Nuôi ong mật, không chỉ làm giàu, mà còn 'nuôi' hệ sinh thái
Cao Bằng có điều kiện trời phú để phát triển nuôi ong mật. Nuôi ong mật cũng như đi đôi với 'nuôi' hệ sinh thái, bảo vệ môi trường, hỗ trợ nông nghiệp bền vững.
Cao Bằng có nhiều điều kiện tự nhiên để phát triển nghề nuôi ong mật. Ảnh: NT.
Xóa nghèo nhờ nuôi ong dựa vào thiên nhiên
Được thành lập từ năm 1995, Câu lạc bộ Nuôi ong mật Đề Thám, TP Cao Bằng là một trong những Câu lạc bộ (CLB) lâu năm vẫn còn duy trì và phát triển nghề nuôi ong mật cho đến ngày nay. Đến nay, CLB có gần 20 hội viên, mỗi hội viên nuôi trung bình từ 10 - 40 đàn ong. Mỗi năm, CLB thu từ 2.000 - 4.000 lít mật. CLB không còn hội viên nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Gia đình ông La Văn Cáo, tổ 19, phường Sông Hiến là hộ có số lượng đàn ong lớn nhất CLB. Từ hai bàn tay trắng, ông Cáo từ xã Tổng Cọt, huyện Hà Quảng xuống tổ 19, phường Sông Hiến lập gia đình, phát triển kinh tế.
Sau 20 năm phát triển mô hình vườn - ao - chuồng - rừng, ông Cáo trồng hơn 5 ha rừng, trồng hàng nghìn m2 cam, ổi, chuối, nuôi ong, nuôi hơn 5.000 m2 cá… trừ chi phí ban đầu, mỗi năm cho tổng thu nhập hơn 200 triệu đồng.
Ông Cáo tâm sự: Cơ ngơi của gia đình đi lên như ngày hôm nay cũng xuất phát từ nghề nuôi ong mật. Thời gian đầu mới nuôi ong, do chưa nắm rõ kỹ thuật nên ong chết, bỏ đi nhiều, lượng mật thu được ít, chất lượng không cao.
Năm 2000, ông tham gia vào CLB Nuôi ong mật Đề Thám, được các thành viên khác hướng dẫn kỹ thuật xây tổ, xây đàn nhân rộng đàn ong. Hiện nay, thời điểm cao nhất sau Tết nguyên đán, ông nuôi hơn 100 đàn ong, mỗi năm cho thu từ 500 - 600 lít mật, trừ chi phí cho thu hơn 100 triệu đồng.
Ong mật phát triển tốt nếu chăm sóc đúng kỹ thuật. Ảnh: NT.
Để hoạt động hiệu quả, hàng tháng, Ban chủ nhiệm CLB Nuôi ong mật Đề Thám cùng các hội viên giám sát chất lượng ong của từng gia đình, kịp thời khắc phục những vướng mắc. Cuối vụ, các hội viên chia sẻ kinh nghiệm về cách giữ đàn, chăm sóc ong lúc thời tiết lạnh, vệ sinh thùng ong, tìm nguồn hoa…
Ông Đàm Hoàng Xuyên, Chủ nhiệm CLB thông tin: Thời điểm khi mới thành lập, CLB còn nhiều hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Trong CLB chỉ có một số thành viên biết về kỹ thuật nuôi ong do từng làm việc tại Công ty Ong Cao Bằng. Người biết nhiều truyền kinh nghiệm cho người biết ít, đến tận gia đình cầm tay chỉ việc nên dần dần đều có kiến thức cơ bản để nuôi ong.
Khó khăn nhất với CLB hiện nay là sản phẩm chưa có đầu ra ổn định, chưa có thương hiệu, chưa đăng ký nhãn hiệu nên dễ bị các sản phẩm kém chất lượng hơn trà trộn làm mất uy tín...
Từ kinh nghiệm thực tiễn kết hợp kiến thức trong sách vở, tài liệu về nuôi ong mật, các hội viên của CLB nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi ong lấy mật phù hợp với điều kiện địa phương; thực hiện nghiêm ngặt theo nguyên tắc chỉ thu hoạch khi mật đã đủ độ già để bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Vào mùa ít hoa thì không khai thác mật và đây cũng là biện pháp để giữ vững thương hiệu mật ong nuôi nhờ rừng tự nhiên của CLB.
Nuôi ong mật, "nuôi" hệ sinh thái
Là một trong những người nuôi ong từ lâu, ông Đào Minh Quân, tổ 5, phường Đề Thám, TP Cao Bằng có kinh nghiệm gần 30 năm nuôi ong lấy mật.
Theo ông Quân: Nuôi ong không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải áp dụng đúng kỹ thuật, có tính kiên trì. Ong mật phát triển đàn mạnh nhất vào thời điểm sau Tết, nhất là khoảng tháng 4 - 5 dương lịch.
Để nuôi ong có hiệu quả cao, cần chú ý đến việc nhân đàn đúng thời điểm, thường là từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Khi không có hoa, cần tìm nơi có hoa như trong rừng, vườn cây để di chuyển đàn ong đến. Chú ý di chuyển ong vào buổi tối để tránh làm đàn ong bay đi mất.
Nhờ phát triển nghề nuôi ong, môi trường hệ sinh thái cũng được cải thiện theo. Ảnh: NT.
Muốn có mật nhiều, phải thường xuyên kiểm tra cầu ong, di chuyển cầu ong liên tục để tích mật. Vụ mật từ trước Tết đến tháng 8 năm sau mới hết. Gia đình ông Quân đã đầu tư máy in chân tầng ong để đặt vào thùng cho đàn ong xây tổ mới nhanh chóng. Ong chúa rất thích đẻ trứng vào bánh tổ ong mới này làm hệ số nhân của đàn tăng nhanh hơn.
Mấy năm gần đây, có nhiều thanh niên trẻ cũng tham gia nuôi ong lấy mật. Anh La Văn Minh, xóm Pác Háo, xã Lê Trung, huyện Hòa An là một trong những người thanh niên trẻ tuổi đã theo đuổi nghề nuôi ong lấy mật ngay từ khi còn ngồi trên nghế nhà trường.
Vượt qua hàng chục km đường đồi, chúng tôi đến nơi anh Minh đặt gần 100 thùng nuôi ong, hầu hết đều là ong tự nhiên từ rừng, một số là ong giống mua lại từ các đàn khác và nhân giống lên theo từng năm.
Anh Minh chia sẻ: Từ trẻ đã thích nghề nuôi ong. Năm nay, thời tiết thuận lợi, trời nắng đẹp, hoa nở nhiều nên đàn ong của anh phát triển tốt, trong thùng lúc nào cũng có có từ 8 - 10 cầu ong. Vào thời điểm đàn ong cho thu hoạch nhiều nhất trong năm, cứ khoảng 15 - 20 ngày sẽ cho thu hoạch 1 lần. Từ nuôi ong mỗi năm anh thu nhập được hơn 100 triệu đồng.
Nghề nuôi ong không chỉ làm giàu cho bà con, mà còn giúp nhận thức của người dân ngày càng nâng cao cần phải dìn giữ môi trường. Ảnh: NT.
Cũng như nhiều nơi, mật ong thiên nhiên Cao Bằng có nhiều loại khác nhau. Trong đó, mật hoa sẽ được đàn ong lấy mật từ các loại hoa; mật lá chủ yếu lấy dịch mật từ lá keo, lá sắn và thứ mật ngon nhất, tốt nhất chính là mật ong kết tinh, khi đó, mật ong có một lớp trắng đục, mềm mềm ở dưới đáy chai đó chính là mật ong đạt chất lượng.
Theo thống kê của Hội Làm vườn tỉnh Cao Bằng, toàn tỉnh có hàng nghìn hộ nuôi ong, trong đó nuôi từ 10 đàn tới hơn 100 đàn có hơn 200 hộ, với tổng số khoảng 3.000 - 4.000 đàn ong. Toàn tỉnh đã thành lập nhiều CLB nuôi ong như CLB nuôi ong mật Đề Thám (TP Cao Bằng); CLB Bảo tồn ong tự nhiên xã Tam Kim (huyện Nguyên Bình); CLB Nuôi ong huyện Thông Nông (nay là huyện Hà Quảng). Ngoài ra, còn nhiều địa phương có số lượng người nuôi ong mật nhiều như Hòa An, Thạch An, Hạ Lang…
Để bảo vệ và phát triển thương hiệu mật ong Cao Bằng cũng như bảo vệ được đàn ong nội và tạo sinh kế cho người nuôi ong, các cấp chính quyền và các ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để giúp những người nuôi ong nâng cao nhận thức để bảo vệ môi trường, môi sinh, phát triển đàn ong nội của địa phương.
Câu lạc bộ nuôi ong phường Đề Thám, TP Cao Bằng kiểm tra chất lượng đàn ong mật của hội viên. Ảnh: NT.
Để nghề nuôi ong ngày càng phát triển, có chỗ đứng trên thị trường, cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ thành lập hiệp hội nuôi ong của tỉnh, xây dựng thương hiệu mật ong Cao Bằng vươn xa ra ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, các CLB, các hộ nuôi ong cần đảm bảo chất lượng mật ong, không bán những sản phẩm mật ong kém chất lượng làm ảnh hưởng đến uy tín của mật ong Cao Bằng. Ngoài ra, cần có những chính sách, chương trình quảng bá về các sản phẩm từ ong, tạo thị trường, đầu ra ổn định cho sản phẩm...
Ông Hoàng Đức Thiện, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Cao Bằng cho biết: Ong mật Cao Bằng có sức chống chịu tốt với bệnh tật. Nuôi ong không phải là nghề mới, nhưng có thể khẳng định hiệu quả kinh tế từ nuôi ong đem lại khá cao, góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó, việc nuôi ong còn có lợi ích về môi trường sinh thái; ong còn giúp thụ phấn, tăng năng suất cho cây trồng. Những vùng sản xuất nông nghiệp gần hoặc kết hợp với nuôi ong, phải tuyệt đối không được sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Đây là mối liên kết tương hỗ, nhằm hỗ trợ xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ, bền vững....
Hiện nay, Hội Làm vườn tỉnh đang vận động hướng đến thành lập ở mỗi huyện một CLB nuôi ong mật để có sự liên kết, hỗ trợ nhau trong việc nuôi ong, kỹ thuật chăm sóc, tiêu thụ mật.
Trồng nấm rơm hữu cơ trong nhà, năng suất, giá bán gấp đôi ngoài trời
Trồng nấm rơm hữu cơ trong nhà, kiểm soát chất lượng chặt chẽ cho năng suất cao hơn từ 2 - 3 lần, giá bán cao gấp đôi so với trồng ngoài trời.
Phát triển cây dược liệu đặc hữu vùng Tây Bắc
Nằm trong khu vực trung tâm Tây Bắc, ba tỉnh: Sơn La, Điện Biên và Lai Châu có nhiều loài cây dược liệu quý, giá trị kinh tế cao, như: nấm linh chi, sơn tra, huyết giác, đẳng sâm, cẩu tích, đương quy, tam thất, thất diệp nhất chi hoa...
Gai xanh - lựa chọn tiềm năng: Những người tiên phong ở xứ Thanh
Bánh gai làm từ cây gai xanh từ lâu đã trở thành đặc sản ở xứ Thanh. Nhưng trồng cây gai xanh lấy sợi thì chỉ mới phát triển vài năm nay.
Gai xanh - lựa chọn tiềm năng: Cây chủ lực cho nông dân miền núi
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng cần nghiên cứu, xây dựng gai xanh thành cây trồng chủ lực cho vùng miền núi một số tỉnh phía Bắc để giúp nông dân làm giàu.
Khắc phục điểm yếu, tăng xuất khẩu rau gia vị Việt Nam sang Châu Âu
Dự án tăng cường năng lực để xuất khẩu rau gia vị Việt Nam sang thị trường Châu Âu được triển khai từ nay đến hết năm 2023.
Hiệu quả từ nuôi đà điểu
Khoảng 3 năm trước, mô hình nuôi đà điểu được người dân xã Khai Thái (huyện Phú Xuyên) áp dụng và nhân rộng. Với hiệu quả kinh tế, mô hình này hứa hẹn mang lại thu nhập cao cho nông dân.
Triển vọng giống cao lương VFS99
Qua 3 vụ sản xuất liên tục, giống cao lương VFS99 sinh trưởng tốt, bộ lá khỏe mạnh, sạch sâu bệnh, chống chịu hạn tốt, năng suất sinh khối có thể lên tới 100 tấn/ha.
Đánh thức những 'kho báu' của đại ngàn
Tây Nguyên đang ngày càng thu hút được nhiều tổ chức cá nhân, doanh nghiệp đến đầu tư phát triển và bảo tồn các loại dược liệu quý hiếm.
Rong nho Khánh Hòa: Nhiều tiềm năng phát triển
Đến nay, rong nho Khánh Hòa đã mang lại hiệu quả kinh tế bền vững cho người dân so với đối tượng nuôi trồng thủy sản khác, bình quân mỗi ha rong nho cho thu hoạch đến 700 triệu đồng/năm.
Thoát nghèo bằng "thần dược" cho quý ông
Qua khảo sát, chính quyền địa phương tại Quảng Bình đã đưa cây ba kích về trồng dưới tán rừng của đồng bào Mã Liềng, giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Bình luận