Lúa mùa Tư Việt và câu chuyện trồng lúa hữu cơ ở Kiên Giang

Quyết tâm khôi phục các giống lúa mùa, anh Tư Việt canh tác hoàn toàn theo cách truyền thống xưa, không sử dụng bất kỳ loại phân bón vô cơ và thuốc BVTV nào.

Quyết tâm "hồi sinh" các giống lúa mùa
“Mỗi năm, trước khi vào vụ sản suất, trên trang Sinh thái lúa mùa - luamua.net đều đăng kế hoạch khung thời gian hoạt động cụ thể của trang trại, từ khi gieo mạ, dắm mạ, nhổ cấy bằng tay, chăm sóc, thu hoạch, đập lúa, phơi, xay gạo thủ công…, và cuối cùng là nấu cơm, thưởng thức với các loại rau dại mọc quanh bờ ruộng, cá đồng.

nn5.png

Trang trại lúa mùa Tư Việt sản xuất hoàn toàn hữu cơ và lao động thủ công truyền thống. Ảnh: Trung Chánh.

Đó là cách sản xuất lúa khác lạ của anh Lê Quốc Việt (ở khu phố Minh Phú, Thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) mà mọi người vẫn quen gọi là "Tư Việt lúa mùa". Cách đây gần chục năm, gia đình anh Việt quyết định từ bỏ thâm canh lúa Thần Nông 2 - 3 vụ/năm, sử dụng nhiều phân, thuốc hóa học để có năng suất cao, quay trở lại làm lúa mùa hữu cơ theo cách truyền thống, mỗi năm chỉ 1 vụ. Từ 2,5 ha đất nhà, rồi mướn thêm xung quanh, hợp tác với các hộ nông dân khác cùng làm, diện tích dần mở rộng lên hàng chục ha.

Anh Việt tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn từ nền văn hóa lúa mùa nên nó đã ăn sâu vào máu thịt. Vì vậy, khi thấy văn hóa lúa mùa ngày càng mai một, mình tiếc lắm. Trong thâm tâm cứ ấp ủ nguyện vọng một ngày nào đó sẽ đầu tư, xây dựng một trung tâm bảo tồn văn hóa lúa mùa. Thế nhưng cũng phải mất hơn mười năm “thai nghén” mới có điều kiện để làm”.

Tiếp lời chồng, chị Nguyễn Thị Thanh Vân - vợ anh Việt bảo: “Với 2,5 ha nếu làm lúa 3 vụ/năm thì cũng kiếm được lợi nhuận trên trăm triệu đồng nhưng làm lúa mùa là tâm nguyện của anh nên vợ chồng cũng đồng lòng làm, dù thu nhập có giảm đi”.

nn4.png

Nhiều người tìm đến trang trại lúa mùa Tư Việt tham gia vào các khâu sản xuất, trải nghiệm lại các hoạt động văn hóa lúa mùa xưa. Ảnh: Trọng Linh.

Anh Việt cho biết, cái khó hiện nay là nhiều giống lúa mùa đã bị mai một, rất khó tìm. "Tôi phải đích thân lên Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (thuộc Đại học Cần Thơ) mới chia được năm loại giống lúa mùa là: Một Bụi, Ba Bụi, Chim Rơi, Trắng Tép và Nếp Than, nhưng mỗi thứ cũng chỉ được ít hạt về nhân giống”, anh Việt tâm sự.

Để bảo tồn các giống lúa, mỗi năm anh Tư Việt sưu tầm và trồng khoảng 10 giống lúa mùa khác nhau. Sau khi thu hoạch, sẽ nấu cơm mời bà con cùng thưởng thức, đánh giá, chọn ra những giống cho loại gạo ngon để tiếp tục trồng. Anh Việt bảo: “Lúa mùa bây giờ không chỉ khan hiếm giống mà còn đứng trước thách thức là phải cạnh tranh với nhiều giống lúa cao sản mới được lai tạo, cho chất lượng gạo thơm ngon, được thị trường rất ưa chuộng".

nn3.png

Đoàn làm phim Hành trình cây lúa Việt Nam về trang trại lúa mùa Tư Việt quay tư liệu khi nơi đây thu hoạch lúa. Ảnh: Trung Chánh.

Vừa làm vừa đánh giá chất lượng qua từng năm, hiện anh Tư Việt đã phục tráng được một số giống lúa mùa cho chất lượng gạo rất tốt, như: Chim Rơi, Tàu Hương, Châu Hồng Vỏ… Trong đó, giống Châu Hồng Vỏ được anh tâm đắc nhất: “Giống này cho loại gạo với chất lượng dinh dưỡng cao, mùi thơm rất đặc trưng. Hiện tôi mới chỉ sản suất ra gạo lứt từ giống lúa Châu Hồng Vỏ, nhưng thường bị "cháy hàng", không đáp ứng đủ cho nhu cầu khách hàng. Sắp tới, tôi sẽ mở rộng diện tích canh tác để tăng sản lượng và tiếp tục nghiên cứu chế biến thêm bột gạo lứt, sữa gạo… để đa dạng sản phẩm và tăng thêm giá trị gia tăng”.
Canh tác thuận tự nhiên
Mỗi năm chỉ gieo cấy 1 vụ lúa vào thời điểm thời tiết thuận lợi, còn lại là cho đất nghỉ, phục hồi nhờ các chất hữu cơ tự phân hủy sau quá trình canh tác. Theo anh Việt, vụ lúa mùa thường kéo dài khoảng 6 tháng mới cho thu hoạch. Nếu gieo mạ cấy sớm có khi kéo dài tới 7 tháng. Còn nếu làm trễ thì cũng phải 5 tháng. Tuy nhiên, nếu làm quá trễ, cây lúa chưa kịp phát triển, chưa tích lũy đủ tinh khí của đất trời đã trổ bông thì năng suất kém mà chất lượng gạo cũng không ngon.

nn3.png

Anh Lê Quốc Việt (bên phải), thường được gọi là "Tư Việt lúa mùa" cùng người dân tham gia đập lúa. Ảnh: Trọng Linh.

Với việc canh tác thuận theo tự nhiên, nên ruộng lúa của anh Tư Việt rất ít khi bị sâu, bệnh hại. Mà nếu có anh cũng nhất quyết không phun xịt bất cứ loại thuốc hóa học nào. “Để chống lại sâu, rầy và ốc bươu vàng, tôi nuôi cá đồng và thả thêm vịt trời trong ruộng lúa cho chúng ăn. Trên bờ ruộng trồng thêm các loại hoa sinh thái để dẫn dụ thiên địch. Riêng chuột phá hoại thì dùng rập bẫy và xây tường rào xung quanh để hạn chế chúng xâm nhập”, anh Việt chia sẻ.

Với mong muốn biến trang trại của mình thành điểm đa dạng sinh học, anh Tư Việt không thiên về phát triển du lịch sinh thái, mà chủ yếu đón tiếp những người đến đây học tập, nghiên cứu về văn hóa lúa mùa. Đã có nhiều sinh viên của các trường đại học tại Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang tìm đến đây nghiên cứu, làm đề tài tốt nghiệp. Ngoài ra, còn có nhiều đoàn, chủ yếu là những người lớn tuổi đến trang trại Lúa mùa Tư Việt để tìm lại những kỷ niệm một thời về văn hóa lúa mùa xưa. Họ cùng tham gia làm tất cả các khâu trong sản xuất để trải nghiệm.

nn2.png

Nhiều người thích thú tham gia trải nghiệm xay lúa bằng cối xay thủ công xưa tại trang trại lúa mùa Tư Việt. Ảnh: Trung Chánh.

Quy trình canh tác lúa hữu cơ của anh Tư Việt là “ngày xưa ông bà mình làm sao thì giờ làm vậy, hoàn toàn tự nhiên, không dùng bất cứ loại hóa chất nào. Ngay cả việc cơ giới hóa cũng không, thay vào đó là kéo bằng sức trâu. Vì vậy, sản phẩm gạo lúa mùa hữu cơ làm ra cũng chẳng cần qua đơn vị chức năng nào kiểm định, cấp chứng nhận. Với cách giới thiệu và mời khách hàng cùng tham gia sản suất nên họ rất tin tưởng vào chất lượng hạt gạo làm ra”.

Mới đây, anh Tư Việt đã đem sản phẩm gạo lúa mùa tham gia giới thiệu tại Hội chợ Khuyến mại năm 2021, do Sở Công thương TP Hồ Chí Minh tổ chức tại Nhà thi đấu Thể dục thể thao Phú Thọ và Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ V - Vĩnh Long 2021.

“Đây là dịp tốt để mình giới thiệu về sản phẩm gạo lúa mùa hữu cơ cho nguời dân Sài Gòn và vùng ĐBSCL. Qua đó, cho thấy còn rất nhiều người lớn tuổi nhớ về gạo lúa mùa, muốn tìm mua thưởng thức. Ngoài ra, còn có những nhóm trẻ yêu thích tự nhiên, sống hòa mình với thiên nhiên cũng rất thích các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đây chính là động lực để tôi tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn văn hóa lúa mùa”, anh Tư Việt tâm sự.

Mở rộng trồng lúa hữu cơ trên nền đất nuôi tôm

Nhiều năm qua, nông dân vùng lúa - tôm ở Kiên Giang đã cùng doanh nghiệp phát triển sản xuất lúa hữu cơ và đã xuất khẩu thành công sang các thị trường cao cấp.

nn1.png

Vùng tôm - lúa không sử dụng thuốc BVTV ngày càng mở rộng diện tích tại Kiên Giang. Ảnh: Trọng Linh.

Kiên Giang có diện tích quy hoạch phát triển sản xuất mô hình lúa – tôm khoảng trên 100.000 ha, tập trung ở các huyện vùng U Minh Thượng và phía Nam quốc lộ 80, thuộc huyện Hòn Đất và Kiên Lương. Tập quán canh tác lúa trên nền đất nuôi tôm, nông dân gieo sạ với mật độ thưa (dưới 100 kg lúa giống/ha). Nhờ tận dụng nguồn hữu cơ từ vụ nuôi tôm nên sử dụng phân bón rất ít và không sử dụng thuốc BVTV. Các yếu tố trên rất thuận lợi cho việc quy hoạch vùng lúa – tôm thành vùng sản xuất theo quy trình hữu cơ.

Từ năm 2016 đến nay, nhiều HTX nông nghiệp tại các huyện An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng đã sản xuất thành công quy trình canh tác hữu cơ và đã được cấp giấy chứng nhận. Quy trình sản xuất hữu cơ đã góp phần cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, giảm thiểu tác động lên môi trường, nông sản làm ra có chất lượng cao, tạo ra thương hiệu cho lúa hữu cơ địa phương.

Tại Kiên Giang, hiện có 7 cơ sở sản xuất lúa đã đạt chứng nhận hữu cơ, với diện tích canh tác 1.229 ha, sản lượng thu hoạch trên 3.000 tấn, chủ yếu tập trung trên nền đất nuôi tôm.

 

Bình luận

Trồng nấm rơm hữu cơ trong nhà, năng suất, giá bán gấp đôi ngoài trời

Trồng nấm rơm hữu cơ trong nhà, kiểm soát chất lượng chặt chẽ cho năng suất cao hơn từ 2 - 3 lần, giá bán cao gấp đôi so với trồng ngoài trời.

Phát triển cây dược liệu đặc hữu vùng Tây Bắc

Nằm trong khu vực trung tâm Tây Bắc, ba tỉnh: Sơn La, Điện Biên và Lai Châu có nhiều loài cây dược liệu quý, giá trị kinh tế cao, như: nấm linh chi, sơn tra, huyết giác, đẳng sâm, cẩu tích, đương quy, tam thất, thất diệp nhất chi hoa...

Gai xanh - lựa chọn tiềm năng: Những người tiên phong ở xứ Thanh

Bánh gai làm từ cây gai xanh từ lâu đã trở thành đặc sản ở xứ Thanh. Nhưng trồng cây gai xanh lấy sợi thì chỉ mới phát triển vài năm nay.

Gai xanh - lựa chọn tiềm năng: Cây chủ lực cho nông dân miền núi

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng cần nghiên cứu, xây dựng gai xanh thành cây trồng chủ lực cho vùng miền núi một số tỉnh phía Bắc để giúp nông dân làm giàu.

Khắc phục điểm yếu, tăng xuất khẩu rau gia vị Việt Nam sang Châu Âu

Dự án tăng cường năng lực để xuất khẩu rau gia vị Việt Nam sang thị trường Châu Âu được triển khai từ nay đến hết năm 2023.

Hiệu quả từ nuôi đà điểu

Khoảng 3 năm trước, mô hình nuôi đà điểu được người dân xã Khai Thái (huyện Phú Xuyên) áp dụng và nhân rộng. Với hiệu quả kinh tế, mô hình này hứa hẹn mang lại thu nhập cao cho nông dân.

Triển vọng giống cao lương VFS99

Qua 3 vụ sản xuất liên tục, giống cao lương VFS99 sinh trưởng tốt, bộ lá khỏe mạnh, sạch sâu bệnh, chống chịu hạn tốt, năng suất sinh khối có thể lên tới 100 tấn/ha.

Đánh thức những 'kho báu' của đại ngàn

Tây Nguyên đang ngày càng thu hút được nhiều tổ chức cá nhân, doanh nghiệp đến đầu tư phát triển và bảo tồn các loại dược liệu quý hiếm.

Rong nho Khánh Hòa: Nhiều tiềm năng phát triển

Đến nay, rong nho Khánh Hòa đã mang lại hiệu quả kinh tế bền vững cho người dân so với đối tượng nuôi trồng thủy sản khác, bình quân mỗi ha rong nho cho thu hoạch đến 700 triệu đồng/năm.

Thoát nghèo bằng "thần dược" cho quý ông

Qua khảo sát, chính quyền địa phương tại Quảng Bình đã đưa cây ba kích về trồng dưới tán rừng của đồng bào Mã Liềng, giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.