Chính phủ Anh 'ăn gạch' vì thỏa thuận thương mại 'vô trách nhiệm' với Úc

Đảng Dân tộc Scotland nói rằng việc nhập khẩu miễn thuế đối với thịt bò được xử lý bằng hormone 'sẽ thể hiện sự phản bội cay đắng đối với các cộng đồng nông thôn'.

thit-bo-uc-093530_203.jpg

Nông dân Úc được phép sử dụng kích thích tố để làm cho gia súc lớn hơn. Ảnh minh họa: Alamy.

Chính phủ Anh đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội vào ngày 22/5 do lên kế hoạch ký thỏa thuận thương mại với Úc. Phản ứng gồm sự tức giận từ nông dân và các nhà bảo vệ môi trường và kêu gọi Bộ trưởng Scotland từ chức.

Các công đoàn nông dân cho rằng các đề xuất về một thỏa thuận thương mại không thuế quan và hạn ngạch bằng 0 sẽ khiến nông dân ngừng kinh doanh, trong khi các nhóm bảo vệ môi trường cho rằng việc cho phép nhập thịt bò được xử lý bằng hormone của Úc sẽ vi phạm các cam kết trong tuyên ngôn của Đảng Bảo thủ.

Đảng Dân tộc Scotland (SNP) kêu gọi ngoại trưởng Scotland Alister Jack, "chống lại hoặc từ chức" nếu không đứng lên bảo vệ nông dân.

Ian Blackford, lãnh đạo đảng SNP ở Westminster, đã viết thư cho Jack, nói rằng thỏa thuận sẽ “đặt ra một giới hạn thời gian đối với tương lai sinh kế nông nghiệp trên khắp các hòn đảo này”, và cũng sẽ ảnh hưởng không tương xứng đến nông dân Scotland và những người trồng trọt.

“Một thỏa thuận thương mại như vậy sẽ thể hiện sự phản bội cay đắng đối với các cộng đồng nông thôn, phá hoại và cắt giảm ngành nông nghiệp của chúng ta và sẽ là một mối đe dọa thực sự đối với khả năng tồn tại trong tương lai”, Blackford viết. "Nếu quan điểm của Jack bị nội các phớt lờ, thì lựa chọn đáng tin cậy duy nhất của ngài là làm rõ rằng sẽ từ chức”.

Những người phản đối nền độc lập của Scotland lo sợ rằng tranh cãi về vấn đề nông nghiệp có thể thúc đẩy sự ủng hộ cho một cuộc trưng cầu dân ý mới ở các vùng nông thôn, nơi trước đây đã có sự ủng hộ của liên minh.

Các nhà lãnh đạo nông nghiệp đã rất ngạc nhiên trước tin tức rằng Liz Truss, Bộ trưởng Thương mại, sẽ đề nghị với người đồng cấp của mình ở Canberra một thỏa thuận với thời gian chuyển đổi kéo dài 15 năm dẫn đến thương mại tự do không bị ràng buộc, mà không có sự bảo vệ mà nông dân yêu cầu.

Các bộ trưởng đang hướng tới việc thỏa thuận được ký kết trước Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Cornwall vào ngày 11/6.

Minette Batters, Chủ tịch Liên minh Nông dân Quốc gia, cho biết “vô cùng thất vọng” khi chính phủ đã không nói với nông dân về các đề xuất “hoàn toàn vô trách nhiệm” và họ nên cung cấp thông tin chi tiết một cách khẩn cấp.

“Điều vô cùng lo ngại là chính phủ đang trong giai đoạn 'chạy nước rút' để ký kết một thỏa thuận thương mại với Úc, điều này sẽ có tác động nghiêm trọng đến hoạt động nông nghiệp của Anh và dường như sẽ mang lại rất ít lợi ích cho nền kinh tế”, bà nói.

“Thủ tướng và chính phủ của ông ấy đã cam kết phát triển đất nước. Đồng ý với một thỏa thuận thương mại miễn thuế với một nhà xuất khẩu nông sản lớn, không có các biện pháp bảo vệ hoặc cơ chế rà soát, sẽ hoàn toàn ngược lại với cam kết đó và khiến các vùng nông thôn nước Anh bị thụt lùi", Batters bổ sung.

Bộ Thương mại quốc tế (DIT) ước tính rằng GDP của Vương quốc Anh sẽ tăng 0,025% trong 15 năm tới nhờ thỏa thuận.

Bộ trưởng Truss đã hội đàm với Bộ trưởng Thương mại của Úc Dan Tehan và được cho là đã đưa ra phác thảo đề xuất của Vương quốc Anh. Bà đã giành được sự ủng hộ của Thủ tướng trong cuộc họp nội các vào hôm 20/5 sau khi dường như thắng thế trước Bộ trưởng Môi trường George Eustice và Bộ trưởng Văn phòng Nội các Michael Gove.

Năm ngoái, các nhóm môi trường và nông dân đã dành nhiều tháng để vận động các bộ trưởng và nhấn mạnh rằng các thỏa thuận thương mại không được làm ảnh hưởng đến các tiêu chuẩn thực phẩm hoặc phúc lợi động vật. Vào tháng 11, hai bộ trưởng Eustice và Truss đã cam kết chung không cho phép nhập khẩu thịt bò đã qua xử lý hormone hoặc thịt gà khử trùng bằng clo như một phần của bất kỳ thỏa thuận thương mại nào.

Nông dân Úc được phép sử dụng kích thích tố để làm cho gia súc lớn hơn, và do đó thịt của họ phải chịu lệnh cấm nhập khẩu của EU.

Tanya Steele, Giám đốc điều hành của Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên WWF, cảnh báo chính phủ không được quên nghĩa vụ của mình về khí hậu trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Cop26 vào cuối năm nay.

“Vội vã để phù hợp với những nước tụt hậu về khí hậu và thiên nhiên - mà không đảm bảo duy trì các tiêu chuẩn cốt lõi - đưa các tiêu chuẩn sản xuất thấp hơn lên kệ hàng của chúng ta, và có nguy cơ xuất khẩu ảnh hưởng đến môi trường hơn là giảm bớt nó”, bà nói.

Những người ủng hộ đề xuất thương mại, chẳng hạn như Thượng nghị sĩ Daniel Hannan, đã đưa ra triển vọng rằng nông dân sẽ nhận được trợ cấp để duy trì hoạt động. Không phải tất cả nông dân đều hào hứng với ý tưởng thay đổi vai trò của họ từ nhà sản xuất thực phẩm thành người trông coi công viên.

Tim Bonner, Giám đốc điều hành của Liên minh Nông thôn, nói rằng chính phủ mong muốn nông dân quản lý nông thôn và giải quyết khủng hoảng khí hậu, nhưng các trang trại cần phải có lãi để làm điều này.

“Nếu các thỏa thuận thương mại làm tăng cạnh tranh và do đó làm giảm giá hàng hóa theo thời gian, thì người nông dân sẽ yêu cầu hỗ trợ và bồi thường bổ sung để cung cấp hàng hóa công cộng quan trọng để đạt được các mục tiêu của chính phủ”, Bonner cho biết.

Người phát ngôn của DIT phát biểu: “Chúng tôi để cho nông dân và các nhân vật cấp cao từ khắp các ngành tham gia chặt chẽ trong tất cả các cuộc đàm phán thương mại.

Bộ trưởng thương mại đã nói chuyện với Liên minh nông dân quốc gia (NFU) trong tuần này, và các bộ trưởng cũng đã gặp các tổ chức đại diện nông nghiệp, bao gồm NFU của Scotland, để thảo luận về thỏa thuận thương mại với Úc.

Một thỏa thuận với Úc sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu cho nông dân của chúng ta và bao gồm các biện pháp bảo vệ cho ngành nông nghiệp, đồng thời đảm bảo nông dân không bị cắt giảm và các tiêu chuẩn cao mà chúng tôi đưa ra không bị ảnh hưởng”.

Nguồn: https://nongnghiep.vn/chinh-phu-anh-an-gach-vi-thoa-thuan-thuong-mai-vo-trach-nhiem-voi-uc-d291777.html

Bình luận

FAO: Giá lương thực, thực phẩm thế giới giảm trong tháng 4/2022

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) ngày 6/5 thông báo giá lương thực thực phẩm thế giới giảm trong tháng 4/2022 sau khi tăng vọt trong tháng trước đó, dẫn đến giá dầu thực vật và ngũ cốc giảm.

Cần sa đang là cây trồng lợi nhuận thứ 5 ở Mỹ

Với mục đích phục vụ tiêu khiển hiện đã hợp pháp ở 18 bang, cần sa đang là một loại cây hái ra tiền của nông dân và có lợi nhuận chắc chắn tại Mỹ.

Thiếu thức ăn chăn nuôi, Thái Lan hủy lệnh kiểm soát nhập khẩu

Bộ Thương mại Thái Lan vừa đề xuất chính phủ hàng loạt các giải pháp mới nhằm tăng cường nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong thời gian 3 tháng.

Xuất hiện trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm H3N8 đầu tiên trên người

Ủy ban Y tế Trung Quốc xác nhận, lần đầu tiên chủng virus cúm gia cầm H3N8 đã được phát hiện ở người, tại tỉnh Hà Nam, miền Trung nước này.

Vì sao rừng già quan trọng?

Rừng già vừa là điểm nóng sinh thái, vừa cung cấp nước sạch cho con người và là nguồn hút carbon chính giúp chống biến đổi khí hậu.

Giá lương thực tăng vọt có thể để lại hậu quả rất lớn

Một khi không ai có thể biết được cuộc xung đột Nga- Ukraine còn kéo dài bao lâu, các tác động của nó đến phần còn lại của thế giới là sẽ rất nghiêm trọng.

Từ 28/4, Indonesia sẽ cấm xuất khẩu dầu cọ thô và dầu ăn

Bộ Công Thương cho biết, theo tuyên bố của Tổng thổng Indonesia Joko Widodo (Jokowi) vào chiều ngày 24/4/2022, kể từ ngày 28/4/2022 tới đây, nước này sẽ cấm xuất khẩu toàn bộ dầu cọ thô (CPO) và dầu ăn với thời hạn cấm không xác định.

Phân bón truyền thống 'đánh bại' phân bón công nghiệp

Trong cuộc thử nghiệm kiểm tra sức khỏe đất mang tính “đối đầu” giữa phân bón công nghiệp và phân bón truyền thống cho thấy, lối cũ khiến đất đai trở nên màu mỡ hơn.

Đài Loan cấm nhập thuốc trừ sâu chứa hoạt chất chlorpyrifos

Tất cả các sản phẩm thuốc trừ sâu có chứa hoạt chất chlorpyrifos, được cho là gây hại đến hệ thần kinh của trẻ nhỏ sẽ được Đài Loan cấm nhập khẩu và sản xuất.

Các vựa sản xuất lương thực lớn không chỉ lo phân bón

'Hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá về thị trường phân bón thế giới ảnh hưởng đến mùa vụ năm nay, nhưng có rất nhiều yếu tố khác khiến nông dân phải lo lắng'.