Ngư dân Bình Thuận quay lại biển sau giãn cách

Ngay sau khi tình hình dịch Covid-19 dần được kiểm soát, UBND thị xã La Gi (Bình Thuận) đã cho phép tàu cá từ 15m trở lên gắn thiết bị giám sát hành trình rời Cảng cá La Gi ra biển đánh bắt thủy sản.

02-1632532282003.jpg

Bốc dỡ hàng hải sản tại cảng cá Phan Thiết.

Thời gian này, đang vụ cá nam, các loại cá rất dồi dào, khai thác hiệu quả, bà con ngư dân phấn khởi.
 
Ngư dân phấn khởi ra khơi

Ông Bạch Lòng, ở phường Bình Tân, thị xã La Gi, một ngư dân có uy tín tại địa phương cho biết, sau khi chính quyền cho tàu thuyền ra biển khai thác thủy sản trở lại, ông đã huy động tất cả 6 tàu cá công suất từ 500 đến hơn 800 CV, cùng với 60 lao động hoạt động khai thác ở vùng biển phía nam. Chỉ sau chuyến biển khoảng 10 ngày, từ ngày 9 đến 19/9 tất cả tàu đã cập Cảng với sản lượng đánh bắt hơn 100 tấn cá các loại. Sau khi trừ tất cả chi phí, mỗi lao động được chia thu nhập từ 6-8 triệu đồng, không riêng gì ông là chủ tàu mà anh em lao động đều rất vui mừng vì có thu nhập, trang trải được chi phí, cuộc sống gia đình đã ổn định trở lại sau 2 tháng phải nằm bờ vì giãn cách xã hội.

01-1632532920993.jpg

Tàu cá liên tục cập cảng cá Phan Thiết bốc dỡ sản phẩm.

“Năm nay, vụ cá nam nhiều, có thể do dịch bệnh nên lượng tàu thuyền đi biển ít hơn so các năm trước, nay được ra biển trở lại ngư dân chúng tôi trúng đậm. Chúng tôi phải tranh thủ thời gian, cố gắng đi nhiều chuyến biển khai thác khi vụ cá nam còn khoảng 1 tháng nữa là hết”, ông Bạch Lòng phấn khởi nói khi vừa cho đội tàu cá rời cảng đi chuyến biển tiếp theo, sau khi đã được bổ sung thực phẩm và nhiên liệu.

Theo Ban Quản lý cảng cá La Gi, từ ngày 9 đến 23/9 đã có hơn 550 lượt tàu cá xuất bến, trong đó đã có 142 chiếc cập bến bốc dỡ sản phẩm; sản lượng hàng hải sản bốc dỡ được hơn 1.262 tấn.

Ngay sau khi UBND thị xã La Gi cho phép tàu thuyền hoạt động trở lại, Ban Quản lý Cảng cá La Gi đã xây dựng phương án bốc dỡ hải sản trên tàu cá cập cảng để giảm thiệt hại cho ngư dân và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, chủ tàu cá phải chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên tàu cá và thời gian bốc dở hải sản lên phương tiện vận tải, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho mọi người, gồm thuyền trưởng, thuyền viên và lao động bốc xếp tham gia bốc dỡ hải sản và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra dịch bệnh lây lan. Phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 cho kết quả âm tính trong vòng 72 giờ đối với chủ tàu cá, thuyền trưởng, thuyền viên, lao động bốc xếp, tài xế và người đi theo xe khi vào cảng.

Sau khi TP Phan Thiết nới lỏng giãn cách xã hội thực hiện theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 8/9, tuy vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nhưng hoạt động mua bán tại cảng cá Phan Thiết (Bình Thuận) đã sôi động và nhộn nhịp hơn khi vụ cá nam đang rộ.

05-1632532921494.jpg

Hoạt động mua bán tại cảng cá Phan Thiết đã sôi động hơn khi vụ cá nam đang rộ.

Theo Ban Quản lý cảng cá Phan Thiết, hiện nay, bình quân một ngày có khoảng hơn 170 lượt tàu cá ra vào. Trong đó, có khoảng 1/3 là tàu khai thác gần bờ, còn lại là tàu đánh bắt xa bờ với mỗi chuyến đi biển khoảng từ 7 đến 10 ngày. Ngành nghề khai thác chủ yếu là vây rút chì, lưới cước, giã đơn. Các loại hải sản đánh bắt được chủ yếu là cá bạc má, cá ngừ, cá nục, cá cơm, mực… bình quân mỗi ngày có hơn 100 tấn hải sản được bốc dỡ.

Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Phan Thiết Nguyễn Hoài Tiến cho biết, từ ngày 8/9 đến nay, hơn 3.000 tấn hải sản đã được bốc dỡ tại cảng. Nếu so cùng thời điểm các năm trước, sản lượng như vậy là nhiều, bởi Cảng mới chỉ tiếp nhận các tàu cá của địa phương chứ tàu cá các tỉnh khác chưa được vào theo quy định phòng, chống dịch.

Sản lượng dồi dào, mức tiêu thụ giảm

Mặc dù vụ cá nam đang rộ, sản lượng khai thác đạt cao nhưng giá các loại hải sản thấp hơn so mặt bằng chung khi chưa có dịch, nên thu nhập của người lao động không cao. Nhiều tiểu thương thu mua hải sản tại cảng cá Phan Thiết cho biết, giá các loại hải sản thấp là do sức mua giảm trong khi lượng hàng dồi dào, không thể tiêu thụ được. Nhiều loại giá thu mua chỉ bằng khoảng 1/3 so trước, thời gian gần đây tuy có nhích lên nhưng cũng chỉ được 50-60%.

Ông Nguyễn Hài Long, ở khu phố 5, phường Đức Thắng, TP Phan Thiết là chủ tàu cá BTh 99234 công suất 380 CV hành nghề giã cào đơn cho biết, tàu của ông có 5 lao động đã đi hai chuyến biển, chuyến gần đây nhất cho doanh thu hơn 100 triệu đồng, nhưng do  các khoản chi phí đầu vào như thực phẩm, nhiên liệu, đá lạnh đi biển tăng… cùng với đó là chi phí xét nghiệm Covid-19 cho lao động trước và sau khi đi biển nên thu nhập của lao động bị giảm, chỉ khoảng 3 triệu đồng/người/chuyến biển.

Ông Nguyễn Nở, chủ cặp tàu vây rút chì ở phường Đức Long, TP Phan Thiết cũng trong tình cảnh tương tự, sau chuyến biển 4 ngày, tàu của ông đánh bắt được hơn 7 tấn hải sản, nhưng bán giá thấp hơn so trước vì lượng cá tồn kho ở các vựa còn rất nhiều, nên các chủ vựa thu mua ít với giá thấp, còn lại chủ tàu phải tự tìm nguồn tiêu thụ nên phải bán giá thấp để có tiền trả cho người lao động, cũng như trang trải kinh phí cho các chuyến biển. Bình quân mỗi lao động thu nhập khoảng 5 triệu đồng, thấp hơn so trước đây.

07-1632532921134.jpg

Ngư dân được test Covid-19 trước và sau mỗi chuyến đi biển.

Tình hình sản lượng hải sản khai thác được nhiều, nhưng khả năng tiêu thụ, thu mua và chế biến giảm dẫn đến giá cá cũng xuống theo, không chỉ ảnh hưởng đến ngư dân mà còn với các doanh nghiệp thu mua và người lao động trong khu vực.

Ông Đỗ Văn Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH hải sản Bích Thanh tại cảng cá Phan Thiết cho biết, hằng năm vào vụ cá nam, một ngày Công ty có thể thu mua từ 300-400 tấn. Lúc cao điểm huy động từ 200-300 trăm người làm để lựa chọn, phân loại, bốc xếp, vận chuyển, giao sản phẩm đến các đầu mối tiêu thụ. Nhưng từ khi có dịch, do hầu hết các nhà máy chế biến hải sản, các chợ đầu mối chưa hoạt động trở lại, nên hàng của Công ty không thể tiêu thụ được. Thành ra, khi sản lượng cá có nhiều, nhưng không thể tiêu thụ được, giá cả hạ, nhiều loại hải sản trước đây đưa vào kho đông lạnh để chế biến xuất khẩu thì nay phải hạ giá bán cho các nhà máy chế biến tại chỗ hoặc vào các cơ sở chế biến nước mắm.

“Với vụ cá nam rộ như thế này, nhưng do các kho chứa không còn đủ khả năng chứa nữa, chỉ trong khoảng 2-3 ngày mà tàu cập bến là đã không thể thu mua được nữa. Mình chỉ mua chỉ khoảng 1/3 sản lượng tàu khai thác được để nhân viên có công ăn việc làm chứ không thể mua hết, phải cho tàu đi bán hải sản chỗ khác, mà hầu như tất cả các doanh nghiệp, vựa thu mua hải sản cũng trong tình trạng tương tự”, ông Thanh nói.

Trước đó, vào ngày 22/9, UBND thị xã La Gi cho phép tàu thuyền dưới 15m của địa phương được hoạt động thủy sản trên biển. Như vậy, tất cả tàu cá của ngư dân thị xã La Gi với khoảng 2.000 chiếc đã trở lại hoạt động sau hơn 2 tháng tạm dừng hoạt động. Đây là nỗ lực của tất các cấp chính quyền, lực lượng chức năng để bảo đảm mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân địa phương nói chung và cho ngư dân nói riêng.

 

Nguồn: Theo báo Nhân dân

Bình luận

Hải Phòng: Nghề nuôi ngao mang lại thu nhập 1.000 tỉ đồng mỗi năm

Từ 2003 bãi nuôi thả ngao đã được hình thành tại bãi triều cửa sông Văn Úc, huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng). Đến nay, nghề nuôi ngao đã giúp hàng nghìn hộ gia đình vươn thoát nghèo, có của ăn của để, giá trị kinh tế mỗi năm đạt 600 - 1.000 tỷ đồng

Tôm mới thả, đã chết như ngả rạ

Nhiều vùng nuôi ở Khánh Hòa tôm mới thả chưa đầy 1 tháng đã chết la liệt, người nuôi bỏ đầm. Thời tiết bất thường được nhận định là nguyên nhân khiến tôm chết.

Khó khăn nghề cá ở Thanh Hóa

Đầu năm nay, nhiều phương tiện nghề cá ở Thanh Hóa “nằm bờ” nên sản lượng đánh bắt hải sản 4 tháng đầu năm giảm hơn 4% so cùng kỳ. Ngư dân mong Nhà nước có chính sách bình ổn, hỗ trợ giá dầu để tiếp tục vươn khơi, bám biển.

Làm nông trên lưng chừng núi giữa biển Tây

Sống ở đảo khơi với quỹ đất hạn hẹp, nông dân huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang) phải lên lưng chừng núi, chắt chiu những triền đất ít dốc để làm nông rất vất vả.

Độc đáo làng bè trên đảo 'giàu - sang'

Không chỉ rất phong phú những loài hải sản đặc hữu quý hiếm, ngư dân ở huyện đảo Phú Quý đã sáng tạo ra những công trình nuôi hải sản độc đáo hiếm có.

'Chuyện đời' cây tỏi Lý Sơn

Với vài trăm m2 đất, người trồng tỏi ở Lý Sơn thu được đến mấy chỉ vàng mỗi vụ. Đó là lý do mà loại cây này được ví với cái tên 'vàng trắng'.

Nguy hiểm đeo chì lặn biển bắt ốc, vớt rong

Ngư dân bất chấp nguy hiểm đeo chì nặng vào người để người lặn sâu xuống nước bắt ốc, vớt rong. Ngành chức năng đã cảnh báo và tịch thu dụng cụ nguy hiểm này.

Giải lời nguyền cho cây thanh long: Mối liên kết rời rạc, vai trò hợp tác xã mờ nhạt

Khó khăn về thị trường khiến người trồng bắt đầu chặt bỏ cây thanh long, giống cây trồng giúp người nông dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Đấy là hệ quả của tập quán sản xuất kiểu nhỏ lẻ, tự phát, manh mún tại trong vùng trồng thanh long

Giải "lời nguyền" cho cây thanh long: “Vị đắng cây làm giàu”

Hệ quả của việc sản xuất mang tính nhỏ lẻ, tự phát, manh mún, sự cạnh tranh không lành mạnh giữa những người trồng khiến thanh long mất dần giá trị và ngày càng thất thế trên thị trường.

Ngư dân cần được tiếp sức để vươn khơi

Ngư trường ngày một thu hẹp, sản lượng đánh bắt giảm sút, chi phí đầu vào tăng cao đẩy ngư dân khắp vùng biển Nghệ An vào tình cảnh lao đao.