Làm chủ công nghệ giống và nuôi công nghiệp cá chim vây vàng

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I đang sở hữu đàn cá chim vây vàng giống gốc, loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao, hiện nuôi trên vịnh Vân Phong.

Đàn cá chim vây vàng giống gốc ‘khủng’ trên vịnh Vân Phong
Những ngày cuối tháng 5, chúng tôi ra khu vực Bãi Tranh, nằm trong vùng biển thuộc vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), nơi đang nuôi giữ đàn cá chim vây vàng giống gốc (loại vây ngắn) có giá trị kinh tế cao của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I (gọi tắt Viện I).

c1.png

Đàn cá chim vây vàng giống gốc, mỗi con nặng 4 - 6kg của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I. Ảnh: Kim Sơ.

Từ cảng Hòn Khói (Thị xã Ninh Hòa) đi ca nô cao tốc tầm khoảng 30 phút là đến nơi. Trước mặt chúng tôi hiện ra là hệ thống lồng nuôi HDPE hiện đại (kiểu Na Uy) đang được Viện I tiên phong nuôi biển quy mô công nghiệp. Trong đó 22 lồng vuông HDPE, kích thước 5 x 5 x 5m đang nuôi hàng trăm con cá chim vây vàng “khủng” bố mẹ, hậu bị và ương cá giống.

Ông Chu Chí Thiết, Phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản Bắc Trung bộ (thuộc Viện I), cho biết, từ năm 2018, đơn vị được Tổng cục Thủy sản giao nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm công ích giống gốc giống cá chim vây vàng (loài vây ngắn).

Đến nay, đơn vị đang nuôi giữ 232 cặp bố mẹ (464 con) cá chim vây vàng trên vịnh Vân Phong. Đàn cá bố mẹ này có nguồn gốc từ tuyển chọn trong các nhiệm vụ nghiên cứu trước đây của Viện và có bổ sung thêm từ các quần đàn tự nhiên. Nhờ chăm sóc như “con mọn” nên đàn cá bố mẹ nuôi tại đây sinh trưởng phát triển tốt, trọng lượng trung bình đạt từ 4 - 6 kg/con.

c2.png

Đàn cá bố mẹ được nuôi trong lồng vuông HDPE. Ảnh: Minh Hậu.

Theo ông Thiết, để bảo vệ và chăm sóc đàn cá chim vây vàng giống gốc này, đơn vị bố trí lực lượng từ 2 - 3 người luôn túc trực 24/24 giờ mỗi ngày để theo dõi. Từ tháng 12 đến tháng 5 (âm lịch) là mùa sinh sản của cá, những người làm việc nơi đây càng vất vả hơn, vì phải theo dõi đàn cá đẻ trứng để nhanh chóng vận chuyển đưa về khu trại ấp trứng trên bờ.

“Để biết cá sắp đẻ trứng hay chưa, chúng tôi phải bắt từng con rồi sử dụng ống thăm trứng (ống silicon, đường kính 1.000µm) luồn qua lỗ sinh dục để lấy sản phẩm sinh dục của chúng. Nếu phát hiện con nào mang trứng sẽ bắt vào lồng riêng, sau đó tiêm kích dục tố sinh sản. Sau 30 - 48 tiếng, cá sẽ đẻ trứng. Thông thường, cá sinh sản vào ban đêm nên chúng tôi tiến hành thu trứng chuyển sang bể ấp vào sáng sớm ngày hôm sau”, ông Thiết chia sẻ.

Theo ông Thiết, đơn vị đã làm chủ công nghệ sản xuất giống cá chim vây vàng ổn định, với các chỉ tiêu kỹ thuật cao. Cụ thể, tỷ lệ thành thục cá bố mẹ >85%; tỷ lệ cá bố mẹ tham gia sinh sản >70%; tỷ lệ sống từ cá bột lên cá giống (cỡ 3 cm) >17%; tỷ lệ dị hình <3%.

c3.png

Hiện Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I đang nuôi giữ 232 cặp cá chim vây vàng bố mẹ. Ảnh: Kim Sơ.

Dẫn chúng tôi tham quan trại sản xuất giống ở thôn Xuân Tự, xã Vạn Hưng (Vạn Ninh) với tổng diện tích 7.000m2, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản Bắc Trung bộ cho biết thêm, sức sinh sản của cá cái đạt trên 5.000 cá bột/kg thể trọng cá. Trứng sau khi thu được về ấp trong bể nhựa composite có thể tích 500 – 1.000 lít, mật độ ấp 500 trứng/lít. Sau khi trứng nở 2 - 3 tiếng sẽ tiến hành thu cá bột chuyển thả vào bể ương. Mật độ cá bột trong ương nuôi từ 40 - 60 con/lít.

Trong thời gian từ 18 - 22 ngày, cá bột sẽ được cho ăn bằng thức ăn phù du được đơn vị tự sản xuất tại chỗ. Sau đó, cá sẽ được đưa ra bể nuôi xi măng (22 m3/bể) trong trại để nuôi đến 2 tháng bằng thức ăn công nghiệp. Khi cá giống đạt kích cỡ từ 4 - 5cm sẽ được xuất bán hoặc đưa ra lại lồng vuông hoặc lồng tròn HDPE trên vịnh Vân Phong để tiếp tục ương hoặc nuôi thương phẩm.

c4.png

Cá giống chim vây vàng được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I sản xuất. Ảnh: Minh Hậu.

Theo bà Thủy, hiện năng lực sản xuất giống cá chim vây vàng của đơn vị mỗi năm khoảng 1 triệu con giống. Ngoài đáp ứng cho nhu cầu nuôi khép kín của Viện I, lượng giống sản xuất ra còn cung cấp cho người nuôi tại các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Kiên Giang… với hình thức nuôi trong lồng trên biển hoặc ao nước mặn, lợ ven bờ.

Do cá giống thuộc nhiệm vụ khoa học công nghệ được nhà nước giao nên được thống nhất bán với giá đã được phê duyệt là 4.550 đồng/con (kích thước cỡ 4 - 5 cm/con), thấp hơn so với thị trường vài ngàn đồng/con.

Việc Tổng cục Thủy sản đặt hàng Phân viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản Bắc Trung bộ tiếp tục thực hiện Nhiệm vụ: “Sản xuất và cung ứng sản phẩm công ích giống gốc giống thủy sản” – đối tượng cá chim vây vàng trong năm 2021 đã góp phần hỗ trợ cung ứng nguồn cá giống chất lượng, góp phần phát triển nghề nuôi cá biển bền vững, hiệu quả theo chủ trương tái cơ cấu ngành thủy sản.
Nuôi cá chim vây vàng quy mô công nghiệp
Cá chim vây vàng thuộc nhóm cá dữ, ăn thịt, phân bố tại các vùng biển ven bờ có nền đáy cát, rong, cỏ biển, rạn đá san hô. Chúng là loài cá biển có giá trị kinh tế cao, tốc độ sinh trưởng nhanh, có thể đạt cỡ thương phẩm 0,6 - 0,8 kg/con sau 8 - 10 tháng nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Cá chim vây vàng thường ít bị bệnh và có khả năng nuôi với mật độ cao trong ao hoặc lồng tại các thủy vực nước lợ và nước mặn.

c5.png

Cá giống sản xuất được vận chuyển ra ương trên vịnh Vân Phong. Ảnh: Kim Sơ.

Tại Viện I, nhiều năm qua đã nuôi thành công cá chim vây vàng thương phẩm trong lồng HDPE, với tỷ lệ cá sống thường đạt từ 76 - 84% từ lúc thả đến cuối vụ nuôi kéo dài 8 - 10 tháng.

Anh Phạm Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao (Viện I) cho biết, cá giống sau khi đạt kích cỡ 2 - 3cm sẽ chuyển ra cho trang trại nuôi biển của Trung tâm trên vịnh Vân Phong để ương nuôi trong lồng HDPE có chu vi 60m, độ sâu lưới 8m, thể tích 2.500m3.

Lồng tròn này có thể ương nuôi lên đến 100.000 con, với tỷ lệ hao hụt thấp hơn nuôi ương trong trại, vì môi trường nuôi ương ngoài biển thông thoáng, nước sạch nên đảm bảo cho cá sinh trưởng và phát triển. Sau khi nuôi ương đến 40 - 45 ngày, cá sẽ được sàng lọc thả nuôi thương phẩm trong lồng tròn HDPE. Theo thiết kế, lồng nuôi này có thể thả cá chim vây vàng lên đến 50.000 con, sản lượng thu hoạch đạt 25 tấn/lồng.

c6.png

Cá được ương trong lồng tròn HDPE với tỷ lệ hao hụt thấp, trước khi xuất bán hoặc nuôi thương phẩm. Ảnh: Kim Sơ.

Tuy nhiên theo ông Phương, hiện trang trại chỉ thả khoảng 25.000 con/lồng, với sản lượng thu hoạch còn 23.000 - 24.000 con, mỗi con đạt trọng lượng từ 0,6 - 0,7kg, tương đương 15 - 18 tấn/lồng.

Từ năm 2018 đến nay, trang trại hoạt động ổn định với quy mô sản lượng khoảng 200 tấn/vụ. Trước những năm chưa ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, khoảng 50% sản lượng cá thương phẩm tiêu thụ nội địa, còn xuất khẩu sang Mỹ và các nước Trung Đông với giá bán dao động từ 110 - 150 ngàn đồng/kg, lợi nhuận 20 - 30%. Tuy nhiên 2 năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh, chi phí vận chuyển (container) tăng cao nên cá nuôi chủ yếu tiêu thụ nội địa.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước hút hàng, do đó trang trại đang đẩy mạnh thả nuôi thương phẩm để phục vụ người tiêu dùng trong thời gian tới.

c7.png

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I hiện nuôi cá chim vây vàng thương phẩm quy mô công nghiệp rất thành công. Ảnh: Kim Sơ.

Được biết, đây là trang trại nuôi cá biển (chủ yếu cá chim vây vàng) quy mô công nghiệp đầu tiên của cả nước được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Quy trình nuôi tuyệt đối không dùng kháng sinh, sử dụng 100% thức ăn công nghiệp, tỷ lệ hao hụt thấp. 

Bên cạnh đó, Viện I cũng đã làm chủ công nghệ thiết kế và lắp đặt lồng HDPE theo công nghệ Na Uy với vật liệu làm lồng được nội địa hóa, giảm được chi phí hơn 50% so với lồng ngoại nhập. Hệ thống lồng, neo được thiết kế chống bão cấp 11. Tuy nhiên trên thực tế vẫn chịu được cơn bão mạnh cấp 12 và giật cấp 15 (Damrey) đổ bộ vào cuối năm 2017 đi qua khu lồng nuôi.

Tháng 10/2020, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh có chuyến tham quan trang trại nuôi cá biển của Viện I đã đánh giá cao việc tiên phong nuôi cá biển bằng lồng kiểu Na Uy của đơn vị. Viện I không chỉ đã làm chủ được quy trình công nghệ từ sản xuất giống cá chim vây vàng, sản xuất thức ăn công nghiệp theo công thức hợp tác giữa Viện I với Công ty De Heus (Hà Lan), mà còn nuôi thương phẩm an toàn sinh học; ứng dụng công nghệ lồng kiểu Na Uy phù hợp với điều kiện thực tiện thực tế tại Việt Nam.

 

 

Bình luận

Đi xem Lasuco làm nông nghiệp xanh thông minh

Vừa qua, tôi có dịp thăm Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn và được chứng kiến cách làm nông nghiệp xanh, áp dụng công nghệ thông minh tại đây.

Nuôi cua trong hộp nhựa tiết kiệm nước, giá 600 - 700 nghìn đồng/kg

Khởi nghiệp với 1.200 con cua giống, cặp vợ chồng cùng tuổi Giáp Tý ở huyện Nghi Xuân xây dựng thành công mô hình nuôi cua trong hộp nhựa đầu tiên ở Hà Tĩnh.

Mô thức nuôi tôm mới siêu thâm canh, không phát thải

Một tập đoàn lớn tại Trà Vinh đã nghiên cứu, ứng dụng mô thức nuôi tôm thẻ siêu thâm canh, tuần hoàn, không phát thải khí nhà kính, có thể nuôi mật độ 300-500 con/m2.

Kỹ sư tin học mong muốn lan tỏa mô hình nuôi tôm công nghệ cao

Sau 2 năm nuôi tôm bằng công nghệ Biofloc, anh kỹ sư tin học Vũ Đình Quyến (Quảng Ninh) đã gặt hái thành công và hướng đến liên kết nuôi với các hộ xung quanh.

An Giang: Mô hình trồng nấm rơm trên trụ xoay

Thay vì trồng nấm rơm ngoài trời theo cách truyền thống, năng suất không cao lại chịu ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết, nhiều nông dân ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang đã tìm ra cách trồng nấm rơm trên trụ xoay trong nhà.

Khuyến nông Bến Tre với 'cuộc cách mạng' lúa - tôm

Những năm qua, khuyến nông Bến Tre đã đi đầu trong việc sáng tạo, tìm hướng canh tác linh hoạt, lan tỏa mô hình canh tác lúa - tôm, biến bất lợi thành lợi thế.

Xây dựng chuỗi rong biển Việt Nam bền vững

Việt Nam có hệ sinh thái biển đa dạng như đầm phá, bãi đá, rạn san hô…thích hợp cho nghề trồng rong biển, tuy nhiên hiện chưa khai thác hết tiềm năng.

Thái Bình: Nuôi cá trong ao bán nổi đem lại hiệu quả kinh tế cao

Nuôi thủy sản, cụ thể nuôi cá trong ao bán nổi là phương pháp nuôi mới ở Thái Bình. Với mô hình nuôi cá này, nông dân không cần đào ao, chỉ cần tạo dựng bờ trên mặt ruộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp hai lần so với nuôi ao truyền thống,...

Giải pháp nuôi tôm thẻ thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu

Nuôi tôm thẻ chân trắng nhiều giai đoạn trong ao lót bạt, là giải pháp thông minh thích ứng với biển đổi khí hậu, được nông dân áp dụng mang lại hiệu quả cao.

Hiệu quả từ mô hình 'con tôm ôm cây lúa'

Thời gian qua, mô hình tôm - lúa đã mang lại những hiệu quả bền vững cho người nông dân nơi vùng biển mặn huyện Thạnh Phú, Bến Tre.