quyết Thắng, tại xã Lý Trạch, nơi được xem là vùng trồng hoa nổi tiếng của tỉnh, người dân đang hối hả chạy đua với thời gian để cho ra những bông hoa đẹp trong đợt Tết năm nay.

Với diện tích trên 50ha trồng hoa và khoảng 700 – 900 hộ dân trồng hoa theo thời vụ, chủ yếu tập trung tại thôn 2, 3, 4 và thôn 10, bình quân mỗi năm người dân Lý Trạch thu lợi khoảng hơn 20 tỉ đồng từ cây hoa.

4-2.jpg

Những cây hoa được gieo trồng từ tháng 11 cho vụ Tết Nguyên Đán. Ảnh: Hữu Liều

Đối với người dân tại đây, vụ Tết là vụ quan trọng nhất trong năm, khi nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng cao, trung bình mỗi vụ Tết, người dân thu lợi khoảng 50 triệu đồng từ cây hoa.

Bà Nguyễn Thị Han (Thôn 2, xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch) cho biết hiện tại đang là thời điểm gay cấn nhất của mùa hoa vụ Tết khi người dân phải canh cho hoa không bị nở sớm.

“Hiện tại, đa số cây hoa đều đã đi được nửa chặng đường, và chuẩn bị bước vào thời gian quan trọng nhất. Đây là thời điểm mà chúng tôi cần phải chăm sóc cây hoa, chuẩn bị những điều kiện đầy đủ nhất để giúp cho cây hoa không bị nở sớm. Nếu hoa nở sớm thì coi như mất Tết”, bà Han chia sẻ thêm.

3-2-2.jpg

Người dân Lý Trạch chăm sóc hoa cho vụ Tết năm nay. Ảnh: Hữu Liều

Vì trồng cây hoa ngắn ngày như hoa cúc, lay ơn, hoa ly… nên vụ Tết của người dân tại đây thường bắt đầu từ tháng 11, đây là thời điểm mà người trồng hoa bắt đầu gieo hạt giống và ươm mầm cây con. Sau khoảng 2 – 3 tháng, cây sẽ nở hoa đúng vào dịp Tết Nguyên Đán, sẵn sàng phục vụ nhu cầu của người mua.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều hộ dân trồng hoa năm nay đã giảm bớt số lượng và diện tích trồng hoa xuống, do lo ngại những ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ khiến sức tiêu thụ của người dân suy giảm.

Theo thống kê, hiện tại toàn tỉnh Quảng Bình có khoảng 29 làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động nông thôn.

Nguồn: Theo báo Lao động

Bình luận

Hải Phòng: Nghề nuôi ngao mang lại thu nhập 1.000 tỉ đồng mỗi năm

Từ 2003 bãi nuôi thả ngao đã được hình thành tại bãi triều cửa sông Văn Úc, huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng). Đến nay, nghề nuôi ngao đã giúp hàng nghìn hộ gia đình vươn thoát nghèo, có của ăn của để, giá trị kinh tế mỗi năm đạt 600 - 1.000 tỷ đồng

Tôm mới thả, đã chết như ngả rạ

Nhiều vùng nuôi ở Khánh Hòa tôm mới thả chưa đầy 1 tháng đã chết la liệt, người nuôi bỏ đầm. Thời tiết bất thường được nhận định là nguyên nhân khiến tôm chết.

Khó khăn nghề cá ở Thanh Hóa

Đầu năm nay, nhiều phương tiện nghề cá ở Thanh Hóa “nằm bờ” nên sản lượng đánh bắt hải sản 4 tháng đầu năm giảm hơn 4% so cùng kỳ. Ngư dân mong Nhà nước có chính sách bình ổn, hỗ trợ giá dầu để tiếp tục vươn khơi, bám biển.

Làm nông trên lưng chừng núi giữa biển Tây

Sống ở đảo khơi với quỹ đất hạn hẹp, nông dân huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang) phải lên lưng chừng núi, chắt chiu những triền đất ít dốc để làm nông rất vất vả.

Độc đáo làng bè trên đảo 'giàu - sang'

Không chỉ rất phong phú những loài hải sản đặc hữu quý hiếm, ngư dân ở huyện đảo Phú Quý đã sáng tạo ra những công trình nuôi hải sản độc đáo hiếm có.

'Chuyện đời' cây tỏi Lý Sơn

Với vài trăm m2 đất, người trồng tỏi ở Lý Sơn thu được đến mấy chỉ vàng mỗi vụ. Đó là lý do mà loại cây này được ví với cái tên 'vàng trắng'.

Nguy hiểm đeo chì lặn biển bắt ốc, vớt rong

Ngư dân bất chấp nguy hiểm đeo chì nặng vào người để người lặn sâu xuống nước bắt ốc, vớt rong. Ngành chức năng đã cảnh báo và tịch thu dụng cụ nguy hiểm này.

Giải lời nguyền cho cây thanh long: Mối liên kết rời rạc, vai trò hợp tác xã mờ nhạt

Khó khăn về thị trường khiến người trồng bắt đầu chặt bỏ cây thanh long, giống cây trồng giúp người nông dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Đấy là hệ quả của tập quán sản xuất kiểu nhỏ lẻ, tự phát, manh mún tại trong vùng trồng thanh long

Giải "lời nguyền" cho cây thanh long: “Vị đắng cây làm giàu”

Hệ quả của việc sản xuất mang tính nhỏ lẻ, tự phát, manh mún, sự cạnh tranh không lành mạnh giữa những người trồng khiến thanh long mất dần giá trị và ngày càng thất thế trên thị trường.

Ngư dân cần được tiếp sức để vươn khơi

Ngư trường ngày một thu hẹp, sản lượng đánh bắt giảm sút, chi phí đầu vào tăng cao đẩy ngư dân khắp vùng biển Nghệ An vào tình cảnh lao đao.