Săn 'lộc trời' ở vùng hồ Cấm Sơn
Quanh năm lấy thuyền làm nhà, trăng sao làm bạn, cuộc mưu sinh của một số hộ dân vùng lòng hồ Cấm Sơn (Bắc Giang) lênh đênh theo sóng nước.
Với họ, chỉ cần nhìn bầu trời hay dòng nước là biết nơi nào có nhiều cá và thời điểm nào sẽ “săn” được cá to.
“Rái cá” vùng hồ Cấm Sơn
Sau nhiều lần hẹn, mới đây, tôi được Chủ tịch UBND xã Sơn Hải (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) Giáp Hồng Đăng trực tiếp đưa đi khám phá, trải nghiệm cuộc săn cá trên hồ Cấm Sơn.
Anh Nguyễn Văn Sao mưu sinh giữa hồ Cấm Sơn.
Có mặt tại UBND xã từ sớm song phải đến cuối buổi chiều, ông Đăng mới cho tôi xuống thuyền bởi theo lời vị Chủ tịch xã này, về đêm mới săn được cá to.
Chiếc thuyền máy do ông cầm lái rẽ sóng vòng qua vài quả đồi rồi mở ra trước mắt một vùng nước mênh mông. Xa xa, hàng chục thuyền đánh cá hiện ra, những nông dân đang buông lưới đón “lộc trời”.
Ghé vào một thuyền đánh cá - nơi thanh niên Nguyễn Văn Sao (SN 1997) trú tại thôn Cấm, xã Cấm Sơn (cùng huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) đang thả lưới vương, chuẩn bị cho cuộc đánh cá xuyên đêm.
Trên bè chòng chành dài gần 30 mét được làm từ những cây tre ghép lại, Sao thoăn thoắt đi lại rồi nhanh tay thả lưới xuống hồ. Qua câu chuyện được biết, Sao nghỉ học sớm rồi theo cha bám hồ mưu sinh từ năm 14 tuổi.
Giờ đây anh đã trở thành một tay săn cá cừ khôi. Sao từng thực hiện cuộc săn dài nhất (7 ngày), bắt được nhiều cá “khủng” nhất. Sao cũng là người có thu nhập cao nhất từ đánh bắt thủy sản khi từng kiếm 30 triệu đồng/tháng.
“Mỗi lần đi đánh cá, tôi bám hồ đi ít nhất 3, 4 ngày và mang theo gạo, mì tôm, bếp ga cùng gia vị. Tới bữa, tôi cho thuyền ghé vào những quả đồi rồi tự nấu ăn. Có hôm là cá luộc, hôm lại cá nướng, cá rán. Sau mỗi ngày, sẽ có người đến tận thuyền lấy cá mang đi tiêu thụ. Giờ đây, ngày nào không được ra hồ là thấy nhớ”, Sao bộc bạch.
Rời thuyền của Sao, chúng tôi tiếp tục du ngoạn lòng hồ. Trong tiếng máy ồn ào, ông Đăng kể, dù đánh bắt thủy sản không phải là nghề chính của người dân vùng lòng hồ song nó đem lại nguồn thu chính của không ít gia đình.
Ở các xã vùng lòng hồ này không khó để gặp những “rái cá” nhiều kinh nghiệm, hiểu biết về các loài cá cũng như thời điểm thích hợp để đánh bắt. Đó là ông Nông Văn Kiện (SN 1958) ở thôn Đấp, xã Sơn Hải; anh Chu Văn Bằng (SN 1986), anh Lương Văn Lanh (SN 1976) cùng ở thôn Đồng Phai, xã Hộ Đáp…
Trời tối dần, chúng tôi ghé vào khu vực nuôi cá trong lồng của anh Nguyễn Văn Hướng (SN 1975) ở thôn Mới, xã Cấm Sơn.
Tại đây, anh Hướng đã chuẩn bị sẵn bữa tối. Vừa dọn cơm, anh vừa khoe: "Hôm nay, tôi sẽ tiếp nhà báo món đặc trưng của nông dân vùng lòng hồ là cá trắm đen hấp sả. Con cá này vừa được đánh bắt lúc chập tối, nặng 4 kg. Ở thành phố, muốn kiếm được cá tươi, có chăng chỉ là cá nuôi chứ dễ gì có cá hồ tươi rói như thế này".
Mưu sinh trong đêm
Ăn xong, chúng tôi tiếp tục lên thuyền, vừa đi vừa nói về việc săn cá đêm. Theo lời anh Hướng, thời điểm này, việc đánh bắt cá lớn không dễ bởi mưa phùn, lạnh, cá không mắc lưới chứ đã "dính" thì ít cũng 5 kg trở lên và hơn 6-7 năm tuổi. “Có lúc may mắn, bắt được 5, 6 con nhưng cũng có chuyến chẳng được con nào”, anh Nguyễn Văn Hướng nói thêm.
Địa điểm thuyền chúng tôi hướng đến là khu vực trung tâm hồ Cấm Sơn thuộc địa bàn xã Sơn Hải, nơi có nhiều cá to nhất. Càng về khuya, cảnh vật càng yên ả. Nhiệt độ xuống thấp, lại thêm mưa phùn khiến tôi cảm nhận rõ hơn về sự khắc nghiệt của thời tiết cũng như nỗi vất vả của người dân sống dựa vào hồ.
Khoảng 1 giờ 30 phút, phát hiện phía xa xa có thuyền đang đánh cá, ông Đăng dùng đèn pin ra ám hiệu. Như hiểu thông điệp đưa ra, chủ thuyền “nháy” đèn lại. Bắt được tín hiệu, ông Đăng hồ hởi khoe: “Đây rồi. Có cá lớn rồi!”. Nói rồi ông giải thích phía thuyền đánh cá ra tín hiệu đang chuẩn bị kéo lưới và có khả năng có cá lớn.
Anh Chu Văn Bằng bắt được con cá chép 7 kg.
Ngay sau đó thuyền áp sát để tôi bước lên thuyền của anh Chu Văn Bằng. Thời điểm này, anh Bằng cùng 2 người khác đang kéo lưới lên, vừa kéo, vừa hô to “Dính rồi”.
Chiếc bè tre vốn đã chòng chành nay thêm lực vùng vẫy của cá lại càng chao đảo. Chứng tỏ kinh nghiệm đầy mình, khi con cá chép lớn nổi lên gần mặt nước, anh Bằng vội lấy vợt lớn để vợt, đồng thời nhanh tay luồn sợi dây vào mang cá rồi buộc vào lưới.
Vừa thao tác, anh Bằng vừa nói: "Con chép này ít nhất cũng phải 6-7 kg, kéo từ từ, dìu nó một chút, không là mất". Vừa dứt lời, các ngư dân đã đưa được cá lên mặt nước. Trước mắt chúng tôi là con cá chép vàng óng. Mọi người reo mừng khi nó nặng đến 7 kg.
Gần sáng, mưa càng nặng hạt, nhóm của anh Bằng bắt thêm được vài con cá chép, trắm rồi thu lưới nghỉ ngơi, kết thúc một đêm săn cá thành công.
Giữ nguồn “lộc trời”
Chia sẻ về những kinh nghiệm trong đánh bắt cá trên hồ, anh Nguyễn Văn Hướng kể, so với trước đây, phương tiện đánh bắt hiện đại hơn, các loại lưới cũng đa dạng hơn song để bắt được cá lớn, người dân phải hiểu được quy luật sinh sản, tìm thức ăn của cá.
Vào mùa nước nổi, các loại cá đều dồn về đầu nguồn, nơi có mực nước thấp để sinh sản nên người đánh cá có thể săn bắt cả ngày lẫn đêm.
Nhưng khi nước rút, cá di chuyển về vùng hạ lưu sinh sống. Thời điểm này, muốn bắt được cá to sẽ đánh lưới vào ban đêm khi chúng đi tìm thức ăn. “Khu vực hồ thuộc thôn Mới, xã Cấm Sơn và trung tâm hồ thuộc địa bàn xã Sơn Hải là nơi tập trung nhiều cá lớn”, anh Hướng nói thêm.
Hồ Cấm Sơn rộng 2.650 ha, tỉnh Bắc Giang có 4 xã nằm trong vùng lòng hồ gồm: Sơn Hải, Hộ Đáp, Cấm Sơn và Tân Sơn (cùng huyện Lục Ngạn). Cùng với giá trị sinh thủy, hồ Cấm Sơn còn mang lại nguồn thủy sản lớn cho người dân địa phương.
Tại đây, có nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao, được nhiều người ưu chuộng như: Cá mằn, cá ngạo, mương xanh… Hằng năm, để bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên, tạo điều kiện giúp bà con các xã vùng hồ tăng nguồn thu nhờ khai thác, đánh bắt cá tại chỗ, Sở NNPTNT, UBND huyện Lục Ngạn đều tổ chức thả cá công ích số lượng lớn.
Một nhóm người đang săn cá trên hồ.
“Để giữ nguồn “lộc trời” tại hồ Cấm Sơn, UBND huyện vừa xây dựng, tổ chức cho 4 xã vùng lòng hồ ký quy chế đánh bắt cá trên hồ, nghiêm cấm các hành vi mang tính chất tận diệt. Sau mỗi đợt thả cá công ích, các địa phương tuyên truyền, khuyến cáo người dân không đánh bắt trong thời hạn 7 ngày. Tuy nhiên, để bảo vệ nguồn cá tự nhiên, hướng đến mục tiêu khai thác lâu dài, mỗi công dân cần có ý thức bảo vệ nguồn lợi từ hồ”, ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) cho biết.
Nguồn: Theo báo Bắc Giang
Hải Phòng: Nghề nuôi ngao mang lại thu nhập 1.000 tỉ đồng mỗi năm
Từ 2003 bãi nuôi thả ngao đã được hình thành tại bãi triều cửa sông Văn Úc, huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng). Đến nay, nghề nuôi ngao đã giúp hàng nghìn hộ gia đình vươn thoát nghèo, có của ăn của để, giá trị kinh tế mỗi năm đạt 600 - 1.000 tỷ đồng
Tôm mới thả, đã chết như ngả rạ
Nhiều vùng nuôi ở Khánh Hòa tôm mới thả chưa đầy 1 tháng đã chết la liệt, người nuôi bỏ đầm. Thời tiết bất thường được nhận định là nguyên nhân khiến tôm chết.
Khó khăn nghề cá ở Thanh Hóa
Đầu năm nay, nhiều phương tiện nghề cá ở Thanh Hóa “nằm bờ” nên sản lượng đánh bắt hải sản 4 tháng đầu năm giảm hơn 4% so cùng kỳ. Ngư dân mong Nhà nước có chính sách bình ổn, hỗ trợ giá dầu để tiếp tục vươn khơi, bám biển.
Làm nông trên lưng chừng núi giữa biển Tây
Sống ở đảo khơi với quỹ đất hạn hẹp, nông dân huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang) phải lên lưng chừng núi, chắt chiu những triền đất ít dốc để làm nông rất vất vả.
Độc đáo làng bè trên đảo 'giàu - sang'
Không chỉ rất phong phú những loài hải sản đặc hữu quý hiếm, ngư dân ở huyện đảo Phú Quý đã sáng tạo ra những công trình nuôi hải sản độc đáo hiếm có.
'Chuyện đời' cây tỏi Lý Sơn
Với vài trăm m2 đất, người trồng tỏi ở Lý Sơn thu được đến mấy chỉ vàng mỗi vụ. Đó là lý do mà loại cây này được ví với cái tên 'vàng trắng'.
Nguy hiểm đeo chì lặn biển bắt ốc, vớt rong
Ngư dân bất chấp nguy hiểm đeo chì nặng vào người để người lặn sâu xuống nước bắt ốc, vớt rong. Ngành chức năng đã cảnh báo và tịch thu dụng cụ nguy hiểm này.
Giải lời nguyền cho cây thanh long: Mối liên kết rời rạc, vai trò hợp tác xã mờ nhạt
Khó khăn về thị trường khiến người trồng bắt đầu chặt bỏ cây thanh long, giống cây trồng giúp người nông dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Đấy là hệ quả của tập quán sản xuất kiểu nhỏ lẻ, tự phát, manh mún tại trong vùng trồng thanh long
Giải "lời nguyền" cho cây thanh long: “Vị đắng cây làm giàu”
Hệ quả của việc sản xuất mang tính nhỏ lẻ, tự phát, manh mún, sự cạnh tranh không lành mạnh giữa những người trồng khiến thanh long mất dần giá trị và ngày càng thất thế trên thị trường.
Ngư dân cần được tiếp sức để vươn khơi
Ngư trường ngày một thu hẹp, sản lượng đánh bắt giảm sút, chi phí đầu vào tăng cao đẩy ngư dân khắp vùng biển Nghệ An vào tình cảnh lao đao.
Bình luận