Thi vịt cỏ Vân Đình và cơ hội cho loài thủy cầm quý
Thủa nhỏ, từng chăn vịt cỏ Vân Đình, nấu cháo, tôi cam đoan rằng nếu nuôi đúng kiểu thịt của nó thơm, ngon, ngọt, mềm hơn cả vịt trời
Đỏ mắt tìm vịt cỏ ở đất Vân Đình
Vịt cỏ hay còn gọi là vịt đàn. Trước đây ở các vùng miền đều nuôi nhiều nhưng nổi tiếng nhất phải nói đến vịt cỏ Vân Đình (huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội). Trọng lượng của vịt cỏ khá nhỏ, con đực khoảng 1,4 kg, con cái 1,2 kg, có màu cà cuống (màu gần như màu đất hay màu lông chim sẻ), thoạt nhìn khá giống với vịt trời nhưng thường có mỏ vàng chứ không phải là xanh rêu.
Vịt được nuôi từ lúc nở đến khi cứng cáp một chút rồi thả ra đồng. Chúng lớn nhờ hạt thóc rơi, hạt thóc vãi, nhờ con tôm, con tép xứ đồng chiêm trũng để làm nên hương vị thơm, ngon, ngọt, mềm, không giống như bất kỳ thịt của loại vịt ở nơi nào khác.
Nuôi vịt cỏ thả đồng. Ảnh: Dương Đình Tường.
Làng Vân Đình xưa nay có hai nghề chính là làm hàng xáo và bán cháo vịt. Thủa ban đầu, chỉ có vài ba hàng làm cho những người buôn chuyến nhắm rượu với mấy món đơn giản như tiết canh, cổ cánh cùng bát cháo nóng hổi vừa ăn vừa thổi.
Qua mấy đời, giờ mới thành nghề gia truyền với vài chục quán quanh thị trấn và hàng ngàn quán mang thương hiệu vịt cỏ Vân Đình khắp toàn quốc. Cái thị trấn nhỏ vùng ngoại thành Hà Nội trở thành quê hương của nghề cháo vịt, hàng trăm hộ ở đó xây được nhà gác, nhà tầng.
Đó là chuyện của cỡ 15 - 20 năm về trước, còn giờ đây gần như 99% vịt chế biến dưới cái tên vịt cỏ Vân Đình trên mọi miền tổ quốc đều không phải là vịt cỏ mà là giống vịt lai, vịt siêu, không còn nuôi thả đồng mà bằng cám công nghiệp. Ngay cả tôi, một dân Vân Đình chính hiệu nhưng mỗi khi có ai đó hỏi quán nào thực sự còn bán vịt cỏ thì vẫn khá bối rối, có chăng chỉ là cách nấu cháo, luộc vịt, nướng vịt, pha nước chấm của người Vân Đình mà thôi.
Lớn nhanh như thổi, thịt dày gần đôi đốt ngón tay, trận đấu giữa một bên là các giống vịt siêu thịt hay còn gọi là bầu cánh trắng ngoại nhập và vịt cỏ Vân Đình trở nên không cân sức. Theo thống kê, Hà Nội có khoảng 10,4 triệu con vịt nhưng tôi ước riêng về vịt cỏ có lẽ chỉ khoảng 10.000 con, tức chỉ bằng 1/1.000 tổng số.
Cận cảnh vịt cỏ. Ảnh: TL.
Vịt cỏ hiếm đến mức chỉ những người thực sự thông thạo mới tìm được đúng chỗ chăn nuôi, nằn nì mua một đôi con về đãi đằng khách ăn cho biết thế nào là đặc sản. Vịt cỏ hiếm đến mức bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội bảo với tôi rằng, dăm năm nay rất nhiều nhà khoa học đã đề xuất với Sở NN-PTNT Hà Nội cần khôi phục lại nhưng phải đợi Thủ đô khôi phục xong giống gà mía mới đến loại vật nuôi đặc hữu ấy.
“Vịt cỏ đi xuống bởi người chăn nuôi đang chạy theo đầu cân, giờ chúng tôi muốn phục hồi, phát triển nó để bán theo đầu con. Trước tiên phải tổ chức lại khâu sản xuất giống nhằm bảo tồn rồi phát triển nó lên. Sau đó là mời doanh nghiệp vào để quảng bá, tiêu thụ chứ nhiều khi chính tôi thèm ăn vịt cỏ, muốn mua mà lại chẳng có. Nếu doanh nghiệp đặt hàng thì người chăn nuôi có thể yên tâm để sản xuất quanh năm”, bà Hòa cho biết.
Cũng theo bà Hòa, trong thời buổi giá thức ăn cao như hiện nay, nếu nuôi vịt siêu thịt bằng cám công nghiệp dễ bị lỗ, còn nuôi vịt cỏ theo hướng hữu cơ, tận dụng các nông sản sẵn có sẽ mang tính cạnh tranh cao. Để phục hồi lại con vịt cỏ Vân Đình, ước tính Hà Nội phải mất 5 - 10 năm, trước tiên ở giai đoạn một, từ năm 2022 - 2025 mới chỉ là khởi đầu, sang giai đoạn hai, từ năm 2025 - 2030 sẽ phát triển theo chiều sâu, bài bản.
Vịt cỏ chuẩn bị xuất bán. Ảnh: TL.
Mong chờ vịt cỏ hồi sinh
Nhằm bảo tồn và phát triển vịt cỏ; tôn vinh người nuôi vịt cỏ và chế biến vịt cỏ; quảng bá sản phẩm đặc sản vịt cỏ, Sở NN-PTNT Hà Nội đã phối hợp với UBND huyện Ứng Hòa tổ chức hội thi vịt cỏ Vân Đình lần thứ nhất năm 2021. Sau hai lần lỡ hẹn với hội Chùa Hương vào tháng ba, với mùa vịt đuổi đồng vào tháng tám, do tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp nên cuộc thi bị lùi lại những ngày cuối năm này.
Cuộ thi có 2 phần: Thi kiến thức chăn nuôi vịt và thi giống vịt vào ngày 12 tháng 12; thi chế biến vịt vào ngày 18 tháng 12. Ở phần thi kiến thức và giống vịt, có 2 doanh nghiệp là Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên, Công ty Cổ phần Giống vật nuôi Hà Nội và 8 xã nuôi nhiều vịt gồm Vạn Thái, Phương Tú, Trung Tú, Viên An, Liên Bạt, Hòa Lâm, Đại Cường, Minh Đức, trong đó riêng về vịt cỏ có 4 đội.
Phần thi chế biến có 10 đội thì 9 đội thuộc huyện Ứng Hòa gồm những nhà hàng có tiếng như Doãn Thỏ, Nhật Minh, Khải Lê, Khánh Hưng, Nguyễn Hạnh, Liên Phương… với nguyên liệu đầu vào phải là vịt cỏ. Mỗi phần thi có 1 giải đặc biệt trị giá 10 triệu đồng, 1 giải nhất trị giá 5 triệu đồng, 2 giải nhì trị giá 3,5 triệu đồng, 3 giải ba trị giá 2,5 triệu đồng và 3 giải khuyến khích trị giá 1,5 triệu đồng.
Chấm thi vịt cỏ ngày 12 tháng 12. Ảnh: TL.
Huyện Ứng Hòa hiện có 1.437.000 con vịt nhưng chẳng còn mấy con vịt cỏ nữa. Trước nguy cơ tuyệt diệt một giống thủy cầm quý, mấy năm trước, một số hộ nuôi vịt đã khởi xướng xây dựng lên chuỗi liên kết chăn nuôi vịt cỏ Vân Đình với 42 hộ tập trung chính ở xã Vạn Thái, Trầm Lộng, Phương Tú, quy mô mục tiêu là số lượng 60.000 con, sản lượng mỗi ngày 1,5 tấn thịt. Nhưng thực tế lại không thành.
Như xã Vạn Thái chỉ còn mỗi anh Nguyễn Văn Dũng nuôi vịt cỏ, còn hầu hết đều chuyển sang con vịt bầu cánh trắng. Ngày 12 tháng 12 vừa rồi, anh cũng ôm một đôi vịt cỏ hồ hởi lên huyện đi thi.
“Những xã khác mang vịt lên tôi thấy nó đã bị lai rồi, không còn là vịt cỏ chuẩn nữa nên các giám khảo đều khen vịt của tôi còn nhiều máu thuần. Vịt cỏ nó nhỏ con, mái chỉ 1,2 kg, đực chỉ 1,4 - 1,5 kg, mỏ nhỏ chứ không to, không có màu xám như kiểu vịt cỏ lai vịt bầu đất. Tôi có đàn ngỗng hơn 200 bố mẹ, con cái đều khuyên bỏ con vịt cỏ nhưng mỗi năm vẫn nuôi 2 vụ, mỗi vụ từ 500 - 1.000 con thả dựa đồng. Vịt cỏ mồm làm cỏ, đít bỏ phân cho lúa”, anh Dũng cho biết.
Lúc vịt 1 tháng tuổi, anh Dũng nuôi bằng cám chế biến sẵn, mất khoảng 1 kg, sau đó cho ăn thêm khoảng 1 kg thóc nữa, còn thức ăn chủ yếu là nhờ đuổi đồng, tự kiếm sống. Vịt cỏ giá bán tại chỗ mỗi con 55 - 65.000 đồng, cao điểm có lúc lên 70.000 đ, trong khi con vịt bầu cánh trắng có khi chỉ 21 - 22.000 đ/kg, tính ra nuôi vịt cỏ thả đồng lãi tới một nửa… "Nhưng tại sao các hộ khác lại bỏ?", tôi hỏi.
Một đội dự thi vịt cỏ. Ảnh: TL.
Anh Dũng trả lời ngay tắp lự: “Bởi vì họ tính nuôi quây vịt siêu vào một chỗ, dõng lưng cho ăn cám công nghiệp, khi cân gọi ô tô đến, lỗ lãi không cần biết. Còn nuôi vịt cỏ, bận rộn lúc chúng khoảng 10 ngày be bé, phải chăm sóc như con mọn nhưng sau này ra máng, ra sông hay vào ruộng đến bữa chỉ cho ăn cái là mình “tềnh tang” ngay, nói chung là không có gì vất vả cả. Nhà tôi ngoài mấy mối ở huyện Thanh Oai mỗi lần về bắt cả trăm con, còn thì bán ở chợ làng, mỗi phiên cũng được vài chục con. Giờ đã 65 tuổi, tôi vẫn còn mê con vịt cỏ nên không nỡ bỏ, cứ lặng im mà làm thôi”.
Theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội, ngoài nuôi lấy thịt, vịt cỏ có thể phát triển theo chuỗi cung ứng thẳng cho hệ thống nhà hàng, siêu thị, cửa hàng tiện ích. Vịt cỏ còn có thể nuôi lấy trứng vì đó là giống hướng trứng, ăn rất thơm ngon. Bởi thế, huyện Ứng Hòa nên mở rộng nghề nuôi vịt đẻ ở những xã vùng chiêm trũng như Đông Lỗ, Đại Cường, Trầm Lộng…, áp dụng quy trình an toàn sinh học, đạt chuẩn VietGAP, tạo ra sản phẩm sạch mang thương hiệu. Xây dựng thương hiệu cho vật nuôi bản địa độc đáo vịt cỏ Vân Đình cần phải khuyến khích người dân trở lại với cách chăn nuôi thả đồng hay cho ăn các nông sản tự làm để đạt chất lượng thịt tốt nhất.
|
Hà Nội: Thêm mô hình thành công nuôi cua biển trong hộp nhựa
Với sản phẩm cua lột, cua cốm độc đáo, chất lượng cao, nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn, các mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa ở Hà Nội đang dần nở rộ.
Lão nông với sở thích... thấy cây gì 'hot' là trồng!
Hết trồng cam, mận tam hoa, mơ, rồi tới thanh long..., hễ thấy cây gì đang rộ ông Khởi cũng trồng thử, trồng rồi lại chặt. Thế rồi cuối cùng ông cũng thành công.
Cơ giới hóa nông nghiệp tại Nam Trung Bộ
Những năm qua, các tỉnh Nam Trung Bộ tập trung phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp. Công tác này giúp giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững.
'Làng quê Bắc bộ' trên đảo ngọc Cô Tô
Đến đảo Cô Tô (Quảng Ninh), ngoài du lịch và hải sản, sẽ rất thú vị khi được chứng kiến những cánh đồng lúa xanh mướt đặc sệt chất làng quê Bắc bộ.
Nơi nông dân nói cho nhau nghe, nghe nhau nói
Hội quán nông dân - giai đoạn đầu phát triển hợp tác xã, nơi hội tụ nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp cùng chí hướng để vực dậy tiềm năng nông nghiệp vùng ĐBSCL.
Những nông dân nuôi ba ba đạt tiêu chuẩn VietGAP
“Dám nghĩ, dám làm”, mạnh dạn đầu tư, hiện anh Mai Quốc Huy, xóm 11, xã Giao An (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) đang sở hữu trang trại nuôi ba ba đạt tiêu chuẩn VietGAP mỗi năm xuất bán hàng chục tấn ba ba thương phẩm và gần 100 vạn con ba ba giống
Đánh thức đồng hoang
Trước khi trở thành 1/63 nông dân tiêu biểu toàn quốc năm 2021, ông Lê Văn Bàng từng được xem là lão nông liều nhất huyện Nghi Xuân khi “bắt đồng hoang đẻ ra tiền”.
Yên Bái: Anh nông dân chia sẻ bí quyết chăm lúa năng suất cao, nhiều người trầm trồ
Mới đây, câu chuyện thành công của anh Nguyễn Tuấn Cường, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái trong trồng lúa đã khiến bà con địa phương trầm trồ, khi năng suất lúa Bắc Thơm 7 đạt tới 3 tạo/sào
Chàng trai trẻ du học Pháp và niềm vui với ioT, 4.0
Ứng dụng IoT và ‘số hoá’ vào nông nghiệp được xem là chìa khóa để Hoàng nâng tầm trái bơ Bình Phước và là cây truyền cảm hứng khởi nghiệp cho thanh niên địa phương.
Xăng dầu hạ 'nốc ao' ngư dân
Khi giá dầu tăng đến hơn 26.000đ/lít, nhiều tàu cá xa bờ của ngư dân Bình Định không dám ra khơi bởi sợ đánh bắt không đủ sản lượng bù vào tiền dầu.
Bình luận