Chia sẻ kinh nghiệm của chàng trai kiên trì trồng nấm sò 14 năm
Kiên trì với nghề trồng nấm sò, anh Sinh đã có cơ sở trồng nấm bề thế, cho nguồn thu ổn định, tạo việc làm cho bà con, tận dụng được phụ phẩm nghề gỗ.
Anh Phạm Văn Sinh (34 tuổi) ở thôn Quý Tiến, xã miền núi Hà Sơn (huyện Hà Trung, Thanh Hóa) đã gắn bó với nghề trồng nấm sò 14 năm.
Anh chia sẻ: Học xong THPT, anh không thi vào đại học mà vào miền Nam làm công nhân sản xuất thủy tinh. Do chồng của chị gái mất, anh thôi làm công nhân về chỗ chị ở tỉnh Đắk Lắk cho gần chị gần em. Thời gian này, anh học được nhiều kinh nghiệm về nghề trồng nấm của chị và mất 4 năm đào tạo nghề này. Năm 2012, anh trở về quê mang theo đam mê với nghề trồng nấm sò và gắn bó với nó từ đó tới nay.
Anh Phạm Văn Sinh (phải) giới thiệu về quy trình trồng nấm sò. Ảnh: Lê Cương.
Nấm sò (còn gọi nấm bào ngư) có cấu trúc sợi tơ mảnh, sống trên thân cây, mùn cưa, rơm rạ, gỗ. Nấm sò trắng có vị ngọt, tính ẩm, giàu vitamin, là món ăn ngon, dễ chế biến, bổ dưỡng. Nghề trồng nấm sò có nhiều tiềm năng để phát triển, đã cải thiện mức thu nhập kinh tế cho nhiều gia đình, trở thành một nghề bền vững, ổn định…
Liền kề với căn nhà ở kiên cố của anh Sinh là 2 ngôi nhà trồng nấm có diện tích 1.500m2 được xây lắp bằng vật liệu khung sắt, lợp mái tôn, cột bê tông… Trước đây, đất này chỉ trồng ngô, sắn nhưng kém hiệu quả nên anh Sinh đã chuyển sang trồng nấm sò.
Khởi nghiệp với nghề trồng nấm ở quê nhà Thanh Hóa với hai bàn tay trắng, anh Sinh phải chạy vạy vay mượn người thân, bạn bè, vay cả ngân hàng để xây dựng cơ sở vật chất ban đầu và tu bổ hàng năm trên nửa tỷ đồng.
Do nhu cầu thị trường ngày càng tăng, hàng năm anh sản xuất bịch phôi nấm để trồng bình quân 2 vạn bịch/năm, vốn đầu tư 70 triệu đồng để trồng nấm. Để đáp ứng khối lượng lớn công việc, anh phải thuê thêm 4 lao động thời vụ là người cùng xóm với mức 6 triệu đồng/người/tháng để sản xuất nấm, đáp ứng nhu cầu từ 3 - 4 vạn bịch phôi nấm mỗi năm.
Nghề trồng nấm đã giúp anh Sinh có thu nhập ổn định, tạo thêm việc làm cho bà con trong vùng. Ảnh: Lê Cương.
Anh Sinh cho biết: Khi vào chính vụ, mỗi bịch phôi nấm nặng 0,5 - 1kg, mỗi dây treo 6 - 8 bịch, thu hoạch được 8 lần trong vòng từ 2 - 3 tháng, thu được từ 3 - 4 tạ/lứa. Thời vụ từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 dương lịch năm sau, sản lượng thu được không thể đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Khởi nghiệp ban đầu với chỉ vài ba trăm bịch phôi nấm sò, nhưng với kỹ thuật trồng nấm bài bản, cộng với đức tính chăm chỉ cần cù và nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của thị trường, hiện anh Sinh đã phát triển sản xuất nấm sò tăng lên gấp 30 - 40 lần.
Anh chia sẻ: “Nấm thu hoạch xong phải được tiêu thụ trong ngày, để qua ngày sẽ bị mất nước, ăn không ngon, lại mất vị ngọt, nên hái đến đâu bắt buộc đem tiêu thụ đến đó”.
Do được chăm sóc cẩn thận nên nấm sò của anh bán ra từ 20 - 25 ngàn đồng/kg, mỗi tháng trừ hết chi phí cũng thu được ngót nghét chục triệu đồng từ nấm sò. Nấm sò của anh tiêu thụ chủ yếu ở chợ đầu mối Đò Lèn, chợ trong vùng, cung cấp cho các nhà hàng. Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng dịch Covid-19, anh Sinh cũng thu về từ trồng nấm sò trắng 300 triệu đồng, trừ hết chi phí lãi trên 150 triệu đồng.
Ngoài trồng nấm sò, anh còn sản xuất sản phẩm mộc nhĩ, nấm linh chi để bán. Từ tháng 7 âm lịch đến Tết Nguyên đán, anh sản xuất phôi treo và bán từ 2 - 3 vạn bịch cho khách, thu về hàng trăm triệu đồng. Nấm linh chi, anh sản xuất bịch phôi 2 - 3 tạ/năm, 2 tạ nấm linh chi tiêu thụ với giá 700 ngàn đồng/kg...
Giải bài toán ô nhiễm phụ phẩm làng nghề đồ gỗ
Do được đào tạo kiến thức cơ bản về nghề trồng nấm, cộng với hàng chục năm trải nghiệm với nghề này, anh Sinh cho biết: Khi trồng nấm, việc đóng giá thể để trồng là yếu tố quyết định đến sự phát triển của sợi nấm sau này.
Nhờ có quy trình kỹ thuật tốt, nấm sò trắng của anh Sinh luôn cho năng suất, chất lượng rất tốt. Ảnh: Lê Cương.
Do lượng rơm rạ ở quê ngày càng ít đi, anh đã chọn nguyên liệu mùn cưa từ các làng nghề đồ gỗ để làm giá thể thay thế. Mùn cưa anh mua về phải sạch, không có dầu (vì dầu sẽ làm hỏng nấm). Mùn cưa được ủ với nước vôi để làm mềm và hết nấm mốc, sau đó đảo lại một lần, để 3 - 4 ngày thì phối trộn cám ngô, cám gạo với bột nhẹ 5%, nếu thiếu khi ra quả thể sẽ không to. Do mùn cưa được người trồng nấm sử dụng quanh năm với khối lượng lớn nên đã giúp các làng nghề đồ gỗ giảm được ô nhiễm môi trường và có thêm nguồn thu từ phụ phẩm trong quá trình sản xuất.
Giá thể trồng nấm sau khi đóng bịch được đem sấy hấp khoảng 12 giờ để khử trùng rồi đưa ra ngoài để cấy giống. Giắt giống một lượt mỏng rồi cho bông đã khử trùng vào để không khí có sự đối lưu từ ngoài vào bịch phôi.
Khi cấy giống đã ăn đều trong bịch, sẽ treo bịch phôi nấm bằng dây nilon, dây cước, mỗi dây treo 6 - 8 bịch, mỗi bịch cách nhau 10 - 15cm để khi nấm ra không chạm vào nhau, dễ thu hái, và cứ 4 hàng để 1 lối đi thuận tiện khi chăm sóc, thu hoạch nấm. Bịch nấm quả thể phải treo thưa, nếu treo sát nhau thì khi ra quả thể sẽ không có chỗ mọc ra và năng suất cũng không đạt được như mong muốn.
Hiện nay, cơ sở trồng nấm của anh Sinh đang tiếp tục mở rộng quy mô để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn của thị trường. Ảnh: Lê Cương.
Nấm sò chịu lạnh từ 14 - 20 độ C hoặc 24 - 28 độ C và bắt buộc phải có ánh sáng khuyếch tán trong phòng trồng nấm. Không sử dụng ánh sáng trực tiếp vì như vậy nấm sẽ không lớn và bị khô. Cần duy trì độ ẩm 80 - 90% trong 7 ngày đầu sau khi xếp bịch vào nhà trồng nấm, không được tưới nước, chỉ tưới tạo ẩm cho nền nhà.
Sau 7 ngày, quả thể xuất hiện trên cổ túi rất cần nước nên phải tưới nước bên ngoài túi từ 2 - 3 lần/ngày tùy theo thời tiết, từ 3 - 4 lần hoặc hơn nếu thời tiết khô. Dùng nước sạch sinh hoạt hàng ngày đã được lọc và tưới bằng dàn theo kiểu sương mù lượng ít nhưng thời gian kéo dài trong mỗi lần tưới để lúc nào cũng có nước đọng ở trên.
Sử dụng nước không sạch để tưới, nấm sẽ bị nhiễm bệnh và chết cả loạt vì nhiễm khuẩn. Nấm mọc ra theo đường rạch vỏ bịch, chú ý nếu rạch nhiều năng suất sẽ tăng, tuy nhiên do tưới nước từ trên xuống nên nước sẽ dễ chui vào bịch nấm và đóng thành thạch, nhanh hỏng nấm.
Ngoài nấm sò, hiện anh Sinh cũng sản xuất rất thành công nấm linh chi, cho thu nhập rất khá. Ảnh: Lê Cương.
Một bịch nấm sò sẽ thu được từ 0,5 đến 1kg nấm tùy theo cách chăm sóc và yếu tố thời tiết. Nấm ra quả thể cần nhiều oxy, vì vậy cần mở cửa trong ngày để điều hòa không khí trong phòng trồng nấm. Khi nấm có kích cỡ như đồng xu, sẽ thu hái được vì thời điểm này nấm nặng cân, ăn ngon nhất (nấm to sẽ bằng bàn tay). Khi hái nên hái cả cụm nấm và cậy hết chân, lần sau nấm sẽ ra tiếp. Thời gian cho thu hoạch nấm kéo dài từ 30 - 45 ngày kể từ ngày hái nấm đầu tiên. Khi thu hoạch nấm một thời gian, túi nấm bị xẹp, cần nén lại và chăm sóc như trước.
Để tạo thuận lợi mở rộng phát triển sản xuất, anh Sinh cho biết sẽ tiếp tục đầu tư kiên cố hai nhà trồng nấm trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hà Trung (Thanh Hóa) cho biết, hiện Phòng đang tham mưu cho UBND huyện tăng cường chỉ đạo 20/20 xã/thị trấn tích cực xây dựng để đạt được mục tiêu “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Lãnh đạo Phòng đã trực tiếp giúp đỡ, hướng dẫn anh Sinh lập hồ sơ đăng ký xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nấm sò trắng và đề nghị cấp trên xem xét công nhận để sớm đạt được tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh trong thời gian tới.
Quảng Nam: Trồng giống ngô nếp thơm dẻo, cứ 1 sào nông dân đút túi 6 triệu đồng
Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed vừa phối hợp với Hợp tác xã Nông nghiệp và Hội Nông dân xã Đại Thắng (Đại Lộc - Quảng Nam) tổ chức thăm đồng, hội thảo đánh giá hiệu quả mô hình liên kết sản xuất hạt lai F1 giống bắp (ngô) nếp TBM18 vụ đông xuân
Men vi sinh giúp giảm 50% chi phí thuốc bảo vệ thực vật
Lúa sinh trưởng tốt, sạch bệnh, năng suất tăng, hạn chế tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường. Đây là hiệu quả kép từ việc sử dụng chế phẩm vi sinh Emuniv.
Phát triển nghề nuôi biển theo hướng an toàn và hiệu quả
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, tỉnh đầu tư phát triển mạnh nuôi biển theo hướng an toàn, bền vững và hiệu quả.
Trồng nho công nghệ cao trong nhà màng, thu hoạch quanh năm
Mô hình trồng nho công nghệ cao trong nhà màng giúp cây nho sinh trưởng, phát triển tốt quanh năm, ít chịu tác động của các yếu tố ngoại cảnh, đặc biệt là mưa.
Canh tác lúa thân thiện với môi trường thích ứng biến đổi khí hậu
Dự án Canh tác lúa thân thiện với môi trường được triển khai tại Kiên Giang trong thời gian 24 tháng, trên địa bàn 2 huyện Hòn Đất và Giồng Riềng.
Điều đáng lo hơn cả việc chậm công nhận giống mới…
Gần đây, vấn đề chậm công nhận giống cây trồng mới đang được các cơ quan quản lý ngành nông nghiệp và các nhà chọn tạo giống quan tâm và trao đổi khá rầm rộ.
Vỏ chôm chôm ủ phân hữu cơ, lợi đôi đường
Việc tận dụng vỏ quả chôm chôm ủ phân hữu cơ đã góp phần đáng kể giảm tác động ô nhiễm môi trường và tận dụng hiệu quả nguồn phế phẩm này.
Đánh giá bộ giống sắn kháng bệnh khảm lá
Bộ giống sắn này năng suất đạt từ 28 – 36 tấn/ha, hàm lượng tinh bột đạt 26%.
Tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ, xuất khẩu trái cây
Theo Cục Trồng trọt, từ nay đến cuối năm 2021, dự kiến sản lượng trái cây thu hoạch tại các tỉnh phía nam khoảng 700.000 tấn. Nếu tính đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 thì đạt hơn 1,7 triệu tấn.
Xây dựng trung tâm chế biến, bảo quản trái cây theo tiêu chuẩn Nhật Bản
Áp dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu trong nông nghiệp và là chìa khóa giải quyết những thách thức cho nền nông nghiệp Việt Nam.
Bình luận