Nông dân Anh sắp phải tiêu hủy lợn hàng loạt?

Đây sẽ là lần đầu tiên nông dân Anh được yêu cầu tiêu hủy động vật hàng loạt kể từ khi dịch lở mồm long móng bùng phát cách đây hai thập kỷ.

4653-135110_878.jpg

Các đại diện của ngành công nghiệp thịt cảnh báo nông dân có thể được yêu cầu bắt đầu tiêu hủy lợn "nhân đạo" do tình trạng thiếu carbon dioxide. Ảnh: Alamy.

Những người chăn nuôi lợn ở Anh là nạn nhân mới nhất của cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng, có nguy cơ gây ra tình trạng thiếu carbon dioxide được sử dụng trong ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống.

Các nhà phân tích đổ lỗi cho giá khí đốt cao do nhu cầu tăng cao từ Trung Quốc và mức dự trữ thấp ở châu Âu khi mùa đông sắp đến. Giá khí đốt cao khiến giá điện ở Anh, Tây Ban Nha và các nơi khác ở châu Âu tăng vọt, gây áp lực lên người tiêu dùng và ngành công nghiệp. Một vụ hỏa hoạn gây ra sự cố mất điện lớn trong một tuyến cáp điện chạy giữa Anh và Pháp hôm 15/9 gây thêm áp lực lên giá điện.

Giá khí đốt tăng cao làm đình trệ các nhà máy hóa chất sản xuất phân bón toàn EU, với sản phẩm phụ là carbon dioxide, được sử dụng trong chế biến đồ uống có ga và bia cũng như được sử dụng để gây choáng cho động vật như lợn và gà trước khi giết mổ.

Các đại diện của ngành công nghiệp thịt đã cảnh báo rằng những người nông dân sắp có thể được yêu cầu bắt đầu tiêu hủy lợn “nhân đạo” vì sự thiếu hụt khí carbon dioxide dùng trong việc giết mổ những động vật tồn đọng ở các lò mổ vốn đã thiếu nhân công trong bối cảnh thiếu lao động.

Hiệp hội các nhà chế biến thịt của Anh (British Meat Processors Association) cho biết trong một tuyên bố rằng một khi nguồn dự trữ carbon dioxide hiện tại cạn kiệt - ước tính chỉ còn chưa đầy 14 ngày - một số công ty sẽ cần "ngừng thu nhận động vật và đóng cửa dây chuyền sản xuất".

Nick Allen, Giám đốc điều hành của Hiệp hội các nhà chế biến thịt của Anh, cho biết: “Chúng tôi cần ngoại trưởng kinh doanh khẩn cấp triệu tập các nhà sản xuất CO2 lớn để yêu cầu họ phối hợp nhằm giảm thiểu sự gián đoạn và cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp của Anh để có thể vạch ra các kế hoạch dự phòng".

Những lo lắng đột ngột về nguồn cung cấp lương thực cho thấy các vấn đề trong một ngành - trong trường hợp này là giá khí đốt tự nhiên cao kỷ lục - có thể nhanh chóng lan sang các ngành khác trong một nền kinh tế liên kết chặt chẽ như nước Anh.

Chính phủ nước này đã tổ chức các cuộc đàm phán khẩn cấp với các đại diện từ ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống, cũng như ngành thịt, vì lo ngại rằng rắc rối trong ngành công nghiệp hóa chất có thể ảnh hưởng đến nguồn cung cấp CO2 cho ngành thực phẩm.


Công ty hóa chất Yara International có trụ sở tại Na Uy hôm 17/9 đã đưa ra kế hoạch cắt giảm 40% sản lượng amoniac tại 6 cơ sở trên khắp châu Âu, bao gồm một nhà máy ở Hull, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng CO2. Công ty đổ lỗi cho giá khí đốt kỷ lục trên khắp châu Âu ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận.

Quyết định này được đưa ra sau khi Công ty CF Industries của Mỹ đóng cửa 2 nhà máy phân bón ở miền bắc nước Anh vào đầu tuần này, cũng vì giá khí đốt cao kỷ lục. CF Industries đóng cửa các nhà máy ở Billingham ở Teesside và Ince ở Cheshire, nơi sử dụng khoảng 600 công nhân.

Các nhà máy sản xuất phân bón sử dụng khí để sản xuất amoni nitrat được sử dụng trong nông nghiệp để hỗ trợ năng suất cây trồng, nhưng cũng tạo ra loại carbon dioxide dùng trong chế biến thực phẩm. Tình trạng thiếu CO2 cách đây 3 năm đã gây ra sự hoảng loạn cho các nhà sản xuất thịt cũng như các quán rượu và nhà máy bia.

Allen cho biết sự siết chặt mới nhất của chuỗi cung ứng carbon sẽ tồi tệ hơn sự gián đoạn năm 2018 vì không có "cảnh báo nào về việc đóng cửa theo kế hoạch" đã "đẩy ngành công nghiệp vào tình trạng hỗn loạn".

Zoe Davies, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Lợn nước Anh, nói với Guardian rằng các trang trại lợn đã "đến lúc bùng phát", tình trạng thiếu hụt carbon dioxide sẽ khiến các lò mổ ở Anh bị gián đoạn do thiếu lao động.

“Chính phủ phải can thiệp,” Daives nói. “Tôi đã nói chuyện với một người nông dân trước đó, người đã suýt rơi nước mắt khi nghĩ đến việc phải giết những con vật mà họ đã yêu thương nuôi nấng. [Trong trường hợp bất khả kháng], điều cuối cùng họ muốn thấy mới là việc động vật bị giết trong các trang trại”.

Liên đoàn Thực phẩm và Đồ uống nước Anh cũng đã đàm phán với các quan chức chính phủ về các vấn đề tiềm ẩn trong chuỗi cung ứng carbon dioxide của Vương quốc Anh và cho biết họ sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình để hiểu thêm về hậu quả.

Người phát ngôn của chính phủ cho biết tình hình đang được theo dõi chặt chẽ và các quan chức thường xuyên liên hệ với các tổ chức và ngành nông nghiệp và thực phẩm, để “giúp họ quản lý tình huống hiện tại”.

 

Bình luận

FAO: Dòng chảy lương thực thế giới sụt giảm kỷ lục

Dự báo mới của FAO cho thấy, dòng chảy thương mại lương thực thế giới năm nay có khả năng sụt giảm mạnh: 1,2% so với năm ngoái. Riêng mặt hàng gạo vẫn tăng 3,8%.

Bắc Mỹ sẵn sàng bù đắp sản lượng phân bón thiếu hụt

Các lệnh trừng phạt làm hạn chế nguồn cung phân bón của Nga và Belarus đã buộc hai “gã khổng lồ” phân bón Bắc Mỹ là Nutrien và Mosaic vào cuộc để lấp lỗ hổng.

Phân bón, thịt lợn Trung Quốc- 'thủ phạm' làm tăng lạm phát

Cuộc chiến Nga- Ukraine “đổ thêm dầu vào lửa” tạo ra khủng hoảng lạm phát tiêu dùng toàn cầu, nhưng Trung Quốc đã đóng góp phần không nhỏ làm cho vấn đề nghiêm trọng thêm.

Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ làm “nóng” thị trường dầu thực vật

Giá cọ, đậu tương, hạt cải dầu châu Âu và thậm chí cả dầu hạt cải GMO của Canada đã chạm mức cao kỷ lục sau thông báo cấm xuất khẩu dầu cọ của Indonesia ngày 27/4.

Trái cây và rau củ ngày càng ít dinh dưỡng hơn

Nhiều bằng chứng cho thấy nhiều loại thực phẩm ngày nay không chứa nhiều vitamin và chất dinh dưỡng như cách đây 70 năm, mặc dù chúng có bề ngoài ngon mắt.

Rabobank: Thị trường thịt lợn đang bị tác động mạnh

Rabobank nhận định, lợi nhuận của những người chăn nuôi lợn năm nay sẽ bị thách thức bởi chi phí thức ăn chăn nuôi, năng lượng, cước phí, bệnh dịch và giá nhân công tăng.

Giai đoạn chuyển giao nguồn cung nông sản thế giới: Biến số với thị trường chăn nuôi

Giá nông sản thế giới hiện đang tiến tới gần mức cao nhất trong một thập kỷ qua và gây ra không ít khó khăn cho ngành chăn nuôi hiện còn phụ thuộc vào nguồn cung đầu vào nhập khẩu ở nước ta.

Các nhà thám hiểm Mỹ bảo vệ cá quý hiếm sông Mekong

Các thành viên của Đại học Nevada (Mỹ) đang có chuyến thám hiểm nhân Ngày Trái đất để khám phá những khu vực sâu nhất của sông Mekong ở Đông Nam Á.

FAO phát động chiến dịch kiểm soát sâu keo mùa thu trên diện rộng

Chiến dịch kiểm soát sâu keo mùa thu quy mô rộng và kéo dài đến hết năm 2023, trước diễn biến dịch hại thực vật nguy hiểm này đang tàn phá hàng loạt cây trồng.

Trung Quốc tăng nhập khẩu sắn từ Thái Lan

Dù vẫn giữ vị trí thứ 2 về thị phần sắn tại thị trường Trung Quốc, Việt Nam giảm cả về sản lượng lẫn giá trị trong xuất khẩu những tháng đầu năm 2022.