Cơ cấu xuất khẩu gỗ giữa Việt Nam và Trung Quốc thay đổi rất mạnh
Cơ cấu xuất khẩu của các nhóm hàng gỗ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc có sự thay đổi, doanh nghiệp Việt bị cạnh tranh trên sân nhà.
Xuất khẩu các sản phẩm gỗ, gỗ tròn, gỗ xẻ giảm mạnh trong khi ván bóc và dăm gỗ tăng mạnh. Ảnh: Cao Cẩm
Xuất khẩu gỗ ván bóc và dăm tăng mạnh
Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu thuộc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) và Tổ chức Forest Trends dựa trên số liệu của Tổng cục Hải quan, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu gỗ từ Việt Nam sang Trung Quốc có nhiều thay đổi trong thời gian gần đây. Các mặt hàng như sản phẩm gỗ, gỗ tròn, gỗ xẻ giảm mạnh trong khi ván bóc và dăm gỗ tăng mạnh. Trong đó, sản phẩm ván bóc xuất khẩu của Việt Nam đã tăng đột biến đến 126% trong năm 2020 so với 2019; đặc biệt, chỉ riêng 9 tháng năm 2021, lượng xuất khẩu của mặt hàng này đã tăng trên 116% so với tổng lượng xuất của cả năm 2020.
Từ năm 2019 đến nay, tỉ trọng xuất khẩu dăm gỗ cũng tăng cao. “Năm 2020 tỉ trọng xuất khẩu mặt hàng này chiếm trên 81% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tất cả các mặt hàng, tăng gần 10% so với tỉ trọng của năm 2018. Trong 9 tháng năm 2021, tỉ trọng xuất khẩu dăm gỗ có giảm so với mức của năm 2020, nhưng không đáng kể” – TS Tô Xuân Phúc – chuyên gia phân tích Tổ chức Forest Trends thông tin.
Trong khi tỉ trọng xuất khẩu mặt hàng ván bóc tăng rất mạnh (từ 2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2018 lên 7% năm 2020 và đạt 12% trong 9 tháng đầu 2021), thì tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu của sản phẩm gỗ giảm mạnh, từ gần 16% trong tổng kim ngạch xuất khẩu giảm xuống còn 8% trong năm 2020 và chỉ còn dưới 6% trong 9 tháng 2021.
Ở chiều ngược lại, các mặt hàng gỗ Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc đa dạng hơn các mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu sang quốc gia này.
Trừ mặt hàng gỗ tròn, các mặt hàng nhập khẩu còn lại có sự tăng trưởng rất nhanh trong thời gian vừa qua. Ba mặt hàng có lượng nhập tăng nhanh nhất là gỗ dán, ván bóc/lạng và ván sợi.
Thặng dư thương mại gỗ của Việt Nam đang giảm
Theo Viforest, trong thời gian qua, thặng dư thương mại gỗ của Việt Nam luôn ở vị thế xuất siêu. Tuy nhiên, gần đây quy mô của thặng dư đang dần bị thu hẹp, giá trị kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc từ năm 2018 đến nay có dấu hiệu giảm, trong khi kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng gỗ vào Việt Nam từ thị trường này đang tăng rất mạnh. Nếu động lực xuất - nhập khẩu giữa 2 quốc gia duy trì như hiện nay, cán cân thương mại sẽ đạt tới vị trí cân bằng trong tương lai không xa.
“Điều đáng nói là, ở chiều xuất khẩu, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là nhóm gỗ nguyên liệu. Doanh nghiệp Việt Nam đang bị cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc tại ngay sân nhà. Cần có các cơ chế, chính sách mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt” – TS Tô Xuân Phúc khuyến cáo.
Viforest cũng cho hay, xuất khẩu mặt hàng ván bóc sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây. Ván bóc được làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất các loại ván. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp chế biến trong nước đang gặp nhiều khó khăn và rủi ro khi thu mua nguyên liệu. Nguyên nhân bởi đang có sự cạnh tranh trực tiếp giữa các doanh nhân Trung Quốc và các đơn vị thu mua ván bóc của Việt Nam tại chính thị trường Việt Nam. Mạng lưới thương nhân Trung Quốc hiện đã phủ tới các xưởng ván bóc ở các tỉnh phía Bắc như Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ… để thu mua nguyên liệu, gây khó khăn về nguyên liệu cho các đơn vị thu mua của Việt Nam.
Ở chiều Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc, các mặt hàng chủ lực bao gồm ván bóc/ván lạng, sản phẩm gỗ và gỗ dán là nhóm mặt hàng tiềm ẩn rủi ro về tính pháp lý và nguồn gốc xuất xứ. Các loại ván bóc/ván lạng nhập khẩu này chủ yếu được làm từ các loài gỗ như bạch dương có nguồn gốc từ Nga, 1 số nước Châu Âu, Mỹ; gỗ okoume có nguồn gốc từ Châu Phi và gỗ bintangor hoặc trám hồng… Các mặt hàng này nhập khẩu vào Việt Nam được sử dụng làm lớp mặt cho các loại ván, sau đó được đưa vào sản xuất gỗ dán để xuất khẩu sang các thị trường như Hàn Quốc, Ấn Độ, hoặc chế biến tạo sản phẩm như tủ, bàn ghế xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU và để sản xuất sản phẩm phục vụ thị trường trong nước.
Tuy nhiên, các mặt hàng này ẩn chứa các rủi ro pháp lý về nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào mà Tổ chức Forest Trends và Viforest đã nhiều lần khuyến nghị các doanh nghiệp nhập khẩu.
Nguồn: Theo báo Lao động
Tôm rộng đường sang thị trường Trung Quốc
Trong khi nhiều nông sản xuất sang Trung Quốc đang gặp khó do chính sách "Zero Covid" của nước bạn thì xuất khẩu tôm lại tăng rất mạnh.
Đẩy mạnh xuất khẩu trà và cà phê sang thị trường Trung Quốc
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rất tiềm năng cho nhiều mặt hàng của Việt Nam, trong đó có nhóm hàng đồ uống.
Thủy sản thích ứng tốt với "zero Covid"
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 4 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản ước đạt 3,6 tỉ USD, tăng tới hơn 44,5% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu hoa tươi Việt Nam bắt đầu có chỗ đứng ở Nhật Bản
Năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hoa tươi của Nhật Bản là 65,3 tỷ yen (tương đương 528 triệu USD) trong đó nhập khẩu hoa tươi từ Việt Nam là 45 triệu USD.
Xuất khẩu nông sản: Bộ Công Thương khuyến cáo điều gì?
Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, Bộ Công Thương cho rằng cần sớm chuyển xuất khẩu sang chính ngạch, tức là tuân thủ toàn bộ các quy định của nước nhập khẩu.
Hàng trong nước ế ẩm, rau quả nhập khẩu vẫn tăng
Chỉ trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập 562,1 triệu USD rau quả, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu thủy sản tăng mạnh
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), tháng 4/2022, xuất khẩu thủy sản đạt hơn 1 tỷ USD với mức tăng trưởng 41% so với cùng kỳ năm 2021.
Nông sản Việt mở rộng thị trường xuất khẩu
Trong xu thế phục hồi các ngành kinh tế, xuất khẩu nông sản của Việt Nam tiếp tục cho thấy đà tăng trưởng ấn tượng với mức tăng gần 16% so với 4 tháng đầu năm 2021. Đây cũng là thời điểm, Việt Nam tìm cách mở rộng thị trường, đẩy mạnh việc xuất khẩu.
Thị trường Trung Quốc và Mỹ là động lực chính cho xuất khẩu thuỷ sản quý II
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), tháng 4/2022, xuất khẩu thuỷ sản tiếp tục mang về trên 1 tỷ USD với mức tăng trưởng mạnh mẽ 41% so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu hạt tiêu sang thị trường EU quý I tăng 92,9%
Hiệp định EVFTA đang được các doanh nghiệp tận dụng hiệu quả khi kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu sang thị trường EU trong Quý I/2022 tăng 92,9%.
Bình luận