Trồng mắc ca ở Tây Bắc bảo đảm đúng định hướng

Cả nước hiện có 28 tỉnh trồng cây mắc ca, với tổng diện tích gần 19.000 ha, tập trung chủ yếu tại hai khu vực Tây Nguyên và tây bắc. Riêng khu vực tây bắc, mặc dù phát triển sau, nhưng đến nay nhiều địa phương đã phát triển loại cây trồng đặc sản này

t5_2-1635537452347.jpg

Công nhân Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc chăm sóc cây mắc ca trên địa bàn huyện Mường Nhé (Điện Biên). Ảnh: VĂN TÂM

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội mắc ca Việt Nam Huỳnh Ngọc Huy, qua khảo sát, các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình hiện có tới hơn 2,5 triệu héc-ta đất lâm nghiệp, trong đó hơn 1,7 triệu héc-ta đất có rừng và còn hơn 860 nghìn héc-ta đất chưa có rừng hoặc rừng nghèo kiệt. Thực hiện mục tiêu kép trồng mắc ca vào khu vực đất chưa có rừng, thay thế một phần các loại cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế thấp hơn (như keo, thông…), vừa hưởng ứng kế hoạch trồng một tỷ cây xanh của Chính phủ, các tỉnh Tây Bắc đang tích cực triển khai phát triển cây trồng mắc ca theo kế hoạch và định hướng phù hợp.

Tại khu vực tây bắc, hiện nay đã có nhiều địa phương trồng cây mắc ca như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La… Tỉnh Sơn La đề nghị cấp có thẩm quyền duyệt 10.000 ha, tỉnh Lai Châu đề nghị duyệt 40.000 ha và bổ sung các huyện Phong Thổ, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè vào vùng thích hợp trồng cây mắc ca. Riêng tỉnh Điện Biên, hiện đã phê duyệt và trình phê duyệt 30.478 ha; đang khảo sát và xin khảo sát 90.000 ha đất trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất và ngoài quy hoạch để phát triển cây trồng mắc ca theo định hướng đến năm 2030. Theo UBND tỉnh Lai Châu, đến nay tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho hai doanh nghiệp chế biến quả mắc ca tại huyện Phong Thổ (công suất 500 tấn/năm) và Than Uyên (2.500-4.000 tấn/năm), đã giúp người dân yên tâm sản xuất. Hiện tại, các diện tích trồng mắc ca năm 2011 và 2013 đã có quả, năng suất từ 2,5 đến 5,5 kg quả tươi/cây (cá biệt có cây đạt 20 kg quả), giá bán hiện tại từ 80 nghìn đồng đến 120 nghìn đồng/kg hạt tươi. Thu nhập bình quân mỗi héc-ta, trừ chi phí lãi khoảng 48 triệu đồng, từ năm thứ tám trở đi sản lượng quả sẽ cao hơn, tạo thu nhập ổn định cho người trồng. 

Hiệp hội mắc ca Việt Nam đang cố gắng đưa những tiến bộ nghiên cứu mới nhất về mắc ca trên thế giới vào Việt Nam, nhất là tại các tỉnh miền núi tây bắc. Tại tỉnh Điện Biên, Công ty cổ phần Maccamadia Điện Biên đang thực hiện tốt các dự án trồng cây mắc ca, tạo ra tập quán canh tác mới, nâng cao thu nhập cho người dân, biến dần những vùng hoang hóa đồi núi thành những cánh rừng trồng cây mắc ca xanh tốt. Tổng Giám đốc Trần Công Nhì cho biết, được thành lập từ năm 2011, sau một năm trồng thử nghiệm, đến năm 2012, công ty đã chuyển sang trồng đại trà, tập trung nhiều nhất tại huyện Tuần Giáo với hơn 1.800 ha, với 1.600 hộ dân góp đất tham gia trồng cây mắc ca. Đây cũng là hướng đi chung của chính quyền địa phương nhằm tạo sinh kế, thu nhập ổn định cho bà con đồng bào các dân tộc, đồng thời góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, phát triển rừng bền vững. Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, huyện Tuần Giáo được giao nhiệm vụ trồng 3.000 ha cây mắc ca. Gia đình ông Lò Văn Biến là một trong những hộ gia đình đầu tiên của bản Nong Giáng, xã Quải Nưa, huyện Tuần Giáo tham gia góp đất vào doanh nghiệp để trồng cây mắc ca cho biết, hiện tại ông là công nhân của công ty, mỗi tháng có thu nhập ổn định 6 triệu đồng. Từ khi tham gia vào doanh nghiệp cuộc sống gia đình đã ấm no hơn trước rất nhiều, thu nhập từ cây mắc ca ổn định và cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. Khi góp đất, người dân được doanh nghiệp hỗ trợ một triệu đồng/ha/năm trong 5 năm đầu, sau đó, khi thu hoạch sẽ được hưởng 15% giá trị/ha đất canh tác.

Trong các năm 2020, 2021, dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, người dân trồng mắc ca vẫn có thu nhập tốt vì mắc ca được mùa và được giá trong khi các loại nông sản khác không tiêu thụ được do đứt gãy chuỗi cung ứng. Hạt mắc ca là hạt khô có đặc tính dễ chế biến, dễ vận chuyển, dễ bảo quản và tích trữ hơn so với các loại cây ăn quả khác, đó cũng là một trong các lý do khiến mắc ca được giá giữa mùa dịch.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, Việt Nam có tiềm năng quỹ đất lớn, nhất là diện tích đã qua canh tác phát nương làm rẫy nhiều năm bị thoái hóa, không còn phù hợp để trồng lúa nương, trồng cây truyền thống hoặc nếu canh tác sẽ đem lại hiệu quả không cao có thể đưa vào trồng cây mắc ca. Cây mắc ca đã có những tác động tích cực tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ gia đình nông thôn, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đưa mắc ca trở thành cây trồng có giá trị cao. Dự báo, thời gian tới, cả sản lượng cung và cầu trên thế giới đều tăng nhanh, đây là cơ sở quan trọng để Việt Nam phát triển vùng nguyên liệu mắc ca và tham gia vào thị trường sản phẩm này trong giai đoạn 2021 - 2030 và các năm sau đó.  Một trong những yêu cầu quan trọng của Chính phủ đặt ra cho ngành nông nghiệp là phát triển cây mắc ca theo định hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng. Hai vùng tây bắc và Tây Nguyên được xác định trở thành trọng điểm để phát triển cây mắc ca. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng “Đề án phát triển bền vững cây mắc ca đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Cùng với các chính sách khuyến khích hiệu quả, người trồng mắc ca, các doanh nghiệp và lãnh đạo các địa phương mong muốn đề án được phê duyệt dựa trên thực tiễn sản xuất, căn cứ theo đề xuất của các địa phương nhằm mang lại định hướng phát triển ổn định, bền vững cho ngành sản xuất mắc ca của Việt Nam, trong đó có khu vực tây bắc.

Nguồn: Theo báo Nhân dân

Bình luận

Trồng nấm rơm hữu cơ trong nhà, năng suất, giá bán gấp đôi ngoài trời

Trồng nấm rơm hữu cơ trong nhà, kiểm soát chất lượng chặt chẽ cho năng suất cao hơn từ 2 - 3 lần, giá bán cao gấp đôi so với trồng ngoài trời.

Phát triển cây dược liệu đặc hữu vùng Tây Bắc

Nằm trong khu vực trung tâm Tây Bắc, ba tỉnh: Sơn La, Điện Biên và Lai Châu có nhiều loài cây dược liệu quý, giá trị kinh tế cao, như: nấm linh chi, sơn tra, huyết giác, đẳng sâm, cẩu tích, đương quy, tam thất, thất diệp nhất chi hoa...

Gai xanh - lựa chọn tiềm năng: Những người tiên phong ở xứ Thanh

Bánh gai làm từ cây gai xanh từ lâu đã trở thành đặc sản ở xứ Thanh. Nhưng trồng cây gai xanh lấy sợi thì chỉ mới phát triển vài năm nay.

Gai xanh - lựa chọn tiềm năng: Cây chủ lực cho nông dân miền núi

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng cần nghiên cứu, xây dựng gai xanh thành cây trồng chủ lực cho vùng miền núi một số tỉnh phía Bắc để giúp nông dân làm giàu.

Khắc phục điểm yếu, tăng xuất khẩu rau gia vị Việt Nam sang Châu Âu

Dự án tăng cường năng lực để xuất khẩu rau gia vị Việt Nam sang thị trường Châu Âu được triển khai từ nay đến hết năm 2023.

Hiệu quả từ nuôi đà điểu

Khoảng 3 năm trước, mô hình nuôi đà điểu được người dân xã Khai Thái (huyện Phú Xuyên) áp dụng và nhân rộng. Với hiệu quả kinh tế, mô hình này hứa hẹn mang lại thu nhập cao cho nông dân.

Triển vọng giống cao lương VFS99

Qua 3 vụ sản xuất liên tục, giống cao lương VFS99 sinh trưởng tốt, bộ lá khỏe mạnh, sạch sâu bệnh, chống chịu hạn tốt, năng suất sinh khối có thể lên tới 100 tấn/ha.

Đánh thức những 'kho báu' của đại ngàn

Tây Nguyên đang ngày càng thu hút được nhiều tổ chức cá nhân, doanh nghiệp đến đầu tư phát triển và bảo tồn các loại dược liệu quý hiếm.

Rong nho Khánh Hòa: Nhiều tiềm năng phát triển

Đến nay, rong nho Khánh Hòa đã mang lại hiệu quả kinh tế bền vững cho người dân so với đối tượng nuôi trồng thủy sản khác, bình quân mỗi ha rong nho cho thu hoạch đến 700 triệu đồng/năm.

Thoát nghèo bằng "thần dược" cho quý ông

Qua khảo sát, chính quyền địa phương tại Quảng Bình đã đưa cây ba kích về trồng dưới tán rừng của đồng bào Mã Liềng, giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.