Nông dân suốt đời làm lụng
Những thửa ruộng năm này tháng khác, mùa kế mùa in dấu chân của họ cày bừa, cấy hái... đất và người hoà quyện vào nhau như muôn đời không thể cách xa...
“Có người nói nông dân không tư tưởng
Nông dân làm cản trở bánh xe lăn.
Tôi đã thấy nông dân suốt một đời làm lụng
Nuôi cái ăn chung trên mảnh đất khô cằn”
(thơ Nguyễn Sĩ Đại)
Sinh ra trong gia đình làm ruộng nên từ nhỏ tôi cũng làm đủ thứ công việc đồng áng, ăn cơm nhút và ngủ chạn rơm.
Nghe ông bà, cha mẹ kể lại, hồi trước ruộng đất nằm trong tay địa chủ. Dân làng trên xóm dưới hầu hết phải cày thuê cuốc mướn, đầu tắt mặt tối nhưng không thể nào thoát được kiếp đói nghèo, khố rách áo ôm. Nghề làm ruộng chủ yếu nhờ trời. Năm mưa thuận gió hoà thì khá hơn. Năm đại hạn, bão lũ thì ruộng đồng thất bát, nạn đói hoành hành, làng quê xơ xác.
Nông dân vất vả một nắng hai sương. Ảnh: LHV.
Mẹ kể, những năm gặp nắng hạn, nước mặn lên tận chợ Vi, mọi người ngồi chờ con nước mới có thể tát lên cho ruộng cấy. Tát “ba trộc” từ hói Quốc lên tận đồng trên Cồn Tiền, Mụ Xẻo... nhiều khi nước chưa kịp chảy khắp mương thì hói sông đã cạn rặc. Không có nước thì không thể cấy, không cấy thì mùa ấy lại treo niêu, lại tay cuốc tay oi đi mót khoai chợ Lù hay tìm ra xứ Đông Thành chạy bữa.
Nhiều người tát nước đại hạn mà sinh lao lực suốt đời, có những bà con kiệt sức mà chết gục bên bờ ruộng... Cảnh đời người cùng đinh tháng ngày đen tối trong đói rách, bần hàn, tứ cố vô thân... Thưở ấy, đất không nuôi nổi người, nhưng nào phải đâu tại đất!
Thế hệ tôi sinh ra lớn lên bên bụi tre, quen mùi phân trâu bò, gà lợn và mùi bùn đất ruộng làng quê. Nhưng đã bước vào buổi vật đổi sao dời, nhờ cách mạng nên khi ấy mọi nông dân đã có ruộng cày. Gió Đại Phong đã nổi, cờ Duyên Hải bay cao...
Nhà nhà lại nô nức góp trâu ruộng vào hợp tác xã nông nghiệp. Những năm 60 thế kỷ trước, đã bắt đầu xuất hiện nhiều công trình thuỷ lợi, nhờ cải tiến kỹ thuật thâm canh, đưa giống cây con vào sản xuất, nhiều năm được mùa... Đất đã bắt đầu nuôi nổi người!
Và theo tiếng gọi non sông, những người trai làng tạm bỏ cày cuốc, hăng hái tòng quân, cầm súng ra trận. Làng tôi lại là địa phương đi đầu phong trào đóng góp nghĩa vụ lương thực “thóc không thiếu một cân” vì miền Nam ruột thịt. Bây giờ lớn lên, chiêm nghiệm mới cho tôi nhận ra một điều chắc chắn rằng, chính những ngàn vạn hợp tác xã nông nghiệp hồi ấy đã tạo nên một hậu phương lớn miền Bắc hùng hậu, vượt qua mưa bom bão đạn chi viện cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược... Công trạng, đóng góp vô cùng to lớn.
... Mỗi khi về thắp hương bái lạy tổ tiên nơi nghĩa trang, tôi không quên đến bên linh đài chung thắp một nén hương tưởng nhớ những người trong làng đã khuất...
Những người mà trong những năm gian khổ nhất đã đổ mồ hôi sôi nước mắt trên mỗi luống cày, thửa ruộng. Còn như thấy bóng dáng áo tơi những Cố Chánh, Cố Thanh, Cố Dung, Cố Bảng..., mưa rét run cầm cập, thi thoảng họ trâu lên bờ rít một khói thuốc lào và ngâm nga hát bài Phụ tử tình thâm...
Như vẫn thấy bà Bảng và các mẹ các chị giăng dây cấy thẳng hàng, thi thoảng cất lên những câu hò cao vút, và để rồi trong nước mắt lòng mẹ lại thổn thức nỗi mong chờ những đứa con từ chiến trường trở về, biết ai còn ai mất... Trong mỗi cây lúa mẹ cấy, mỗi hạt thóc mẹ phơi đều chan chứa tình mẹ hướng về con, về tiền tuyến...
Phụ nữ nông thôn. Ảnh: Trọng Chính.
Những thửa ruộng năm này tháng khác, mùa kế mùa in dấu chân của họ cày bừa, cấy hái... đất và người hoà quyện vào nhau như muôn đời không thể cách xa... Muôn thuở đất nuôi người và muôn thuở người là hoa của đất!
Bây giờ, sau ba bốn chục năm đi qua, làng quê đã tiến bước dài lên nông thôn mới. Cuộc sống đã sang trang, máy móc đã thay sức người... Nhưng cái cảnh cổ cày tay trâu, cái cảnh bán mặt cho đất bán lưng cho trời, vô cùng vất vả của nghề nông vẫn cứ đeo đẳng, ám ảnh trong tôi... Thương lắm cha mẹ ta, các ông các bà nơi làng xóm tôi một thời gian khổ như thế... Và biết mình còn nhiều duyên nợ với quê hương, biết lấy gì trả cho hết nợ với đất quê với người quê...
Mẹ tôi là một trong những người nông dân như thế. Có thể là một mẫu hình đáng tự hào cho con cháu, tuy mẹ chỉ là một nông dân trọn đời gắn bó với công việc đồng áng, khéo tay hay làm mà thôi. Thiên chức và thân phận đè nặng một đời mẹ, có cả cam chịu và có cả chút hy vọng ở tương lai...
Ngày hai buổi trống hợp tác điểm giờ là mẹ ra đồng, nhiều bữa tận trưa hay tối mịt mới về vì cùng bà con cố cấy cho xong thửa ruộng, áo đẫm mồ hôi và tóc lấm bùn. Mấy mươi năm, cứ thế mùa này qua vụ khác, mỗi thước đất đồng làng in hằn bao dấu chân của mẹ.
Về nhà mẹ lai lo gánh nước, dọn chuồng, nấu và cho lợn ăn, xay giã dần sàng, chợ búa. Nhiều đêm không kịp tắm táp. Mờ sáng đã dậy nấu cho con ăn đi học đường xa. Những gánh củi, gánh sim rú Hống đè nặng vai mẹ nhưng chưa là gì so với những ngày đi dân công Trung Lào gánh gạo vượt qua nước Sốt, cầu treo thuở nào, hay những đêm gánh tấp bổi vượt mưa bom ứng cứu cho ngã ba Đồng Lộc, Cổ Ngựa, Cầu Già.
Người ta khen mẹ cấy lúa đẹp, lượm lúa gọn gàng, làm chi cũng nhanh cũng khéo, vất vả một đời nhưng không một lời than thở. Tất cả mẹ chịu thương chịu khó cho chồng, cho những đứa con và rộng xa hơn là cho quê hương đất nước. Mẹ tôi như bao bà mẹ của chúng ta, thân thương bình dị nhưng rất đỗi phi thường và vĩ đại biết bao!
Một đời vất vả, nhưng may trời còn cho mẹ được sống đến hôm nay để tận mắt chứng kiến bao đổi thay của làng quê ta trên đường đi lên nông thôn mới.
Hôm nay đây, trên những thửa ruộng cha cày mẹ cấy năm xưa không còn cái cảnh con trâu đi trước cái cày theo sau. Nước thuỷ lợi chảy tận từng thửa ruộng. Nông dân làm đất bằng máy, gặt đập bằng máy, vận chuyển lúa về nhà bằng xe kéo động cơ... Nhà làm một vài mẫu, năng suất cao, thu vài ba tấn là chuyện thường.
Góc quê hôm nay bình yên và tươi đẹp. Ảnh: Huy Đạt.
Nhà cao tầng, nhà ngói mọc lên khắp đầu làng cuối xóm. Đường bê tông đường nhựa đến tận từng nhà. Xe máy, ti vi, tủ lạnh, máy điều hoà nhiệt độ... hiện hữu trong tiện nghi của mỗi gia đình nông thôn ta. Đêm đêm, tràn ngập ánh điện, như cả một trời sao... cuộc sống ấm no hạnh phúc hơn xưa cả trăm lần... Tất cả những điều đó đã mang đến sức sống mới, diện mạo mới cho làng Mật - Kim Lộc hôm qua, Kim Song Trường hôm nay của Can Lộc, Hà Tĩnh quê ta và khắp mọi làng quê đất nước.
Mùa thu, muôn ngọn cờ đỏ sao vàng bay trong nắng sớm, tưởng như ngàn bông hoa đang nở, thấy niềm tin rạng ngời trên mỗi gương mặt con cháu hôm nay và cũng chan chứa trong con tim mỗi người niềm thương, lòng biết ơn về ông bà cha mẹ, về đồng đất làng quê những ngày xưa ấy...
Tình đất, tình người, tình quê mãi thắm đượm hồn tôi!
Hải Phòng: Nghề nuôi ngao mang lại thu nhập 1.000 tỉ đồng mỗi năm
Từ 2003 bãi nuôi thả ngao đã được hình thành tại bãi triều cửa sông Văn Úc, huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng). Đến nay, nghề nuôi ngao đã giúp hàng nghìn hộ gia đình vươn thoát nghèo, có của ăn của để, giá trị kinh tế mỗi năm đạt 600 - 1.000 tỷ đồng
Tôm mới thả, đã chết như ngả rạ
Nhiều vùng nuôi ở Khánh Hòa tôm mới thả chưa đầy 1 tháng đã chết la liệt, người nuôi bỏ đầm. Thời tiết bất thường được nhận định là nguyên nhân khiến tôm chết.
Khó khăn nghề cá ở Thanh Hóa
Đầu năm nay, nhiều phương tiện nghề cá ở Thanh Hóa “nằm bờ” nên sản lượng đánh bắt hải sản 4 tháng đầu năm giảm hơn 4% so cùng kỳ. Ngư dân mong Nhà nước có chính sách bình ổn, hỗ trợ giá dầu để tiếp tục vươn khơi, bám biển.
Làm nông trên lưng chừng núi giữa biển Tây
Sống ở đảo khơi với quỹ đất hạn hẹp, nông dân huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang) phải lên lưng chừng núi, chắt chiu những triền đất ít dốc để làm nông rất vất vả.
Độc đáo làng bè trên đảo 'giàu - sang'
Không chỉ rất phong phú những loài hải sản đặc hữu quý hiếm, ngư dân ở huyện đảo Phú Quý đã sáng tạo ra những công trình nuôi hải sản độc đáo hiếm có.
'Chuyện đời' cây tỏi Lý Sơn
Với vài trăm m2 đất, người trồng tỏi ở Lý Sơn thu được đến mấy chỉ vàng mỗi vụ. Đó là lý do mà loại cây này được ví với cái tên 'vàng trắng'.
Nguy hiểm đeo chì lặn biển bắt ốc, vớt rong
Ngư dân bất chấp nguy hiểm đeo chì nặng vào người để người lặn sâu xuống nước bắt ốc, vớt rong. Ngành chức năng đã cảnh báo và tịch thu dụng cụ nguy hiểm này.
Giải lời nguyền cho cây thanh long: Mối liên kết rời rạc, vai trò hợp tác xã mờ nhạt
Khó khăn về thị trường khiến người trồng bắt đầu chặt bỏ cây thanh long, giống cây trồng giúp người nông dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Đấy là hệ quả của tập quán sản xuất kiểu nhỏ lẻ, tự phát, manh mún tại trong vùng trồng thanh long
Giải "lời nguyền" cho cây thanh long: “Vị đắng cây làm giàu”
Hệ quả của việc sản xuất mang tính nhỏ lẻ, tự phát, manh mún, sự cạnh tranh không lành mạnh giữa những người trồng khiến thanh long mất dần giá trị và ngày càng thất thế trên thị trường.
Ngư dân cần được tiếp sức để vươn khơi
Ngư trường ngày một thu hẹp, sản lượng đánh bắt giảm sút, chi phí đầu vào tăng cao đẩy ngư dân khắp vùng biển Nghệ An vào tình cảnh lao đao.
Bình luận