Thổi hồn vào gỗ

Điêu khắc gỗ là một nghề mang tính chất cổ truyền có từ lâu đời ở Việt Nam. Sau nhiều giai đoạn hình thành và phát triển khác nhau, đến nay, điêu khắc gỗ đã trở thành một trong những ngành mũi nhọn của ngành gỗ Việt Nam.

Những bàn tay tài hoa và sản phẩm đặc sắc

Dấu tích còn lại của hoa văn, họa tiết cầu kỳ trên những cánh cửa, cột chống hay những hình rồng, phượng uốn lượn trên mái hiên các đình làng, cung điện vua chúa xưa kia được xem là minh chứng rõ ràng nhất cho sự phát triển của nghệ thuật điêu khắc gỗ trong lịch sử Việt Nam. Trong đó, điêu khắc gỗ ở thời kỳ nhà Lý được xem là nở rộ và có nhiều công trình lớn nhất. Từ bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, nhiều công trình sử dụng điêu khắc gỗ đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật vừa có tính thẩm mỹ cao, vừa mang giá trị nhân văn, giá trị tinh thần và phong thủy sâu sắc.

1349_ok_anh_dieu_khac_go_2-oki2.jpg

Từ "điêu khắc" xuất phát từ nguồn gốc Hán - Việt. Trong đó, các lối chạm trổ thì gọi là điêu. Lấy dao vạch vào vật gì đó thì gọi là khắc. Điêu khắc thực chất là dùng dụng cụ cứng như: Kim loại (đục, dao…) tác động vào các chất liệu cứng như: Đá, gỗ, xương, ngà voi tạo nên các tác phẩm nghệ thuật. Nói cách khác, khái niệm về điêu khắc ở đây cũng bắt nguồn từ cách thức tạo hình trên chất liệu.

Với vẻ đẹp độc đáo, riêng có… cùng với thời gian, nghề điêu khắc gỗ đã phát triển mạnh mẽ từ Bắc tới Nam. Đặc biệt, tại các làng nghề gỗ truyền thống nổi tiếng ở miền Bắc như: Đồng Kỵ (Bắc Ninh); La Xuyên (Nam Định); Canh Nậu, Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội); Vạn Điểm (Thường Tín, Hà Nội)…, điêu khắc gỗ luôn là một trong những nghề được đánh giá cao và cho thu nhập tốt so với các nghề liên quan tới đồ gỗ. Ngoài những sản phẩm chạm khắc gỗ thuần túy bằng đục, chạm; nhiều làng nghề đã sáng tạo thêm một số sản phẩm mộc chạm khắc kết hợp với khảm xà cừ hay công nghệ trang sức bằng sơn mài rất đặc sắc.

Từ làng nghề này, đã xuất hiện những nghệ nhân có bàn tay tài hoa, với nhiều tác phẩm điêu khắc gỗ "có 1 không 2". Bằng trí tưởng tượng bay bổng và đôi bàn tay quanh năm gắn với đục, búa, nhiều nghệ nhân đã cho ra đời không chỉ những vật dụng bằng gỗ được điêu khắc khéo léo như: Bàn, ghế, gường, tủ, kệ thờ, tràng kỷ… mà cùng với đó là những bức hoành phi, câu đối, hương án, tranh gỗ, tượng gỗ, bình gỗ với vô số hoa văn, họa tiết cầu kỳ, tinh xảo.

1348_ok_anh_dieu_khac_go_1-ok1.jpg

Một vài năm trước, nghề điêu khắc gỗ đứng trước không ít thăng trầm bởi người tiêu dùng chạy theo xu hướng sử dụng đồ gỗ công nghiệp theo phong cách hiện đại. Vậy nhưng gần đây, do nhu cầu xây nhà kiểu cổ, hoa văn cầu kỳ và hoạt động tu bổ, xây dựng đình, đền, miếu mạo phục vụ đời sống tâm linh phát triển mạnh…, nghề điêu khắc gỗ đã có được chỗ đứng nhất định; những người thợ điêu khắc tay nghề cao được trọng dụng và làm không hết việc. Không chỉ yêu thích vẻ đẹp của những sản phẩm điêu khắc tinh xảo; nhiều người còn tin rằng, các mẫu điêu khắc tượng gỗ (tượng Phật nói chung và tượng gỗ Di Lặc nói riêng) được bày trí trong nhà còn có tác dụng trấn trạch, chống tà ma ngoại đạo xâm nhập, ngăn chặn khí xấu vào nhà. Đồng thời, nhiều mẫu tượng gỗ điêu khắc đẹp cũng có tác dụng thu hút tài lộc, may mắn, mang đến sự thuận lợi trong sự nghiệp, học tập của các thành viên trong gia đình.

Hướng ra thế giới

Ngày nay, với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, nghề điêu khắc gỗ không còn dừng lại ở việc điêu khắc bằng tay mà đã có thêm sự hỗ trợ của máy móc. Phổ biến nhất phải là máy điêu khắc gỗ CNC (máy điêu khắc gỗ vi tính, máy điêu khắc gỗ 3D) và máy điêu khắc gỗ cầm tay. Nhờ sự hỗ trợ của những máy móc kỹ thuật cao, các mẫu điêu khắc gỗ ngày càng tinh xảo và đẹp mắt. Tuy nhiên, các sản phẩm độc bản, được làm thủ công bằng đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân vẫn luôn có giá trị riêng, không thể thay thế.

1350_ok_anh_dieu_khac_go-oki3.jpg

Thay vì chỉ tiêu thụ và sử dụng trong nước với số lượng hạn chế, giờ đây, nhiều sản phẩm điêu khắc gỗ quy mô, tinh xảo đã được các doanh nghiệp tìm đường xuất khẩu ra nước ngoài và được các bạn hàng ở một số nước châu Á có nền văn hóa tương đồng với Việt Nam, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… rất ưa chuộng. Đời sống của nhiều nghệ nhân ở những cơ sở, làng nghề, doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ nhờ đó cũng khấm khá hơn.

Tuy nhiên, do nguyên liệu sử dụng của điêu khắc gỗ chủ yếu là các loại gỗ quý, lâu năm như: Gụ, sao, gõ, huỳnh đàn, giáng hương, trai, dầu…, các loại gỗ này đang ngày càng khan hiếm, nên hiện tại nghề điêu khắc gỗ gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu. Bên cạnh đó, việc tìm thợ có tay nghề cao hiện nay cũng không hề đơn giản, bởi giới trẻ ngày càng ít người mặn mà với công việc đòi hỏi lòng đam mê, sự kiên trì, thu nhập lại chưa cao và không đều như điêu khắc gỗ.

Ngoài ra, nghệ thuật điêu khắc gỗ Việt Nam vốn chịu ảnh hưởng khá nhiều từ Trung Quốc về kiểu dáng, mẫu mã cũng như cách dùng và trưng bày các vật phẩm gỗ. Chính vì vậy, muốn cạnh tranh và vươn ra thị trường quốc tế, đòi hỏi các làng nghề truyền thống phải luôn không ngừng đổi mới mẫu mã, tạo được những sản phẩm mang phong thái riêng, ẩn chứa trong đó là những phong tục, văn hóa mang đậm hồn Việt. Đồng thời, nhà nước cần có chính sách, chế độ để động viên, khuyến khích để các nghệ nhân điêu khắc gỗ duy trì sự tâm huyết, sáng tạo; quyết tâm gắn bó với nghề. Thay vì chỉ lưu giữ nghề truyền thống hay mưu sinh đơn thuần; mỗi sản phẩm người thợ điêu khắc làm ra phải hướng tới mục đích quảng bá tài năng, văn hóa và cốt cách con người Việt Nam.

Nguồn: Theo báo Công Thương

Bình luận

Hải Phòng: Nghề nuôi ngao mang lại thu nhập 1.000 tỉ đồng mỗi năm

Từ 2003 bãi nuôi thả ngao đã được hình thành tại bãi triều cửa sông Văn Úc, huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng). Đến nay, nghề nuôi ngao đã giúp hàng nghìn hộ gia đình vươn thoát nghèo, có của ăn của để, giá trị kinh tế mỗi năm đạt 600 - 1.000 tỷ đồng

Tôm mới thả, đã chết như ngả rạ

Nhiều vùng nuôi ở Khánh Hòa tôm mới thả chưa đầy 1 tháng đã chết la liệt, người nuôi bỏ đầm. Thời tiết bất thường được nhận định là nguyên nhân khiến tôm chết.

Khó khăn nghề cá ở Thanh Hóa

Đầu năm nay, nhiều phương tiện nghề cá ở Thanh Hóa “nằm bờ” nên sản lượng đánh bắt hải sản 4 tháng đầu năm giảm hơn 4% so cùng kỳ. Ngư dân mong Nhà nước có chính sách bình ổn, hỗ trợ giá dầu để tiếp tục vươn khơi, bám biển.

Làm nông trên lưng chừng núi giữa biển Tây

Sống ở đảo khơi với quỹ đất hạn hẹp, nông dân huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang) phải lên lưng chừng núi, chắt chiu những triền đất ít dốc để làm nông rất vất vả.

Độc đáo làng bè trên đảo 'giàu - sang'

Không chỉ rất phong phú những loài hải sản đặc hữu quý hiếm, ngư dân ở huyện đảo Phú Quý đã sáng tạo ra những công trình nuôi hải sản độc đáo hiếm có.

'Chuyện đời' cây tỏi Lý Sơn

Với vài trăm m2 đất, người trồng tỏi ở Lý Sơn thu được đến mấy chỉ vàng mỗi vụ. Đó là lý do mà loại cây này được ví với cái tên 'vàng trắng'.

Nguy hiểm đeo chì lặn biển bắt ốc, vớt rong

Ngư dân bất chấp nguy hiểm đeo chì nặng vào người để người lặn sâu xuống nước bắt ốc, vớt rong. Ngành chức năng đã cảnh báo và tịch thu dụng cụ nguy hiểm này.

Giải lời nguyền cho cây thanh long: Mối liên kết rời rạc, vai trò hợp tác xã mờ nhạt

Khó khăn về thị trường khiến người trồng bắt đầu chặt bỏ cây thanh long, giống cây trồng giúp người nông dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Đấy là hệ quả của tập quán sản xuất kiểu nhỏ lẻ, tự phát, manh mún tại trong vùng trồng thanh long

Giải "lời nguyền" cho cây thanh long: “Vị đắng cây làm giàu”

Hệ quả của việc sản xuất mang tính nhỏ lẻ, tự phát, manh mún, sự cạnh tranh không lành mạnh giữa những người trồng khiến thanh long mất dần giá trị và ngày càng thất thế trên thị trường.

Ngư dân cần được tiếp sức để vươn khơi

Ngư trường ngày một thu hẹp, sản lượng đánh bắt giảm sút, chi phí đầu vào tăng cao đẩy ngư dân khắp vùng biển Nghệ An vào tình cảnh lao đao.