Cách làm mới trong xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Thời gian qua, Trung Quốc đã tích cực chuẩn bị để chuyển đổi hình thức nhập khẩu nông sản từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Thị trường này cũng ngày càng chuẩn hóa tiêu chuẩn hàng nhập khẩu thông qua nhiều quy định, điều kiện mới.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng “chạy nước rút” cho cuộc đua chiếm lĩnh thị trường rộng lớn này.

8_3-1647110861220.jpg

Chế biến chanh leo tại Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. (Ảnh HẢI HIẾU)

Để nhìn nhận rõ nét thực trạng xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc hiện nay, từ đó có giải pháp hữu hiệu tránh ùn tắc ở cửa khẩu, chiều 9/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn họp bàn về việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch tại thị trường Trung Quốc.

Giá trị tăng cao nhờ xuất khẩu chính ngạch

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) Đinh Cao Khuê cho biết: Năm 2020, xuất khẩu quả chanh leo sang Trung Quốc theo hình thức tiểu ngạch chiếm 75%, nhưng đến năm 2021 chỉ còn 25%. Cùng với việc gia tăng xuất khẩu chính ngạch là sự tăng trưởng của các sản phẩm chế biến, nhờ đó giá chanh leo đã đạt 20.000 đồng/kg, so với trước đây chỉ từ 7.000-8.000 đồng/kg. Đây là thí dụ cụ thể cho thấy giá trị lớn của việc chuyển đổi cách thức xuất khẩu. Ngoài ra, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc cũng chỉ thích nhập hàng theo hình thức chính ngạch vì khi đó, mọi vấn đề trong thương mại sẽ được minh bạch; chất lượng sản phẩm cũng được cam kết và bảo đảm chắc chắn.

Trong lĩnh vực thủy sản, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam cho rằng: Chúng ta đang có những chính sách, cách tiếp cận tốt để xuất khẩu sang các thị trường như: Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản…, trong đó có vai trò quan trọng của việc hệ thống hóa các quy định, tiêu chuẩn nhập hàng một cách cụ thể nhất từ các quốc gia đó. Các doanh nghiệp xuất khẩu dựa trên các quy định đó để sản xuất, chế biến sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường ngay từ đầu vào nên rất thuận lợi, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm rõ rệt. Tuy nhiên, đối với thị trường Trung Quốc, tính hệ thống như thế vẫn còn thiếu và lỏng lẻo. Do đó, thời gian tới, việc quản lý chất lượng sản phẩm sang Trung Quốc cũng phải thực hiện theo hệ thống thì mới có thể đẩy mạnh tăng trưởng ở thị trường này.

Thực tế, mặc dù Việt Nam có nhiều sản phẩm thị trường Trung Quốc có nhu cầu cao, nhưng để xuất khẩu được đòi hỏi doanh nghiệp phải kiện toàn cách kinh doanh, đáp ứng được điều kiện nhập khẩu. Như ông Khuê nhận định, nhiều sản phẩm như: chuối, xoài, dứa, chanh leo… đều còn rất nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu ở Trung Quốc, nhưng phải thực hiện đúng quy trình từ trồng, thu hoạch đến cách thức xuất khẩu. Nếu xuất khẩu tươi khó thì phải nhanh chóng chuyển sang chế biến.

Không nóng vội, nhưng phải nóng ruột

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch cần có sự kiên trì, không thể nóng vội, nhưng phải biết “nóng ruột” để sẵn lòng và sẵn sàng chuyển đổi. Từ đó, có lộ trình tổ chức lại sản xuất, thị trường, ngành hàng và cả hiệp hội ngành hàng. Mục đích là chuẩn hóa được vùng nguyên liệu, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, nắm bắt được thông tin thị trường để đưa sản phẩm vào xuất khẩu chính ngạch.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi hình thức xuất khẩu này cũng đặt ra nhiều thách thức. Bởi, thời gian vừa qua, đối với thị trường Trung Quốc, chúng ta vẫn sản xuất để xuất khẩu tiểu ngạch là chủ yếu, chứ chưa phải sản xuất để xuất khẩu chính ngạch. Do vậy, cần chuẩn hóa tiêu chuẩn, điều kiện từ đầu cung đến đầu cầu, từ tổ chức sản xuất đến mở rộng thị trường.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc trong hai tháng đầu năm 2022 đạt 1,3 tỷ USD, giảm 7,4% so với cùng kỳ 2021. Sự sụt giảm này một phần là do những tháng đầu năm 2022, Trung Quốc liên tục có thay đổi trong chính sách quản lý hoạt động biên mậu khiến nhiều thời điểm nông sản Việt ùn tắc ở cửa khẩu, phải quay về bán rẻ ở thị trường trong nước, thậm chí hỏng phải đổ bỏ.

Trong khi đó, về vấn đề đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc theo Lệnh 248, đến nay, hải quan Trung Quốc đã phê duyệt 1.853 mã số doanh nghiệp Việt Nam. Để triển khai tiếp việc đăng ký doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tăng cường trao đổi với hải quan Trung Quốc tháo gỡ các vướng mắc kỹ thuật khi đăng ký trên cổng thông tin điện tử một cửa của hải quan Trung Quốc; tháo gỡ việc chậm cấp mã số doanh nghiệp cho các mặt hàng là sản phẩm có nguồn gốc thực vật và những vướng mắc phát sinh.

Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho rằng: Trung Quốc sẽ tiếp tục thay đổi linh hoạt các chính sách quản lý hoạt động biên mậu tùy theo từng thời điểm với mục đích hạn chế và duy trì lượng hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam theo hướng có lợi nhất. Chẳng hạn như Trung Quốc chỉ định hoặc cấp phép nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc chỉ thông quan một loại hàng hóa tại một cửa khẩu... Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam bị động, chịu rủi ro cao.

Mặt khác, hiện Trung Quốc cũng ngày càng giám sát chặt chẽ các mặt hàng không được phép xuất khẩu chính ngạch. Thời gian qua, một số mặt hàng như sầu riêng, chanh leo… vẫn xuất qua các đường mòn, lối mở theo phương thức trao đổi cư dân biên giới, nhưng nay cũng khó có thể xuất vào Trung Quốc. Ngay cả việc chuyển đổi xuất khẩu sang phương thức đường biển, đường sắt cũng không thể làm với tất cả lượng hàng hóa tồn ở cửa khẩu như thời gian vừa qua. Do đó, cần có quyết tâm thống nhất từ địa phương, người sản xuất đến doanh nghiệp trong việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch.

Trong đó, đối với địa phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận Phan Văn Tấn cho rằng, cần phải quy hoạch lại diện tích trồng thanh long trên địa bàn theo hướng giảm diện tích ở những vùng năng suất, hiệu quả thấp để tập trung chuẩn hóa vùng trồng theo điều kiện, tiêu chuẩn. Vì hiện nay đang có sự phát triển ồ ạt diện tích thanh long dẫn đến sản lượng quá lớn, không ít diện tích trồng chưa bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn. Còn Giám đốc Công ty cổ phần Nông lâm nghiệp Cánh đồng vàng Nông Ngọc Trung chia sẻ: Doanh nghiệp cần thay đổi cách bán hàng sang Trung Quốc.

Thay bằng bán thứ gì mình có theo cách cũ thì hãy trao đổi với các đối tác Trung Quốc về tiêu chuẩn của họ để làm ra sản phẩm theo đúng yêu cầu. Thí dụ như họ nhập ớt thì cần độ tươi, độ khô bao nhiêu, có hợp đồng rõ ràng, doanh nghiệp sẽ đáp ứng đúng yêu cầu. Mục đích chính là gắn sản xuất nông nghiệp với xu thế thị trường để chủ động đầu ra, giá cả cho sản phẩm.
 

Nguồn: Theo báo Nhân dân

Bình luận

Tôm rộng đường sang thị trường Trung Quốc

Trong khi nhiều nông sản xuất sang Trung Quốc đang gặp khó do chính sách "Zero Covid" của nước bạn thì xuất khẩu tôm lại tăng rất mạnh.

Đẩy mạnh xuất khẩu trà và cà phê sang thị trường Trung Quốc

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rất tiềm năng cho nhiều mặt hàng của Việt Nam, trong đó có nhóm hàng đồ uống.

Thủy sản thích ứng tốt với "zero Covid"

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 4 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản ước đạt 3,6 tỉ USD, tăng tới hơn 44,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu hoa tươi Việt Nam bắt đầu có chỗ đứng ở Nhật Bản

Năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hoa tươi của Nhật Bản là 65,3 tỷ yen (tương đương 528 triệu USD) trong đó nhập khẩu hoa tươi từ Việt Nam là 45 triệu USD.

Xuất khẩu nông sản: Bộ Công Thương khuyến cáo điều gì?

Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, Bộ Công Thương cho rằng cần sớm chuyển xuất khẩu sang chính ngạch, tức là tuân thủ toàn bộ các quy định của nước nhập khẩu.

Hàng trong nước ế ẩm, rau quả nhập khẩu vẫn tăng

Chỉ trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập 562,1 triệu USD rau quả, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu thủy sản tăng mạnh

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), tháng 4/2022, xuất khẩu thủy sản đạt hơn 1 tỷ USD với mức tăng trưởng 41% so với cùng kỳ năm 2021.

Nông sản Việt mở rộng thị trường xuất khẩu

Trong xu thế phục hồi các ngành kinh tế, xuất khẩu nông sản của Việt Nam tiếp tục cho thấy đà tăng trưởng ấn tượng với mức tăng gần 16% so với 4 tháng đầu năm 2021. Đây cũng là thời điểm, Việt Nam tìm cách mở rộng thị trường, đẩy mạnh việc xuất khẩu.

Thị trường Trung Quốc và Mỹ là động lực chính cho xuất khẩu thuỷ sản quý II

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), tháng 4/2022, xuất khẩu thuỷ sản tiếp tục mang về trên 1 tỷ USD với mức tăng trưởng mạnh mẽ 41% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu hạt tiêu sang thị trường EU quý I tăng 92,9%

Hiệp định EVFTA đang được các doanh nghiệp tận dụng hiệu quả khi kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu sang thị trường EU trong Quý I/2022 tăng 92,9%.