Bắc Giang xúc tiến tiêu thụ vải thiều đến các thị trường có yêu cầu cao

“Vụ sản xuất năm 2022, tỉnh Bắc Giang tiếp tục quan tâm đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ vải thiều ở thị trường trong và ngoài nước gắn với quảng bá, giới thiệu các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của tỉnh”

2505vai.jpg

Phân loại sản phẩm quả vải thiều tươi tại nhà máy của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang). Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN

Vụ vải thiều năm 2022, Bắc Giang có kế hoạch sản xuất vải với diện tích ổn định 28.300 ha; sản lượng khoảng 160.000 tấn (trong đó vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.400 ha, sản lượng khoảng 112.900 tấn; vải sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 82 ha, sản lượng 1.000 tấn). Tỉnh sẽ duy trì sản xuất 18 mã số vùng trồng với diện tích 218 ha; sản lượng 1.600 tấn để xuất khẩu sang các thị trường đòi hỏi yêu cầu cao như EU, Mỹ... Bên cạnh đó, Bắc Giang tiếp tục chỉ đạo, thực hiện sản xuất 30 mã số vùng trồng, diện tích 219,45 ha, sản lượng 1.800 tấn để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; duy trì 149 mã số vùng trồng và 300 cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc với sản lượng khoảng 95.000 tấn.

Hiện nay, các trà vải trên địa bàn tỉnh Bắc Giang sinh trưởng phát triển tốt, các đối tượng dịch hại được kiểm soát tốt. Trà vải sớm của Bắc Giang đang trong giai đoạn nở hoa - đậu quả, tỷ lệ ra hoa đạt trên 90%, trong đó ở huyện Lục Ngạn, Tân Yên đạt trên 90%, các huyện còn lại đạt 80 - 85% (thời gian thu hoạch dự kiến từ ngày 20/5 - 10/6/2022). Vải thiều chính vụ của Bắc Giang hiện đã bắt đầu ra hoa với tỷ lệ đạt khoảng 75%, thời gian thu hoạch dự kiến từ ngày 10/6 - 20/7/2022.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang, với tình hình ra hoa như hiện nay, dự kiến sản lượng vải toàn tỉnh năm 2022 dự kiến sẽ vượt kế hoạch 160.000 tấn (sản lượng vải sớm khoảng trên 55.000 tấn; vải chính vụ 110.000 tấn).

Từ nay đến cuối vụ, ngành nông nghiệp Bắc Giang tập trung theo dõi, dự tính dự báo tình hình sâu bệnh; hướng dẫn, giám sát, quản lý sản xuất, phòng trừ sâu bệnh tại các vùng sản xuất vải thiều, đặc biệt các vùng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, Australia, EU... đảm bảo chất lượng phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục về cơ sở xông hơi khử trùng phục vụ xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản; tổ chức tập huấn cho nông dân tham gia vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu.

Ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang còn phối hợp với các huyện trọng điểm sản xuất vải thiều của địa phương tổ chức rà soát các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đảm bảo theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu; tổ chức hội nghị gặp gỡ một số doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác để bàn kế hoạch tổ chức sản xuất, chuẩn bị các điều kiện phục vụ xuất khẩu

UBND các huyện trọng điểm sản xuất vải thiều của tỉnh Bắc Giang tiếp tục duy trì các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đảm bảo thực hiện tốt các quy định của nước nhập khẩu; hướng dẫn, kiểm tra giám sát việc nông dân tham gia ký kết hợp đồng với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và tiêu thụ vải thiều, đảm bảo doanh nghiệp có đủ sản phẩm chất lượng phục vụ xuất khẩu; hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và kinh doanh vải thiều trên địa bàn; hỗ trợ tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân; chứng nhận vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...

Để vải thiều và các nông sản chủ lực của tỉnh được tiêu thụ thuận lợi trong vụ sản xuất 2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cho biết, Bắc Giang dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị "Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của tỉnh vào thị trường Hoa Kỳ năm 2022" theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến vào ngày 29/3/2022.
 
Cùng với đó, Bắc Giang dự kiến tổ chức Lễ xuất hành Vải thiều sớm xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản tại huyện Tân Yên và huyện Lục Ngạn vào ngày 18/5/2022; tổ chức chuỗi Sự kiện và Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều của tỉnh; trong đó có Lễ cắt băng xuất hành đoàn xe vải thiều tiêu thụ và xuất khẩu tại thị trường trong và ngoài nước dự kiến ngày 25/5/2022 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Quảng trường 3/2, thành phố Bắc Giang.

Trong tháng 5, tháng 6/2022, Bắc Giang còn dự kiến tổ chức chuỗi các Sự kiện Xúc tiến tiêu thụ vải thiều và nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam; trong đó, Bắc Giang sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh như: Hội nghị trực tiếp, trực tuyến kết nối giao thương, tìm kiếm, hợp tác thúc đẩy đưa hàng hóa vào các hệ thống siêu thị, chợ đầu mối tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam và với các đối tác, doanh nghiệp nước ngoài.

Để đảm bảo niên vụ vải thiều 2022 tiếp tục thắng lợi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn yêu cầu ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với các địa phương chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn, giám sát nông dân thực hiện đúng quy trình và yêu cầu của thị trường xuất khẩu; tiến hành rà soát, giám sát tất cả mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để đảm bảo chất lượng vải thiều xuất khẩu năm 2022.

Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cũng yêu cầu Sở Công Thương tỉnh cần tiếp tục tính toán các kịch bản, trong đó lưu ý đến cả những kịch bản xấu khi không xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc hoặc xuất khẩu được nhưng tần suất lưu thông bị giảm mạnh so với năm 2021. Lường trước khó khăn từ phía thị trường Trung Quốc, các địa phương có diện tích trồng vải lớn của tỉnh cũng cần tiếp tục quan tâm đầu tư các lò sấy, đảm bảo sản lượng vải thiều sấy khô xuất khẩu…

Nguồn: Theo TTXVN

Bình luận

Tôm rộng đường sang thị trường Trung Quốc

Trong khi nhiều nông sản xuất sang Trung Quốc đang gặp khó do chính sách "Zero Covid" của nước bạn thì xuất khẩu tôm lại tăng rất mạnh.

Đẩy mạnh xuất khẩu trà và cà phê sang thị trường Trung Quốc

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rất tiềm năng cho nhiều mặt hàng của Việt Nam, trong đó có nhóm hàng đồ uống.

Thủy sản thích ứng tốt với "zero Covid"

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 4 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản ước đạt 3,6 tỉ USD, tăng tới hơn 44,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu hoa tươi Việt Nam bắt đầu có chỗ đứng ở Nhật Bản

Năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hoa tươi của Nhật Bản là 65,3 tỷ yen (tương đương 528 triệu USD) trong đó nhập khẩu hoa tươi từ Việt Nam là 45 triệu USD.

Xuất khẩu nông sản: Bộ Công Thương khuyến cáo điều gì?

Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, Bộ Công Thương cho rằng cần sớm chuyển xuất khẩu sang chính ngạch, tức là tuân thủ toàn bộ các quy định của nước nhập khẩu.

Hàng trong nước ế ẩm, rau quả nhập khẩu vẫn tăng

Chỉ trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập 562,1 triệu USD rau quả, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu thủy sản tăng mạnh

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), tháng 4/2022, xuất khẩu thủy sản đạt hơn 1 tỷ USD với mức tăng trưởng 41% so với cùng kỳ năm 2021.

Nông sản Việt mở rộng thị trường xuất khẩu

Trong xu thế phục hồi các ngành kinh tế, xuất khẩu nông sản của Việt Nam tiếp tục cho thấy đà tăng trưởng ấn tượng với mức tăng gần 16% so với 4 tháng đầu năm 2021. Đây cũng là thời điểm, Việt Nam tìm cách mở rộng thị trường, đẩy mạnh việc xuất khẩu.

Thị trường Trung Quốc và Mỹ là động lực chính cho xuất khẩu thuỷ sản quý II

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), tháng 4/2022, xuất khẩu thuỷ sản tiếp tục mang về trên 1 tỷ USD với mức tăng trưởng mạnh mẽ 41% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu hạt tiêu sang thị trường EU quý I tăng 92,9%

Hiệp định EVFTA đang được các doanh nghiệp tận dụng hiệu quả khi kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu sang thị trường EU trong Quý I/2022 tăng 92,9%.