Đánh thức những 'kho báu' của đại ngàn

Tây Nguyên đang ngày càng thu hút được nhiều tổ chức cá nhân, doanh nghiệp đến đầu tư phát triển và bảo tồn các loại dược liệu quý hiếm.

untitled.png

Dược liệu đang ngày càng phát triển ở Tây Nguyên. Ảnh: Tuấn Anh.

"Kho báu" ngủ quên
Gia Lai đang ngày càng đổi thay với sự xuất hiện nhiều hơn các vùng trồng dược liệu của các tổ chức, cá nhân. Đi sâu vào những con đường làng ở những vùng nông thôn, những vườn dược liệu đang dần trở nên quen thuộc với nhiều người dân.

Nếu như những năm trước, phát triển dược liệu ở Gia Lai còn khá khiêm tốn thì nay diện tích vùng trồng đã được mở rộng với hơn 1.700 ha tập trung nhiều ở các huyện Chư Sê, Chư Pưh, An Khê, Kbang. Cây dược liệu trồng nơi đây cũng rất đa dang về chủng loại như: Đương quy, cát cánh, đinh lăng, hà thủ ô đỏ, cà gai leo, lan kim tuyến, mật nhân…

s4.png

Ông Phan Thanh Thiên luôn quan tâm đến việc phát triển vườn dược liệu. Ảnh: Tuấn Anh.

Luôn ấp ủ với những dự định từ cây dược liệu, ông Phan Thanh Thiên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển khoa học quốc tế Trường Sinh chia sẻ: “Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng có rất nhiều cây dược liệu quý hiếm và chúng ta đang nằm trên vùng dược liệu nhưng lại không hay biết. Trong khi, chúng ta vẫn phải nhập khẩu dược liệu từ Trung Quốc nhưng chất lượng thì không đảm bảo”.

Ông Thiên cho biết, ngay khi mới thành lập, công ty đã đặt ra vấn đề làm sao giải quyết được bài toán khó của ngành dược liệu thông qua việc nghiên cứu để bào chế ra các bài thuốc y học cổ truyền.

Nhưng rồi cũng phải đến năm 2019, sau khi xây dựng chuỗi nhà máy, công ty mới chính thức phát triển vùng trồng dược liệu để nghiên cứu ra các loại thuốc đông y phục vụ cho ngành thủy sản và cho con người.

Hiện tại, công ty đã đầu tư trồng và liên kết với người dân để xây dựng vùng dược liệu ở Gia Lai lên đến hơn 500ha. Theo đó, công ty tập trung đầu tư phát triển các dòng dược liệu chủ yếu như: Nghệ đen, đinh lăng, lan kim tuyến, đông trùng hạ thảo, mật nhân…

“Thông qua các vùng trồng dược liệu đã triển khai, trong thời gian tới chúng tôi sẽ nghiên cứu đến các dòng thuốc đông y phục vụ điều trị các bệnh tiểu đường, xương khớp, viêm gan, hệ hô hấp cấp”, ông Thiên chia sẻ.

Có nhiều đam mê với cây dược liệu, ông Nguyễn Việt Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dược liệu Gia Định đã từng đi khảo sát ở nhiều nơi và nhận thấy, Tây Nguyên rất phù hợp để phát triển trồng một số dược liệu, đặc biệt những loại cây có củ.

Ngoài ra, Tây Nguyên có quỹ đất rộng lớn có thể xây dựng vùng dược liệu theo hướng công nghiệp hóa. Từ những suy nghĩ đó, năm 2017, công ty đã đầu tư vùng dược liệu tại Gia Lai.

Ban đầu, công ty trồng thử nghiệm khoảng 20 loại dược liệu khác nhau và hiện đã chọn ra được khoảng 7 - 10 cây chủ đạo có tiềm năng phát triển trên diện tích lớn. Từng bước phát triển vùng trồng, đến nay công ty có hơn 50ha cây dược liệu các loại như: Đan sâm, địa hoàng, cát cánh, đương quy, tri mẫu, hà thủ ô… Cùng với đó, công ty đã xây dựng xưởng sơ chế các sản phẩm thô để cung cấp cho các nhà máy dược liệu tại các thành phố lớn như TP. HCM và Hà Nội.

“Về lâu dài, khi tạo ra được vùng trồng dược liệu đủ lớn, công ty sẽ xây dựng nhà máy chế biến các dòng sản phẩm nhằm phục vụ cho nhu cầu thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu trong tương lai”, ông Hùng chia sẻ.

s3.png

Vườn dược liệu đạt chuẩn GACP - WHO của công ty Gia Định. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, do cây dược liệu có giá trị kinh tế cao nên đã có rất nhiều doanh nghiệp đặt vấn đề trồng dược liệu dưới tán rừng, phát triển dược liệu gắn với chế biến.

Nhằm giúp cây dược liệu phát triển bền vững, UBND tỉnh Gia Lai đã phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, Đề án được thực hiện tại 17 huyện, thị xã, thành phố, trong đó đặc biệt ưu tiên phát triển tại các vùng có tiềm năng, lợi thế phát triển cây dược liệu như: huyện Kbang, Đăk Đoa, Mang Yang, An Khê, Chư Sê, Chư Pưh, Krông Pa, Ia Pa với nguồn vốn 5.200 tỷ đồng.

“Đến thời điểm này, cây dược liệu đang phát triển rất tốt ở Gia Lai. Tuy nhiên, nhằm phát triển bền vững hơn trong tương lai cần phải xây dựng chiến lược liên kết vùng trồng giữa người dân với doanh nghiệp, HTX để sản xuất gắn với sơ chế, chế biến và tiêu thụ. Cùng với đó, việc mở rộng diện tích cũng cần dựa trên những khuyến cáo của ngành nông nghiệp để có những vị trí thuận lợi phát huy tối đa những giá trị mà cây dược liệu mang lại”, ông Có chia sẻ.

“Thánh địa” sâm Ngọc Linh
Vào những ngày cuối tháng 4, huyện Tu Mơ Rông đã thu hút hàng ngàn du khách đến tham quan tại phiên chợ “sâm Ngọc Linh và các sản phẩm đặc hữu gắn với du lịch”. Đây là phiên chợ dược liệu đầu tiên mà huyện Tu Mơ Rông nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung tự hào quảng bá đến với du khách và người tiêu dùng.

s2.png

"Quốc bảo" sâm Ngọc Linh được trồng tại thánh địa Tu Mơ Rông. Ảnh Tuấn Anh.

Được xem là “thánh địa” sâm Ngọc Linh, huyện Tu Mơ Rông có rất nhiều lợi thế phát triển dược liệu bởi điều kiện thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng. Đặc biệt, nằm trên độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, huyện Tu Mơ Rông đã tạo nên nguồn dược liệu tự nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại và có giá trị to lớn về y tế và kinh tế như: sâm Ngọc Linh, đẳng sâm, ngũ vị tử, đương quy, lan kim tuyến, sa nhân...

Còn nhớ, khoảng 7- 8 năm về trước, dược liệu ở vùng đất Tu Mơ Rông dù rất tiềm năng nhưng phát triển vẫn mang tính nhỏ lẻ. Phải đến năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) đã đến thăm “thánh địa” sâm Ngọc Linh và phong tặng danh hiệu “Quốc bảo Việt Nam - Báu vật đại ngàn” thì dược liệu nơi đây mới có sự phát triển mạnh mẽ.

Từ đó, rất nhiều các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tìm đến huyện Tu Mơ Rông để phát triển vùng trồng dược liệu. Nhưng có lẽ, thành công hơn cả về vấn đề phát triển dược liệu, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh phải kể đến Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Sau hơn 20 năm sưu tầm, nhân giống và phát triển, từ những cây sâm Ngọc Linh tự nhiên trong rừng, đến nay doanh nghiệp này đã sở hữu một vùng trồng sâm rộng lớn trên vùng núi Ngọc Linh. Trong đó có hơn 200 ha sâm Ngọc Linh hơn 10 năm tuổi đã có thể đưa vào khai thác và sử dụng.  

Không chỉ sở hữu vùng trồng sâm lớn, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum còn là nhà sản xuất tiên phong trong việc sản xuất các sản phẩm cao cấp từ sâm Ngọc Linh như: rượu ngâm củ sâm tươi, dịch chiết sâm Ngọc Linh, tổ yến sâm Ngọc Linh, trà sâm Ngọc Linh, sâm Ngọc Linh ngâm mật ong, cùng các loại viên uống tăng cường sinh lực, nước uống tăng lực và nước uống dưỡng da... làm từ sâm Ngọc Linh.

Ông Nguyễn An, Giám đốc thương mại Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum cho biết, tỉnh Kon Tum đã phê duyệt và giao cho công ty thực hiện dự án trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng trên diện tích 4.600ha. Đến nay, công ty đã trồng được hơn 700ha.

“Chúng tôi chỉ tập trung vào việc phát triển và bảo tồn cây sâm Ngọc Linh để tạo ra các sản phẩm chất lượng nhất phục vụ cho khác hàng và người tiêu dùng”, ông An chia sẻ.

s1.png

Phát triển và bảo tồn sâm Ngọc Linh là mục tiêu hàng đầu của tỉnh Kon Tum. Ảnh Tuấn Anh.

Huyện Tu Mơ Rông là một trong 3 vùng trọng điểm phát triển cây dược liệu của tỉnh Kon Tum với diện tích khoảng 1.918ha. Trong đó, diện tích Sâm Ngọc Linh 1.191,26ha, đẳng sâm 192,9ha, cây dược liệu khác 533,89ha. Huyện cũng đã hình thành được một số vùng trồng dược liệu tập trung như: Vùng trồng Sâm Ngọc Linh, sâm dây tại các xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây, Đăk Na….

Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Ngoài cây sâm Ngọc Linh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công Nghệ) chứng nhận chỉ dẫn địa lý, huyện Tu Mơ Rông đã chủ động xây dựng và đăng ký sở hữu nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý với 4 loại sản phẩm đặc trưng khác là sâm dây, ngũ vị tử, sơn tra và đương quy”.

Theo ông Mười, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục rà soát quỹ đất để giới thiệu, thu hút các doanh nghiệp thực hiện các dự án dược liệu trên địa bàn. Mục tiêu đến năm 2025, diện tích có rừng trồng sâm Ngọc Linh khoảng 2.960 ha và hơn 1.000 ha các loại dược liệu khác.

Theo Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu, đến năm 2030, Kon Tum phấn đấu nâng tổng diện tích vùng nuôi trồng dược liệu lên khoảng 25.000ha, trong đó khoảng 10.000ha sâm Ngọc Linh, hình thành mới ít nhất 5 cơ sở sản xuất giống dược liệu trên địa bàn toàn tỉnh.

Các huyện trọng điểm được xác định phát triển dược liệu là Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông. Qua đó, sẽ có 10 loài dược liệu được xác định đầu tư để phát triển tập trung gồm: Sâm Ngọc Linh, đảng sâm, đương quy, ngũ vị tử, lan kim tuyến, nghệ vàng, đinh lăng, sa nhân tím, ý dĩ, nấm dược liệu.

 

Bình luận

Trồng nấm rơm hữu cơ trong nhà, năng suất, giá bán gấp đôi ngoài trời

Trồng nấm rơm hữu cơ trong nhà, kiểm soát chất lượng chặt chẽ cho năng suất cao hơn từ 2 - 3 lần, giá bán cao gấp đôi so với trồng ngoài trời.

Phát triển cây dược liệu đặc hữu vùng Tây Bắc

Nằm trong khu vực trung tâm Tây Bắc, ba tỉnh: Sơn La, Điện Biên và Lai Châu có nhiều loài cây dược liệu quý, giá trị kinh tế cao, như: nấm linh chi, sơn tra, huyết giác, đẳng sâm, cẩu tích, đương quy, tam thất, thất diệp nhất chi hoa...

Gai xanh - lựa chọn tiềm năng: Những người tiên phong ở xứ Thanh

Bánh gai làm từ cây gai xanh từ lâu đã trở thành đặc sản ở xứ Thanh. Nhưng trồng cây gai xanh lấy sợi thì chỉ mới phát triển vài năm nay.

Gai xanh - lựa chọn tiềm năng: Cây chủ lực cho nông dân miền núi

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng cần nghiên cứu, xây dựng gai xanh thành cây trồng chủ lực cho vùng miền núi một số tỉnh phía Bắc để giúp nông dân làm giàu.

Khắc phục điểm yếu, tăng xuất khẩu rau gia vị Việt Nam sang Châu Âu

Dự án tăng cường năng lực để xuất khẩu rau gia vị Việt Nam sang thị trường Châu Âu được triển khai từ nay đến hết năm 2023.

Hiệu quả từ nuôi đà điểu

Khoảng 3 năm trước, mô hình nuôi đà điểu được người dân xã Khai Thái (huyện Phú Xuyên) áp dụng và nhân rộng. Với hiệu quả kinh tế, mô hình này hứa hẹn mang lại thu nhập cao cho nông dân.

Triển vọng giống cao lương VFS99

Qua 3 vụ sản xuất liên tục, giống cao lương VFS99 sinh trưởng tốt, bộ lá khỏe mạnh, sạch sâu bệnh, chống chịu hạn tốt, năng suất sinh khối có thể lên tới 100 tấn/ha.

Rong nho Khánh Hòa: Nhiều tiềm năng phát triển

Đến nay, rong nho Khánh Hòa đã mang lại hiệu quả kinh tế bền vững cho người dân so với đối tượng nuôi trồng thủy sản khác, bình quân mỗi ha rong nho cho thu hoạch đến 700 triệu đồng/năm.

Thoát nghèo bằng "thần dược" cho quý ông

Qua khảo sát, chính quyền địa phương tại Quảng Bình đã đưa cây ba kích về trồng dưới tán rừng của đồng bào Mã Liềng, giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên nuôi cá lồng vượt qua bão giá

Anh Vũ Văn Khoa là tấm gương điển hình trong phát triển nuôi cá lồng bè cho thu nhập cao nhờ biết tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ tại hồ IaLy, Gia Lai.