Mở lối đi mới cho vựa trái cây ĐBSCL: Liệu sầu riêng có thành sầu chung?

Chặt phá vườn cây lâu năm để trồng sầu riêng, lấy đất lúa trồng sầu riêng... chưa bao giờ cây sầu riêng lại bùng phát trên đất ĐBSCL như hiện nay. Tuy nhiên, việc nhiều người đồng loạt trồng cây sầu riêng bằng mọi giá...

Tuy nhiên, việc nhiều người đồng loạt trồng cây sầu riêng bằng mọi giá và xem như lối thoát hiểm khỏi cơn lốc trái cây rớt giá, đã dấy lên nỗi lo lớn hơn những gì đã và đang đè nặng lên thủ phủ cây ăn trái Việt Nam. 

7-4.jpg

Chợ sầu riêng ở Đồng Tháp. Ảnh: LT

“Cơn bão” sầu riêng trên đất lúa

Sầu riêng đang đâm nhánh, sầu riêng đang bén rễ và nhiều ruộng lúa đang chuẩn bị lên liếp trồng sầu riêng... Chỉ một loáng dọc dài huyện Tam Nông, Tháp Mười (Đồng Tháp) tôi không tài nào nhớ nổi đã đi qua bao nhiêu vườn sầu riêng đã thành và càng không sao biết được sẽ có bao nhiêu vườn sầu riêng sẽ thành trên nền đất lúa này. 

Đặc biệt càng gần địa giới tỉnh Tiền Giang - thủ phủ cây sầu riêng ĐBSCL - như  huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), Tân Thạnh (Long An) cây sầu riêng phát triển càng mạnh. Cơ hồ như cánh đồng phèn Đồng Tháp Mười đang trên đường trở thành xứ sở mới của cây sầu riêng.

Xác nhận Đồng Tháp đang phát triển mạnh cây sầu riêng, TS Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: Không chỉ đốn hạ cây trồng lâu năm giá trị kinh tế thấp để nhường chỗ cho cây sầu riêng, nhiều địa phương còn mạnh dạn đưa cây sầu riêng lên đất lúa.

TS Điền đưa ra thí dụ, ngay địa phương có thế mạnh về cây lúa như Tam Nông, chỉ 2 năm nay đã phát triển mới khoảng 500-600ha sầu riêng. 

Anh Nguyễn Thanh Tâm, chủ vườn sầu riêng tại khu vực kênh Ranh (thị trấn Tràm Chim, Tam Nông) thì bất ngờ có khách đến. Anh giới thiệu tên là Dương Văn Đà  ở xã Phú Thọ (Tam Nông) muốn đến tham quan, tìm hiểu về cây sầu riêng. Sau khi nghe anh Tâm trao đổi những thông tin cần thiết trong quá trình tham quan vườn, anh Đà đã chốt hạ trong 1 nốt nhạc: “Sau nhiều ngày tìm hiểu, giờ được tận mắt thấy, có thêm niềm tin, tôi quyết định mang toàn bộ 1,5ha đất lúa của mình lên liếp trồng sầu riêng”.

Không chỉ “phủ sóng” lên vùng Đồng Tháp Mười lân cận với thủ phủ, “cơn bão” cây sầu riêng còn quét đến tận cánh vùng Tứ giác Long Xuyên. Tuy chỉ mới xuất phát và chưa có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng qua thực tế, chúng tôi ghi nhận cây sầu riêng đã bén rễ tại huyện Chợ Mới, Châu Phú, Tri Tôn (An Giang), Hòn Đất, Kiên Lương... (Kiên Giang). 

Trồng - chặt, bình thường hay...

Đến Châu Thành (Đồng Tháp) nhìn những lão nông tri điền đốn hạ vườn nhãn hay nhà nông Chợ Mới (An Giang) chặt cây mãng cầu... để nhường đất cây sầu riêng, thoáng buồn, nhưng không hề ngạc nhiên. Bởi hàng chục năm qua người dân ĐBSCL đã chứng kiến bao nỗi gian truân của nhà vườn quay cuồng trong điệp khúc trồng - chặt vì “rớt giá khó bán”. 

Với kinh nghiệm nhiều năm công tác tại Viện Cây ăn quả miền Nam trước khi về nhận nhiệm vụ phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp, TS Lê Quốc Điền chia sẻ: “Các nghiên cứu quốc tế đã đúc kết trồng - chặt là chuyện không lạ với nông nghiệp Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. 

Và nó thường  xuất hiện trên các thửa vườn có quy mô dưới 6ha”. Bởi phần lớn các hộ này thiếu tiềm lực kinh tế nên dễ tổn thương trước sự bất trắc nhất thời của thị trường.

Tại buổi trao đổi riêng với Lao Động, TS Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam (Tiền Giang)  cho rằng “Việc mạnh dạn chặt bỏ cây trồng giá trị kinh tế thấp, hay sử dụng đất lúa kém hiệu quả là tín hiệu vui và đáng trân trọng”. 

Bởi trước hết, việc từ bỏ cây trồng có giá trị kinh tế thấp để chọn loại cây có giá trị kinh tế cao, là biểu hiện tư duy nhạy bén, dám làm của nhà nông thời hiện đại trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hiệu quả kinh tế.

Hơn thế nữa, theo TS Thoại, đây còn là sự chuyển dịch mang tính thích ứng với tác động của Biến đổi khí hậu toàn cầu - nước biển dâng. 

Sầu riêng liệu sẽ tránh được "vết xe đổ..."

ThS Nguyễn Phước Tuyên, nguyên Trưởng Phòng Nghiên cứu khoa học và thông tin (Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp) - cho biết: Sầu riêng là cây trồng “con nhà giàu”, không chỉ đòi hỏi cao về chăm sóc mà dễ mắc các bệnh “nặng” như thối gốc chảy mủ do nấm Phytophthora..., nhất là trên nền đất phèn như vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, mà còn rất mẫn cảm với nguồn nước, hóa chất”.

 ThS Tuyên, nhấn mạnh: “Vì thế nếu sử dụng phân thuốc quá liều, không chỉ làm tăng chi phí sản xuất mà còn ảnh hưởng đến sinh trưởng cây”.

Đồng quan điểm này, TS Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết thêm: “Cây sầu riêng đòi khỏi rất khắt khe về đất đai, giống trồng và kỹ thuật canh tác. Tuy nhiên, do “phát triển nóng” nên nhà vườn đang thiếu cả 3 điều này và chưa biết bao giờ mới đủ khi phong trào trồng cây sầu riêng phát triển tự phát như hiện nay. Trong khi đó, do phần lớn hệ thống cán bộ nông nghiệp ở đây chỉ mạnh về cây lúa, con cá... nên sự hỗ trợ trên cây sầu riêng có giới hạn”.

Đành rằng liên tiếp mấy năm gần đây, giá sầu riêng ở mức cao và  lợi nhuận có khi lên đến trên dưới 1 tỉ đồng/ha/năm, nhưng chi phí, thời gian đầu tư cũng đòi hỏi cao. Là cây lâu năm (bình quân cho trái lần đầu sau 5 năm trồng) và đòi hỏi đầu tư rất cao.

 Theo ước tính, chi phí đầu tư cây sầu riêng cho đến thời điểm thu hoạc đợt trái đầu tiên, lên đến 6-10 triệu đồng. Trong khi đó cũng như phần lớn các loại trái cây khác, đầu ra của trái sầu riêng là xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. 

Tuy nhiên, cách làm này đang gặp trở ngại khi phía Trung Quốc đang chấm dứt nhập tiểu ngạch, chuyển sang nhập chính ngạch...

Quan tâm, đầu tư tạo ra xa lộ để sầu riêng tăng tốc trên đường phát triển bền vững và hội nhập sâu, rộng là cần thiết để mang kim ngạch về cho đất nước, nhưng điều đáng quan tâm hơn là làm gì để từ đây các loại trái cây chủ lực khác của ĐBSCL sẽ tránh được vết xe đổ như thanh long, mít Thái đã gục ngã trước khi cơn bão cây sầu riêng bùng phát? 

“Gia công” 0 đồng

Thời gian qua, nhiều nhà vườn ĐBSCL trồng cây giống có nguồn gốc nước ngoài. Trước sầu riêng, có me, mít, chôm chôm, nhãn (Thái), xoài Keo (Campuchia), dừa Mã Lai (Malaisia)... Cách làm này được xem như gia công với giá 0 đồng vì “nâng” giá trị thương hiệu cho trái cây cho nước ngoài mà còn không được trả công. Thậm chí còn phải mất thêm tiền bởi sự “phân biệt đối xử” của nhà nhập khẩu. Không chỉ mặc nhiên xem trái cây trồng ở Việt Nam là thứ phẩm, mà áp giá thấp hơn “chính quốc”. Điển hình là nhãn. Số liệu ở chợ đầu mối tỉnh Quảng Châu từ năm 2014 đến nay cho thấy, nhãn Thái trồng tại Việt Nam luôn được mua với giá thấp hơn 50% so với  nhãn Thái trồng tại Thái Lan...". ThS Nguyễn Phước Tuyên


 
 
 
 

 

Nguồn: Theo báo Lao động

Bình luận

Hải Phòng: Nghề nuôi ngao mang lại thu nhập 1.000 tỉ đồng mỗi năm

Từ 2003 bãi nuôi thả ngao đã được hình thành tại bãi triều cửa sông Văn Úc, huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng). Đến nay, nghề nuôi ngao đã giúp hàng nghìn hộ gia đình vươn thoát nghèo, có của ăn của để, giá trị kinh tế mỗi năm đạt 600 - 1.000 tỷ đồng

Tôm mới thả, đã chết như ngả rạ

Nhiều vùng nuôi ở Khánh Hòa tôm mới thả chưa đầy 1 tháng đã chết la liệt, người nuôi bỏ đầm. Thời tiết bất thường được nhận định là nguyên nhân khiến tôm chết.

Khó khăn nghề cá ở Thanh Hóa

Đầu năm nay, nhiều phương tiện nghề cá ở Thanh Hóa “nằm bờ” nên sản lượng đánh bắt hải sản 4 tháng đầu năm giảm hơn 4% so cùng kỳ. Ngư dân mong Nhà nước có chính sách bình ổn, hỗ trợ giá dầu để tiếp tục vươn khơi, bám biển.

Làm nông trên lưng chừng núi giữa biển Tây

Sống ở đảo khơi với quỹ đất hạn hẹp, nông dân huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang) phải lên lưng chừng núi, chắt chiu những triền đất ít dốc để làm nông rất vất vả.

Độc đáo làng bè trên đảo 'giàu - sang'

Không chỉ rất phong phú những loài hải sản đặc hữu quý hiếm, ngư dân ở huyện đảo Phú Quý đã sáng tạo ra những công trình nuôi hải sản độc đáo hiếm có.

'Chuyện đời' cây tỏi Lý Sơn

Với vài trăm m2 đất, người trồng tỏi ở Lý Sơn thu được đến mấy chỉ vàng mỗi vụ. Đó là lý do mà loại cây này được ví với cái tên 'vàng trắng'.

Nguy hiểm đeo chì lặn biển bắt ốc, vớt rong

Ngư dân bất chấp nguy hiểm đeo chì nặng vào người để người lặn sâu xuống nước bắt ốc, vớt rong. Ngành chức năng đã cảnh báo và tịch thu dụng cụ nguy hiểm này.

Giải lời nguyền cho cây thanh long: Mối liên kết rời rạc, vai trò hợp tác xã mờ nhạt

Khó khăn về thị trường khiến người trồng bắt đầu chặt bỏ cây thanh long, giống cây trồng giúp người nông dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Đấy là hệ quả của tập quán sản xuất kiểu nhỏ lẻ, tự phát, manh mún tại trong vùng trồng thanh long

Giải "lời nguyền" cho cây thanh long: “Vị đắng cây làm giàu”

Hệ quả của việc sản xuất mang tính nhỏ lẻ, tự phát, manh mún, sự cạnh tranh không lành mạnh giữa những người trồng khiến thanh long mất dần giá trị và ngày càng thất thế trên thị trường.

Ngư dân cần được tiếp sức để vươn khơi

Ngư trường ngày một thu hẹp, sản lượng đánh bắt giảm sút, chi phí đầu vào tăng cao đẩy ngư dân khắp vùng biển Nghệ An vào tình cảnh lao đao.