“Cơ hội vàng” cho nông sản Lai Châu vươn xa với sản phẩm OCOP
Với nhiều tiềm năng, lợi thế, Lai Châu có điều kiện phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng tốt, có thương hiệu và người tiêu dùng ưa chuộng.
Phát triển chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là “cơ hội vàng” tạo "cú huých” nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.
Chẳm chéo - sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng
Với mong muốn giới thiệu, quảng bá ẩm thực của vùng Tây Bắc đến với người tiêu dùng trên mọi miền Tổ quốc, hộ kinh doanh Teo Văn Lực tại bản Sân Bay (thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường) đầu tư sản xuất gia vị chẳm chéo. Trải qua nhiều khó khăn, vất vả, đến nay, sản phẩm chẳm chéo Lực Lệ đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao, khẳng định thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Hộ kinh doanh Teo Văn Lực tại bản Sân Bay, thị trấn Tam Đường (huyện Tam Đường) đóng hộp sản phẩm chẳm chéo.
Đến tham quan cơ sở sản xuất của hộ kinh doanh Teo Văn Lực, chúng tôi ấn tượng với hàng nghìn hộp chẳm chéo được sắp xếp ngăn nắp. Dừng tay xếp những chiếc hộp, chị Mùng Thị Lệ kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên đến với nghề làm chẳm chéo. Chị là người dân tộc Giáy, chồng chị là người dân tộc Thái, trong ẩm thực của 2 dân tộc có nhiều nét tương đồng như: cá nướng, xôi, thịt nướng… Trong các dịp lễ, tết hay những bữa tiệc của gia đình, họ hàng, các bà, các mẹ thường làm những gia vị để chấm thịt gà, ướp thịt, ướp cá… chị Lệ cũng đã tìm tòi, học hỏi cách làm món chẳm chéo của các thế hệ đi trước để bữa cơm có gia vị ngon, mang đậm bản sắc dân tộc.
Nhờ chịu khó học hỏi, chẳm chéo do chị làm được mọi người đều khen thơm, ngon, dậy vị. Từ đó, chị nảy ra ý định làm chẳm chéo để bán. Chị bàn với chồng đầu tư làm chẳm chéo để bán nhưng chồng chị ngăn cản và nói rằng “gia vị này thì bán cho ai, ai người ta mua, chỉ làm để gia đình ăn thôi”. Không nản lòng, chị vẫn quyết tâm tìm tòi, nghiên cứu các nguyên liệu, cách chế biến để tạo ra hương vị đặc trưng nhất của món chẳm chéo.
Chị Lệ chia sẻ: “Bước đầu kinh doanh tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn, chưa có đầu ra nên sản phẩm tiêu thụ chậm, chỉ bán nhỏ lẻ cho hàng xóm, đồng nghiệp trong cơ quan. Sau đó, qua sự giới thiệu của bạn bè, người thân, lượng khách hàng cũng đã dần tăng lên. Thông qua mạng xã hội (facebook, zalo) tôi đã đăng mặt hàng này lên trang cá nhân, các hội, nhóm để bán. Nhờ đó, tôi kết nối được với rất nhiều khách hàng từ khắp mọi miền Tổ quốc. Mới đầu họ đặt số lượng ít để kiểm tra chất lượng, sau đó họ thấy chẳm chéo thơm, ngon nên đặt hàng với số lượng nhiều hơn. Đến nay, sản phẩm chẳm chéo của gia đình tôi đạt sản phẩm OCOP 3 sao, có chỗ đứng trên thị trường, trung bình mỗi tháng tôi bán từ 6.000-7.000 hộp, những tháng cao điểm vào dịp giáp tết Nguyên đán số lượng khoảng 8.000-10.000 hộp, trừ các khoản chi phí, mỗi năm đem lại thu nhập từ 70-90 triệu đồng”.
Sản phẩm chẳm chéo của hộ kinh doanh Teo Văn Lực gồm có 3 loại: chẳm chéo thường, đặc biệt, chẳm chéo ướt. Chẳm chéo được làm từ rất nhiều nguyên liệu khác nhau như: ớt, mắc khén, tỏi, sả, lá chanh, hạt dổi, rau thơm... Nguyên liệu có tốt thì sản phẩm mới ngon, chị Lệ rất khắt khe trong việc chọn nguyên liệu để chế biến. Trong các nguyên liệu để làm chẳm chéo thì nguyên liệu chính là mắc khén, bắt buộc phải có loại hạt này thì món chẳm chéo mới có mùi vị thơm ngon, đặc trưng của vùng Tây Bắc; mắc khén phải tiến hành rang, sau đó xay thành bột. Một gia vị không thể thiếu nữa đó chính là hạt dổi, cần nướng hạt dổi lên để tạo mùi thơm. Cùng với đó, ớt tươi nướng cho hơi héo, để làm bớt vị hăng của ớt nhưng vẫn giữ được vị cay. Rau thơm, lá chanh rửa sạch, để ráo, thái nhỏ.
Để làm chẳm chéo ướt thì cho tất cả các nguyên liệu: rau thơm, gừng, tỏi tía, ớt, sả, bột canh, lá chanh, mắc khén, hạt dổi… vào cối và giã đều; giã chẳm chéo càng nát thì càng ngon, sau đó cho thêm nước mắm, mì chính… Đối với chẳm chéo khô thì các loại gia vị phải giã nhuyễn, để riêng thành từng loại, sau đó trộn tất cả các loại gia vị lại với nhau. Đối với chẳm chéo đặc biệt thì được tiến hành làm như chẳm chéo khô nhưng cho thêm một số nguyên liệu như: hạt dổi, mắc khén để tăng thêm mùi vị, tạo cho chẳm chéo thêm đậm đà. Khi các loại chẳm chéo đã được chế biến xong thì được đóng vào từng hộp nhỏ, mỗi hộp có trọng lượng 500 gam, sau đó dập nắp để hộp được kín, dán nhãn mác và hạn sử dụng.
Chị Nguyễn Lan Hương - khách hàng tỉnh Phú Thọ cho biết: “Tôi biết đến cơ sở kinh doanh chẳm chéo Lực Lệ thông qua mạng xã hội facebook, ban đầu tôi mua cả 3 loại chẳm chéo với số lượng ít để gia đình ăn. Sau khi thưởng thức tôi thấy chẳm chéo có mùi vị rất thơm, hương vị ngon, chấm các món luộc rất hợp, đặc biệt chẳm chéo để ướp các món cá, gà, thịt nướng rất ngon. Sau đó, tôi đã kinh doanh mặt hàng này và nhận được sự phản hồi rất tích cực của khách hàng, hàng tháng tôi nhập sỉ của cơ sở chẳm chéo Lực Lệ từ 500-700 hộp để bán lẻ. Mẫu mã của sản phẩm ngày càng đa dạng, đóng hộp chắc chắn, chất lượng đảm bảo. Qua nhiều năm làm ăn kinh doanh, tôi rất tin tưởng về uy tín cũng như chất lượng của sản phẩm, tôi sẽ mở rộng việc kinh doanh để đưa hương vị chẳm chéo đến được với người tiêu dùng trên cả nước.
Tham Uyên xây dựng thương hiệu nông sản chủ lực
Với sự trợ lực từ Chương trình OCOP, huyện Than Uyên đã có nhiều sản phẩm truyền thống, sản phẩm mới của các địa phương dần xây dựng, khẳng định được thương hiệu. Trở thành “tấm vé” giúp nông sản tăng sức cạnh tranh và ngày càng vươn xa.
Cánh đồng lúa séng cù ở Than Uyên
Thông qua quy hoạch vùng, liên kết sản xuất với việc đưa giống lúa mới, chất lượng cao vào sản xuất theo hướng hàng hóa, đặc biệt là tìm ra giống lúa phù hợp với thổ nhưỡng để gây dựng thương hiệu đặc sản địa phương. Và, giống lúa séng cù cũng vì thế được đưa vào trồng đại trà nơi đồng đất Than Uyên. Dưới đôi bàn tay cần cù, chịu khó của nông dân Than Uyên cùng sự tham gia liên kết của Hợp tác xã (HTX) xây dựng Thanh Xuân, gạo séng cù đã được công nhận đạt sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh (năm 2020); Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Gạo đặc sản séng cù Than Uyên”.
Theo ông Nguyễn Văn Yên - Giám đốc HTX xây dựng Thanh Xuân, ngoài sản phẩm gạo séng cù, riêng năm 2020, đơn vị cũng có thêm 2 sản phẩm là: gạo tẻ tròn Than Uyên và gạo nếp tan pỏm Tà Hừa được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, HTX đã tiếp tục đầu tư, cải tiến mẫu mã bao bì nên thị trường tiêu mở rộng, doanh thu tăng khoảng 20% so với trước đây.
Với những thành công như vậy, HTX tiếp tục đưa sản phẩm gạo lứt séng cù tham gia Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 2/2021 của tỉnh. Kết quả, đạt tiêu chuẩn 3 sao. Đây chính là động lực để đơn vị tiếp tục khai thác thế mạnh của địa phương để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng.
Không sinh ra và lớn lên tại quê hương Than Uyên nhưng vì đam mê ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái, chị Lê Thị Hà (thị trấn Than Uyên) đã quyết định theo đuổi công việc của bố mẹ chồng. Đó là sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thịt trâu, thịt lợn gác bếp. Cùng với đầu tư trang thiết bị; chú trọng nhãn mác, bao bì; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cùng bí quyết nhà nghề, cả 2 sản phẩm của gia đình chị Hà đều được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh vào cuối năm 2021.
Chị Hà chia sẻ: Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều cơ sở sản xuất, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thịt sấy. Để tăng sức cạnh tranh, tôi đã áp dụng nhiều hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm: trực tiếp trên mạng xã hội; thông qua các đại lý, cửa hàng giới thiệu sản phẩm, siêu thị, hộ kinh doanh trong và ngoài huyện… Quan trọng hơn là giá thành phù hợp, chất lượng đảm bảo, chuẩn vị Tây Bắc đã giúp cơ sở thu hút nhiều khách hàng.
Chương trình OCOP chính thức triển khai trên địa bàn huyện Than Uyên từ năm 2020. UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp, HTX nắm được các chính sách đặc thù của tỉnh khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Hiện, Than Uyên có 16 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 và 4 sao. Trong đó 1 sản phẩm 4 sao (gạo séng cù); 15 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao: gạo tẻ tròn, gạo nếp tan pỏm, ổi Hua Nà, cá trắm và cá lăng sấy đặc sản dân tộc Khơ Mú, ruốc cá lăng, chả cá lăng viên, mật ong Pha Mu, gạo lứt séng cù, khẩu si và khẩu sén Nguyên Bình, bánh chưng gù Hoàng Thanh, thịt trâu và thịt lợn gác bếp Thiết Hà, giò gà và xúc xích gà Mường Than.
OCOP - “Cơ hội vàng” cho nông sản vươn xa
Trên cơ sở các sản phẩm chủ lực của địa phương, hiện nay, UBND tỉnh Lai Châu triển khai thực hiện Chương trình OCOP nhằm tạo sức bật cho nông sản truyền thống trên địa bàn khẳng định vị thế. Chương trình OCOP làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người sản xuất, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh truyền thống và sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, năng suất và hiệu quả cây trồng. Từ đó, tạo dựng niềm tin tuyệt đối với người tiêu dùng, thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển.
Ông Đặng Văn Châu - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khẳng định: “Chương trình OCOP thực sự là “làn gió mới” để các làng nghề, hợp tác xã (HTX), công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khai thác tiềm năng, nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị sản phẩm. Đến nay, các sản phẩm OCOP của tỉnh được khách hàng trong nước tin tưởng tiêu thụ. Từ đó, hình thành vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn, ứng dụng công nghệ cao được gắn kết giữa người nông dân với doanh nghiệp, HTX, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn”.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đánh giá sản phẩm OCOP cá hồi của huyện Phong Thổ.
Xác định, OCOP là Chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm, UBND tỉnh giao cho Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm chỉ đạo, thực hiện. Thực hiện Chương trình OCOP gắn với phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ sẵn có ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Huy động các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện chương trình. Chính quyền các cấp trong tỉnh định hướng, quy hoạch vùng sản xuất nông sản hàng hóa, dịch vụ; quản lý, giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm OCOP.
Đồng thời, hỗ trợ các khâu, gồm: đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm. Nhờ đó, Chương trình OCOP của tỉnh được triển khai đồng bộ, tập trung vào các sản phẩm hàng hóa chủ lực, có nguồn gốc nguyên liệu tại địa phương. Đến nay, UBND tỉnh đã công nhận và cấp giấy chứng nhận cho 108 sản phẩm OCOP, trong đó, 2 sản phẩm đủ điều kiện trình Hội đồng Trung ương đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao; 10 sản phẩm 4 sao và 96 sản phẩm 3 sao.
Thăm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Lư (bản Km 2, xã Bình Lư, huyện Tam Đường) một chiều cuối năm, chúng tôi phấn khởi khi biết HTX liên kết với 60 hộ dân trồng 50ha dong riềng với sản lượng hơn 1.000 tấn củ/năm để chế biến và tiêu thụ sản phẩm miến dong đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. HTX giám sát bà con ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chăm sóc, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật an toàn và thu hoạch đúng lịch thời vụ.
Nhờ vùng nguyên liệu bảo đảm, thương hiệu miến dong OCOP 3 sao của HTX thu hút được khách hàng trong nước đặt mua với sản lượng lớn. Năm 2021, HTX bán ra thị trường hơn 80 tấn miến dong, thu lãi trên 1 tỷ đồng (tăng lợi nhuận 20% so với cùng kỳ năm trước). Ông Phong Vĩnh Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường nhận xét: “Thông qua Chương trình OCOP, HTX đưa thương hiệu miến dong Bình Lư vươn xa. Sản phẩm miến dong của HTX đứng vững trên thị trường tại các hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi trong nước, mang lại hiệu quả kinh tế cho thành viên HTX và nông dân, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển”.
Đối với huyện Phong Thổ, Chương trình OCOP đang lan tỏa sâu rộng trong các công ty, doanh nghiệp, HTX và hộ sản xuất kinh doanh. Hiện nay, toàn huyện có 11 sản phẩm của 5 chủ thể được công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao, gồm: 3 sản phẩm chè cổ thụ (hồng trà shan Mồ Sì San, hoàng trà shan Mồ Sì San, trà xanh shan Mồ Sì San); 3 sản phẩm gạo (tẻ râu Phong Thổ, nếp tan Bản Lang, gạo nứt tẻ râu Sin Suối Hồ); 1 sản phẩm du lịch cộng đồng xã Sin Suối Hồ; 3 sản phẩm cá nước lạnh (cá hồi phi lê, cá tầm cắt khúc, ruốc cá hồi) và 1 sản phẩm cao xương ngựa bạch AZ Phong Thổ.
Anh Vũ Hữu Lưỡng - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phong Thổ cho biết: “Chương trình OCOP là “cơ hội vàng” cho nông sản địa phương vươn xa. Do vậy, từ bảo vệ, chăm sóc, thu hái, chế biến, đóng gói đến bảo quản sản phẩm OCOP đều được các công ty, doanh nghiệp, HTX kiểm soát chặt chẽ, có mã vạch để khách hàng truy xuất nguồn gốc. OCOP là thương hiệu quý để tập thể, cá nhân khẳng định chất lượng sản phẩm nông sản với khách hàng trong và ngoài nước, góp phần nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh”.
Hiện nay, Lai Châu từng bước hình thành thương hiệu cho sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương như: chè, gạo, miến dong, cây ăn quả, cá lồng và cá nước lạnh. Chương trình OCOP đã thúc đẩy sản xuất hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp tập trung, quy mô lớn nhằm xúc tiến thương mại, kết nối sản phẩm. Các chủ thể OCOP giới thiệu và đưa sản phẩm đến người tiêu dùng trong cả nước, gia tăng được cả về sản lượng và giá trị sản phẩm, tạo dựng uy tín và thương hiệu vững chắc.
Với hướng đi mới, nông dân trên địa bàn tỉnh tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển sản phẩm OCOP - tạo sức bật cho xây dựng nông thôn mới, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống Nhân dân, kinh tế phát triển bền vững.
Nguồn: https://kinhtenongthon.vn/
Trồng nấm rơm hữu cơ trong nhà, năng suất, giá bán gấp đôi ngoài trời
Trồng nấm rơm hữu cơ trong nhà, kiểm soát chất lượng chặt chẽ cho năng suất cao hơn từ 2 - 3 lần, giá bán cao gấp đôi so với trồng ngoài trời.
Phát triển cây dược liệu đặc hữu vùng Tây Bắc
Nằm trong khu vực trung tâm Tây Bắc, ba tỉnh: Sơn La, Điện Biên và Lai Châu có nhiều loài cây dược liệu quý, giá trị kinh tế cao, như: nấm linh chi, sơn tra, huyết giác, đẳng sâm, cẩu tích, đương quy, tam thất, thất diệp nhất chi hoa...
Gai xanh - lựa chọn tiềm năng: Những người tiên phong ở xứ Thanh
Bánh gai làm từ cây gai xanh từ lâu đã trở thành đặc sản ở xứ Thanh. Nhưng trồng cây gai xanh lấy sợi thì chỉ mới phát triển vài năm nay.
Gai xanh - lựa chọn tiềm năng: Cây chủ lực cho nông dân miền núi
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng cần nghiên cứu, xây dựng gai xanh thành cây trồng chủ lực cho vùng miền núi một số tỉnh phía Bắc để giúp nông dân làm giàu.
Khắc phục điểm yếu, tăng xuất khẩu rau gia vị Việt Nam sang Châu Âu
Dự án tăng cường năng lực để xuất khẩu rau gia vị Việt Nam sang thị trường Châu Âu được triển khai từ nay đến hết năm 2023.
Hiệu quả từ nuôi đà điểu
Khoảng 3 năm trước, mô hình nuôi đà điểu được người dân xã Khai Thái (huyện Phú Xuyên) áp dụng và nhân rộng. Với hiệu quả kinh tế, mô hình này hứa hẹn mang lại thu nhập cao cho nông dân.
Triển vọng giống cao lương VFS99
Qua 3 vụ sản xuất liên tục, giống cao lương VFS99 sinh trưởng tốt, bộ lá khỏe mạnh, sạch sâu bệnh, chống chịu hạn tốt, năng suất sinh khối có thể lên tới 100 tấn/ha.
Đánh thức những 'kho báu' của đại ngàn
Tây Nguyên đang ngày càng thu hút được nhiều tổ chức cá nhân, doanh nghiệp đến đầu tư phát triển và bảo tồn các loại dược liệu quý hiếm.
Rong nho Khánh Hòa: Nhiều tiềm năng phát triển
Đến nay, rong nho Khánh Hòa đã mang lại hiệu quả kinh tế bền vững cho người dân so với đối tượng nuôi trồng thủy sản khác, bình quân mỗi ha rong nho cho thu hoạch đến 700 triệu đồng/năm.
Thoát nghèo bằng "thần dược" cho quý ông
Qua khảo sát, chính quyền địa phương tại Quảng Bình đã đưa cây ba kích về trồng dưới tán rừng của đồng bào Mã Liềng, giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Bình luận